Thưa Luật sư Minh Khuê, hiện em đang có một chút thắc mắc về tranh chấp hợp đồng thương mại như sau, mong Luật sư giúp đỡ em ạ: "Hợp đồng các bên thỏa thuận người bán có nghĩa vụ giao hàng cho người mua khi người mua đặt cọc 100% giá trị hàng hóa. Hợp đồng các bên thỏa thuận người bán có nghĩa vụ giao hàng cho người mua khi người mua đặt cọc 50% giá trị hàng hóa. Em thắc mắc là: Ở đây đặt cọc 100% và đặt cọc 50% trong hợp đồng mua bán thì có ý nghĩa gì? Và ai sẽ là người có lợi trong từng trường hợp?" Em cảm ơn công ty! Người gửi: Phạm Hữu Thành

 

Trả lời:

Hữu Thành thân mến! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho công ty chúng tôi! Những thắc mắc của bạn tôi xin giải đáp cho bạn như sau:

 

1. Ý nghĩa của việc cọc 50% hay 100%

Trong các hợp đồng mua bán hàng hóa đặc biệt là hợp đồng mua bán nhà hoặc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất… chúng ta vẫn thấy xuất hiện thỏa thuận về đặt cọc. Vấn đề đặt cọc trước bao nhiêu so với giá trị lợi ích mà bên mua và bên bán hướng tới phụ thuộc vào thỏa thuận của hai bên khi giao kết hợp đồng mà thôi. Pháp luật nước ta mà cụ thể ở đây là Bộ luật dân sự năm 2015 Luật thương mại năm 2005 không hề có quy định là phải đặt cọc bao nhiêu. Do đó sẽ có trường hợp hai bên thỏa thuận đặt cọc là 50% giá trị hàng hóa, thỏa thuận đặt cọc 100% giá trị hàng hóa như bạn nói.

Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về đặt cọc cụ thể như sau:

"Điều 328. Đặt cọc

1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".

Việc đặt cọc ở đây mang ý nghĩa là nhằm đảm bảo cho việc các bên thực hiện đúng hợp đồng. Trong trường hợp mà bạn đề cập tới thì việc giao kết mang một ý nghĩa rất quan trọng nó là biện pháp bảo đảm để bên bán và bên mua chuyển giao hàng hóa cho nhau.

 

1.1 Thỏa thuận đặt cọc 100%

- Trong thỏa thuận thứ nhất về đặt cọc 100%:  Bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua khi người mua đặt cọc 100% giá trị hàng hóa. Trường hợp này bên bán là bên có lợi. Bởi vì giá trị hàng hóa thường nhỏ hơn giá trị hợp đồng vì thường giá trị hợp đồng còn bao gồm các chi phí khác chẳng hạn như thuế. Do đó khi đặt cọc 100% giá trị hàng hóa thì bên bán sẽ giao hàng cho bên mua. Tức là đã có sự chuyển giao quyền sở hữu giữa hai bên. Vì vậy khi có thiệt hại xảy ra như cháy, nổ, sự kiện bất khả kháng thì bên mua bây giờ đã là chủ sở hữu sẽ phải chịu toàn bộ thiệt hại đó.

Điều 441 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thời điểm chịu rủi ro của hàng hóa, cụ thể như sau:

"Điều 441. Thời điểm chịu rủi ro

1. Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được giao cho bên mua, bên mua chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. 

2. Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".

Chính theo quy định đã nêu ở trên trong trường hợp này bên mua sẽ là bên chịu thiệt hơn so với bên bán.

 

1.2 Thảo thuận cọc 50%

- Trong thỏa thuận thứ hai bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua khi bên mua đặt cọc 50% trường hợp này bên có lợi hơn là bên mua vì bên mua mới chỉ đặt cọc 50% giá trị hàng hóa do đó khi có thiệt hại xảy ra như cháy, nổ, sự kiện bất khả kháng thì cả bên bán và bên mua đều phải chịu thiệt hại đó. Tuy nhiên trường hợp xảy ra thiệt hại đó cũng không nhiều. Do vậy xét một cách bao quát, toàn diện thì bên mua vẫn là bên có lợi hơn.

 

2. Một số quan điểm bổ sung

Theo như bạn hỏi, đặt cọc 50% và 100% trong hợp đồng mua bán có nghĩa là gì, chúng tôi có thể giải thích cho bạn như sau:

- Đặt cọc trong hợp đồng mua bán để nâng cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ giữa hai bên. Bên bán yêu cầu bên mua đặt cọc 50% giá trị hàng hóa, hay 100% giá trị hàng hóa là do sự thỏa thuận của hai bên. Bên bán yêu cầu đặt cọc có thể vì những lí do sau: Bên bán muốn chắc chắn bên mua lấy hàng, không trốn tránh nghĩa vụ thanh toán hàng hóa…

Trong trường hợp này, việc có lợi hay không không thực sự đặt ra, bởi đã xác lập hợp đồng, tức đều dựa trên sự có lợi của hai bên. Việc yêu cầu tiền đặt cọc chỉ nhằm nâng cao trách nhiệm thực hiện hợp đồng của các bên.

 

3. Mẫu hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa 

Hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa là sự thảo thuận giữa các bên, theo đó một bên đưa cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí, đá quý, vật có giá trị trong một thời gian nhất định để đảm bảo việc giao kết thực hiện hợp đồng. Hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa được sự dụng khá phổ biến hiện nay trong các giao dịch dân sự, do đặc điểm và tính tiện lợi của hợp đồng đặt cọc là không nhất thiết phải thực hiện việc công chứng, chứng thực, nội dung của hợp đồng khá đơn giản chỉ nhằm mục đích đảm bảo việc giao kết, thực hiện hợp đồng.

Dưới đây chúng tôi đưa ra mẫu hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa thông dụng nhất để quý khách hàng có thể tham khảo:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------------

HỢP ĐỒNG ĐẶT CỌC MUA BÁN HÀNG HÓA (Mẫu)

(Đặt cọc mua bán…..)

 

Tại địa chỉ số ... phường ..........., quận ...... thành phố ......... ,chúng tôi gồm có các bên dưới đây:

BÊN ĐẶT CỌC:  (Bên A)

Ông (Bà)/Tổ chức: ............................................................... 

Sinh ngày: ............................................................................ 

Chứng minh nhân dân/ ĐKKD số: ......... do cơ quan ......... cấp ngày .......... 

Hộ khẩu thường trú/trụ sở: ……………………….................. 

BÊN NHẬN ĐẶT CỌC:  (Bên B)

Ông (Bà)/Tổ chức: ................................................................ 

Sinh ngày: ............................................................................. 

Chứng minh nhân dân/ ĐKKD số: ......... do cơ quan  ......... cấp ngày .............. 

Hộ khẩu thường trú/trụ sở: …………………......................... 

Hai bên đồng ý thực hiện ký kết Hợp đồng đặt cọc với các thỏa thuận sau đây:

ĐIỀU 1: Tài sản đặt cọc

(Mô tả cụ thể các chi tiết về tài sản đặt cọc: nếu là tiền số tiền là bao nhiêu, mệnh giá như thế nào, nếu là vàng bạc hoặc kim khí quý khác thì nêu rõ số lượng, cân nặng, hình dáng……)

ĐIỀU 2: Thời hạn đặt cọc

Thời hạn đặt cọc là: ................., kể từ ngày ..........................  

ĐIỀU 3: Mục đích đặt cọc

Ghi rõ mục đích đặt cọc, nội dung thỏa thuận (cam kết) của các bên về việc bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa.

ĐIỀU 4: Quyền và nghĩa vụ của bên A

Bên A có các nghĩa vụ sau đây:

a) Giao tài sản đặt cọc cho Bên B theo đúng thỏa thuận;

b) Giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự đã thỏa thuận tại Điều 3 nêu trên. Nếu Bên A từ chối giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự (mục đích đặt cọc không đạt được) thì Bên A bị mất tài sản đặt cọc;

c) Các thỏa thuận khác ...

Bên A có các quyền sau đây:

a) Nhận lại tài sản đặt cọc từ Bên B hoặc được trả khi thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho Bên B trong trường hợp 2 Bên giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự (mục đích đặt cọc đạt được);

b) Nhận lại và sở hữu tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc (trừ trường hợp có thỏa thuận khác) trong trường hợp Bên B từ chối việc giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự (mục đích đặt cọc không đạt được);

c) Các thỏa thuận khác ...

ĐIỀU 5: Quyền và nghĩa vụ của bên B

Bên B có các nghĩa vụ sau đây:

a) Trả lại tài sản đặt cọc cho Bên A hoặc trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền trong trường hợp 2 Bên giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự (mục đích đặt cọc đạt được);

b) Trả lại tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc cho Bên A (trừ trường hợp có thỏa thuận khác) trong trường hợp Bên B từ chối việc giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự (mục đích đặt cọc không đạt được);

c) Các thỏa thuận khác ...

Bên B có các quyền sau đây:

a) Sở hữu tài sản đặt cọc nếu Bên A từ chối giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự (mục đích đặt cọc không đạt được).

b) Các thỏa thuận khác ...

ĐIỀU 6: Việc nộp lệ phí công chứng

Lệ phí công chứng hợp đồng này do Bên ...... chịu trách nhiệm nộp. 

ĐIỀU 7: Phương thức giải quyết tranh chấp

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng mà phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; trong trường hợp không giải quyết được, thì một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

ĐIỀU 8: Cam đoan của các bên

Bên A và bên B chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời cam đoan sau đây:

Việc giao kết Hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối hoặc ép buộc;

Thực hiện đúng và đầy đủ tất cả các thỏa thuận đã ghi trong Hợp đồng này;

Các cam đoan khác...

ĐIỀU 9: Điều khoản cuối cùng

Hai bên công nhận đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc giao kết Hợp đồng này;

Hai bên đã tự đọc Hợp đồng, đã hiểu và đồng ý tất cả các điều khoản ghi trong Hợp đồng và ký vào Hợp đồng này trước sự có mặt của Công chứng viên hoặc người làm chứng;

Hợp đồng có hiệu lực từ ngày…/…/…/; Hợp đồng được lập thành … bản, mỗi bên giữ… bản.

Bên A

(ký, điểm chỉ và ghi rõ họ tên)

Bên B

(ký, điểm chỉ và ghi rõ họ tên)

>> Tham khảo dịch vụ liên quan:  Dịch vụ luật sư tư vấn soạn thảo, rà soát hợp đồng;