Mục lục bài viết
- 1. Sự hình thành và phát triển của Luật nhân quyền quốc tế? Vai trò của Liên Hợp quốc trong quá trình này là gì?
- 2. Hệ thống văn kiện của Luật nhân quyền quốc tế đê cập đến những vấn đề gì? Văn kiện nào là quan trọng nhất?
- 2.1. Hệ thống văn kiện của Luật nhân quyền quốc tế đê cập đến những vấn đề gì?
- 2.2. Những văn kiện nào là quan trọng nhất?
- 3. Luật nhân quyền quốc tế đề cập đến những quyền và tự do cụ thể nào?
- 4. Luật nhân quyền quốc tế và Luật nhân đạo quốc tế có quan hệ với nhau như thế nào?
- 4.1. Luật nhân đạo quốc tế là gì?
- 4.2. Mối liên hệ giữa luật Nhân quyền và luật Nhân đạo quốc tế là gì?
Thưa luật sư, xin luật sư cho hỏi Luật Nhân quyền quốc tế có sự hình thành và phát triển như thế nào? Liên hợp quốc có vai trò như thế nào trong vấn đề này? Hệ thống văn kiện của luật Nhân quyền quốc tế đề cập đến nội dung gì? Và văn kiện nào là quan trọng nhất? Rất mong nhận được phản hồi từ luật sư. Xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Hoàng Diệp - Lạng Sơn
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Sự hình thành và phát triển của Luật nhân quyền quốc tế? Vai trò của Liên Hợp quốc trong quá trình này là gì?
Luật nhân quyền quốc tế là một trong những ngành luật mới của hệ thống luật quốc tế. Mặc dù những tiền đề của ngành luật này đã xuất hiện từ thế kỷ XIX, một số quyền và cơ chế bảo vệ quyền con người đã được đề cập từ đầu thế kỷ XX trong một số văn kiện pháp lý của Hội Quốc Liên (1919-1939), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, tuy nhiên, xét về mọi mặt, có thể khẳng định rằng, Luật nhân quyền quốc tế chỉ mới chính thức hình thành và phát triển sau khi Liên Họp Quốc ra đời (1945).
Sự vi phạm nhân quyền một cách cực kỳ tàn bạo (mà nổi bật là hành động diệt chủng người Do Thái) của bè lũ phát- xít trong Chiến tranh thế giới II đã thúc đẩy các nước trong phe Đồng minh xúc tiến thành lập Liên Hợp Quốc. Hiến chương Liên Hợp Quốc (năm 1945), với những quy định cụ thể về việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đặc biệt là việc khẳng định thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một trong những mục tiêu cơ bản của Liên Hợp Quốc, đã tạo cơ sở cho việc hình thành và phát triển của Luật nhân quyền quốc tế. Tiếp theo Hiến chương, kể từ năm 1945 đến nay, Liên Hợp Quốc đã lần lượt xây dựng và thông qua hàng trăm văn kiện pháp lý quốc tế về nhân quyền, trong đó xương sống của hệ thống là Bộ luật Nhân quyền quốc tế (The International Bill of Human Rights - là tập hợp của ba văn kiện quốc tế cơ bản trên lĩnh vực này bao gồm UDHR, ICCPR và ICESCR). Hệ thống văn kiện này đã xác lập những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế (international human rights standards), bắt đầu từ những tiêu chuẩn cơ bản, phổ biến áp dụng với mọi cá nhân đến những tiêu chuẩn chuyên biệt áp dụng cho những nhóm, cộng đồng đặc biệt.
Mặc dù không phải tất cả các văn kiện quốc tế về nhân quyền đều do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua, tuy nhiên số lượng này chiếm một phần lớn. Thêm vào đó, nếu xem xét Liên Hợp Quốc như là một hệ thống bao gồm các tổ chức thành viên như ILO, UNESCO... thì số lượng các văn kiện quốc tế về nhân quyền do Liên Họp Quốc ban hành chiếm đại đa số trong hệ thống văn kiện nhân quyền quốc tế. Thực tế này cùng với các yếu tố khác cho phép khẳng định rằng Liên Hợp Quốc có vai trò chủ chốt đối với việc hình thành và phát triển của Luật nhân quyền quốc tế tính đến thời điểm hiện nay.
2. Hệ thống văn kiện của Luật nhân quyền quốc tế đê cập đến những vấn đề gì? Văn kiện nào là quan trọng nhất?
2.1. Hệ thống văn kiện của Luật nhân quyền quốc tế đê cập đến những vấn đề gì?
Như đã đề cập ở trên, hệ thống văn kiện quốc tế về nhân quyền bao gồm những văn kiện đề cập đến những tiêu chuẩn nhân quyền cơ bản, phổ biến áp dụng với mọi cá nhân (những tiêu chuẩn này được thể hiện chủ yếu trong UDHR, ICCPR và ICESC) và những văn kiện đề cập đến những tiêu chuẩn chuyên biệt áp dụng cho những nhóm, cộng đồng đặc biệt, được coi là dễ bị tổn thương. Tính đến nay, ở những mức độ khác nhau, Luật nhân quyền quốc tế đã đề cập đến những quyền đặc thù của các nhóm xã hội như: phụ nữ, trẻ em, người thiểu số, người bản địa, người lao động di trú, người sống chung với HIV/AIDS, người bị tước tự do, người khuyết tật, người tị nạn, người tìm kiếm nơi lánh nạn, người nước ngoài, người không quốc tịch, người cao tuổi, người hoạt động thúc đẩy nhân quyền...
Bên cạnh đó, Luật nhân quyền quốc tế cũng bao gồm một số văn kiện đề cập đến những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực này, cụ thể như: quyền phát triển, ngăn ngừa sự phân biệt đối xử, bình đẳng giới, chống tra tấn, xóa bỏ hình phạt tử hình, bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp, ngăn ngừa và xóa bỏ buôn bán người, ngăn ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em, xóa bỏ đói nghèo, xóa bỏ chế độ nô lệ và các thực tiễn tương tự như nô lệ, xóa bỏ lao động cưỡng bức, bảo vệ quyền con người trong hoàn cảnh xung đột vũ trang, xử lý những tội phạm nhân quyền...
2.2. Những văn kiện nào là quan trọng nhất?
Trong hệ thống các văn kiện quốc tế về nhân quyền, những điều ước quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng. Hiện tại có hơn 30 điều ước quốc tế về nhân quyền, trong đó những điều ước sau đây được xem là các văn kiện cốt lõi: ICCPR; ICESCR; Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc, 1965 (ICERD); Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, 1979 (CEDAW); Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt và đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục khác, 1984 (CAT); Công ước về quyền trẻ em, 1989 (CRC); Công ước quốc tế về bảo vệ các quyền của tất cả người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ, 1990 (ICRMW); Công ước quốc tế về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị đưa đi mất tích, 2006 (ICPPED); Công ước về quyền của những người khuyết tật, 2006 (ICRPD).
3. Luật nhân quyền quốc tế đề cập đến những quyền và tự do cụ thể nào?
Luật nhân quyền quốc tế là một tập hợp các tiêu chuẩn quốc tế về các quyền và tự do cơ bản cho mọi cá nhân và những quyền đặc thù áp dụng cho một số nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Do tính chất rộng lớn của vấn đề và quy định tổng quát trong các văn kiện quốc tế về nhân quyền nên quan điểm về số lượng (và kèm theo đó là tên gọi) của các quyền ít nhiều khác nhau; tuy nhiên, dưới đây là danh mục những quyền và tự do cơ bản của cá nhân đã được thừa nhận một cách rộng rãi. Danh mục này được chia thành hai nhóm lớn là nhóm quyền dân sự, chính trị và nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa:
Nhóm quyền dân sự, chính trị
1) Quyền sống;
2) Quyền tự do và an ninh cá nhân (không bị bắt giữ, giam cầm tùy tiện, không bị bắt làm nô lệ, nô dịch hay bị cưỡng bức lao động);
3) Quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng;
4) Quyền có quốc tịch;
5) Quyền tự do lập hội, hội họp hòa bình, đi lại và cư trú;
6) Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo;
7) Quyền tự do ngôn luận và biểu đạt;
8) Quyền được bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý nhà nước;
9) Quyền được bảo vệ đời tư;
10) Quyền không bị tra tấn, đối xử tàn ác, vô nhân đạo hay hạ nhục;
11) Quyền được xét xử công bằng.
Nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa
1) Quyền được bảo đảm điều kiện làm việc an toàn và công bằng;
2) Quyền được hưởng mức độ sức khỏe cao nhất có thể đạt được;
3) Quyền được học tập;
4) Quyền có mức sống thích đáng;
5) Quyền được tham gia đời sống văn hóa của cộng đồng và được hưởng thành quả của các tiến bộ khoa học, công nghệ.
4. Luật nhân quyền quốc tế và Luật nhân đạo quốc tế có quan hệ với nhau như thế nào?
4.1. Luật nhân đạo quốc tế là gì?
Có nhiều định nghĩa về Luật nhân đạo quốc tế (còn được gọi là Luật về xung đột vũ trang, hay Luật về chiến tranh), tuy nhiên, từ góc độ khái quát, có thể hiểu đây là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực được thiết lập bởi các điều ước và tập quán quốc tế nhằm điều chỉnh những mối quan hệ giữa các bên tham chiến trong các cuộc xung đột vũ trang (kể cả xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế và không mang tính chất quốc tề) để bảo vệ những nạn nhân chiến tranh (bao gồm dân thường và những chiến binh bị thương, bị ốm, bị đắm tàu, bị bắt làm tù binh). Về mặt hình thức, Luật nhân đạo quốc tế được thể hiện qua hàng trăm văn kiện, trong đó các văn kiện trụ cột hiện nay là bốn Công ước Geneva năm 1949 về bảo hộ nạn nhân chiến tranh và hai Nghị định thư năm 1977 bổ sung các công ước này.
4.2. Mối liên hệ giữa luật Nhân quyền và luật Nhân đạo quốc tế là gì?
Luật nhân đạo quốc tế và Luật nhân quyền quốc tế là hai ngành luật có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung cho nhau, mặc dù giữa chúng có một số điểm khác biệt quan trọng.
Những điểm giống nhau cơ bản giữa Luật nhân đạo quốc tế và Luật nhân quyền quốc tế đó là:
Thứ nhất, cả hai ngành luật này đều nhấn mạnh việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người. Cụ thể, cả hai ngành luật đều có những quy định về cấm tra tấn, đối xử vô nhân đạo hoặc nhục hình, về các quyền cơ bản của con người trong tố tụng hình sự, về việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em...
Thứ hai, hai ngành luật có chung một số nguyên tắc cơ bản, cụ thể như nguyên tắc không phân biệt đối xử, nguyên tắc tôn trọng tính mạng, phẩm giá con người...
Thứ ba, hai ngành luật có một số điều ước và văn kiện áp dụng chung (toàn bộ hoặc một số điều khoản), ví dụ như Công ước về quyền trẻ em, Nghị định thư tùy chọn bổ sung công ước này về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang hay Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế...
Thứ tư, cả hai ngành luật đều xác định chủ thể có nghĩa vụ đầu tiên và quan trọng nhất trong việc thực thi luật là các quốc gia thành viên.
Những điểm khác nhau cơ bản giữa Luật nhân đạo quốc tế và Luật nhân quyền quốc tế đó là:
Thứ nhất, hai ngành luật này có lịch sử phát triển không giống nhau, mỗi ngành luật được hình thành và phát triển trong những hoàn cảnh khác nhau, theo những cách thức khác nhau. Cụ thể, Luật nhân đạo quốc tế được hình thành và phát triển từ giữa thập kỷ 60 của thế kỷ XIX bởi những nỗ lực của Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế - một tổ chức có tư cách phi chính phủ. Các văn kiện của ngành luật này chủ yếu được thông qua tại các Hội nghị ngoại giao quốc tế. Trong khi đó, Luật nhân quyền quốc tế mới được hình thành và phát triển từ giữa thập kỷ 40 của thế kỷ XX, chủ yếu do những nỗ lực của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc - một tổ chức có tư cách liên chính phủ.
Thứ hai, Luật nhân đạo quốc tế chỉ áp dụng trong bối cảnh các cuộc xung đột vũ trang (có hoặc không có tính chất quốc tế), trong khi Luật nhân quyền quốc tế được áp dụng trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong bối cảnh hòa bình hoặc xung đột vũ trang.
Thứ ba, một số nguyên tắc của Luật nhân đạo quốc tế liên quan đến những vấn đề nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật nhân quyền quốc tế. Ví dụ, những quy tắc về hành vi thù địch, hành động tham chiến, địa vị của tù binh chiến tranh và của thường dân, quy chế bảo vệ của biểu tượng chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ... Tương tự, một số nội dung của Luật nhân quyền quốc tế không thuộc về phạm vi điều chỉnh của Luật nhân đạo quốc tế. Ví dụ, các quyền tự do báo chí, quyền lập hội, quyền bầu cử hay quyền đình công...
Thứ tư, Luật nhân đạo quốc tế bảo vệ các nạn nhân chiến tranh bằng cách cố gắng giảm thiểu những thiệt hại và đau khổ do chiến tranh gây ra với con người; trong khi đó, Luật nhân quyền quốc tế bảo vệ mọi con người bằng cách thúc đẩy sự phát triển và sự tham gia của họ vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Thứ năm, Luật nhân đạo quốc tế quan tâm trước hết tới việc đối xử với những người nằm trong vòng kiểm soát của đối phương và việc giới hạn những phương pháp, phương tiện tiến hành chiến tranh của các bên tham chiến. Trong khi đó, Luật nhân quyền quốc tế quan tâm trước hết đến việc hạn chế những hành động tùy tiện của các nhà nước đối với công dân và những người khác đang sinh sống trên lãnh thổ hay thuộc quyền tài phán của họ.
Thứ sáu, Luật nhân đạo quốc tế bảo vệ những thường dân bị kẹt trong hoàn cảnh xung đột vũ trang thông qua các nguyên tắc về tiến hành chiến tranh (ví dụ, nguyên tắc phân biệt giữa chiến binh và dân thường, giữa các mục tiêu quân sự và mục tiêu dân sự; nguyên tắc cấm tấn công dân thường và các mục tiêu dân sự, cấm tấn công các mục tiêu quân sự nếu có thể gây ra những tổn hại không cân xứng đối với dân thường hay các mục tiêu dân sự...), trong khi đó, Luật nhân quyền quốc tế bảo vệ tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh, thông qua những tiêu chuẩn quốc tế về các quyền và tự do của con người.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập