1. Thủ tục đăng ký nội quy, thang bảng lương lao động?

Chào công ty luật Minh Khuê. Công ty em là Cty TNHH A, địa chỉ: Q.1, HCM. Kinh doanh nhà hàng với thương hiệu Buzza Pizza. Luật sư cho em hỏi: Công ty em là cty TNHH nhưng không có vốn của nhà nước.
Vậy cty em có cần phải có: Nội quy làm việc cho nhân viên + Đăng ký thang bảng lương với Sở lao động không? Nếu có thì thủ tục như thế nào?
Cám ơn!
Người hỏi: Nhà hàng Buzza Pizza

>> Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến, gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Điều 93 Bộ luật lao động 2019. Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động

"Điều 93. Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động

1. Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

2. Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.

3. Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.

Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện."

- Điều 118 Bộ luật lao động quy định nội quy lao động như sau: 

"Điều 118. Nội quy lao động

1. Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản.

2. Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

b) Trật tự tại nơi làm việc;

c) An toàn, vệ sinh lao động;

d) Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

đ) Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;

e) Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;

g) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;

h) Trách nhiệm vật chất;

i) Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.

3. Trước khi ban hành nội quy lao động hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

4. Nội quy lao động phải được thông báo đến người lao động và những nội dung chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này."

Như vậy theo quy định của pháp luật, đối với công ty của bạn bắt buộc phải xây dựng thang bảng lương, còn đối với nội quy lao động chỉ phải lập nếu công ty bạn sử dụng trên 10 lao động.

- Thủ tục đăng ký thang bảng lương:

Bước 1: công ty xây dựng thang bảng lương (khi xây dựng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tạ cơ sở);

Bước 2: công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi Phòng lao động - thương binh và xã hội Quận 1, tp. Hồ Chí Minh

- Thủ tục đăng ký nội quy lao đông thực hiện theo quy định tại điều 28 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP:

Bước 1: Ban hành nội quy lao động

Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ban hành nội quy lao động, công ty bạn phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động cho Sở lao động - thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh.

Khi nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký nội quy lao động, Sở lao động - thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy xác nhận đã nhận hồ sơ đăng ký nội quy lao động cho người sử dụng lao động.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký nội quy lao động, nếu nội quy lao động có quy định trái với pháp luật thì Sở lao động - thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh có văn bản thông báo và hướng dẫn người công ty bạn sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại nội quy lao động.

Khi nhận được văn bản thông báo nội quy lao động có quy định trái với pháp luật, công ty bạn sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thực hiện đăng ký lại nội quy lao động.

Nội quy lao động có hiệu lực sau thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Sở lao động - thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh nhận được hồ sơ đăng ký hoặc hồ sơ đăng ký lại nội quy lao động.

 

2. Nguyên tắc xây dựng và ban hành thang bảng lương

Thang bảng lương là một trong những điều không thể thiếu của doanh nghiệp. Việc xây dựng thang bảng lương được thực hiện như sau:

 

Luật sư tư vấn:

Căn cứ theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019 (Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn luật lao động), người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

Người sử dụng lao động khi xây dựng thang, bảng lương phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời người sử dụng lao động phải gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.

Khi xây dựng thang bảng lương, cần đảm bảo nguyên tắc sau:

- Mức lương thấp nhất (khởi điểm) của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương do công ty xác định trên cơ sở mức độ phức tạp của công việc hoặc chức danh tương ứng với trình độ, kỹ năng, trách nhiệm, kinh nghiệm để thực hiện công việc hoặc chức danh, trong đó:

+ Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

+ Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

+ Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

- Số bậc của thang bảng lương phụ thuộc vào nhu cầu quản lý của doanh nghiệp, khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề không được thấp hơn 5%.

- Người sử dụng lao động tự quyết định mức lương đối với các chức danh trong công ty, mức cụ thể đảm bảo xây dựng theo nguyên tắc trên.

Cách xây dựng cụ thể như sau:

Bậc 1: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (Đây có thể là mức lương cơ bản theo chức danh không bao gồm phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác). Ví dụ, mức lương tối thiểu vùng 1 hiện tại là 3.980.000đ, đối với người lao động đã qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% trong điều kiện lao động bình thường thì Bậc 1 = 3.980.000đ + (3.980.000đ x 7%) = 4.258.600đ

Như vậy, Mức lương bậc 1 đối với người lao động đã qua đào tào làm việc ở vùng 1 trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn 4.258.600đ. Mức cao hơn không hạn chế do doanh nghiệp tự lựa chọn, đảm bảo đúng nguyên tắc xây dựng thang bảng lương.

Bậc 2: Cao hơn bậc 1 ít nhất 5%.

Ví dụ, cũng trong trường hợp như ở bậc 1 là 4.258.600đ thì bậc 2 = 4.258.600đ + (4.258.600đ x 5%) = 4.471.530đ

Như vậy, mức lương bậc 2 đối với người lao động đã qua đào tào làm việc ở vùng 1 trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn 4.471.530đ.

Mức cao hơn không hạn chế do doanh nghiệp tự lựa chọn, đảm bảo đúng nguyên tắc xây dựng thang bảng lương.

Tương tự Bậc 3 cao hơn bậc 2 ít nhất 5%; Bậc 4 cao hơn bậc 3 ít nhất 5%; Bậc 5 cao hơn bậc 4 ít nhất 5%;....

Tương tự, doanh nghiệp có thể chia ra các chức danh, ví dụ giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng, phó phòng, nhân viên hành chính, nhân viên kinh doanh, kế toán,... để có một hệ thống thang bảng lương hoàn chỉnh.

Hoặc đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì xây dựng bậc lương như sau:

Bậc 1: Tối thiểu phải cao hơn mức lương với độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường ít nhất 5%. Ví dụ, người lao động đã qua đào tạo làm công việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại tại vùng 1, mức lương bậc 1 = 4.258.600đ + (4.258.600đ x 5%) = 4.471.530đ

Vậy, mức lương bậc 1 đối với người lao động đã qua đào tạo làm công việc nặng nhọc, độc hại không thấp hơn 4.571.530đ. Không giới hạn mức tối đa, đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các bậc.

Tương tự, bậc 2 phải cao hơn bậc 1 ít nhất 5%; Bậc 3 cao hơn bậc 2 ít nhất 5%;...

- Hồ sơ đăng ký thang bảng lương với Phòng lao động thương binh xã hội gồm:

+ Hệ thống thang, bảng lương

+ Công văn đăng ký hệ thống thang bảng lương

+ Quyết định ban hành hệ thống thang bảng lương

+Biên bản thông qua hệ thống thang bảng lương

+ Bảng quy định tiêu chuẩn và điều kiện áp dụng đối với từng chức vụ.

>> Mời quý khách hàng tham khảo một số bài viết liên quan: Quy định mới nhất về thủ tục đăng ký thang lương, bảng lương?

 

3. Cách hướng dẫn xây dựng thang bảng lương theo luật lao động mới?

Chào luật sư công ty Luật Minh Khuê, tôi muốn luật sư công ty tư vấn giúp tôi về cách xây dựng thang bảng lương theo quy định của pháp luật hiện hành. Tôi được biết trong năm 2016, nhà nước có chính sách tăng lương tối thiểu vùng cũng như các mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Vậy tôi muốn được tư vấn cách xây dựng thang bảng lương theo mức lương hiện nay ?
Tôi chân thành cảm ơn !

>> Luật sư tư vấn luật lao động trực tuyến, gọi 1900.6162

 

Trả lời :

Theo quy định của điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì khi xây dựng thang bảng lương, bạn phải căn cứ vào nguyên tắc lập thang bảng lương theo quy định của pháp luật.

"Điều 7. Nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương

1. Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, doanh nghiệp xây dựng và quyết định thang lương, bảng lương đối với lao động quản lý, lao động chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, phục vụ.

2. Bội số của thang lương là hệ số chênh lệch giữa mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật cao nhất so với mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật thấp nhất, số bậc của thang lương, bảng lương phụ thuộc vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%.

3. Mức lương thấp nhất (khởi điểm) của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương do công ty xác định trên cơ sở mức độ phức tạp của công việc hoặc chức danh tương ứng với trình độ, kỹ năng, trách nhiệm, kinh nghiệm để thực hiện công việc hoặc chức danh, trong đó:

a) Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

b) Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

c) Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

4. Khi xây dựng và áp dụng thang lương, bảng lương phải bảo đảm bình đẳng, không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn đối với người lao động, đồng thời phải xây dựng tiêu chuẩn để xếp lương, điều kiện nâng bậc lương.

5. Thang lương, bảng lương phải được định kỳ rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế về đổi mới công nghệ, tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, mặt bằng tiền lương trên thị trường lao động và bảo đảm các quy định của pháp luật lao động.

6. Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại doanh nghiệp và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương phải báo cáo chủ sở hữu cho ý kiến trước khi thực hiện; đối với công ty mẹ - Tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của Tổng công ty hạng đặc biệt đồng thời gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, giám sát".

Như vậy khi xây dựng thang bảng lương thì người sử dụng lao động tuân theo các nguyên tắc này cũng như phải căn cứ theo mức lương tối thiểu chung mà pháp luật quy định để làm căn cứ xây dựng thang bảng lương.

 

a. Cách tính mức lương tối thiểu đối với người lao động

Mức lương áp dụng để làm căn cứ trả lương cho người lao động là việc theo hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình,cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động

"Điều 3. Mức lương tối thiểu vùng

1. Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:

a) Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

b) Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

c) Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

d) Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

2. Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này."

=> Trên đây là các mức lương tối thiểu mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động khi ký hợp đồng lao đông. Tùy theo từng đối tượng cụ thể thì các bên sẽ phải tiến hành trả lương tối thiểu theo các mức trên.

 

b. Lương bậc 2 và các bậc cao hơn

Việc xây dựng lương bậc 2 và các bậc cao hơn phải đáp ứng được quy định: “Bội số của thang lương là hệ số chênh lệch giữa mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật cao nhất so với mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật thấp nhất, số bậc của thang lương, bảng lương phụ thuộc vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%”.

Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email hoặc qua Tổng đài luật sư tư vấn: 1900.6162

 

4. Xây dựng thang bảng lương dựa trên lương tối thiểu theo vùng mới

Kính chào anh/ chị tư vấn, hiện đang làm việc tại phòng nhân sự tại một công ty 100% vốn nhật bản. Em có một vấn đề liên quan đến việc xây dựng thang bảng lương xin được tư vấn như sau:công ty em có trụ sở ở nha trang, và vpđd tại tp. Hcm. Cty ở nha trang đóng bhxh ở nha trang và nhân viên trực thuộc công ty làm việc ở vpđd thì đóng bhxh ở bhxh thành phố. Hiện công ty ở nha trang đã nộp thang bảng lương cho khu vực ở ngoài đó và trong hcm, em đang xây dựng thang bảng lương cho những nhân viên tham gia bhxh ở tại khu vực tp. Hcm.
Tuy nhiên, trong số những người tham gia bhxh tại tp. Hcm thì lại bao gồm một số nhân viên thuộc công ty nhưng sống và làm việc ở một số tỉnh (thuộc khu vực 2 hoặc 3). Vì vậy, bây giờ khi xây dựng thang bảng lương dựa trên mức lương tối thiểu vùng mới, thì những nhân viên sống và làm việc ở hcm thì thỏa, nhưng những nhân viên ở tỉnh này thì không thỏa vì lương cơ bản của họ dựa theo mức lương vùng 2 và vùng 3, mức này thấp hơn vùng 1 (hcm) đang xây dựng. Em muốn xin tư vấn về trường hợp này ?
Xin chân thành cảm ơn và mong tin.

 

Luật sư trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Khuê của chúng tôi, trường hợp của bạn được tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn cần xác định rõ một số nội dung sau để giải quyết vấn đề của mình:

 

a. Sự cần thiết của xây dựng thang lương, bảng lương

- Doanh nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động để làm cơ sở tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

- Việc xây dựng thang lương, bảng lương của doanh nghiệp là một điều bắt buộc khi doanh nghiệp mới thành lập và bắt đầu tuyển dụng, nếu doanh nghiệp không tiến hành việc xây dựng thang bảng lương thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt như sau:

Theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP, Điều 16 quy định về vi phạm quy định về tiền lương như sau:

"1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không công bố công khai tại nơi làm việc thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng;

b) Không lập sổ lương và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

c) Khi thay đổi hình thức trả lương, người sử dụng lao động không thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày trước khi thực hiện;

d) Không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động;

đ) Sử dụng thang lương, bảng lương, định mức lao động không đúng quy định khi đã có ý kiến sửa đổi, bổ sung của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện;

e) Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng.

2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề theo quy định của pháp luật; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

3. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi không trả thêm một khoản tiền tương ứng với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;

b) Buộc trả đủ khoản tiền tương ứng với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này."

 

b. Nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương

- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

- Nếu là đơn vị hoặc chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng của địa bàn đó.

- Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao đọng làm việc trong điều kiện lao động bình thường, đảm bảo đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động và công việc được thỏa thuận phải bảo đảm:

+ Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đơn giản nhất;

+ Cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề

+ Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có mức độ phức tạp tương đương làm việc trong điều kiện bình thường.

- Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề khi phân theo trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%.

- Khi xây dựng thang lương, bảng lương phải đảm bảo bình đẳng giữa các cá nhân người lao động, phải đảm bảo tiêu chuẩn xếp lương, điều kiện nâng bậc lương.

- Thang lương, bảng lương phải được sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế về đổi mới công nghệ, mặt bằng tiền lương trên thị trường lao động.

 

c. Thủ tục để xây dựng thang lương, bảng lương và sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương

- Khi tiến hành xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động thì phía công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức công đoàn cơ sở.

- Công bố công khai về thang lương, bảng lương, định mức lao động tại nơi làm việc của người lao động.

- Đồng thời công ty gửi Phòng lao động thương binh và xã hội thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở của công ty về thang lương, bảng lương, định mức lao động.

- Việc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương cũng được tiến hành tương tự như việc xây dựng thang lương, bảng lương.

Như vậy, như thông tin bạn cung cấp và thông tin tôi nêu trên thì việc Công ty bạn ở Nha Trang đóng bảo hiểm xã hội ở Nha Trang cho nhân viên, những nhân viên đang tham gia bảo hiểm xã hội ở TP. Hồ Chí Minh tuy nhiên những người ở văn phòng đại diện TP Hồ Chí Minh lại sống và làm việc ở các tỉnh khác thuộc khu vực 2 và 3, tuy nhiên việc bạn xây dựng thang lương bảng lương cho các cá nhân ở TP Hồ Chí Minh không phụ thuộc vào nơi họ sống mà phụ thuộc vào trụ sở của công ty đặt ở đâu và văn phòng đại diện đặt ở đâu. Căn cứ vào quy định tại Quyết định 595/2017/QĐ-BHXH:

“3. Đóng theo địa bàn

3.1. Đơn vị đóng trụ sở chính ở địa bàn tỉnh nào thì đăng ký tham gia đóng BHXH tại địa bàn tỉnh đó theo phân cấp của BHXH tỉnh.

3.2. Chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nào thì đóng BHXH tại địa bàn đó hoặc đóng tại Công ty mẹ.”

Việc đóng bảo hiểm xã hội cho những người làm việc ở Văn phòng đại diện TP Hồ Chí Minh vẫn sẽ đóng bảo hiểm xã hội tại trụ sở chính của công ty và việc xây dựng thang lương, bảng lương của họ phụ thuộc nơi văn phòng đại diện đặt văn phòng cụ thể theo Nghị định 141/2017/NĐ-CP: “Nếu là đơn vị hoặc chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng của địa bàn đó.” Nên mức lương tối thiểu vùng được áp dụng cho những người lao động ở Văn phòng đại diện sẽ là mức lương tối thiểu vùng ở TP Hồ Chí Minh.

 

5. Các quy định về thang bảng lương trong doanh nghiệp

Công ty luật Minh Khuê xin tư vấn các quy định về thang bảng lương trong doanh nghiệp như sau:

Luật sư tư vấn:

5.1 Xây dựng thang bảng lương có mang tính chất bắt buộc không?

Theo Điều 93 Bộ luật lao động năm 2019 quy định "Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động"

"1. Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

2. Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.

3. Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.

Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện."

"Điều 13. Vi phạm quy định về tiền lương

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện theo quy định.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng theo quy định pháp luật;

b) Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chếthưởng;

c) Không công bố công khai tại nơi làm việc thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng;

d) Không thông báo cho người lao động biết trước về hình thức trả lương ít nhất 10 ngày trước khi thực hiện."

và một số văn bản pháp lý điều chỉnh trực tiếp:

Nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình,cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Thông tư 26/2015/TT-BLĐTBXHchi phí tiền lương giá sản phẩm dịch vụ công ích sử dụng ngân

Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXHxây dựng thang lương bảng lương phụ cấp lương chuyển xếp

Như vậy, đối với doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng thang lương, bảng lương.

 

5.2 Thay đổi thang bảng lương

Trường hợp công ty có thay đổi mức lương thì công ty buộc phải làm công văn thay đổi hoặc bổ sung thang bảng lương, kèm theo công văn gồm:

+ Hệ thống thang lương – bảng lương đề nghị sửa đổi bổ sung (5)

+ Hệ thống thang lương – bảng lương của đơn vị đã được công nhận gần nhất (1 bộ - bản photo )

 

5.3 Thang bảng lương khi công ty chuyển đổi sang Nhà nước nắm giữ 51%

Căn cứ 2 văn bản pháp luật quy định như sau:

Thông tư 26/2015/TT-BLĐTBXH, đối tượng áp dụng : Người lao động tham gia thực hiện các sản phẩm, dịch vụ công ích; cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết định giá sản phẩm, dịch vụ công ích và thanh toán sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này. Thông tư này hướng dẫn xác định chi phí tiền lương làm cơ sở lập, thẩm định, phê duyệt dự toán giá của sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng vốn ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là sản phẩm, dịch vụ công ích) để đấu thầu, đặt hàng hoặc giao kế hoạch đối với sản phẩm, dịch vụ công ích

Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXHđối tượng áp dụng:

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động quy định tại Bộ luật lao động.

2. Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên (sau đây gọi chung là viên chức quản lý).

3. Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân công thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty (sau đây gọi chung là chủ sở hữu).

4. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương và chuyển xếp lương quy định tại Thông tư này.

 

6. Thông tin mới nhất về bảng thống kê bảng lương và phụ cấp trong Quân đội và Công an?

Luật Minh Khuê xin cung cấp cho bạn đọc các thông tin mới nhất về bảng thống kê thang bảng lương và phụ cấp theo quân hàm trong ngành Quân đội và Công an:

 

Luật sư tư vấn:

Căn cứ Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BNV Từ 01/07/2018 sẽ có sự thay đổi về mức lương cũng như phụ cấp của cán bộ phục vụ trong lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:

BẢNG LƯƠNG CẤP BẬC QUÂN HÀM
STT Cấp bậc quân hàm Hệ số lương Từ 01/01 - 30/6/2018 Từ 01/7 - 31/12/2018
1 Đại tướng 10.4 13,520,000 14,456,000
2 Thượng tướng 9.8 12,740,000 13,622,000
3 Trung tướng 9.2 11,960,000 12,788,000
4 Thiếu tướng 8.6 11,180,000 11,954,000
5 Đại tá 8.0 10,400,000 11,120,000
6 Thượng tá 7.3 9,490,000 10,147,000
7 Trung tá 6.6 8,580,000 9,174,000
8 Thiếu tá 6.0 7,800,000 8,340,000
9 Đại úy 5.4 7,020,000 7,506,000
10 Thượng úy 5.0 6,500,000 6,950,000
11 Trung úy 4.6 5,980,000 6,394,000
12 Thiếu úy 4.2 5,460,000 5,838,000
13 Thượng sĩ 3.8 4,940,000 5,282,000
14 Trung sĩ 3.5 4,550,000 4,865,000
15 Hạ sĩ 3.2 4,160,000 4,448,000
BẢNG PHỤ CẤP QUÂN HÀM HẠ SĨ QUAN, CHIẾN SĨ NGHĨA VỤ
THUỘC QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VÀ CÔNG AN NHÂN DÂN
STT Cấp bậc quân hàm Hệ số Từ 01/01 - 30/6/2018 Từ 01/7 - 31/12/2018
1 Thượng sĩ 0.70 910,000 973,000
2 Trung sĩ 0.60 780,000 834,000
3 Hạ sĩ 0.50 650,000 695,000
4 Binh nhất 0.45 585,000 625,500
5 Binh nhì 0.40 520,000 556,000

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.