Căn cứ vào khoản 3 Điều 93 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động. Đồng thời, thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.

Như vậy, với quy định phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động sẽ bảo đảm việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động đúng với tình hình thực tế, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Luật Minh Khuê phân tích chi tiết hơn vấn đề này như sau:

 

1. Người sử dụng lao động xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động thì có cần tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở hay không?

Thang lương được hiểu là hệ thống các nhóm lương (ngạch lương), bậc lương (hệ số lương) được quy định sẵn, làm căn cứ để doanh nghiệp chi trả tiền lương và xét nâng lương định kỳ cho người lao động, thể hiện được tính công bằng, minh bạch.

Bảng lương là văn bản tổng hợp tổng số tiền thực mà doanh nghiệp trả cho người lao động gồm các khoản như: tiền lương, thưởng, phụ cấp và tiền trợ cấp, ... trong một khoảng thời gian nhất định. Thu nhập mà người lao động nhận được ghi trong bảng lương dựa trên năng suất làm việc, việc hoàn thành công việc của người lao động.

Định mức lao động là việc xác định số lượng công việc hay số sản phẩm làm ra của một hay một số người lao động trong một đơn vị thời gian nhất định hoặc quy định lượng thời gian cần để hoàn thành một đơn vị công việc hay sản phẩm.

Việc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động cho người lao động được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019, được xây dựng dựa trên thỏa thuận và năng lực của người lao động đó để làm căn cứ hợp pháp cho việc trả lương, đồng thời cũng thể hiện sự chuyên nghiệp trong việc quản lý chi phí và tạo động lực cho người lao động phấn đấu. Cụ thể, theo Điều 93 Bộ luật Lao động năm 2019 thì hoạt động xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động được quy định như sau:

- Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

- Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.

- Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động. Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.

Theo đó, khi muốn xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động thì phía người sử dụng lao động đều phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, đồng thời, người sử dụng lao động còn phải công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện. Tuy nhiên, quy định này chỉ được áp dụng đối với công ty có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, đối với công ty không có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì không bắt buộc.

Pháp luật hiện hành cũng không còn ràng buộc về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương hay định mức lao động (trước đây được ghi nhận tại Nghị định 49/2013/NĐ-CP) mà việc xây dựng này phụ thuộc vào tính chất và thỏa thuận của doanh nghiệp. Tức là, người sử dụng lao động có thể xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động trên cơ sở mức lương cơ bản cho tất cả người lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đảm bảo mức lương tối thiểu vùng làm cơ sở để xây dựng thang lương, bảng lương. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Vì vậy, để thực hiện đúng quy định về nguyên tắc trả lương thì khi xây dựng thang lương, bảng lương, doanh nghiệp phải căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, cụ thể:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng

(Đơn vị: đồng/ tháng)

Mức lương tối thiểu giờ

(Đơn vị: đồng/ giờ)

Vùng I 4.680.000 22.500
Vùng II 4.160.000 20.000
Vùng III 3.640.000 17.5000
Vùng IV 3.250.000 15.600

Ngoài ra, theo Điều 44 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động thì người lao động cũng được tham gia ý kiến về khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động. Cụ thể, người lao động được tham gia ý kiến về những nội dung sau:

- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động;

- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; đề xuất nội dung thương lượng tập thể;

- Đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ;

- Nội dung khác liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật.

Những nội dung quy định nêu trên mà pháp luật quy định cụ thể hình thức người lao động tham gia ý kiến thì thực hiện theo quy định đó; trường hợp pháp luật không quy định cụ thể hình thức thì người lao động căn cứ vào đặc điểm sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động, nội dung người lao động được tham gia ý kiến và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc để lựa chọn hình thức sau đây:

+ Tham gia ý kiến trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động tại hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc;

+ Gửi góp ý, kiến nghị trực tiếp;

+ Hình thức khác mà pháp luật không cấm.

 

2. Người sử dụng lao động xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động nhưng không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại sơ sở có bị xử phạt hay không?

Căn cứ vào khoản 1 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về tiền lương như sau:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

- Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng;

- Không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc định mức lao động; không áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức;

- Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương; định mức lao động; quy chế thưởng;

- Không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng theo quy định;

- Không trả lương bình đẳng hoặc phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau."

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì nếu doanh nghiệp của người sử dụng lao động có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nhưng khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động mà công ty lại không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng khi người sử dụng lao động vi phạm là cá nhân và bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng khi người sử dụng lao động vi phạm là tổ chức.

 

3. Người sử dụng lao động có phải công khai thang lương, bảng lương, định mức lao động với người lao động hay không?

Theo khoản 1 Điều 43 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về nội dung, hình thức người sử dụng lao động phải công khai với người lao động những nội dung sau:

- Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;

- Nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động, nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động;

- Các thỏa ước lao động tập thể mà người sử dụng lao động tham gia;

- Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có);

- Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;

- Tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động;

- Nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải công khai thang lương, bảng lương, định mức lao động với người lao động dưới nhiều hình thức tại cơ sở làm việc trước khi thực hiện triển khai những nội dung đó.

Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.