Mục lục bài viết
Luật sư tư vấn:
1. Giám hộ cho người chưa thành niên
Người chưa thành niên chỉ càn người giám hộ trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, người chưa thành niên không còn cha, mẹ, hoặc không xác định được cha, mẹ. Trường hợp này đòi hỏi, người chưa thành niên phải là người mà cả cha và mẹ đều đã mất hoặc không xác định được cả cha và mẹ là ai. Điều này cũng đồng nghĩa, nếu người chưa thành niên vẫn còn cha hoặc mẹ hoặc xác định được mẹ hoặc cha thì người còn lại hoặc được xác định đó sẽ là người đại diện và đương nhiên người chưa thành niên này không cần người giám hộ.
Thứ hai, người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng lại rơi vào các trường hợp sau:
1. Cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự;
2. Cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
3. Cha mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
4. Cha mẹ đều bị Toà án tuyên bố hạn chế quyền đối với con;
5. Cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ.
Như vậy, mặc dù nguyên tắc có cha, mẹ thì cha mẹ sẽ là người đại diện nhưng trong các trường hợp nêu trên, ngoại trừ trường hợp cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ với trường hợp cha mẹ đều bị Toà án tuyên bố hạn chế quyền đối với con thì các trường hợp còn lại, chính cha mẹ lại là người mà cũng cần có người giám hộ hoặc đại diện cho mình. Khi bản thân cha, mẹ không thể tự mình xác lập, tham gia, thực hiện các quan hệ pháp luật cho mình thì đương nhiên họ không thê là người đại diện cho con.
Trường hợp cha, mẹ bị Toà án tuyên bố hạn chế quyền đoi với con có thể đến từ nhiều lý do khác nhau nhưng tóm lại, Toà án không cho phép cha, mẹ là người đại diện cho con chưa thành niên. Khi đó, người con này cần có người giám hộ để chủ thể này sẽ đứng ra bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cũng như thực hiện việc chăm sóc, giáo dục con.
Trường hợp cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ. Trong nhiều trường hợp, cha, mẹ đang thụ lý án tù mà việc thực hiện hành vi phạm tội này không phải là nguyên nhân có thể dẫn đến Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ đoi với con chưa thành niên hoặc không đảm bảo sức khoẻ... để thực hiện việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền, lợi ích họp pháp cho con. Khi đó, chính cha mẹ sẽ làm đơn yêu cầu cử người giám hộ cho con của mình để người giám hộ sẽ thực hiện các nghĩa vụ của người giám hộ với người chưa thành niên.
Điểm đáng lưu ý, người chưa thành niên chỉ cần người giám hộ trong trường hợp cả cha và mẹ không thể trở thành người đại diện cho con. Nếu chỉ cần cha hoặc mẹ là người đại diện cho con thì người chưa thành niên sẽ không cần người giám hộ.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 54 Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận, người chưa thành niên nhưng từ đủ sáu tuổi trở lên thì khi cử hay chỉ định người giám hộ đều phải xem xét nguyện vọng của chính người này. Người giám hộ thực hiện việc chăm sóc, giáo dục với người chưa thành niên nên việc người được giám hộ đồng ý lựa chọn người giám hộ sẽ giúp cho việc giám hộ được thực hiện hiệu quả hơn.
2. Giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự
Tại điểm c khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự năm 2015 khẳng định người được giám hộ bao gồm cả người “mất năng lực hành vi dân sự” Mọi trường hợp, cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự đều phải có người giám hộ. Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định theo hai chế độ: đương nhiên dựa trên quy định pháp luật và chế độ cử do Toà án cử hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giám hộ đang cư trú cử.
Giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định theo các trình tự sau:
Trước hết, tại thời điểm người mất năng lực hành vi dân sự còn đang ở tình trạng là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì người này có quyền lựa chọn người giám hộ cho mình khi mình ở tình trạng cần được giám hộ. Ví dụ như, một người được dự đoán sẽ có thể bị rơi vào tình trạng sống thực vật do bệnh tật thì khi còn tỉnh táo, minh mẫn, người này có quyền lựa chọn người giám hộ cho mình. Nếu người được chọn (có thể là cá nhân hoặc pháp nhân) đồng ý thì sau này, khi người mất năng lực hành vi dân sự rơi vào tình trạng này thì cá nhân hoặc pháp nhân đó trở thành người giám hộ. Nếu cá nhân hoặc pháp nhân được chọn mà không đồng ý thì người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự được lựa chọn theo thứ tự luật xác định.
Thứ hai, vợ hoặc chồng của người mất năng lực hành vi dân sự nếu đáp ứng đủ điều kiện của người giảm hộ thì sẽ trở thành người giám hộ cho chồng hoặc vợ của mình. Đương nhiên, tại thời điểm cá nhân được xác định là người mất năng lực hành vi dân sự thì phải đang có quan hệ hôn nhân hợp pháp với vợ hoặc chồng của mình.
Thứ ba, trường hợp mà vợ hoặc chồng của người mất năng lực hành vi dân sự không đủ điều kiện là người đại diện thì người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự sẽ là con cả. Nếu con cả không đủ điều kiện làm người giám hộ sẽ là con thứ của người giám hộ. Đương nhiên, những người con này đều phải thoả mãn về điều kiện của người giám hộ mà pháp luật đã quy định.
Thứ tư, nếu người mất năng lực hành vi dân sự không có vợ hoặc chồng hoặc có nhưng đủ điều kiện là người giám hộ và không có con hoặc có con nhưng con không đủ điều kiện làm người giám hộ thì lúc này chính cha mẹ lại trở thành người giám hộ cho người con đã thành niên của mình. Nếu cha mẹ cũng không thể là người giám hộ cho con thì người mất năng lực hành vi dân sự sẽ được cử người giám hộ.
3. Giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có điểm khác biệt cơ bản so với người mất năng lực hành vi dân sự ở chỗ, những người này vẫn có những nhận thức nhất định nên vẫn có thể điều khiển được hành vi của mình. Tôn trọng tình trạng của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, pháp luật ghi nhận việc xác định người giám hộ với các cơ chế cụ thể sau:
Thứ nhất, khi người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà có năng lực thể hiện ý chí của mình thì họ có quyền đưa ra yêu cầu người giám hộ của minh. Cá nhân hoặc pháp nhân được lựa chọn làm người giám hộ cũng có quyền thể hiện sự đồng ý hoặc không đồng ý trở thành người giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình.
Thứ hai, Toà án khi tuyên một cá nhân là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì cũng sẽ chỉ định người giám hộ cho người này. Thứ tự xác định người giám hộ cũng sẽ tuân thủ theo như xác định người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự.
Thứ ba, trường hợp không thể chỉ định người giám hộ theo như các xác định người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự thì Toà án chỉ định người giám hộ hoặc đề nghị pháp nhân thực hiện việc giám hộ. Toà án sẽ xem xét, lựa chọn cá nhân hoặc pháp nhân nào phù hợp nhất để trở thành người giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi này.
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ về giám hộ, đăng ký giám hộ - Bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự - Công ty luật Minh Khuê