Mục lục bài viết
1. Quấy rối tình dục là gì?
“Quấy rối tình dục” là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu. Quấy rối tình dục “trao đổi” (nhằm mục đích đánh đổi) diễn ra khi người sử dụng lao động, người giám sát, người quản lý hay đồng nghiệp thực hiện hay cố gắng thực hiện nhằm gây ảnh hưởng đến quy trình tuyển dụng, thăng chức, đào tạo, kỷ luật, sa thải, tăng lương hay các lợi ích khác của người lao động để’ đổi lấy sự thỏa thuận về tình dục. Hình thức tồi tệ nhất của hành vi quấy rối tình dục là những hành vi tấn công có tính chất tình dục hoặc hiếp dâm được quy định trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính làm ảnh hưởng xấu tới môi trường làm việc, sự bình đẳng giữa người lao động nam và nữ, gây ra những ảnh hưởng về tâm lý, gây lo lắng, căng thẳng cho nạn nhân dẫn đến môi trường làm việc không an toàn, hiệu suất làm việc cũng như năng suất lao động bị giảm sút và cần phải ngăn chặn. Quấy rối tình dục nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được sự đồng ý của người đó. (Theo khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019).
Nơi làm việc được hiểu là là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động. Theo quy định của pháp luật, những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, tập huấn, hội thảo, bữa ăn, chuyến đi công tác chính thức, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định đều được tính là nơi làm việc. Quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục với người khác mà chưa được sự chấp thuận, hành vi này gây ảnh hưởng đến nhân phẩm của người bị tác động. Luật Lao động 2019 có định nghĩa cụ thể về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở khoản 9 Điều 3 như sau:
Điều 3: Giải thích từ ngữ
9. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Thực chất, đây là một hình thức phân biệt đối xử liên quan đến giới tính, gây ảnh hưởng xấu tiêu cực tới môi trường công sở, phá vỡ sự bình đẳng giữa người lao động nam và lao động nữ. Nó dẫn đến những tác động xấu về tâm lý, thậm chí gây lo lắng, căng thẳng và tổn thương sâu sắc về cả thể xác lẫn tinh thần cho người bị hại. Hậu quả là làm cho môi trường công sở trở nên thiếu sự an toàn, hiệu suất cũng như năng suất làm việc bị giảm sút. Vì vậy, các hành vi quấy rối, xâm phạm tình dục nơi làm việc cần được đấu tranh mạnh mẽ để ngăn chặn và loại bỏ, tạo điều kiện cho tất cả mọi lao động phát huy tối đa khả năng để cống hiến hết mình cho nơi mà họ đã lựa chọn gắn bó.
>> Xem thêm: Khái niệm và các hình thức của quấy rối tình dục? Cách xử lý
2. Các hình thức quấy rối tình dục
Môi trường làm việc hiện tại là nơi thường xuyên diễn ra hành vi quấy rối này. Theo đó, Bộ Luật Lao động 2019 có tập trung quy định chi tiết hơn về quấy rối tình dục là như thế nào để người lao động, người sử dụng lao động cũng như các cơ quan chức năng có căn cứ cụ thể hơn giải quyết vấn nạn này. Những lời khen hoặc khích lệ thông thường được chấp nhận hoặc phù hợp về mặt văn hóa, xã hội không bị coi là hành vi quấy rối tình dục. Hành vi giao cấu đồng thuận (trừ hành vi pháp luật cấm như giao cấu với trẻ em, giao cấu với người chưa thành niên...), tiếp nhận hay đáp lại đều không được xem là hành vi quấy rối tình dục.
Hình thức thể hiện của hành vi quấy rối tình dục Theo hướng dẫn chi tiết tại khoản 1 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng: “…trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.”
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể là hành vi liên quan đến thể’ chất, lời nói hoặc phi lời nói, bao gồm những nội dung chủ yếu như sau:
a) Quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, hay cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.
b) Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.
c) Quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói gồm các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của các ngón tay. Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục.
Ngoài ra, Bộ Luật Lao động 2019 và các văn bản pháp lý liên quan cũng quán triệt, quy định rõ nghĩa vụ, quyền lợi của người lao động, người sử dụng lao động trong việc nhận biết quấy rối tình dục là như thế nào, cũng như nghĩa vụ, quyền lợi của các bên trong việc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
>> Tham khảo: Hành vi quấy rối tình dục, gạ tình thì bị xử lý như thế nào?
3. Các hình thức xử phạt đối với hành vi quấy rối tình dục
Hiện nay, hành vi quấy rối tình dục đã xuất hiện ở nhiều nơi, kể cả ở nông thôn và thành phố, đặc biệt là tại nơi làm việc. Đã có không ít các vụ quấy rối tạo những làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ trong dư luận. Khi bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng, cần giữ thái độ bình tĩnh để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, cùng với đó khi thấy có người cần hô hoán để được cứu giúp. Đồng thời, thu thập chứng cứ để tố cáo hành vi quấy rối tình dục với cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật. Theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, người thực hiện hành vi quấy rối tình dục sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; Phòng chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy chữa cháy; Phòng ngừa và kiểm soát bạo lực gia đình. Cụ thể, tại điểm a khoản 1 Điều 5, Nghị định này quy định những người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Ở đây, cử chỉ thô bạo, trêu ghẹo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đều được xem là tội quấy rối tình dục. Khi bị quấy rối ở nơi làm việc, cần phải tố cáo hành vi với người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động để được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và xử lý nghiêm minh người có hành vi quấy rối.
Ngoài ra, trường hợp hành vi quấy rối xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015:
Điều 155: Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Người phạm tội có thể bị xử lý các khung hình phạt cao hơn nếu có các yếu tố tăng nặng. Không chỉ vậy, để xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước khi bị quấy rối và người lao động sẽ bị sa thải nếu có hành vi quấy rối người khác tại nơi làm việc. Quấy rối tình dục đã và đang là một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện tại. Bạn cần nắm bắt được hành vi quấy rối tình dục là như thế nào để có thể có những biện pháp đề phòng, xử lý, phản ứng phù hợp. Quấy rối tình dục thường xuyên xảy ra ở nơi công cộng và đặc biệt là tại các môi trường làm việc. Vì vậy, mỗi chúng ta cần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết để có những kiến thức pháp luật sẽ giúp ích trong việc bảo vệ chính bản thân mình.
>> Xem thêm: Thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc? Bị xử lý thế nào?
Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực pháp luật lao động, hãy gọi ngay: 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua tổng đài điện thoại. Đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm của Luật Minh Khuê luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc của bạn. Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc đã theo dõi bài viết!