1. Điều kiện hình thành tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

Thứ nhất, đối với tập đoàn kinh tế nhà nước (Tham khảo: Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 của Chính phủ về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước).

Điều kiện về ngành nghề kinh doanh: ngành nghề kinh doanh chính của tập đoàn phải là ngành nghề đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Tùy từng giai đoạn phát triển, Thủ tướng Chính phủ sẽ xác định danh mục những ngành nghề kinh doanh cần phải thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước. Để đảm bảo hạn chế việc đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, Chính phủ sẽ quy định tỉ lệ tối thiểu các công ty con phải hoạt động trong ngành kinh doanh chính. Đối với những công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ bắt buộc phải phục vụ trực tiếp việc thực hiện các nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ.

Điều kiện về tài chính: vốn điều lệ của công ty mẹ không thấp hon 10.000 tỉ đồng. Trường hợp công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên thì phần vốn nhà nước phải chiếm tối thiểu 75% vốn điều lệ của công ty mẹ.

Điều kiện về trình độ chuyên môn: Tập đoàn kinh tế phải chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm tốt và khả năng kinh doanh phù hợp với ngành nghề chính và các ngành nghề có liên quan; có trình độ quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế trong điều hành, phối hợp hoạt động các công ty con, công ty liên kết; có khả năng sử dụng bí quyết công nghệ, thương hiệu, thị trường để chi phối các công ty con và tiến hành liên kết với các công ty liên kết khác.

Thứ hai, đối với tổng công ty nhà nước (Tham khảo: Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 của Chính phủ về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước).

Điều kiện về ngành nghề kinh doanh: ngành nghề kinh doanh chính của tổng công ty thuộc những ngành nghề kinh doanh có ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển của ngành và vùng lãnh thổ. Thủ tướng Chính phủ sẽ xác định danh mục những ngành nghề kinh doanh cần phải thành lập tổng công ty nhà nước. Tổng công ty nhà nước phải đảm bảo các điều kiện giống như tập đoàn kinh tế nhà nước trong việc hạn chế đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính.

Điều kiện về tài chính: vốn điều lệ của công ty mẹ không thấp hơn 1.800 tỉ đồng. Đối với công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên thì phần vốn nhà nước phải chiếm ít nhất 65% vốn điều lệ của công ty mẹ.

Điều kiện về trình độ chuyên môn: Tổng công ty phải xây dựng nguồn nhân lực có đủ trình độ, kinh nghiệm và khả năng kinh doanh ngành nghề chính và các ngành nghề có liên quan; có khả năng tốt trong quản lý vốn đầu tư và quản trị điều hành, phối hợp hoạt động các công ty con, công ty liên kết; có khả năng sử dụng bí quyết công nghệ, thương hiệu, thị trường để chi phối các công ty con và tiến hành liên kết với các công ty liên kết khác.

2. Thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

Quy trình thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được triển khai gồm những bước sau:

Bước 1: Thủ tướng Chính phủ quyết định các công ty mẹ trong tổng công ty, nhóm công ty được phép xây dựng đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;

Bước 2: Xây dựng đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Đề án gồm: Tờ trình đề án, nội dung đề án, dự thảo điều lệ của công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Nội dung đề án tập trung: sự cần thiết phải thành lập, thực trạng hoạt động của đối tượng đề án, phương hướng thu xếp tài chính, nhân sự, cơ chế thông tin, ...

Bước 3: Thẩm định đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, việc thẩm định do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ tri thực hiện, có xin ý kiến của chuyên gia về kinh tế để đảm bảo các yếu tố về phản biện xã hội.

Đối với tổng công ty nhà nước, việc thẩm định do Bộ quản lý ngành hoặc UBND tỉnh chủ trì thực hiện, không xin ý kiến chuyên gia.

Bước 4: Phê duyệt đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Trên cơ sở hồ sơ thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập tập đoàn kinh tế thuộc Chính phủ, tổng công ty nhà nước thuộc Bộ quản lý ngành, ƯBND cấp tỉnh.

Bước 5: Triển khai thực hiện đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập công ty mẹ (công ty 100% vốn nhà nước), bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty mẹ. Bộ trưởng Bộ quản lý ngành bổ nhiệm các chức danh quan trọng còn lại của công ty mẹ. Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm chức danh Kiểm soát viên tài chính công ty mẹ. Trong trường hợp, công ty mẹ không phải là doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành chỉ định người đại diện theo ủy quyền tại công ty mẹ; quyết định cử người tham gia ứng cử Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên công ty mẹ.

Đối với tổng công ty nhà nước, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch ƯBND cấp tỉnh quyết định thành lập công ty mẹ; bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Kiểm soát viên công ty mẹ; chỉ định người đại diện theo ủy quyền tại công ty mẹ; quyết định cử người tham gia ứng cử Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên công ty mẹ không phải là doanh nghiệp nhà nước.

3. Quản lý điều hành trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

Mô hình tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bao gồm công ty mẹ, công ty con và các công ty liên kết. Trong đó: công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn điều lệ hoặc nắm tỉ lệ vốn góp, cổ phần chi phối; công ty liên kết do công ty mẹ sở hữu tỉ lệ cổ phần, vốn góp dưới mức chi phối hoặc công ty không có vốn góp của công ty mẹ và công ty con, tự nguyện tham gia liên kết dưới hình thức hợp đồng liên kết và có mối quan hệ gắn bó lâu dài về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường, các dịch vụ khác với công ty mẹ. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có không quá ba cấp doanh nghiệp bao gồm: công ty mẹ (doanh nghiệp cấp I) là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và giữ quyền chi phối; công ty con của doanh nghiệp cấp I (doanh nghiệp cấp II) là doanh nghiệp do công ty mẹ nắm quyền chi phối; công ty con của doanh nghiệp cấp II (doanh nghiệp cấp III) là doanh nghiệp do doanh nghiệp cấp I nắm quyền chi phối.

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước không có bộ máy quản trị, hoạt động quản lý và điều hành tập đoàn do công ty mẹ thực hiện, về nguyên tắc, chủ sở hữu cấp vốn cho tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty đại diện cho các công ty thành viên tiếp nhận nguồn vốn đầu tư và cấp vốn lại cho các công ty con trong tập đoàn, tổng công ty. Công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chịu ưách nhiệm trước chủ sở hữu nhà nước để thực hiện các mục tiêu kinh doanh ngành nghề chính và mục tiêu kinh doanh khác do chủ sở hữu quy định. Công ty mẹ đại diện cho tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện các hoạt động chung của tập đoàn, tổng công ty trong quan hệ với bên thứ ba ở trong và ngoài nước hoặc các hoạt động khác theo thỏa thuận với doanh nghiệp thành viên và quy định của pháp luật có liên quan.

Công ty mẹ thực hiện việc quản lý danh mục đầu tư, theo dõi, giám sát danh mục đầu tư của công ty mẹ tại công ty con; theo dõi, giám sát ngành nghề kinh doanh của công ty con. Công ty mẹ phải thực hiện các nghĩa vụ báo cáo và chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hoạt động kinh doanh của toàn bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

4. Quản lý giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

Hoạt động quản lý và giám sát của Nhà nước đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty thực hiện thông qua nhưng phương pháp sau: (i) Phương pháp trực tiếp: hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước được phân công tại tập đoàn, thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá hệ quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty, công tác kế toán, kiểm toán tại tập đoàn, tổng công ty; (ii) Phương pháp gián tiếp: báo cáo thường xuyên, đột xuất của Hội đông thành viên, Hội đồng quản trị của tập đoàn, tổng công ty; (iii) Phương pháp minh bạch hoá thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hoạt động quản lý và giám sát tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được giao cho Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện. Định kì hàng năm, các cơ quan này phải thực hiện việc báo cáo kết quả giám sát, đánh giá trước Thủ tướng Chính phủ.

5. Chấm dứt hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

Nhà nước ra quyết định thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để thực hiện những mục tiêu cụ thể. Trong trường hợp mục tiêu đó không đạt được, Nhà nước có quyết định để chấm dứt việc triển khai mô hình tập đoàn từ đó tái cấu trúc lại công ty thành viên. Nhà nước quản lý hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thông qua công ty mẹ. Vì vậy, sự tồn tại của mô hình tập đoàn kinh tế, tổng công ty phụ thuộc vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mẹ. Nếu công ty mẹ không thể tồn tại trên thị trường thì đồng nghĩa với việc chấm dứt hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Theo quy định tại Nghị định số 69/2014/NĐ-CP có 04 (bốn) trường hợp phải chấm dứt hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước:

Thứ nhất, công ty mẹ bị phá sản, giải thể.

Thứ hai, tập đoàn kinh tế, tổng công ty không đáp ứng được các điều kiện luật định.

Thứ ba, công ty mẹ bị sáp nhập, họp nhất với doanh nghiệp khác mà nhà nước không nắm cổ phần, phần vốn góp chi phối.

Thứ tư, trường hợp khác theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập từ các nguồn trên internet)