Phiên họp của Ủy ban nhân dân là hình thức hoạt động tập thể của Uỷ ban nhân dân.

Phiên họp của Uỷ ban nhân dân là hình thức hoạt động quan trọng nhất của Uỷ ban nhân dân thông qua đó Uỷ ban nhân dân thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn quan trọng thuộc thẩm quyền của mình do luật định. Tại các phiên họp, Uỷ ban nhân dân thảo luận tập thể và quyết định theo đa số những vấn để quan trọng do luật định. Các quyết định của Uỷ ban nhân dân phải được quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban nhân dân biểu quyết tán thành. Uỷ ban nhân dân họp thường lệ mỗi tháng một lần do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân triệu tập và chủ toạ.

Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu các tổ chức đoàn thể nhân dân ở địa phương được mời tham dự các phiên họp của Uỷ ban nhân dân cùng cấp khi bàn về vấn đề có liên quan.

Luật Minh Khuê phân tích chi tiết quy định pháp luật hiện nay về phiên họp của UBND như sau:

 

1. Phiên họp của Ủy ban nhân dân là gì?

Có thể nói, phiên họp của Ủy ban nhân dân là hình thức hoạt động quan trọng nhất của Ủy ban nhân dân, là hình thức hoạt động phổ biến mà thông qua đó Ủy ban nhân dân thực hiện được các nhiệm vụ cũng như chức năng theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, phiên họp của Ủy ban nhân dân là hình thức hoạt động theo phương thức tập thể. Theo đó, phiên họp của Ủy ban nhân dân được quy định tại Điều 113 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 31 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019. Cụ thể như sau:

– Ủy ban nhân dân họp thường kỳ mỗi tháng một lần.

– Ủy ban nhân dân họp bất thường trong các trường hợp sau đây:

+ Do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định;

+ Theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp, đối với phiên họp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ;

+ Theo yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Ủy ban nhân dân. Xem thêm: Mối quan hệ giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp.

 

2. Cụ thể các phiên họp của Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật

2.1. Phiên họp thường kỳ của Ủy ban nhân dân

Phiên họp thường kỳ của Ủy ban nhân dân là phiên họp được diễn ra theo kỳ hạn đã định trước một cách đều đặn. Nói cách khác, đó là cứ sau một thời gian nhất định thì phiên họp chắc chắn sẽ diễn ra.

Đối với mỗi địa phương khác nhau thì quy chế làm việc cũng khác nhau và những quy định liên quan đến phiên họp của Ủy ban nhân dân cũng khác nhau nhưng khi tổ chức phiên họp vẫn phải tuân theo những quy định chung theo Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 31 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019) như đã trình bày ở trên.

Theo đó, phiên họp thường kỳ của Ủy ban nhân dân được quy định cụ thể như sau:

- Triệu tập phiên họp thường kỳ của Ủy ban nhân dân

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định cụ thể ngày họp, chương trình, nội dung phiên họp.

Thành viên Ủy ban nhân dân có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp Ủy ban nhân dân, nếu vắng mặt phải báo cáo và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân đồng ý.

Phiên họp Ủy ban nhân dân chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Ủy ban nhân dân tham dự.

Chương trình, thời gian họp và các tài liệu trình tại phiên họp phải được gửi đến các thành viên Ủy ban nhân dân chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày bắt đầu phiên họp thường kỳ và chậm nhất là 01 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp bất thường.

- Trách nhiệm chủ tọa phiên họp thường kỳ của Ủy ban nhân dân

Chủ tịch Ủy ban nhân dân chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân, bảo đảm thực hiện chương trình phiên họp và những quy định về phiên họp. Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân vắng mặt, một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân phân công chủ tọa phiên họp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân chủ trì việc thảo luận từng nội dung trình tại phiên họp Ủy ban nhân dân.

- Khách mời tham dự phiên họp thường kỳ của Ủy ban nhân dân

Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân được mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân cùng cấp; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội được mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Tổ trưởng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương, đại diện các Ban của Hội đồng nhân dân được mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân cùng cấp khi bàn về các vấn đề có liên quan; Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân cùng cấp khi bàn về các vấn đề có liên quan.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới và các đại biểu khác được mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân khi bàn về các vấn đề có liên quan.

- Biểu quyết tại phiên họp thường kỳ của Ủy ban nhân dân

Ủy ban nhân dân quyết định các vấn đề tại phiên họp bằng hình thức biểu quyết. Thành viên Ủy ban nhân dân có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết. Theo đó, Ủy ban nhân dân quyết định áp dụng một trong các hình thức biểu quyết sau đây:

- Biểu quyết công khai;

- Bỏ phiếu kín.

Quyết định của Ủy ban nhân dân phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban nhân dân biểu quyết tán thành. Trường hợp số tán thành và số không tán thành ngang nhau thì quyết định theo ý kiến biểu quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

- Biên bản phiên họp thường kỳ của Ủy ban nhân dân

Các phiên họp Ủy ban nhân dân phải được lập thành biên bản. Biên bản phải ghi đầy đủ nội dung các ý kiến phát biểu và diễn biến của phiên họp, ý kiến kết luận của chủ tọa phiên họp hoặc kết quả biểu quyết.

Đối với kết quả phiên họp Ủy ban nhân dân liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân ở địa phương thì ngay sau mỗi phiên họp, Ủy ban nhân dân có trách nhiệm thông tin cho các cơ quan báo chí.

 

2.2. Phiên họp bất thường của Ủy ban nhân dân 

Phiên họp bất thường của Ủy ban nhân dân, hay còn gọi là phiên họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất là phiên họp được diễn ra để nghiên cứu, thảo luận về những vấn đề đặc biệt, chuyên nghiệp nào đó hoặc để quyết định những vấn đề bất ngờ xảy ra mà không có sự chuẩn bị từ trước.

Ví dụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định triệu tập họp bất thường đối với các vấn đề liên quan đến công việc khẩn cấp như lũ lụt, tai nạn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường,…. Hoặc Ủy ban nhân dân họp chuyên đề về lĩnh vực y tế để đánh giá về chương trình dự thảo về y tế. Từ đó đưa ra các mục tiêu, định hướng, các giải pháp về quản lý nhà nước; cơ chế, chính sách về y tế; nhân lực và chất lượng. 

Tuy nhiên, dù hình thức phiên họp bất thường là gì thì phiên họp cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật sau đây:

- Trách nhiệm của chủ tọa phiên họp bất thường của Ủy ban nhân dân

Chủ tịch Ủy ban nhân dân triệu tập phiên họp Ủy ban nhân dân, bảo đảm thực hiện chương trình phiên họp và những quy định về phiên họp. Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân vắng mặt, một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân phân công chủ tọa phiên họp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân chủ trì việc thảo luận từng nội dung trình tại phiên họp Ủy ban nhân dân.

- Thành phần tham dự phiên họp bất thường của Ủy ban nhân dân

Thành viên Ủy ban nhân dân phải tham dự đầy đủ các phiên họp của Ủy ban nhân dân. Phiên họp Ủy ban nhân dân chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Ủy ban nhân dân tham dự.

Ủy ban nhân dân mời Chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng cấp dự tất cả các phiên họp của Ủy ban nhân dân. Tuỳ theo tính chất, nội dung phiên họp, Ủy ban nhân dân mời Trưởng đoàn hoặc Phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn lao động, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân; Thủ trưởng cơ quan chuyên môn; Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân; đại diện các Ban của Tỉnh ủy, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu khác dự họp khi thảo luận về những vấn đề có liên quan.

- Hình thức làm việc tại phiên họp bất thường của Ủy ban nhân dân

Tại phiên họp, Ủy ban nhân dân quyết định các vấn đề bằng hình thức biểu quyết. Ủy ban nhân dân có hai hình thức biểu quyết là biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. Ví dụ, tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về công tác quản lý thuế; giải phóng mặt bằng; chăm lo tết cho hộ nghèo và gia đình chính sách,…

 

3. Thực tiễn thi hành các quy định pháp luật về phiên họp của Ủy ban nhân dân

Theo các quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 31 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019) về phiên họp của Ủy ban nhân dân các cấp, trong đó có quy định Ủy ban nhân dân họp thường kỳ mỗi tháng ít nhất một lần, không kể các phiên họp bất thường theo yêu cầu của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cấp trên trực tiếp, hoặc theo yêu cầu của 1/3 số thành viên Ủy ban nhân dân hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định (liên quan đến công việc khẩn cấp như lũ lụt, tai nạn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường,…).

Tuy nhiên, hiện nay tồn tại tình trạng một số Ủy ban nhân dân tổ chức nhiều cuộc họp với nội dung không cần thiết hoặc hình thức, chất lượng cuộc họp không cao, không được đảm bảo, nhiều cuộc họp vẫn còn thiếu thành phần tham gia. Vì vậy, Chính phủ cần có các quy định mẫu về quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân các cấp, trong đó xác định yêu cầu đối với việc họp và đặc biệt, trong quy định về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định họp bất thường, có trường hợp họp theo đề nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội về những việc liên quan đến các tổ chức này.

Bên cạnh đó, quy định quyết định của Ủy ban nhân dân phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban nhân dân biểu quyết tán thành cũng đang gặp phải những bất cập khi hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước nói chung, Ủy ban nhân dân các cấp nói riêng phần lớn được tuyển dụng theo cách cũ, chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn bằng cấp, chưa chú ý đến việc đáp ứng những yêu cầu về công việc của bộ máy quản lý cũng như năng lực và thành tích công tác.

Có thể nói, không ít cán bộ, công chức Ủy ban nhân dân chỉ tiếp cận thông tin trong quản lý nhà nước chủ yếu hoặc hầu như chỉ từ lãnh đạo các cơ quan chuyên môn hay UBND mà không chủ động tham khảo, cập nhật các thông tin liên quan khác, đặc biệt là các chủ trương, chính sách, pháp luật mới được ban hành. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho việc đổi mới chất lượng hoạt động của Ủy ban nhân dân chưa có chuyển biến đáng kể. Để nâng cao hiệu quả việc kiểm soát hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, cần xây dựng cơ chế kiểm tra, đánh giá năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức, trọng tâm là đánh giá cán bộ, công chức theo kết quả thực hiện công việc, tức là đánh giá căn cứ vào thành tích.

Ngoài ra, đã hoàn thiện chế độ công vụ cần nghiên cứu xây dựng Luật thanh tra công vụ nhằm tạo cơ chế pháp lý, việc xem xét toàn bộ các hoạt động bầu, tuyển dụng, bãi miễn, luân chuyển, sử dụng, đánh giá cũng như kiểm tra hoạt động của cán bộ, công chức là khâu yếu trong chế độ cán bộ, công chức hiện nay. Kỷ cương, kỷ luật và chất lượng, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức chỉ có thể được nâng lên khi hoạt động của đội ngũ này được kiểm soát một cách hiệu quả.

Mọi vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê./.