Mục lục bài viết
- 1. Hành vi quay lén là gì?
- 2. Lén quay, chụp người khác có vi phạm pháp luật hay không?
- 3. Các biện pháp xử phạt đối với hành vi quay chụp lén người khác
- 3.1. Bồi thường thiệt khi sử dụng hình ảnh quay lén làm mất danh dự, nhân phẩm, uy tín
- 3.2. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quay chụp lén
- 3.3. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Hành vi quay lén là gì?
Hiện nay, pháp luật chưa có định nghĩa cụ thể về hành vi quay lén, chụp lén là như thế nào, cách thức thực hiện ra sao, mục đích, thiệt hại có thể xảy ra là gì. Tuy nhiên, dựa trên thực tiễn, hành vi quay lén được hiểu một người sử dụng một hoặc nhiều phương tiện như camera, máy điện thoại, máy quay, .... có công dụng ghi hình để quay một người khác khi chưa được sự cho phép của người bị quay.
Thông thường, việc sử dụng hình ảnh quay, chụp của người khác phải được sự cho phép của người bị quay bởi các mục đích sử dụng hình ảnh la rất đa dạng. Do đó, mọi hành vi quay lén đều được cho là không được phép và là hành vi vi phạm đến bí mật đời tư của họ. Từ đó, pháp luật Việt Nam đưa ra những quy định cụ thể để xác lập, bảo vệ quyền hình ảnh của mỗi cá nhân cũng như chế tài xử lý đối với mức độ hành vi vi phạm.
2. Lén quay, chụp người khác có vi phạm pháp luật hay không?
Quay hình hay chụp lén thường đưa đến các mục đích sử dụng hình ảnh khác nhau mà chưa có sự xin phép, đồng ý của người đó. Cho nên các quyền lợi của họ đang bị xâm phạm, các quyền về hình ảnh này được pháp luật bảo vệ. Hình ảnh được sử dụng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, danh dự hay đời sống riêng tư của cá nhân đó. Do đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã đưa ra quy định về việc cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Theo đó, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Và việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp được sử dụng hình ảnh của người khác mà không cần sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, căn cứ vào khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Như vậy, từ những căn cứ nêu trên, ta có thể thấy cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, có quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Do đó hành vi quay lén, chụp ảnh lén người khác đã xâm phạm đến quyền về đời sống riêng tư và bí mật của người khác. Các hình ảnh quay chụp được là những hình ảnh đang được sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Từ đó, có thể xác định hành vi quay chụp lén là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài việc xâm phạm các quyền của người có hình ảnh thì hành vi quay chụp lén còn có thể cấu thành các tội danh khác nhau tùy vào mục đích sử dụng hình ảnh đó. Tùy thuộc vào mục đích, mức độ của hành vi mà đưa ra vấn đề là người có hành vi quay lén có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Các biện pháp xử phạt đối với hành vi quay chụp lén người khác
3.1. Bồi thường thiệt khi sử dụng hình ảnh quay lén làm mất danh dự, nhân phẩm, uy tín
Căn cứ theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo các khoản nêu trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy, trong trường hợp người khác quay lén hình ảnh của người khác và sử dụng video, hình ảnh có những hành ảnh của bạn nhằm xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của bạn thì người thực hiện hành vi quay lén có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường bao gồm:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
3.2. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quay chụp lén
Theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.
Tức là xác định trong mục đích quay lén, hành vi quay lén vi phạm quyền của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ.
Như vậy, người có hành vi quay lén để thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của người khác mà không được sự đồng ý của họ thì tùy tính chất và mức độ, sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý là phạt tiền với mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Các nội dung xử phạt hành chính này được xây dựng với mục đích là cảnh cáo, răn đe người vi phạm, bắt buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính vào ngân sách nhà nước.
3.3. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Khi xem xét đến trách nhiệm hình sự của hành vi quay chụp lén người khác thì cần căn cứ vào mục đích quay chụp, tính chất và mức độc của hành vi. Từ đó mới có thể xác định xem hành vi quay chụp lén đó cấu thành nên tội phạm gì với mục đích sử dụng đối với video hay hình ảnh quay lén đó. Một số tội danh có thể cấu thành từ hành vi quay chụp lén được xác định như sau:
Thứ nhất, tội làm nhục người khác
Hành vi cấu thành tội này có thể được hiểu là trong trường hợp, người có hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin đã quay lén của người khác với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, làm giảm uy tín của cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Thông thường, người có hành vi quay lén hình ảnh, video mang tính chất đời tư cá nhân và phát tán thì sẽ được coi là xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Hành vi này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, đến giao tiếp, đời sống bình thường của người bị sử dụng hình ảnh. Thậm chí nhiều người còn tìm đến cái chết do không chấp nhận được dư luận, mất danh dự. Theo đó, hình phạt được áp dụng đối với hành vi sử dụng video, hình ảnh quay chụp lén với mục đích là làm nhục người khác thì có thể bị áp dụng hình phạt là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng; phạt cả tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù cao nhất lên đến 05 năm.
Thứ hai, tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy
Khi người thực hiện hành vi quay chụp lén người khác, sau đó tàng trữ, lưu hành, trao đổi, vận chuyển, mua bán nhằm phổ biến hình ảnh, video quay lén với nội dung nhạy cảm thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy được quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Bởi vì hành vi này ngoài xâm phạm quyền của cá nhân mà còn ảnh hưởng đến chuẩn mực xã hội, đạo đức và văn hóa Việt Nam nên pháp luật Việt Nam nghiêm cấm các hành vi, hình thức truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy đó.
Khi phạm vào tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thì người thực hiện hành vi có thể bị áp dụng hình phạt gồm: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù có thời hạn với mức phạt tù cao nhất đến 15 năm.
Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.