Mục lục bài viết
- 1. Thủ tục ly hôn là gì?
- 2. Tại sao cần phải tiến hành thủ tục ly hôn?
- 3. Ai có quyền tiến hành thủ tục ly hôn?
- 4. Cách viết căn cứ xin ly hôn hợp pháp, đúng luật?
- 5. Nên tiến hành thủ tục ly hôn thuận tình hay đơn phương?
- 6. Hồ sơ ly hôn cần chuẩn bị những giấy tờ gì?
- 7. Các bước tiến hành thủ tục ly hôn tại tòa án
- Bước 1: Vợ hoặc chồng nộp hồ sơ ly hôn tại tòa án
- Bước 2: Tòa án ra thông báo thụ lý vụ việc ly hôn
- Bước 3: Tòa án tiến hành thủ tục hòa giải ly hôn
- Bước 4: Mở phiên tòa giải quyết yêu cầu ly hôn
- 8. Nguyên tắc phân chia tài sản và quyền nuôi con khi ly hôn
- 8.1 Cách phân chia tài sản khi ly hôn
- 8.2 Phân định quyền nuôi con sau ly hôn
- 9. Tham khảo video hướng dẫn và câu hỏi thường gặp thực về ly hôn
- 9.1 Thủ tục ly hôn cần những giấy tờ gì?
- 9.2 Làm việc xa quê thì thủ tục ly hôn đơn phương nộp ở đâu?
- 9.3 Thủ tục ly hôn thuận tình thời gian, án phí thế nào?
1. Thủ tục ly hôn là gì?
Để làm hiểu rõ về thủ tục ly hôn, trước tiên chúng ta cần hiểu về khái niệm ly hôn nói chung:
Ly hôn là việc chấm dứt về mặt pháp lý quan hệ vợ chồng theo quyết đinh, bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án.
Vậy, làm gì để chấm dứt quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý ? Các bên cần tiến hành thủ tục ly hôn hơp pháp theo quy định của pháp luật hiện nay.
Thủ tục ly hôn được hiểu là các bước, các quy trình pháp lý mà các bên (Vợ hoặc chồng) phải thực hiện theo quy định của luật tố tụng dân sự để tòa án căn cứ vào đó đưa ra quyết định, bản án phù hợp theo quy định pháp luật. Bản án hoặc quyết định này khi có hiệu lực pháp luật sẽ có giá trị bắt buộc thực hiện với vợ và chồng sau khi ly hôn.
2. Tại sao cần phải tiến hành thủ tục ly hôn?
Trong quá trình chung sống, Vợ chồng đã tạo lập được tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, đã có con chung ... và cùng với đó có thể phát sinh các nghĩa vụ chung như: Nghĩa vụ trả nợ mua nhà, nghĩa vụ nuôi con ...
Vậy, khi tiến hành giải quyết theo thủ tục ly hôn sẽ giúp các bên (vợ, chồng) sẽ phải phân định những vấn đề trên một cách rõ ràng như: Tài sản này là của ai ? Nghĩa vụ trả nợ chung đối với các khoản vay trước kia thuộc về ai sau khi ly hôn ? Ai có nghĩa vụ nuôi con, ai có nghĩa vụ cấp dưỡng tiền nuôi con ? ...
Việc minh bạch các vấn đề về tài sản chung, tài sản riêng, quyền nuôi con ... bằng một bản án, quyết định của tòa án sẽ giúp các bên tránh được những tranh chấp có thể phát sinh về sau. Đồng thời, đó là sự "giải phóng" về mặt pháp lý để các bên có thể thực hiện các vấn đề tiếp theo của cá nhân mình trong tương lai.
Ví dụ: Không tiến hành thủ tục ly hôn các bên sẽ không thể kết hôn được trong tương lai. Không tiến hành thủ tục ly hôn, các bên sẽ không có toàn quyền định đoạt các tài sản chung đã được xác lập trước đó. Không tiến hành thủ tục ly hôn các bên sẽ không thể rõ ràng việc ai có quyền nuôi con ? ai có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn ? Số tiền cấp dưỡng là bao nhiêu?
Đó là một số lợi ích pháp lý căn bản khi tiến hành thủ tục ly hôn, mặc dù đây là những điều mà không cặp vợ chồng nào nghĩ đến và mong muốn nó xảy ra với mình nhưng đối mặt để vượt qua là điều cần thiết nếu thực sự quan hệ hôn nhân đó là trầm trọng, không có phương thức nào có thể hàn gắn.
3. Ai có quyền tiến hành thủ tục ly hôn?
Quyền tiến hành thủ tục ly hôn được quy định cụ thể tại điều 51, Luật hôn nhân gia đình năm 2014 về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Cụ thể:
- "Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn". Đây là trường hợp phổ biến và thường gặp nhất trên thực tế, theo quy định này thì vợ, chồng hoặc cả hai người đều có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Điều này dẫn đến việc ly hôn chia thành 02 dạng là ly hôn thuận tình và đơn phương ly hôn (sẽ được phân tích chi tiết phân dưới đây).
- "Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ". Đây là một trường hợp ít xảy ra trên thực tế, nhưng đó là một quy định pháp lý mở để đảm bảo cho các chủ thể khác cũng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.
Đồng thời pháp luật cũng cấm một trường hợp cụ thể không được yêu cầu giải quyết ly hôn đó là: "Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi". Đây là một quy định pháp lý mang tính nhân văn cao, nhằm đảm bảo cho một đứa trẻ từ trong bào thai đến khi sinh ra được có cả Bố và Mẹ chăm sóc. Nhưng cần lưu ý, pháp luật chỉ cấm người chồng nhưng không cấm người mẹ có quyền ly hôn trong trường hợp này. Người mẹ (người vợ) vẫn có quyền yêu càu tòa án giải quyết ly hôn khi đang mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
4. Cách viết căn cứ xin ly hôn hợp pháp, đúng luật?
Pháp luật chỉ đưa ra 03 yếu tố mang tính nguyên tắc để tòa án xem xét giải quyết ly hôn là:
- Tình trạng hôn nhân trầm trọng;
- Đời sống chung không thể kéo dài;
- Mục đích hôn nhân không đạt được.
Trên thực tế có nhiều cách hiểu khác nhau về 03 yếu tố này, Luật Minh Khuê đưa ra cách hiểu chi tiết về những căn cứ để tòa án chấp thuận giải quyết theo thủ tục ly hôn, như sau:
+ Yếu tố bạo lực gia đình (bao gồm cả bạo lực về thể chất và tinh thần): Vợ chồng thường xuyên có hành vi ngược đãi, đánh đập, chửi bới, xúc phạm đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của nhau.
+ Yếu tố không chung thủy (ngoại tình): Vợ hoặc chồng có hành vi ngoại tình có thể xem xét là một lý do dẫn đến hôn nhân trầm trọng.
+ Có lối sống chung buông thả, thiếu kiểm soát: Chồng hoặc vợ có hành vi cờ bạc, lô đề, bóng bánh ... (tạm gọi là nghiên cờ bạc); Sử dụng các chất ngây nghiện, chất kích thích khác;
+ Đời sống chung không thể kéo dài: Điều này nên được hiểu là đã được gia đình, bạn bè, xã hội (tổ dân phố, khu xóm) hòa giải, can ngăn nhiều lần nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Đều này nên thể hiện trong đơn ly hôn là: "Hai vợ chồng đã sống ly thân trong một khoảng thời gian dài từ ngày.... đến ngày..." . Dài theo cách hiểu của chúng tôi là từ 06 tháng trở lên và Ly thân ở đây được hiểu là mỗi người sống một nơi hoặc sống chung một nhà nhưng không có quan hệ vợ chồng.
+ Kết hôn mà không có con hoặc chung sống mà không có hạnh phúc, không tích lũ được tài sản chung là những nguyên nhân chính thể hiện mục đích hôn nhân không đạt được.
Như vậy, chỉ cần có một số lý do ở trên là đủ để chứng minh căn cứ xin ly hôn là hợp pháp, đúng luật.
5. Nên tiến hành thủ tục ly hôn thuận tình hay đơn phương?
Trước tiên, để tiến hành thủ tục ly hôn các bên (vợ, chồng) cần trao đổi trước với nhau về quyết định của mình.
Nếu, cả hai thấy rằng việc ly hôn là cần thiết, là tốt cho cả hai bên thì nên tiến hành thủ tục ly hôn thuận tình (ly hôn đồng thuận), bởi thủ tục sẽ đơn giản, tiết kiệm thời gian, giữ gìn được hòa khí sau khi ly hôn, không tốn kém tiền án phí nhiều vì không có tranh chấp với nhau về tài sản, quyền nuôi con ... còn nếu bên còn lại cương quyết không đồng ý ly hôn thì vẫn có thể tiến hành thủ tục ly hôn đơn phương nhưng việc chứng minh lý do, căn cứ ly hôn sẽ khó khăn hơn và thời gian giải quyết có thể kéo dài hơn.
Dưới đây chúng tôi sẽ phân tích hồ sơ ly hôn đơn phương và thuận tình để quý khách hàng tham khảo:
6. Hồ sơ ly hôn cần chuẩn bị những giấy tờ gì?
Trước hết, để tiến hành thủ tục ly hôn, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm giấy tờ, như sau:
- Mẫu đơn xin ly hôn gồm: Mẫu đơn xin ly hôn đơn phương và Mẫu đơn xin ly hôn thuận tình (Bạn có thể tham khảo chi tiết về mẫu đơn và cách viết tại các đường links này).
- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu; hộ khẩu của cả hai vợ chồng (yêu cầu sao y bản chính);
- Yều cầu cần cung cấp đầy đủ giấy tờ đăng ký kết hôn (Bản chính giấy đăng ký kết hôn, nếu không có bản chính thì nộp giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương, mục đích là để tòa án xác định đây có phải là hôn nhân hợp pháp hay không, và quyết định cho ly hôn thì tòa án sẽ giữ giấy tờ này);
- Nếu hai vợ chồng có con thì cung cấp bản sao có chứng thực giấy khai của con;
- Trình những văn bản, tài liệu hay những chứng nào liên quan đến tài sản của hai vợ chồng (nếu có tranh chấp tài sản);
- Trường hợp hai vợ chồng kết hôn tại Việt Nam mà một trong hai người (vợ - chồng xuất cảnh và không có địa chỉ cụ thể bên nước ngoài thì cần giấy chứng nhận của chính quyền địa phương về việc xuất cảnh của một trong hai vợ hoặc chồng).
7. Các bước tiến hành thủ tục ly hôn tại tòa án
Trình tự thủ tục ly hôn sẽ tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Vợ hoặc chồng nộp hồ sơ ly hôn tại tòa án
Bạn tiến hành nộp đơn xin ly hôn tại nơi cứ trú, sinh sống, làm việc của bị đơn hoặc theo sự lựa chọn của các bên. Cụ thể:
Đối với ly hôn thuận tình: Thì nộp hồ sơ tại tòa án nhân dân quận huyện nơi vợ chồng có hộ khẩu thường trú (hoặc nơi có đăng ký cư trú - Có xác nhận của cơ quan công an nơi cư trú)
Đối với ly hôn đơn phương: Thì phải nộp hồ sơ ly hôn đơn phương tại nơi bị đơn (Người không đồng ý ly hôn) có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký cư trú gần nhất (theo điều 39, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Ví dụ: Vợ ly hôn đơn phương chồng (nguyên đơn) có hộ khẩu tại Quận Thanh Xuân, Hà Nội, Chồng không đồng ý ly hôn (bị đơn) có hộ khẩu tại Quận Đống đa, Hà Nội thì phải nộp đơn tại tòa án nhân dân quận Đống đa để giải quyết.
Đối với vụ việc có yếu tố nước ngoài: Áp dụng điểm a, khoản 1, điều 37, bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì phải nộp hồ sơ ly hôn tại tào án nhân dân tỉnh/Thành phố để giải quyết.
Ví dụ: A lấy chồng quốc tịch Mỹ, sinh sống tại thành phố Hà Nội, muốn ly hôn với chồng thì nộp đơn tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để giải quyết vụ việc.
Bước 2: Tòa án ra thông báo thụ lý vụ việc ly hôn
Sau khi nộp đơn ly hôn tòa án sẽ đưa thông báo thụ lý và yêu cầu đóng án phí của việc ly hôn của hai vợ chồng và bạn sẽ tiến hành nộp khoản phí này. Nếu là ly hôn đơn phương thì người nộp đơn ly hôn đơn phương có nghĩa vụ đóng án phí, ly hôn thuận tình thì án phí chia đôi và một trong hai, hoặc cả hai vợ chồng cần thực hiện nghĩa vụ này.
Thông thường, việc thụ lý giải quyết sẽ được thực hiện trong khoảng 15 ngày làm việc kể từ ngày các bên nộp đầy đủ hồ sơ và đóng án phí.
Bước 3: Tòa án tiến hành thủ tục hòa giải ly hôn
Trong thời hạn 15 làm việc, tòa án sẽ tiến hành gọi các bên ra tòa để tiến hành việc hòa giải công khai. Trong đó, các bên sẽ tường trình lại sự việc theo hướng dẫn của thư ký tòa án, thẩm phán giải quyết vụ việc sẽ giải thích cho các bên những vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục ly hôn, đồng thời khuyến nghị các bên nghiên cứu kỹ và quyết định có tiếp tục việc ly hôn hay không.
Nếu các bên hòa giải thành, thì có thể rút đơn ly hôn và tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc.
Nếu hòa giải không thành thì tòa án sẽ lập biên bản hòa giải không thành và tiến hành bước tiếp theo.
Bước 4: Mở phiên tòa giải quyết yêu cầu ly hôn
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hòa giải không thành và một trong các bên không có thay đổi gì về việc ly hôn (giữ nguyên quan điểm sẽ ly hôn), tòa án nhân dân phải ra quyết định mở phiên tòa giải quyết yêu cầu ly hôn.
- Quyết định chính thức ly hôn của tòa án nếu trong vòng 07 ngày: sau khi kết thúc phiên hòa giải không thành thì toà án sẽ ra quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn của các bên.
- Trong trường hợp đơn phương ly hôn: Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án
Thời hạn xét xử việc ly hôn:
Khoảng từ 04 đến 06 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án tùy vào tính chất phức tạp của vụ việc.
8. Nguyên tắc phân chia tài sản và quyền nuôi con khi ly hôn
Tài sản và quyền nuôi con là hai trong những tranh chấp phổ biến nhất khi tiết hành thủ tục ly hôn. Trong bài viết này chúng tôi chỉ phân tích những nguyên tắc căn bản nhất để phân định tranh chấp này. Trong mỗi vụ việc ly hôn luôn có những yếu tố riêng biệt để giải quyết, cụ thể:
8.1 Cách phân chia tài sản khi ly hôn
Nguyên tắc chung về việc phân định tài sản khi ly hôn:
- Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của vợ chồng về việc phân định tài sản chung, tài sản riêng. Tòa án chỉ phân định, giải quyết khi có yêu cầu của các bên tranh chấp trong đơn xin ly hôn.
Ví dụ: Chồng là doanh nhân thành đạt, là người tạo lập phần lớn tài sản còn vợ chỉ ở nhà lo công việc nội trợ, chăm sóc con cái. Phát sinh tranh chấp về tài sản yêu cầu tòa án phân chia theo luật định. Nhưng trong quá trình giải quyết vụ việc nếu người chồng đồng ý để lại toàn bộ tài sản cho vợ thì tòa án cũng sẽ chấp thuận mà không có quyền can thiệp, phân định.
- Tài sản chung sẽ chia đôi sau khi trừ đi nghĩa vụ chung của vợ chồng có dựa trên công sức đóng góp của các bên trong quá trình hình thành tài sản chung.
Ví dụ: Hai vợ chồng tài sản có chung là một ngôi chung cư (giá trị ước tính là: 2 tỷ đồng), nghĩa vụ trả nợ ngân hàng là: 1 tỷ đồng. Như vậy, dựa trên nguyên tắc này có thể hiểu là. Nếu ai muốn sở hữu riêng ngôi nhà này sau khi ly hôn sẽ phải hoàn trả cho người kia 500.000.000 đồng (bằng chữ: năm trăm triệu đồng), giả sử công sức đóng góp là như nhau.
- Tài sản riêng của ai thuộc sở hữu của người đó.
Việc chứng minh đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng sẽ là một câu chuyện pháp lý phải giải quyết vì quan hệ hôn nhân ở Việt Nam thường ít khi phân định rõ vấn đề này.
8.2 Phân định quyền nuôi con sau ly hôn
Về nguyên tắc chung: Tòa án tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về việc phân định quyền nuôi con, chỉ giải quyết tranh chấp này khi có yêu cầu.
Tuy nhiên việc phân định quyền nuôi con có thể dựa trên 03 căn cứ pháp lý cơ bản theo quy định pháp luật:
1. Điều kiện về kinh tế: Tòa án phải xem xét việc ai có thu nhập cao hơn, thu nhập ổn định hơn ? ai có tài sản tốt hơn ? ... để đảm bảo cho các con có điều kiện vật chất tốt nhất có thể trong từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể.
Ví dụ: Người chồng là chủ doanh nghiệp đang trong tình trạng phá sản, nợ nần nhiều..., không tài sản, thu nhập âm còn Người vợ là Công chức nhà nước có thu nhập ổn định, có nhà riêng thì rõ ràng người vợ chiếm ưu thế về điều kiện kinh tế hơn so với người chồng (Góc nhìn theo nhận định chủ quan của thẩm phán)
2. Điều kiện về giáo dục: Tòa án phải xem xét ai có thời gian, trình độ và có lối sống phù hợp cho sự hình thành phát triển nhân cách của các con.
Ví dụ: Người chồng là kỹ sư xây dựng thường xuyên phải đi công tác xa nhà, người vợ là giáo viên thường xuyên ở nhà chăm sóc các con. Như vậy, người vợ có lợi thế hơn về điều kiện giáo dục các con (theo nhận định chủ quan của thẩm phán).
3. Độ tuổi của các con: Theo quy định của luật, thì con dưới 12 tháng tuổi quyền nuôi thuộc về mẹ (do yếu tố sinh học, lúc này đứa trẻ phụ thuộc lớn vào người mẹ); con từ 12 đến dưới 36 tháng tuổi quyền nuôi ưu tiên thuộc về mẹ (trừ thỏa thuận khác); Con từ 3 đến dưới 7 tuổi quyền nuôi là ngang nhau và con trên 7 tuổi tòa án phải hỏi ý kiến của đứa trẻ xem cháu muốn ở với ai để làm căn cứ phân định.
Như vậy, nếu căn cứ vào 03 yếu tố phân định quyền nuôi con kể trên thì nếu một bên (vợ hoặc chồng) chiếm ưu thế thì thẩm phán có thể dựa vào đó để đưa ra phán quyết cuối cùng về phân định quyền nuôi con.
9. Tham khảo video hướng dẫn và câu hỏi thường gặp thực về ly hôn
Luật sư: Lê Minh Trường (giám đốc điều hành công ty luật Minh Khuê) tham gia chương trình Cafe sáng với VTV3. Trong video này, Luật sư Lê Minh Trường hướng dẫn một số vướng mắc chính của người dân liên quan đến vấn đề ly hôn, cụ thể:
- Phân tích tổng quan về thực trạng ly hôn đáng báo động tại Việt Nam;
- Hướng dẫn thủ tục và quy trình thực hiện ly hôn cơ bản nhất;
- Giải đáp một số vướng mắc của người dân liên quan đến vấn đề ly hôn, quyền nuôi con, tranh chấp tài sản khi thực hiện thủ tục ly hôn tại tòa án.
Tham khảo chi tiết nội dung video tư vấn thủ tục ly hôn dưới đây:
Luật sư: Lê Minh Trường tham gia Cafe sáng với VTV3 về vấn đề ly hôn
9.1 Thủ tục ly hôn cần những giấy tờ gì?
Hiện nay, khi ly hôn cần chuẩn bị trước các giấy tờ sau:
1. Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản gốc)
2. Bản sao y chứng thực chứng minh thư (thẻ căn cước) của hai vợ chồng;
3. Bản sao y chứng thực sổ hộ khẩu của hai vợ chồng;
4. Bản sao y chứng thực giấy khai sinh của các con;
5. Đơn xin ly hôn thuận tình hoặc đơn phương theo mẫu tòa án
6. Các tài liệu khác nếu phát sinh tranh chấp như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, hợp đồng mua bán nhà, đăng ký xe ...
9.2 Làm việc xa quê thì thủ tục ly hôn đơn phương nộp ở đâu?
Kính thưa Luật sư tôi có thắc mắc này mong luật sư giải đáp giúp tôi: Tôi và chồng đã cưới nhau được 03 năm nhưng khi chung sống với gia đình nhà chồng thì tôi và bố mẹ chồng có rất nhiều quan điểm bất đồng dẫn đến mâu thuẫn xảy ra. Cách đây 04 tháng tôi có gửi con cho ông bà nội để vợ chồng vào Bình Dương lập nghiệp.
Sau khi vào đó ổn định công việc tôi muốn cho con về thăm ông bà ngoại nhưng ông bà nội không cho, chồng tôi thì luôn áp đặt bắt buộc tôi phải làm theo ý anh ấy và bố mẹ chồng. Gia đình chồng tôi ở Thanh Hóa, vợ chồng tôi ở Bình Dương thì tôi nộp đơn xin ly hôn ở Bình Dương có được không và sau khi ly hôn tôi có giành được quyền nuôi con không?
Tôi xin chân thành cảm ơn! Ngưởi gửi: H.H
Trả lời:
Về việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn của vợ chồng bạn:
Căn cứ khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
"1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết."
Như vậy, nơi nộp đơn ly hôn đơn phương là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, làm việc của chồng bạn. Như bạn trình bày thì gia đình chồng bạn ở Thanh Hóa còn chồng hiện ở Bình Dương. Do đó, nếu chồng bạn đăng ký tạm trú ở một huyện (thuộc tỉnh Bình Dương) nơi chồng bạn đang làm việc thì bạn nộp đơn xin đơn phương ly hôn tại TAND huyện nơi chồng bạn đăng lý tạm trú. Nếu không thì bạn phải nộp đơn tại TAND huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa nơi mà chồng bạn đăng ký thường trú.
9.3 Thủ tục ly hôn thuận tình thời gian, án phí thế nào?
Cơ quan giải quyết ly hôn thuận tình:
+ Tòa án cấp quận/huyện nơi cư trú của một trong hai bên;
+ Trong trường hợp có yếu tố nước ngoài thì cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
Hồ sơ yêu cầu ly hôn thuận tình:
+ Đơn xin ly hôn thuận tình (theo mẫu: Đơn ly hôn thuận tình);
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
+ CMND và hộ khẩu; Nếu chồng bạn đã mất chứng minh nhân dân và không có sổ hộ khẩu thì chồng bạn cần xin xác nhận từ phía công an xã, phường nơi chồng bạn cư trú về việc mất giấy tờ và xin xác nhận chồng bạn có cư trú tại địa phương.
+ Giấy khai sinh các con (nếu đã có con);
Các bước tiến hành thủ tục ly hôn thuận tình:
- Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu/khởi kiện về việc xin ly hôn tại TAND có thẩm quyền;
- Bước 2: Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ, Tòa án kiểm tra đơn và nếu đầy đủ thì Tòa thông báo nộp tiền tạm ứng án phí;
- Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án;
- Bước 4: Tòa án sẽ triệu tập và tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật để xem xét ra Quyết định công nhận ly hôn.
- Thời gian tòa án giải quyết yêu cầu ly hôn thuận tình: Từ 01 đến 02 tháng.
- Án phí: 300.000 đồng/vụ việc nếu không có tranh chấp về tài sản.
Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến việc giải quyết thủ tục ly hôn hoặc các vấn đề pháp lý khác liên quan đến luật hôn nhân gia đình, người dân có thể tham khảo dịch vụ ly hôn, Hãy gọi: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn luật hôn nhân qua điện thoại đội ngũ luật sư của Công ty luật Minh Khuê luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp trực tuyến. Đồng thời, Chúng tôi sẵn sàng cử luật sư tham gia giải quyết trực tiếp các vụ việc ly hôn theo yêu cầu của Quý khách hàng.