Mục lục bài viết
Thưa luật sư, hiện tại em đang là sinh viên năm 2 Học viện ngân hàng. Em có một nội dung liên quan đến quản trị trong hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần mong được luật sư giải đáp. Cụ thể nội dung em muốn hỏi đó là" Quản trị ngân hàng thương mại cổ phần là gì? Và quy định pháp luật hiện hành về hoạt động quản trị ngân hàng thương mại cổ phần như thế nào? Rất mong nhận được sự giải đáp từ luật sư. Em cảm ơn nhiều ạ! (Huy Vũ - Hà Nội)
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới công ty Luật Minh Khuê. Thắc mắc của bạn chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:
1. Cơ sở pháp lý
- Luật Ngân hàng nhà nước năm 2010
- Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi bổ sung năm 2017
- Nghị định 155/2020/NĐ-CP
- Thông tư 40/2011/TT-NHNN
- Thông tư 50/2018/TT-NHNN
- Thông tư 13/2018/TT-NHNN
2. Ngân hàng thương mại là gì? Ngân hàng thương mại cổ phần là gì?
Khoản 2, 3 Điều 2 Thông tư 40/2011/TT-NHNN giải thích:
Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng nhằm mục tiêu lợi nhuận.
Ngân hàng thương mại cổ phần là ngân hàng thương mại được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần.
3. Quản trị ngân hàng thương mại cổ phần là gì?
Khoản 1 Điều 2 Nghị định 71/2017/NĐ-CP giải thích:“Quản trị công ty là hệ thống các nguyên tắc, bao gồm: a) Đảm bảo cơ cấu quản trị hợp lý; b) Đảm bảo hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát; c) Đảm bảo quyền lợi của cổ đông và những người có liên quan; d) Đảm bảo đối xử công bằng giữa các cổ đông; đ) Công khai minh bạch mọi hoạt động của công ty”.
Theo đó có thể hiểu quản trị ngân hàng thương mại cổ phần là toàn bộ các nguyên tắc điều chỉnh mối quan hệ giữa các bộ phận trong cơ cấu tổ chức, mối quan hệ giữa các cổ đông với những người có liên quan nhằm thực hiện một cách có hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành ngân hàng, bảo vệ công bằng và hợp lý quyền lợi của các chủ thể liên quan và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần.
4. Đặc điểm của quản trị ngân hàng thương mại cổ phần
+ Quản trị ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh cụ thể về cơ cấu tổ chức, quản lý, điều hành nhằm đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả trong hoạt động của ngân hàng, đảm bảo quyền quản lý và quyền điều hành có sự tác động, hỗ trợ nhau.
+ Quản trị ngân hàng thương mại cổ phần đảm bảo cho việc định hướng hoạt động và kiểm soát hoạt động ngân hàng của cổ đông và giải quyết hài hòa những xung đột lợi ích trong hoạt động của ngân hàng.
+ Quản trị ngân hàng thương mại cổ phần đảm bảo sự công khai, minh bạch của ngân hàng và nâng cao sự tín nhiệm của người dân, xã hội đối với ngân hàng.
Trong các loại hình tổ chức tín dụng thì ngân hàng thương mại cổ phần vẫn đóng vai trò là chủ thể lớn, quan trọng, cung cấp nguồn vốn dồi dào cho nền kinh tế.
Hoạt động quản trị của ngân hàng thương mại cổ phần được quan tâm và thực hiện một cách có hiệu quả sẽ góp phần giúp cho ngân hàng thương mại cổ phần có thể tránh được những rủi ro tiềm ẩn trong quá trình hoạt động, giảm thiểu tình trạng có nguy cơ hoặc mất khả năng thanh toán, làm ảnh hưởng bất lợi cho thị trường tài chính nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung.
5. Quy định pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại cổ phần
Ngân hàng thương mại cổ phần trước hết là một tổ chức tín dụng do đó sẽ được điều chỉnh bởi Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2017. Ben cạnh đó, ngân hàng thương mại cổ phần còn là công ty đại chúng nên hoạt động quản trị của ngân hàng thương mại cổ phần còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật về doanh nghiệp, chứng khoán như Nghị định 155/2020/NĐ-CP; Thông tư 40/2011/TT-NHNN về cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại; Thông tư 28/2018/TT-NHNN sửa đổi bổ sung cho Thông tư 40/2011/TT-NHNN; Thông tư 50/2018/TT-NHNN quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại; Thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại.
Theo nghiên cứu của TS. Phan Phương Nam về chủ đề này, Tiến sĩ đã có đánh giá pháp luật hiện hành điều chỉnh về hoạt động quản trị ngân hàng thương mại cổ phần đã đạt được những kết quả sau:
Thứ nhất, pháp luật đã lựa chọn mô hình tổ chức, quản lý, điều hành khá phù hợp. Theo đó, cơ cấu tổ chức, quản lý, điều hành của ngân hàng thương mại cổ phần là: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát (BKS), Tổng giám đốc (Giám đốc). Trong mô hình này, việc tổ chức quản lý NHTMCP có sự phân công, phân nhiệm và giám sát giữa các cơ quan quản lý, điều hành và kiểm soát ngân hàng. Mô hình này được đánh giá là mô hình quản lý phù hợp và hiệu quả đối với loại hình công ty đại chúng như là ngân hàng thương mại cổ phần.
Thứ hai, pháp luật đã có những quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số và đảm bảo tính khách quan, bảo vệ lợi ích tổng thể của ngân hàng thông qua quy định về số lượng, tiêu chuẩn thành viên độc lập và những vấn liên quan.
Thứ ba, pháp luật đã có những quy định cụ thể hơn về đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình hoạt động của ngân hàng, ngăn ngừa và góp phần hạn chế các xung đột lợi ích trong quá trình hoạt động của ngân hàng.
Thứ tư, pháp luật đã có những quy định cụ thể về hoạt động của kiểm toán nội bộ và kiểm soát nội bộ nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động của NHTMCP. Đây cũng chính là đặc thù của NHTMCP so với các công ty đại chúng khác. Các quy định này nhằm cụ thể hóa các trụ cột của Basel II vào trong hoạt động của NHTMCP nói riêng và các TCTD nói chung.
Thứ năm, pháp luật đã có những định hướng cơ bản nội dung của đạo đức nghề nghiệp của những chủ thể trong thành viên BKS, kiểm toán viên nội bộ và cán bộ nhân viên của NHTMCP. Theo đó, về cơ bản khoản 1 Điều 67 Thông tư 13/2018/TT-NHNN của NHNN đã xác định những nội dung cơ bản cho quy tắc đạo đức nghề nghiệp của thành viên BKS, kiểm toán viên nội bộ trong NHTMCP. Trên cơ sở đó, bộ phận kiểm toán nội bộ của NHTMCP xây dựng để trình BKS ban hành, sửa đổi, bổ sung chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của thành viên BKS, kiểm toán viên nội bộ.
Tương tự khoản 3 Điều 15 của Thông tư 13/2018/TT-NHNN cũng xác định rằng HĐQT NHTMCP phải ban hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đảm bảo nguyên tắc: i) Cán bộ, nhân viên ở các cấp thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền được giao một cách trung thực vì lợi ích của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; không lợi dụng địa vị, chức vụ, sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh và tài sản của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thu lợi cá nhân hoặc làm tổn hại tới lợi ích của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; ii) Các cá nhân, bộ phận có trách nhiệm báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền khi phát hiện hành vi quy định trên và các hành vi vi phạm quy định nội bộ, quy định của pháp luật. Điều này vừa tạo cơ sở cho các NHTMCP xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho phù hợp cũng như tạo cơ sở pháp lý cho việc NHNN xác định chuẩn mực đạo đức do NHTMCP ban hành đã đạt hay chưa đạt, đã phù hợp hay chưa phù hợp.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, quy định về quản trị của ngân hàng thương mại cổ phần cũng còn có những bất cập sau:
Một là, quy định về hoạt động kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ chưa được các ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ. Trước năm 2018, Thông tư số 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 của NHNN Việt Nam quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã quy định về nội dung này. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều ngân hàng thương mại thực hiện chưa tốt quy định này dẫn đến xảy ra nhiều sai phạm gây thất thoát tài sản của ngân hàng. Nguyên nhân dẫn đến bất cập này là do chúng ta chưa thiết lập được cơ chế kiểm soát từ phíNgân hàng nhà nước nhằm bảo đảm cho các Ngân hàng thương mại cổ phần tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về hoạt động kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ nhằm giảm thiểu rủi ro cho hoạt động của ngân hàng.
Hai là, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của thành viên Hội đồng quản trị những người lãnh đạo điều hành trong Ngân hàng thương mại cổ phần chưa được xác định cụ thể. Mặc dù pháp luật hiện hành khi quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành của ngân hàng thương mại cổ phần luôn đòi hỏi những chủ thể này phải có “đạo đức nghề nghiệp”. Tuy nhiên, thế nào là “đạo đức nghề nghiệp” thì các quy định hiện hành chưa xác định cụ thể. Điều này đã tạo kẽ hở cho việc lựa chọn người không đủ phẩm chất vào vị trí người lãnh đạo, điều hành ngân hàng thương mại cổ phần, dẫn đến các vụ việc của ACB, OceanBank, VNCB, GPBank, Sacombank, Đông Á Bank…
Ba là, chưa bảo đảm tính khách quan, độc lập của Ban kiểm soát. Theo khoản 1 Điều 281 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, “Hội đồng quản trị của công ty đại chúng phải bổ nhiệm ít nhất 01 người phụ trách quản trị công ty để hỗ trợ công tác quản trị công ty tại doanh nghiệp. Người phụ trách quản trị công ty có thể kiêm nhiệm làm Thư ký công ty theo quy định tại khoản 5 Điều 156 Luật Doanh nghiệp.”. Trong khi đó, điểm b khoản 3 của điều 281 lại xác định rằng người phụ trách quản trị công ty có quyền và nghĩa vụ "Chuẩn bị các cuộc họp Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Đại hội đồng cổ đông theo yêu cầu của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát;”. Quy định này không bảo đảm tính khách quan, độc lập của ban kiểm soát. Bởi lẽ, Ban kiểm soát sẽ là cơ quan thay mặt cổ đông để giám sát hoạt động củaHội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) trong hoạt động quản lý, điều hành Ngân hàng thương mại cổ phần. Nếu cho phép người quản trị là thành viên Hội đồng quản trị chuẩn bị các cuộc họp của Bạn kiểm soát thì liệu rằng tính khách quan, độc lập là vị thế vốn có của Bạn kiểm soát có còn hay không để thực hiện công việc của mình.
Trên cơ sở những bất cập trong quy định pháp luật nêu trên, để bảo đảm nâng cao chất lượng quản trị ngân hàng thương mại cổ phần, một số kiến nghị sửa đổi pháp luật được đề xuất như sau:
- Bổ sung quy định xác định cụ thể trách nhiệm của ngân hàng thương mại cổ phần nói riêng và tổ chức tín dụng nói chung trong kiểm soát nội bộ.
- Bổ sung quy định cụ thể về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của thành viên hội đồng quản trị, những người lãnh đạo, điều hành trong ngân hàng thương mại cổ phần nói riêng và tổ chức tín dụng nói chung làm cơ sở cho việc ban hành Mẫu chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
Hoạt động quản trị Ngân hàng thương mại là một trong những hoạt động đóng vai trò quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của Ngân hàng thương mại cổ phần nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Do vậy, nếu những quy định trong hoạt động quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần có những bất cập, hạn chế thì sẽ làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả của công tác quản trị và hoạt động của chính ngân hàng thương mại cổ phần. Vì vậy, việc sửa đổi hoàn thiện các quy định pháp luật về quản trị là góp phần tác động tích cực vào hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần để nó thực sự là kênh trung gian tài chính tốt, đáp ứng được nhu cầu về vốn của nền kinh tế.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!
Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập)