Xét ở góc độ lập pháp, việc phân biệt các loại giao dịch này giúp cho nhà làm luật có thể xây dựng các quy chế pháp lí thích họp điều chỉnh từng loại giao dịch.
Để có được máy móc, thiết bị phục vụ cho nhu cầu kinh doanh hoặc sinh hoạt, ngoài việc tham gia vào giao dịch cho thuê tài chính, người có nhu cầu sử dụng máy móc, thiết bị có thể có được tài sản đó bằng những cách khác nhau như mua tài sản bằng vốn tín dụng hoặc bằng vốn tự có, hoặc thuê tài sản. Trong mục này, chúng ta sẽ xem xét sự giống nhau và khác nhau giữa các giao dịch này cũng như các ưu thế của cho thuê tài chính.
Nghiên cứu về bản chất của cho thuê tài chính cho thấy, hoạt động này vừa mang dáng dấp của giao dịch cho vay vừa mang dáng dấp của giao dịch cho thuê tài sản, tuy nhiên, cho thuê tài chính có những điểm khác biệt với cả hai loại giao dịch này.
Cho thuê tài chính và cho vay để mua tài sản đều là hai hoạt động tài trợ vốn nhưng chúng có những điểm không tưong đồng. Điểm khác biệt cơ bản giữa hai hoạt động này là ở quyền sở hữu tài sản được hình thành từ nguồn vốn tài trợ. Trong hoạt động cho thuê tài chính, công ti cho thuê giữ lại quyền sở hữu tài sản cho thuê và thu tiền trích khấu hao tài sản cho thuê. Khi hết thời hạn hợp đồng, bên thuê có quyền lựa chọn giữa việc tiếp tục thuê hoặc mua lại tài sản theo giá trị còn lại của tài sản. Trong hoạt động cho vay để mua tài sản, bên đi vay không những có quyền sử dụng mà cả quyền sở hữu tài sản hình thành từ vốn vay và có quyền giữ lại tiền trích khấu hao tài sản đó; còn bên cho vay có quyền đòi lại cả gốc và lãi vốn cho vay.
Hoạt động cho thuê tài chính còn có những lợi thế nhất định so với hoạt động cho vay để mua tài sản, nhìn từ góc độ củạ bên thuê.
Thứ nhất, đối với cho thuê tài chính, tài sản thuê thường cũng chính là tài sản đảm bảo cho giao dịch cho thuê tài chính; trong khi đối với cho vay, người đi vay thường phải có tài sản bảo đảm trả nợ vay.
Thứ hai, trong cho thuê tài chính, kết thúc hợp đồng thuê, bên thuê nếu muốn, có thể chuyển giao lại tài sản đã thuê cho bên cho thuê cùng tất cả những rủi ro do sự lỗi thời (hao mòn vô hình) của tài sản thuê đem lại. Ngược lại, ở các giao dịch cho vay để mua máy móc, thiết bị, người đi vay, với tư cách là chủ sở hữu tài sản hình thành từ vốn vay, phải tự mình gánh chịu tất cả rủi ro do sự mất giá của máy móc, thiết bị đó.
Thứ ba, trong các giao kết hợp đồng cho thuê tài chính, vấn đề đặt cọc, bảo lãnh thường được đưa vào điều khoản tuỳ nghi mà hai bên có thể thoả thuận. Bên cho thuê có thể yêu cầu một khoản tiền đặt cọc nhỏ hoặc thậm chí không yêu cầu tiền đặt cọc nhưng sẽ tài trợ toàn bộ chi phí để mua được tài sản đó cho khách hàng của mình thuê. Khoản tiền này dự tính sẽ được bên thuê trả dần trong suốt thời hạn hiệu lực của hợp đồng. Bên thuê thường lựa chọn mua tài sản với giá bằng giả trị còn lại của tài sản khi kết thúc hợp đồng thuê. Trong khi đó, khi kí kết hợp đồng tín dụng, bên vay thường phải có tài sản làm đảm bảo nợ hoặc phải có bảo lãnh của bên thứ ba.
Cho thuê tài chính (finance lease) khác với cho thuê tài sản thực (true lease). Trong quan hệ cho thuê tài chính, tổng số tiền bên thuê đồng ý trả cho bên cho thuê trong suốt thời hạn thuê ít nhất phải bằng hoặc lớn hơn giá trị của tài sản thuê, tức là tối thiểu phải tương đương với vốn đầu tư mua tài sản để cho thuê, bên thuê có quyền lựa chọn hoặc có nghĩa vụ mua lại tài sản thuê khi hết hạn hợp đồng. Trường hợp mua lại tài sản thuê, giá mua thường nhỏ hơn giá trị còn lại của tài sản. Trong quan hệ cho thuê tài sản thực, bên thuê không phải trả tổng số tiền thuê tương đương hoặc vượt quá giá trị của tài sản thuê. Tiền thuê thường được xác định căn cứ vào nhiều yếu tố như công suất của máy, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm sản xuất ra... Ngoài ra, quyền lựa chọn hoặc nghĩa vụ mua lại tài sản thuê không được đặt ra trong loại giao dịch này.
Cuối cùng, thuê tài chính hiển nhiên là có lợi thế hơn so với mua tài sản bằng vốn tự có của người có nhu cầu sử dụng tài sản. Lợi thế này đem lại cho cả bên cho thuê và bên thuê. Đối với bên cho thuê (công ti cho thuê tài chính), cho thuê tài chính là cách thức tài trợ vốn tương đối hấp dẫn, có khả năng thuyết phục được người tiêu dùng thuê tài sản mà họ không muốn hoặc không có khả năng mua bằng tiền mặt. Hơn nữa, công ti cho thuê tài chính còn có quyền lấy lại tài sản bất cứ lúc nào trong suốt thời hạn hợp đồng nếu bên thuê không có khả năng trả nợ từng phần theo hợp đồng. Vì vậy, về nguyên tắc, bên cho thuê ít phải gánh chịu rủi ro. Ngoài ra, bên cho thuê còn có thể có lợi về phương diện thuế khi cho thuê tài sản thay vì bán tài sản đó. Đối với bên thuê, việc thuê tài sản trong khoảng thời gian thoả thuận không đòi hỏi một khoản tiền mặt lớn tại thời điểm kí kết hợp đồng và chuyển giao tài sản (có thể chỉ cần một khoản tiền đặt cọc nhỏ hoặc thậm chí không cần tuỳ theò sự thoả thuận của các bên) như trường hợp mua tài sản. Khi hết hạn hợp đồng, nểu muốn, bên thuê có thể trả lại tài sản thuê cho công ti cho thuê tài chính.
Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến luật ngân hàng, hoạt động ngân hàng về cho thuê tài chính, Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật ngân hàng trực tuyến. Đội ngũ luật sư luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc của Bạn.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật ngân hàng - Công ty luật Minh Khu