1.Quy định chung về đầu tư xây dựng công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa 

Đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thuỷ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.

Phân biệt vận tải đường thủy nội địa và vận tải đường thủy quốc tế

Vận tải đường thủy nội địa

Vận tải đường thủy nội địa là hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa các vùng miền, qua hệ thống kênh rạch, sông, biển,… của một quốc gia. Các hàng hóa được vận chuyển qua đường sông, ngòi, kênh rạch thường có khối lượng nhỏ, trung bình, ít cồng kềnh. Trong khi đó, những mặt hàng có kích thước, khối lượng lớn phù hợp với đặc điểm của ngành vận tải biển.

Vận tải đường thủy có nhiều ưu điểm như: khả năng chuyên chở cao, giá thành thấp, ít gây ô nhiễm môi trường, góp phần giảm ùn tắc giao thông,… Cùng với sự phát triển của xã hội, vận tải đường thủy nội địa ngày càng sử dụng nhiều phương tiện; công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Tại Việt Nam, vận tải đường thủy nói chung, vận tải đường thủy nội địa nói riêng có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Các loại hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy hết sức phong phú từ các loại nông sản, thủy sản tới các hàng gia dụng hay giày dép, phân bón.

Nếu như vài chục năm về trước, các phương tiện đường thủy nội địa của chúng ta chủ yếu là mua lại từ nước ngoài hay tự sản xuất với kích thước khiêm tốn thì ngày nay công nghệ đóng tàu của Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế. Trong nước đã phát triển nhiều cảng biển lớn như cảng Hải Phòng, cảng Cái Lân; cảng Sài Gòn,…

Vận tải đường thủy quốc tế

Song song với sự phát triển của vận tải đường thủy nội địa, vận tải đường thủy quốc tế ngày càng khẳng định vai trò cầu nối cho các hoạt động thương mại trên thế giới.

Việt Nam là một quốc gia có đường bờ biển trải dài. Đây vừa là cơ hội phát triển kinh tế, đồng thời cũng là thách thức trong bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Hiện nay, vận tải đường thủy quốc tế của nước ta đã và đang giao lưu với nhiều cảng biển lớn của nhiều nước trên khắp các châu lục. Vốn là nước nổi tiếng về nông nghiệp, các mặt hàng nước ta xuất khẩu đi nước ngoài chủ yếu là lúa gạo, cá tra, các ba sa, cà phê, hồ tiêu. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân và phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nhà nước thường nhập khẩu các mặt hàng máy móc, linh kiện điện tử, hàng gia dụng, các sản phẩm công nghệ cao,…

Mặc dù còn nhiều khó khăn về phương tiện, kỹ thuật so với các quốc gia có nền kinh tế mạnh, nhưng với những nỗ lực không ngừng của Chính Phủ, ngành vận tải biển Việt Nam đã có những thành tựu đáng ghi nhận và ngày càng trên đà phát triển không ngừng. 

Quy định chung về đầu tư xây dựng công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và hoạt động liên quan đến đường thủy nội địa

1. Các dự án xây dựng không thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và các hoạt động quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ luồng hoặc trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu khi lập dự án đầu tư, tổ chức hoạt động phải thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định này.

2. Các công trình xây dựng, gồm:

a) Công trình phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;

b) Kè, đập thủy lợi, cầu, bến phà;

c) Phong điện, nhiệt điện, thủy điện;

d) Công trình vượt qua luồng trên không hoặc dưới đáy luồng;

đ) Công trình khác ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên đường thủy nội địa.

3. Các hoạt động, gồm:

a) Hoạt động thi công công trình (bao gồm hoạt động nạo vét vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu); khai thác tài nguyên, khoáng sản;

b) Khu vực nuôi trồng thủy sản, hải sản (bè cá, lồng cá, đăng, đáy cá, bãi nuôi trồng thủy sản, hải sản); tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí, diễn tập, thể thao, lễ hội; họp chợ, làng nghề, thực hành đào tạo nghề;

c) Các hoạt động khác ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên đường thủy nội địa.

2. Thẩm quyền thỏa thuận về nội dung liên quan đến đường thủy nội địa đối với công trình không thuộc kết cấu hạ tầng

Thẩm quyền thỏa thuận về nội dung liên quan đến đường thủy nội địa đối với công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và các hoạt động trên đường thủy nội địa

1. Thẩm quyền thỏa thuận

a) Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận đối với các công trình, hoạt động quốc phòng, an ninh có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thỏa thuận đối với công trình, các hoạt động động quốc phòng, an ninh có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa trên đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương;

c) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thỏa thuận về nội dung liên quan đến đường thủy nội địa đối với các công trình, hoạt động trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, hành lang bảo vệ luồng, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

d) Sở Giao thông vận tải thỏa thuận về nội dung liên quan đến đường thủy nội địa đối với các công trình, hoạt động trên đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương, hành lang bảo vệ luồng, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

đ) Cảng vụ, Sở Giao thông vận tải (nơi chưa có Cảng vụ) thỏa thuận đối với hoạt động nạo vét cải tạo vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu thuộc phạm vi quản lý.

2. Nội dung thỏa thuận

a) Đối với cầu vĩnh cửu, cầu tạm: vị trí xây dựng, kích thước khoang thông thuyền (chiều rộng, chiều cao tĩnh không);

b) Đối với cầu quay, cầu cất, cầu phao, công trình thủy lợi, thủy điện kết hợp giao thông: vị trí xây dựng, kích thước khoang thông thuyền (chiều rộng, chiều cao tĩnh không, chiều dài, độ sâu ngưỡng âu);

c) Đối với đường dây, đường ống, công trình vượt qua luồng trên không: vị trí xây dựng, tĩnh không đường dây, đường ống, công trình vượt qua luồng;

d) Đối với công trình ngầm, đường ống, đường dây dưới đáy luồng: vị trí xây dựng; chiều sâu đến đỉnh công trình ngầm, đường ống, đường dây;

đ) Đối với khu vực thi công công trình, khai thác tài nguyên, khoáng sản: vị trí, phạm vi khu vực khai thác, cao độ nạo vét, khai thác;

e) Khu vực nuôi trồng thủy sản, hải sản, đặt ngư cụ cố định đánh bắt thủy, hải sản; hoạt động thực hành đào tạo nghề; đặt nhà hàng nổi, khách sạn nổi; khu vực họp chợ, làng nghề, khu vui chơi, giải trí: vị trí, phạm vi hoạt động.

3. Thủ tục thỏa thuận về nội dung liên quan đến đường thủy nội địa đối với công trình không thuộc kết cấu hạ tầng 

Thủ tục thỏa thuận về nội dung liên quan đến đường thủy nội địa đối với công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và các hoạt động trên đường thủy nội địa

Chủ đầu tư xây dựng công trình, tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định này để thỏa thuận các nội dung liên quan đến đường thủy nội địa. Hồ sơ gồm:

1. Đơn đề nghị thỏa thuận xây dựng công trình theo Mẫu số 24 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bản vẽ mặt cắt công trình thể hiện trên mặt cắt ngang sông.

3. Bản vẽ khu vực xây dựng công trình trên hệ tọa độ quốc gia VN2000, hệ cao độ nhà nước. Trên bản vẽ thể hiện vị trí công trình và cao độ tự nhiên, địa hình, địa vật của sông, kênh đối với khu vực xây dựng công trình, các công trình liền kề (nếu có) và các tài liệu sau:

a) Đối với cầu vĩnh cửu, cầu tạm: số liệu về kích thước khoang thông thuyền (vị trí, chiều rộng, chiều cao tĩnh không); mặt cắt dọc công trình thể hiện trên mặt cắt ngang sông, kênh;

b) Đối với cầu quay, cầu cất, cầu phao, cầu nâng hạ, công trình thủy điện kết hợp giao thông: số liệu về khoang thông thuyền (vị trí, chiều rộng, chiều cao tĩnh không, chiều dài, độ sâu ngưỡng âu); phương án và công nghệ đóng, mở; bản vẽ thiết kế vị trí, vùng nước dự kiến bố trí cho phương tiện neo đậu khi chờ đợi qua công trình;

c) Đối với đường ống, đường dây, công trình vượt qua luồng trên không: bản vẽ, các số liệu về chiều cao tĩnh không, thể hiện điểm cao nhất của đường ống, đường dây (điểm thấp nhất của đường dây điện, tính cả hành lang an toàn lưới điện), công trình vượt qua luồng;

d) Đối với công trình ngầm, đường dây, đường ống dưới đáy luồng: bản vẽ thể hiện khoảng cách, cao trình đỉnh công trình đến cao trình đáy thiết kế luồng, phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa;

đ) Đối với công trình đập, thủy điện, thủy lợi: bình đồ và bản vẽ khu vực cảng, bến thủy nội địa hoặc khu vực chuyển tải tại thượng lưu và hạ lưu công trình; phương án bốc xếp, chuyển tải;

e) Đối với công trình phục vụ quốc phòng, an ninh; công trình phong điện, nhiệt điện; bến phà, kè: bản vẽ thể hiện mặt bằng khu vực cảng; công trình kè, chỉnh trị khác; kích thước, kết cấu các cầu cảng, kè, công trình chỉnh trị khác và các công trình phụ trợ; vùng nước của cảng.

4. Đối với các hoạt động quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định này, hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị thỏa thuận theo Mẫu số 24 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản vẽ thể hiện phạm vi khu vực hoạt động, phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng, khoảng cách đến các công trình liên quan ở khu vực và phương án bố trí báo hiệu bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa;

c) Bản vẽ các mặt cắt ngang và hồ sơ mốc để xác định phạm vi, cao trình nạo vét, khai thác tài nguyên, khoáng sản (đối với hoạt động nạo vét cải tạo vùng nước cảng, bến thủy nội địa, luồng chuyên dùng vào cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; khai thác tài nguyên, khoáng sản).

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định này có văn bản thỏa thuận gửi chủ đầu tư.

4. Thông báo đưa công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa vào sử dụng

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, chủ đầu tư gửi thông báo bằng văn bản đến Chi cục đường thủy nội địa khu vực (đối với công trình trên đường thủy nội địa quốc gia, hành lang bảo vệ luồng, vùng nước ngoài phạm vi luồng quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia), Sở Giao thông vận tải (đối với công trình trên đường thủy nội địa địa phương, hành lang bảo vệ luồng, vùng nước ngoài phạm vi luồng địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương).

2. Nội dung thông báo

a) Tên công trình;

b) Vị trí (lý trình, địa danh, tọa độ);

c) Các thông số chính của công trình;

d) Thời gian bắt đầu khai thác.

3. Thông báo đưa công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa vào sử dụng theo Mẫu số 25 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

5. Trách nhiệm bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa

1. Tổ chức, cá nhân được giao quản lý công trình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

2. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa bị xâm hại phải kịp thời báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quản lý đường thủy nội địa hoặc cơ quan công an nơi gần nhất. Cơ quan, đơn vị nhận được tin báo phải yêu cầu chủ công trình kịp thời thực hiện các biện pháp khắc phục để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.