>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự về tố cáo tội phạm, gọi: 1900.6162\

 

Trả lời:

1. Tố cáo là gì?

Theo Khoản 1, 2, 3 Điều 2 Luật tố cáo 2018 đã quy định một số khái niệm chung về tố cáo, cụ thể:

Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các đối tượng sau đây:

– Cán bộ, công chức, viên chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

– Người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

– Cơ quan, tổ chức.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc chấp hành quy định của pháp luật, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

 

2. Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

Căn cứ theo điều 145, Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:

"Điều 145. Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;

b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;

c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố."

=> Nhiệm vụ giải quyết tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố là trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải tổ chức và tiến hành những biện pháp, thủ tục cần thiết để tiếp nhận đầy đủ, kiểm tra xác minh và xử lý theo luật định mọi thông tin về tội phạm do cơ quan, tổ chức và cá nhân gửi đến, nhằm quyết định khởi tố hay quyết định không khởi tố vụ án hình sự, áp dụng các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn cho người tố giác.

Giải quyết tin báo tố giác là hoạt động tiền tố tụng được quy định trong pháp luật TTHS. Các quan hệ phát sinh trong việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm được điều chỉnh trực tiếp bởi các quy phạm của Bộ luật tố tụng hình sự và cả các quy phạm của các văn bản dưới luật khác. Mặc dù đều liên quan đến tin báo, tố giác nhưng việc tiếp nhận tin báo, tố giác ở giai đoạn đầu với việc giải quyết tin báo tố giác là những hoạt động có bản chất pháp lý khác nhau và sự điều chỉnh pháp luật đối với các hoạt động này cũng khác nhau. Nếu việc tiếp nhận tin báo, tố giác là nghĩa vụ của tất cả các cơ quan, tổ chức, thì việc giải quyết tin báo, tố giác lại được pháp luật tố tụng hình sự quy định là nhiệm vụ của một số rất hẹp các cơ quan bảo vệ pháp luật (cụ thể là, chỉ có Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát). Luật quy định chi tiết về thẩm quyền và xác định thời hạn cho việc giải quyết tin báo tố giác cũng như những trách nhiệm phát sinh trong quá trình giải quyết tin báo tố giác đó.

- Quy định nhiệm vụ giải quyết tin báo tố giác là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với việc giữ gìn bảo vệ pháp luật và trật tự xã hội. Việc quy định nhiệm vụ giải quyết tin báo tố giác xét về mặt xã hội là một bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện trật tự pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp chế, để công lý luôn được bảo vệ. Người dân có thể tin tưởng rằng những thông tin về tội phạm mà họ đem đến cho các cơ quan, tổ chức với ý nghĩa là những đại diện cho Nhà nước và xã hội này đều có những địa chỉ tin cậy và được xem xét giải quyết theo luật định. Mặt khác, xét về mặt tố tụng hình sự, việc quy định như thế nhằm xác định rõ chức trách nhiệm vụ và thủ tục để giải quyết nhanh chóng tin báo tố giác về tội phạm, bảo đảm hiệu quả cao của tố tụng hình sự. Quy định như thế còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc khắc phục tình trạng chồng chéo nhau, nhiều cơ quan, đơn vị cùng lúc giải quyết một sự việc dẫn đến những tranh chấp hoặc những hậu quả không mong muốn khác. Đồng thời, để tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm.

-  Điều luật quy định về nội dung nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước gửi đến; đồng thời quy định về chủ thể, vai trò của các chủ thể, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể đó trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

+ Trong Điều luật đã khái quát toàn bộ nội dung của nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước gửi đến gồm 3 nội dung chính: tiếp nhận đầy đủ; xử lý trong thời hạn luật định; bảo đảm chấp hành pháp luật trong tiếp nhận và xử lý

+ Điều luật xác định nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước gửi đến thuộc về hai cơ quan: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.

Sự phân định vai trò, chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ nói trên là tương đối rõ ràng. Cả hai cơ quan đó đều có nhiệm vụ tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước gửi đến. Cơ quan điều tra là chủ thể chính xử lý tin báo tố giác và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát tiếp nhận mà không xử lý, nhưng phải chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với việc tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác và kiến nghị khởi tố.

 

3. Cơ quan tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố 

- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

- Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

 

4. Cơ quan giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

- Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;

- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;

- Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục. Xem thêm: Đường dây nóng tố giác tội phạm Bộ Công an gọi số nào, ở đâu?

 

5. Hướng dẫn trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

Theo "Cơ quan giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố" được hướng dẫn bởi Điều 5 và Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC:

"Điều 5. Trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

1. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:

a) Cơ quan điều tra;

b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

c) Viện kiểm sát các cấp;

d) Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

2. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

a) Các cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này, trừ Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Đội An ninh Công an cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình.

b) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục."

=> Như vậy, đối với trường hợp của bạn, bạn có thể gửi đơn trực tiếp lên cơ quan điều tra (Công an quận/huyện) để cơ quan điều tra tiếp nhận và giải quyết. Và bạn hoàn toàn có quyền gửi nhiều cơ quan cùng một lúc, pháp luật không có quy định cấm gửi đơn tố cáo nhiều cơ quan cùng một lúc.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.6162 để được giải đáp.