Luật sư tư vấn:

1. Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự là gì?

Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự là một trong những cơ quan của hệ thống tổ chức thi hành án hình sự. Bộ phận của cơ quan này bao gồm:

- Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu (sau đây gọi là trại tạm giam);

- Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương (sau đây gọi là đơn vị quân đội).

 

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của trại tạm giam.

Theo quy định tại Điều 18, Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về nhiệm vụ quyền hạn của trại tạm giam:

Điều 18. Nhiệm vụ, quyền hạn của trại tạm giam trong thi hành án hình sự

1. Trực tiếp quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân chấp hành án tại trại tạm giam theo quy định của Luật này.

2. Lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân.

3. Cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, giấy chứng nhận tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân chấp hành án tại trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng.

4. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.

Theo quy định trên, trại tạm giam được giao những nhiệm vụ như: Trực tiếp quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân chấp hành án tại trại tạm giam; Trong trường hợp phạm nhân có ý thức cải tạo tốt, có nhiều tiến bộ và thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, nhiệm vụ của trại tạm giam là cần lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Hay đối với trường hợp người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, trại tạm giam cũng lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét để có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt cho phạm nhân.

Về vấn đề Cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, giấy chứng nhận tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân chấp hành án tại trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, Điều 46 Luật THAHS 2019 quy định: "Hai tháng trước khi phạm nhân hết thời hạn chấp hành án phạt tù, trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành xong án phạt tù về cư trú, làm việc, Bộ Ngoại giao trong trường hợp phạm nhân là người nước ngoài."

 

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND xã.

Theo quy định tại Điều 19 Luật thi hành án hình sự 2019, Ủy ban nhâ dân cấp xã có một số nhiệm vụ, quyền hạn sau:

Điều 19. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án hình sự

1. Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân; quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; kiểm soát, giáo dục người chấp hành án phạt quản chế.

2. Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Công an cấp xã) tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Đối với huyện không có đơn vị hành chính cấp xã thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, đối với những trường hợp được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân; quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện,... thì ủy ban nhân dân cấp xã phải thực hiện nhiểm vụ giám sát, giáo dục. Bởi lẽ, đối với người được hưởng án treo, Nếu không có sự giám sát trực tiếp, sát sao kịp thời của cá nhân người được giao trực tiếp, giáo dục thì không thể phát hiện người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ và không đảm bảo việc thi hành án treo theo đúng luật quy định. Chỉ khi có người trực tiếp giám sát, giáo dục bản thân người được hưởng án treo sẽ có ý thức thực hiện nghĩa vụ của mình được quy định trong luật thi hành án hình sự, ngăn ngừa người được hưởng án treo tái phạm hoặc lợi dụng sự lơi lỏng để vi phạm pháp luật.

Qua thực tiễn cho thấy, trong thời gian ban đầu khi thi hành án người được hưởng án treo rất dễ tái phạm hoặc vi phạm nghĩa vụ vì thời gian này người chấp hành án chưa được cải tạo, giáo dục và rất khó hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, UBND cấp xã, được giao giám sát, giáo dục cần phải nhanh chóng kịp thời phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục ngay sau khi nhận hồ sơ thi hành án của Cơ quan thi hành án Công an cấp huyện, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu. Việc chậm ra Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục không chỉ ảnh hưởng đến công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, ngăn ngừa người được hưởng án treo tái phạm mà còn ảnh hưởng đến việc đánh giá không chính xác điều kiện rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo theo quy định tại khoản 4 Điều 65 Bộ luật hình sự.

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900 6162

 

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quân đội.

Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quân đội được quy định tại Điều 20 Luật thi hành án hình sự 2019, cụ thể như sau:

Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quân đội trong thi hành án hình sự

Đơn vị quân đội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân; quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Trách nhiệm và nhiệm vụ của người trực tiếp giám sát, giáo dục là rất quan trọng trong việc đảm bảo công tác thi hành án được thực hiện đúng pháp luật. Bản án của tòa án thực sự nghiêm minh, có tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật khi người được hưởng án treo có nhiều tiến bộ, ăn năn, hối cải hay không phần lớn là do quá trình giám sát, giáo dục tại địa phương phải thực sự có hiệu quả mà vai trò của người trực tiếp giám sát, giáo dục rất quan trọng.

Cùng với UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục phải ra quyết định phân công người giám sát, giáo dục đối với nhứng người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ trong luật quy định như đi khỏi nơi cư trú từ 01 ngày không khai báo tạm vắng, đi khỏi nơi cư trú từ 03 tháng đến 06 tháng không có nhận xét của Công an nơi người đó đến cư trú... thường được bỏ qua hoặc không bị phát hiện.

 

5. Đánh giá một số điểm mới về nhiệm vụ, quyền hạn của những cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS

Thứ nhất, Đối với trại tạm giam: So với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có một số chỉnh sửa, bổ sung về nhiệm vụ, quyền hạn của trại tạm giam, cụ thể là:

- Bổ sung trại tạm giam có các thẩm quyền: Lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân; cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, giấy chứng nhận tha tù trước thòi hạn có điều kiện cho phạm nhân chấp hành án tại trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật Thi hành án hình sự;

- Không quy định “Trại giam có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý giam giữ người bị kết án tử hình” bởi vì nhiệm vụ này đã được quy định tại Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ hai, Đối với ủy ban nhân dân cấp xã: So vối quy định của Điều 18 Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Điều 19 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 bổ sung một số’ nhiệm vụ, quyền hạn và bổ sung quy định để giải quyết trường hợp các huyện không có địa bàn hành chính cấp xã (ví dụ: Huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nắng, huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa...); cụ thể là:

- Bổ sung ủy ban nhân dân cấp xã nhiệm vụ, quyền hạn: Quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện;

-Sửa đổi nhiệm vụ “Giám sát, giáo dục ngưồi chấp hành án phạt quản chế” thành “Kiểm soát, giáo dục người chấp hành án phạt quản chế”;

- Bổ sung quy định: Đối với huyện không có đơn vị hành chính cấp xã thì Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 19.

Thứ ba, Đối vối đơn vị quân đội: Theo quy định tại Điều 20 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, đơn vị quân đội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân; quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

So với quy định tại Điều 19 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 thì đơn vị quân đội được bổ sung thẩm quyển quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện để khắc phục những khó khăn, vưống mắc về quản lý đối tượng được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

>> Tham khảo: Quy định về tái hoà nhập cộng đồng trong Luật Thi hành án hình sự năm 2019

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.