Căn cứ văn bản hợp nhất Luật Đất đai số 21/VBHN-VPQH ngày 10/12/2018 - gọi tắt Luật Đất đai;

- Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;

- Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;

- Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 Quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sưng một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;

- Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;

- Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/05/2014 về hồ sơ địa chính, Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/04/2015 về quản lý đất trồng lúa;

- Thông tư 01/2021/TT-BTNMT ngày 12/4/2021 Quy định kỹ thuật việc lập, điều chinh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Quy định cụ thể như sau:

Theo Điều 37 Luật Đất đai, được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018:

1. Thời kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm và cấp huyện là từ 20 năm đến 30 năm.

2. Thời kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc gia, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và kế hoạch sử dụng đất an ninh là 05 năm; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm.

Luật Minh Khuê phân tích chi tiết quy định pháp lý trên như sau:

 

1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là gì?

Theo quy định pháp luật tại khoản 2 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 có quy định thì quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai. Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của ngành, các lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định. Kế hoạch sử dụng đất là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất. 

Quy hoạch sử dụng đất luôn gắn liền với kế hoạch sử dụng đất; vì kế hoạch sử dụng đất là việc xác định các biện pháp, thời gian để sử dụng đất theo quy hoạch. Do đó, trong nhiều trường hợp thì quy hoạch sử dụng đất có ý nghĩa to lớn trong công tác quản lý và sử dụng đất; đảm bảo cho việc sử dụng đất đai hợp lý và tiết kiện; đạt được các mục tiêu phù hợp nhất định với quy định pháp luật. 

 

2. Nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật

Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định căn cứ theo Điều 35 của Luật đất đai năm 2013 như sau: Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đáp ứng nguyên tắc phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết các vùng kinh tế - xã hội; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã; Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả; Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; Bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Dân chủ và công khai; Bảo đảm ưu tiên quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công an, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường; Quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt. 

Theo đó, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng kinh tế - xã hội; Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc phòng; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh. Quy hoạch kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt. Pháp luật quy định khẳng định vai trò, vị trí của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực sử dụng đất. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc rà soát quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. 

 

3. Các quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định tại Điều 42 Luật đất đai năm 2013 phải có trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật. Chính phủ tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì giúp Chính phủ trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bộ Quốc phòng sẽ có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; Bộ Công an tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật thì có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hình thức, nội dung và thời gian lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện theo quy định sau đây: 

- Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh được thực hiện thông qua hình thức công thai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng cấp huyện được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện; Nội dung lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là 30 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức lấy ý kiến. Cơ quan có trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật sẽ có trách nhiệm xây dựng báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và hoàn thiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước khi Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an có trách nhiệm lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 

Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật sẽ bao gồm:

- Thứ nhất là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia: Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia sẽ bao gồm: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia; quy hoạch tổng thể phát triển các vùng kinh tế - xã hội; chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; Hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia kỳ trước; Nhu cầu sử dụng đất của các lĩnh vực, ngành; Tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất. Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia bao gồm: định hướng sử dụng đất 10 năm; Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất đối với nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng; trong đó xác định diện tích một số loại đất gồm đất trồng lúa, đất chuyên trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủ sản, đất làm muối, đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu công nghiệp, đất khu chế xuất, đất khu công nghệ cao, đất khu kinh tế, đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đất đô thị và đất bãi thải, xử lý chất thải; Xác định diện tích các loại đất theo của định của kỳ quy hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp tỉnh và vùng kinh tế - xã hội; Lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và các vùng kinh tế - xã hội; Giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất. 

Căn cứ để lập kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia sẽ bao gồm các căn cứ theo quy định của pháp luật: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hằng năm của cả nước; Nhu cầu sử dụng đất 05 năm của các ngành, lĩnh vực; Kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia kỳ trước; Khả năng đầu tư và huy động vốn để thực hiện kế hoạch sử dụng đất. 

Thứ hai là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Căn cứ để lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh sẽ bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế - xã hội, của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh kỳ trước; Nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực của cấp tỉnh; Định mức sử dụng đất; Tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất. Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh bao gồm: định hướng sử dụng đất 10 năm; xác định diện tích các loại đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất cấp tỉnh; Xác định các khu vực sử dụng đất theo chức năng sử dụng đất theo chức năng sử dụng; xác định diện tích các loại đất theo quy định đến từng đơn vị hành chính cấp huyện; Lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất. Căn cứ lập kế hoạch sử dụng sử dụng đất cấp tỉnh sẽ bao gồm: Kế hoạch sử dụng đất 05 năm cấp quốc gia; quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hằng năm của cấp tỉnh; Nhu cầu sử dụng đất 05 năm của các ngành, lĩnh vực của cấp tỉnh; Kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh kỳ trước; Khả năng đầu tư, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch sử dụng đất. 

Nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh sẽ bao gồm việc phân tích, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh kỳ trước; Xác định diện tích các loại đất theo quy định trong kỳ quy hoạch sử dụng đất theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện; Xác định diện tích các loại đất cần chuyển mục đích sử dụng trong kỳ kế hoạch sử dụng đất theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện; Và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh xác định quy mô, địa điểm công trình, dự án cấp quốc gia và cấp tỉnh sử dụng vào các mục đích theo quy định thực hiện trong kỳ kế hoạch sử dụng đất theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện. Đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn thì phải đồng thời xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh; Lập bản đồ kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và giải pháp thực hiện kế hoạch sử dụng đất. 

Thứ ba là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Căn cứ để lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cấp tỉnh, cấp huyện; Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp huyện kỳ trước; Nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, của cấp huyện, của cấp xã; Định mức sử dụng đất; Tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất. Và nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện sẽ bao gồm: Định hướng sử dụng đất 10 năm; xác định diện tích các loại đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng của cấp huyện và cấp xã; xác định các khu vực sử dụng đất theo chức năng sử dụng đến từng đơn vị hành chính cấp xã; Xác định diện tích các loại đất xã xác định đến từng đơn vị hành chính cấp xã; Lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; đối với khu vực quy hoạch đất trồng lúa, khu vực quy hoạch chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định thì thể hiện chi tiết đến từng đơn vị hành chính cấp xã; Giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất.

Căn cứ vào lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện sẽ bao gồm: Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; Nhu cầu sử dụng đất trong năm kế hoạch của các ngành, lĩnh vực, của các cấp; Khả năng đầu tư, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch sử dụng đất. Nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện sẽ bao gồm: Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm trước; Xác định diện tích các loại đất đã được phân bổ trong kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất của cấp huyện, cấp xã trong năm kế hoạch; xác định vị trí, diện tích đất phải thu hồi để thực hiện công trình, dự án sử dụng đất vào mục đích theo quy định trong năm kế hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp xã. Đối với những dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn thì phải đồng thời xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh; Đối với quận đã có có quy hoạch đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không lập quy hoạch sử dụng đất nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm; trường hợp quy hoạch đô thị của quận không phù hợp với diện tích đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thì phải điều chỉnh quy hoạch đô thị phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Thứ tư là quy hoạch, sử dụng đất quốc phòng, an ninh. Căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia và quy hoạch tổng thể phát triển các vùng kinh tế - xã hội; Hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh kỳ trước; Nhu cầu sử dụng đất quốc phòng, an ninh; Định mức sử dụng đất; tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất. Nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh sẽ bao gồm: Định hướng sử dụng đất quốc phòng, an ninh; Xác định nhu cầu sử dụng đất quốc phòng, an ninh trong kỳ quy hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia; Xác định vị trí, diện tích quốc phòng, an ninh để giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội; Giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh. 

Căn cứ vào việc lập kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh sẽ bao gồm: Kế hoạch sử dụng đất 05 năm cấp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh; Nhu cầu sử dụng đất 05 năm quốc phòng, an ninh; Kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh kỳ trước; Khả năng đầu tư, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh. Nội dung kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh sẽ bao gồm: Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh kỳ trước; Xác định khu vực, diện tích sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh bàn giao lại cho địa phương quản lý trong kỳ kế hoạch 05 năm; Giải pháp thực hiện kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh. 

 

4. Thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất?

Căn cứ vào Điều 37 của Luật đất đai năm 2013 quy định về thời hạn của kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo đó, kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm; Kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh là 05 năm. Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm. 

Quy định của pháp luật nhằm khắc phục tình trạng giao đất cho thuê đất tràn lan, thường tập trung vào đầu kỳ của kỳ kế hoạch sử dụng đất và đầu nhiệm kỳ của hệ thống chính trị. Buộc các cơ quan nhà nước, các chủ đầu tư cân nhắc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất phù hợp với nguồn đầu tư được huy động; tránh tình trạng bỏ hoang hóa, gây lãng phí về tài nguyên đất. 

Trên đây là tư vấn mà công ty Luật Minh Khuê muốn gửi tới quý khách hàng. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc hay có câu hỏi pháp lý khác thì vui lòng liên hệ trực tiếp Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 qua số hotline1900.6162 để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng!