Mục lục bài viết
An toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội là những chế độ mà Nhà nước và người sử dụng lao động cần phải đảm bảo cho người lao động nói chung. Song trên cơ sở những đặc thù của lao động nữ, bên cạnh những quyền lợi chung thì pháp luật lao động vẫn có những quy định mang tính chất đặc thù hơn dành cho đối tượng này.
1. Cơ sở pháp lý về lao động nữ
- Bộ luật lao động năm 2019
- Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
2. Quy định pháp luật hiện hành về an toàn vệ sinh lao động đối với lao động nữ
Trong quan hệ lao động người lao động là chủ thể trực tiếp thực hiện các công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao đông. Họ có thể phải chấp nhận những điều kiện lao động không thuận lợi như nắng nóng, bụi bẩn, tiếng ồn và yếu tố nguy hiểm, độc hại khác. Đặc biệt lao động nữ với đặc thù về tâm sinh lý và sức khỏe thì việc đối mặt với những yếu tố nguy hiểm sẽ luôn tiềm ẩn những rủi ro. Do đó, các quy định về an toàn và vệ sinh lao động có ý nghĩa quan trong trong việc ngăn ngừa tại nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, hạn chế ốm đau và giảm sút sức khỏe cũng như những thiệt hại khác đối với lao động nữ, nhằm bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của lao động nữ, giúp họ vừa là lực lượng lao động sản xuất hiệu quả của thị trường lao động vừa có thể đảm nhận tốt vai trò làm mẹ, làm người nội trợ của gia đình.
Bộ luật lao động năm 2019 đã có các quy định chung về lĩnh vực này cho người lao động như trách nhiệm tuân thủ an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động, người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lao động, sản xuất, kinh doanh (Điều 132), trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng, quyết định chương trình an toàn, vệ sinh lao động (Điều 133), trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện đầy đủ các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, kể cả việc tổ chức khám sức khỏe cho người lao động và trách nhiệm của người lao động trong việc chấp hành quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động, tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc (Điều 134).
Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam cũng có những quy định riêng về an toàn và vệ sinh lao động cho nữ giới để phù hợp với đặc điểm riêng biệt của lao động nữ. Hiện nay, Bộ luật lao động 2019 đã quy định về dnah mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con của lao động nữ. Nội dung chi tiết được thể hiện tại Phụ lục kèm theo THông tu 10/2020/TT-BLĐTBXH. Theo đó, có 55 nghề, công việc ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con của lao động nữ như đốt lò luyện cốc, khoan thăm dò, khoan nổ mìn, bắn mìn, các công việc trên tàu đi biển... và 38 nghề, công việc ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con đối với lao độn nữ trong thời gian có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi như tuyển khoáng chì; cán, kéo, dập sản phẩm chì, mạ chì; công việc phải ngâm mình dưới nước bẩn... Thông tư cũng yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện công khai để người lao động biết về những công việc này và cung cấp đầy đủ thông tin về tác hại cũng như các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại của công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con để người lao động lựa chọn, quyết định làm việc; thực hiện khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp và bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật, khi sử dụng người lao động làm công việc đó. Đồng thời, lao động nữ cũng có trách nhiệm tìm hiểu kỹ về công việc để xem xét, quyết định việc giao kết, sửa đổi, bổ sung và thực hiện hợp đồng lao động theo quy định và tuân thủ các quy định pháp luật vè an toàn, vệ sinh lao động khi thực hiện công việc theo hợp đồng lao động.
Hơn nữa, để đảm bảo môi trường làm việc thuận lợi cho lao động nữ cũng như tạo điều kiện cho lao động nữ yên tâm làm việc thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm "bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc (khoản 3 Điều 136). Tuy nhiên quy định này cong mang tính chung chung, chưa cụ thể thế nào là "có đủ" và "phù hợp với nơi làm việc" nên sẽ khó đảm bảo thi hành trên thực tế. Và thực tế thì quy định này phù hợp với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, có nhà máy ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế hơn là các đơn vị sử dụng lao động tại các tòa nhà dịch vụ được thiết kế sẵn về công trình phụ.
Ngoài ra, người sử dụng lao động cùng với Nhà nước có trách nhiệm "giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻm lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động" (khoản 4 Điều 136). Với quy định này đã xác lập cơ chế cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và người sử dụng lao động trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho con của người lao động nhằm thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo các điều kiện cho người lao động (cả lao động nam và lao động nữ) nuôi con nhỏ yên tâm làm việc. Với cơ chế này, các cơ quan địa phương có cơ sở pháp lý vững chắc để phối hợp với người sử dụng lao động nhằm thực hiện quyết liệt chính sách tổ chức nhà trả, mẫu giáo cho con của người lao động tại khu làm việc.
Về phương tiện bảo hộ cho người lao động, nội dung này được ghi nhận tại Thông tư 04/2014/TT-BLĐTBXH. Nhìn chung đa số các quy định này đều áp dụng cho mọi đối tượng người lao động gồm cả nam và nữ. Tuy nhiên, nhà làm luật chưa đề cập tới việc thiết kế, trang bị phương tiện bảo hộ lao động cá nhân phải thích hợp với cấu tạo cơ thể phụ nữ. Toàn bộ Thông tư, có duy nhất một yêu cầu đó là người sử dụng lao động phải trang bị thêm khăn choàng chống bụi, nắng nóng (1,2m x 0.8m) cho lao động nữ đối với ngành khai thác và xây dựng mỏ; chuyên đổ đầu tầng, xúc lên gòng và đẩy gòng xúc lên ô tô, lên toa tàu; san lấp, thu dọn, dồn đống, vận chuyển ở kho bãi chứa khoáng sản. Còn tất cả các nghề còn lại khi trang bị phương tiện bảo hộ đều dùng chung cho cả lao động nam và lao động nữ.
Nhìn chung,, hiện nay, việc đảm bảo an toàn cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng đã có một số chuyển biến. Các doanh nghiệp đã thực hiện tổ chức huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho công nhân viên; các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra giám sát công tác vệ sinh, an toàn lao động.
Như vậy, các quy định hiện hành về an toàn vệ sinh lao động cho lao động nữ đã có một số thay đổi tích cực như tạo điều kiện cho họ tham gia vào các ngành nghề mà trước bị cấm khi có đầy đủ thông tin và điều kiện bảo hộ, đảm bảo, hỗ trợ việc gửi trẻ/tổ chức nhà trẻ, phòng vệ sinh/phòng tắm tại nơi làm việc.... Điều này đã tạo niềm tin và sự yên tâm của lao động nữ khi tham gia vào quan hệ lao động. Tuy nhiên đẻ đảm bảo tính khả thi của các quy định này trên thực tế cũng cần phải nghiên cứu và ban hành thêm các biện pháp/chính sách/hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động cho lao động nữ, đồng thời quyết liệt hơn trong việc kiểm tra xử lý vi phạm.
3. Pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ
Bảo hiểm xã hội là một chính sách lớn mang tính xã hội rộng rãi và có ý nghĩa lớn đối với Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động. Các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ đã góp phần ổn định cuộc sống cho bản thân họ hoặc gia đình khi gặp khó khăn do bị mất hoặc giảm thu nhập. Về chính sách bảo hiểm đối với lao động nữ theo quy định pháp luật hiện hành gồm:
3.1 Chế độ nghỉ chăm sóc con ốm
Đây là một trong những quyền lợi của lao động nữ được quy định trong chế độ bảo hiểm xã hội ốm đau. Điều 141 Bộ luật lao động 2019 quy định: Lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội có con dưới 7 tuổi bị ốm đau sẽ được nghỉ việc để chăm sóc con ốm và trong thời gian đó hưởng bảo hiểm xã hội. Đồng thời Điều 27 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau như sau: Thời gian tối đa được nghỉ việc và hưởng bảo hiểm xã hội là 20 ngày trong 01 năm nếu con dưới 03 tuổi; 15 ngày trong 01 năm nếu con từ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi. Trường hợp cùng một thời gian, lao động nữ có từ 02 con trở lên dưới 07 tuổi bị đau ốm thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đây được tính bằng thơi fgian thực tế người lao động nghỉ việc chăm sóc con ốm đau và tối đa không quá thời gian quy định tại Điều 27 Luật bảo hiểm xã hội 2014. Trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội thì chỉ một người được hưởng bảo hiểm với chế độ này. Mức trợ cấp bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau là mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
3.2 Chế độ trợ cấp thai sản
Đối với việc khám thai, Điều 32 và điểm a khoản 1 Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về số lần lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai là 05 lần, mỗi lần 01 ngày, trường hợp ở xã cơ sở khám bệnh, chữa bênh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai và mức hưởng một ngày trong trường hợp này bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.
Đối với việc thực hiện các biện pháp tránh thai, Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 ghi nhận: Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và tối đã không quá 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai và 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
Đối với việc sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý. Điều 33 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Trong trường hợp này lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và không quá 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi, 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi, 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi và 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên. Trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày và mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Đối với việc sinh con, Điều 139 Bộ luật lao động 2019 quy định thời gian nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng, thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Đối với việc mang thai hộ, thì thực hiện theo quy định taị Điều 35 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
3.3. Chế độ hưu trí
Lao động nữ được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi có đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng bảo hiểm xã hội thực hiện theo quy định tại Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 sửa đổi tại Điều 219 Bộ luật lao động 2019.
Có thể thấy rằng Bộ luật lao động năm 2019 đã cho thấy một sự nỗ lực của nhà làm luật trong việc chuyển dần mục tiêu bình đẳng giới từ bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ sang vấn đề bình đẳng giới thực chất, đồng thời có nhiều sửa đổi để đáp ứng được yêu cầu cam kết quốc tế đặt ra và nhu cầu thực tiễn sử dụng lao động nữ. Điều này góp phần tạo ra sự tiến bộ đối với công bằng giới, đảm bảo lao động nam và lao động nữ có cơ hội như nhau trong tiếp cận việc làm, tuyển dụng, được đối xử bình đẳng trong trả công v à an sinh xã hội.