Mục lục bài viết
Thưa luật sư, em mong luật sư giải pháp giúp em vấn đề như sau: Việc công chứng các bản dịch tiếng nước ngoài có thuộc chức năng của phòng công chứng không hay chỉ thuộc thẩm quyền của các phòng tư pháp?
Xin chân thành cảm ơn luật sư! Người gửi: N.T.H
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến, gọi:1900.6162
Trả lời:
Hiện nay việc công chứng bản dịch từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ được yêu cầu có vai trò quan trọng. Bởi với những tài liệu, hồ sơ khi dịch sang ngôn ngữ khác bắt buộc phải có công chứng của cơ quan có thẩm quyền mới có giá trị pháp lý. Vậy chứng thực bản dịch tiếng anh là gì? Ai có thẩm quyền công chứng bản dịch tiếng anh?
1. Cơ quan có thẩm quyền công chứng bản dịch tiếng nước ngoài.
Bản dịch tiếng anh công chứng còn được gọi với những cái tên như dịch thuật công chứng, dịch công chứng hoặc chứng thực bản dịch. Thực chất các tên gọi này đều nói đến một quy trình là sau khi giấy tờ được dịch thuật, chuyển ngữ từ ngôn ngữ gốc qua ngôn ngữ tiếng ngoài. Sau đó, bản dịch sẽ được đem đi chứng thực hoặc công chứng (đính kèm với bản gốc) tại văn phòng tư pháp. Các giấy tờ này sau khi được chứng thực, công chứng sẽ được gọi là bản dịch công chứng, chứng thực.
- Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Phòng Tư pháp) có thẩm quyền và trách nhiệm:
+ Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;
+ Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản;
+ Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài;
+ Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;
+ Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là động sản.
Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp sẽ thực hiện chứng thực các việc quy định tại Khoản này, ký chứng thực và đóng dấu của Phòng Tư pháp.
- Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi chung là Cơ quan đại diện) có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các việc quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ -CP. Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự ký chứng thực và đóng dấu của Cơ quan đại diện.
- Công chứng viên có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các giấy tờ văn bản sau đây:
+ Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;
+ Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch;
Ngoài ra, công chứng viên còn ký chứng thực và đóng dấu của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng (sau đây gọi chung là tổ chức hành nghề công chứng).
Như vậy, theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì đối với văn bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại, văn bản có tiếng nước ngoài thì khách hàng phải ra chứng thực tại Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Theo như quy định ở Luật Công chứng năm 2014 có thể yêu cầu Phòng tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực chữ ký người dịch trong văn bản hoặc yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng công chứng bản dịch. Luật công chứng quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch trước người yêu cầu công chứng sẽ đảm bảo quyền lợi sau này của khách hàng đến công chứng.
2. Điều kiện bản dịch được công chứng.
Căn cứ khoản 1, 2 và khoản 3 Điều 61 Luật Công chứng năm 2014 quy định về công chứng bản dịch như sau:
"Điều 61. Công chứng bản dịch
1. Việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện.
2. Công chứng viên tiếp nhận bản chính giấy tờ, văn bản cần dịch, kiểm tra và giao cho người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình thực hiện. Người phiên dịch phải ký vào từng trang của bản dịch trước khi công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch. Từng trang của bản dịch phải được đóng dấu chữ “Bản dịch” vào chỗ trống phía trên bên phải; bản dịch phải được đính kèm với bản sao của bản chính và được đóng dấu giáp lai.
3. Lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; họ tên người phiên dịch; chứng nhận chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người phiên dịch; chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng."
Điều kiện đầu tiên để bản dịch được công chứng là cộng tác viên dịch thuật bản dịch đó phải là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện hoặc Phòng tư pháp cấp huyện thực hiện chứng nhận chữ ký người dịch.
Tóm lại, theo quy định tại mục 1 và mục 2 trong bài viết này, bản dịch sang tiếng nước ngoài có thể công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc cả ở Phòng tư pháp cấp huyện và cần đáp ứng các điều kiện nêu trên.
3. Chi phí chứng thực giấy tờ có tiếng nước ngoài.
STT | Tên thủ tục chứng thực | Cơ quan thực hiện | Mức thu phí |
1 | Chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận | Tại Phòng Tư pháp, Tổ chức hành nghề công chứng. | 2.000 đồng/trang; từ trang thứ 3 trở lên thu 1.000 đồng/trang, tối đa thu không quá 200.000 đồng/bản. (theo Điều 4 Thông tư 226/2016/TT-BTC, mục 2 Phần II Quyết định 1329/QĐ-BTP) |
Tại cơ quan đại diện | 10 USD/bản (theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 264/2016/TT-BTC)
| ||
2 | Chứng thực chữ ký người dịch | Cơ quan đại diện | 10 USD/bản (theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 264/2016/TT-BTC) |
3 | Chứng thực chữ ký người dịch | Phòng Tư pháp | 10.000 đồng/trường hợp (theo Điều 4 Thông tư 226/2016/TT-BTC) |
Trên đây là bài viết của Luật Minh Khuê liên quan đến Thẩm quyền công chứng bản dịch sang tiếng nước ngoài, nếu khách hàng có vướng mắc liên quan đến bài viết, hãy gọi: 19006162 để được Luật sư tư vấn qua tổng đài trực tuyến.