Mục lục bài viết
- 1. Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở
- 2. Thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở phải đáp ứng những điều kiện nào?
- 3. Những trường hợp nào phải tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động?
- 4. Những trường hợp nào phải tổ chức Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở?
- 5. Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở có quyền hạn và nhiệm vụ gì?
1. Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở
Theo Khoản 2 và Khoản 3 Điều 75 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, có thể xác định:
- Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở là hội đồng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động tại cơ sở lao động thực hiện các hoạt động an toàn, vệ sinh lao động: Xây dựng các quy định về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức đối thoại tại nơi làm việc giữa người lao động và người sử dụng lao động về các vấn đề an toàn, vệ sinh lao động; kiểm tra tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở của người lao động, các bộ phận có trách nhiệm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động tại cơ sở; yêu cầu người sử dụng lao động có biện pháp xử lý các vấn đề cấp thiết liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở.
- Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động bao gồm nhiều thành phần khác nhau, bao gồm: Đại diện người sử dụng lao động (Chủ tịch Hội đồng); Đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tập thể người lao động nơi chuea có tổ chức công đoàn (Phó Chủ tịch Hội đồng); người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh (Ủy viên thường trực kiêm thư ký Hội đồng); người làm công tác y tế ở cơ sở sản xuất, kinh doanh và các thành viên khác theo sự chỉ định của Chủ tịch Hội đồng. Các thành viên này về cơ bản đều có trách nhiệm liên quan đến quản lý, giám sát, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, vì vậy, đây có thể được coi là một tập hợp các chủ thể có mối liên kết mật thiết trong hoạt động đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến vấn đề này.
2. Thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở phải đáp ứng những điều kiện nào?
Để thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở, cần đáp ứng điều kiện về thành phần của Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở bao gồm:
- Đại diện người sử dụng lao động làm Chủ tịch Hội đồng;
- Đại diện của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể người lao động nơi chưa có tổ chức công đoàn làm Phó Chủ tịch Hội đồng;
- Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở sản xuất, kinh doanh là ủy viên thường trực kiêm thư ký Hội đồng;
- Người làm công tác y tế ở cơ sở sản xuất, kinh doanh;
- Các thành viên khác có liên quan.
Thành phần của Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở phải bảo đảm tỷ lệ thành viên nữ tham gia phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giới, điều kiện thực tế ở cơ sở sản xuất, kinh doanh.
(Khoản 3 Điều 75 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015)
3. Những trường hợp nào phải tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động?
Theo Điều 36 Nghị định 39/2016/NĐ-CP thì việc tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:
- Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khai khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất, sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim, thi công công trình xây dựng, đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất, truyền tải và phân phối điện, người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động bảo đảm các yêu cầu tối thiểu sau đây:
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 50 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ bán chuyên trách;
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 50 đến dưới 300 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách;
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 300 đến dưới 1.000 người lao động, phải bố trí ít nhất 02 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách;
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng sử dụng trên 1.000 người lao động phải thành lập phòng an toàn, vệ sinh lao động hoặc bố trí ít nhất 03 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách.
- Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác với lĩnh vực, ngành nghề quy định tại Khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở bảo đảm các yêu cầu tối thiểu sau đây:
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 300 người lao động, phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ bán chuyên trách;
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 300 đến dưới 1.000 người lao động, phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách;
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng sử dụng trên 1.000 người lao động, phải thành lập phòng an toàn, vệ sinh lao động hoặc bố trí ít nhất 2 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách.”
4. Những trường hợp nào phải tổ chức Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở?
Theo Điều 38 Nghị định 39/2016/NĐ-CP thì việc tổ chức Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở được quy định cụ thể như sau:
- Người sử dụng lao động phải thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động lao động cơ sở trong các trường hợp sau đây:
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực, ngành nghề quy định tại Khoản 1 Điều 36 Nghị định này và sử dụng từ 300 người lao động trở lên;
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác với cơ sở sản xuất, kinh doanh quy định tại Điểm a Khoản này, có sử dụng từ 1.000 người lao động trở lên;
+ Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh khác với cơ sở sản xuất, kinh doanh quy định tại Khoản 1 Điều này thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động nếu thấy cần thiết và đủ Điều kiện để hoạt động.”
Như vậy, người sử dụng lao động phải thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở nếu thấy cần thiết và đủ điều kiện hoạt động trong trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực, ngành nghề quy định tại Khoản 1 Điều 36 Nghị định này và sử dụng từ 300 người lao động trở lên; Cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác với cơ sở sản xuất, kinh doanh quy định tại Điểm a Khoản này, có sử dụng từ 1.000 người lao động trở lên; Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.
5. Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở có quyền hạn và nhiệm vụ gì?
Theo khoản 2 Điều 75 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thì Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở có quyền hạn và nhiệm vụ sau:
- Tư vấn, phối hợp với người sử dụng lao động trong việc xây dựng nội quy, quy trình, kế hoạch và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh;
- Hằng năm, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc giữa người lao động, người sử dụng lao động nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy cải thiện các điều kiện làm việc công bằng, an toàn cho người lao động; nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh;
- Tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh;
- Yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục nếu phát hiện thấy nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động.
>>> Xem thêm: Lập kế hoạch an toàn vệ sinh lao động thì có cần phải lấy ý kiến BCH công đoàn cơ sở không?