Mục lục bài viết
1. Đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng
Theo Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 03 năm 2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng bao gồm:
(1) Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng: trẻ bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi, trẻ mồ côi, trẻ có cha mẹ bị tuyên bố mất tích hoặc đang chấp hành án phạt tù,...
(2) Người không có nguồn nuôi dưỡng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn băng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.
(3) Trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo.
(4) Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất (người đơn thân nghèo đang nuôi con).
(5) Người cao tuổi thuộc trường hợp sau: Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người phụng dưỡng và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;.....
(6) Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.
(7) Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.
(8) Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.
Việc hình thành chế độ bảo trợ xã hội đã hỗ trợ, trợ giúp cho những đối tượng yếu thế, khó khăn trong xã hội được hưởng những chế độ ưu đãi và giúp cuộc sống của họ được ổn định hơn.
Chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện dựa trên những nguyên tắc sau: Chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch; hỗ trợ theo mức độ khó khăn và ưu tiên tại gia đình, cộng đồng nơi sinh sống của đối tượng; Chế độ, chính sách trợ giúp xã hội được thay đổi theo điều kiện kinh tế đất nước và mức sống tối thiểu dân cư từng thời kỳ; Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức và cá nhân nuôi dưỡng, chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội.
2. Thủ tục hưởng chế độ bảo trợ xã hội
2.1. Thủ tục hưởng trợ cấp hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dướng
Căn cứ vào khoản 1 và khoản 2 Điều 8 Nghị định 20/2021/NĐ-CP., thủ tục chi trả trợ cấp xã hội, nhận chăm sóc hàng tháng được tiến hành như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ hưởng chế độ bảo trợ xã hội
Để hưởng chế độ bảo trợ xã hội thì người nộp hồ sơ cần chuẩn bị những giấy tờ, tài liệu sau:
(1) Những giấy tờ cần xuất trình, gồm có:
+ Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
+ Chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
+ Giấy khai sinh của trẻ em (xét cho trẻ em, người đơn thân nghèo đang nuôi con, người khuyết tật đang nuôi con);
+ Giấy tờ xác nhận bị nhiễm HIV của cơ quan y tế có thẩm quyền (xét cho người bị nhiễm HIV);
+ Giấy tờ xác nhận đang mang thai của cơ quan y tế (xét cho người khuyết tật đang mang thai);
+ Giấy xác nhận khuyết tật (xét cho người khuyết tật).
(2) Hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội hàng tháng:
+ Tờ khai của đối tượng theo Mẫu số 1a, 1b, 1c, 1d ban hành kèm theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP.
(3) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng:
+ Tờ khai hộ gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng theo Mẫu số 2a ban hành kèm theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP.
+ Tờ khai nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội theo Mẫu số 2b ban hành kèm theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP
+ Tờ khai của đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trong trường hợp đối tượng không hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo Mẫu số 3 ban hành kèm theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người nộp sẽ nộp hồ sơ tới Ủy ban nhân dân cấp xã và công chức phụ trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm rà soát hồ sơ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định việc xét duyệt trong thời gian 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Sau đấy, thông tin của đối tượng được niêm yết công khai kết quả tại trụ sở trong 02 ngày trừ các thông tin liên quan đến HIV/AIDS của đối tượng.
Đối với trường hợp có khiếu nại thì phải xem xét, kết luận, công khai nội dung khiếu nại trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Bước 3: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nộp hồ sơ đến Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã gửi văn bản đề nghị kèm hồ sơ đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong 03 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ được xét duyệt và không có khiếu nại.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định trợ cấp. Nếu không đủ điều kiện, trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng trong thời gian 03 ngày làm việc.
Như vậy, thời gian giải quyết chế độ bảo trợ xã hội tối đa là 22 ngày và trong trường hợp có khiếu nại thì tối đa là 32 ngày từ khi nộp hồ sơ cho đến khi nhận được quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng.
Trường hợp đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng bị chết hoặc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng.
Thời gian thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng kể từ tháng ngay sau tháng đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng chết hoặc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội.
2.2. Thủ tục nhận trợ cấp hàng tháng khi thay đổi nơi cư trú
* Đối tượng thay đổi nơi cư trú trong cùng địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:
Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2021/NĐ-CP., thủ tục chi trả trợ cấp xã hội, nhận chăm sóc hàng tháng khi đối tượng thay đổi nơi cư trú trong cùng địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được quy định như sau:
Bước 1: Gửi văn bản đề nghị tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú mới
Đối tượng hoặc người giám hộ của đối tượng có văn bản đề nghị gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú mới.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bước 2: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nộp gửi văn bản đề nghị đến Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định và thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng cho đối tượng theo địa chỉ nơi cư trú mới.
* Đối tượng thay đổi nơi cư trú giữa các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong và ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2021/NĐ-CP., thủ tục chi trả trợ cấp xã hội, nhận chăm sóc hàng tháng khi đối tượng thay đổi nơi cư trú giữa các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong và ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Bước 1: Gửi văn bản đề nghị tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng đang hưởng trợ cấp.
Bước 2: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thôi chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng tại nơi cư trú cũ, sau đó gửi văn bản kèm theo hồ sơ của đối tượng đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú mới của đối tượng;
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của đối tượng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng cư trú mới xác nhận và chuyển hồ sơ của đối tượng đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của đối tượng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho đối tượng.
Thời gian hưởng ngay sau tháng ghi trong quyết định thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú cũ của đối tượng.
>> Xem thêm: Chế độ bảo trợ xã hội hàng tháng dành cho đối tượng tàn tật đặc biệt nặng?
Mọi vướng mắc liên quan đến thủ tục hưởng chế độ bảo trợ xã hội hay vấn đề pháp lý khác thì bạn đọc vui lòng liên hệ tới số tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của Luật Minh Khuê là 1900.6162 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!