Mục lục bài viết
1. Thủ tục và hình thức kháng cáo
Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho toà án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo. Nội dung chính của đơn kháng cáo gồm: ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo; họ tên, địa chỉ của người kháng cáo; lí do và yêu cầu của người kháng cáo; chữ kí hoặc điểm chỉ của người kháng cáo. Người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với toà án đã xét xử sơ thẩm hoặc toà án cấp phúc thẩm về việc kháng cáo. Toà án phải lập biên bản về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 133 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Toà án cấp phúc thẩm đã lập biên bản về việc kháng cáo hoặc nhận đơn kháng cáo phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo cho toà án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung. Kèm theo đơn kháng cáo hoặc cùng với việc trình bày trực tiếp là chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) để chứng minh tính có căn cứ của kháng cáo (Xem: Điều 332 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
2. Thủ tục và hình thức kháng nghị
Theo quy định điều 336 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì kháng nghị phúc thẩm được thực hiện dưới hình thức quyết định kháng nghị. Nội dung chính của quyết định kháng nghị gồm: ngày, tháng, năm ra quyết định kháng nghị và số của quyết định kháng nghị; tên của viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị; kháng nghị đối với toàn bộ hay một phần bản án, quyết định sơ thẩm; lí do, căn cứ kháng nghị và yêu cầu của viện kiểm sát; họ tên, chức vụ của người kí quyết định kháng nghị (Xem: Khoản 2 Điều 336 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Viện kiểm sát đã ra kháng nghị phải gửi quyết định kháng nghị kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) cho toà án đã xét xử sơ thẩm.
3. Tiếp nhận và xử lí kháng cáo
Theo điều 334 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sau khi nhận được đơn kháng cáo hoặc biên bản về việc kháng cáo, toà án cấp sơ thẩm phải vào sổ tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tính hợp lệ của kháng cáo là sự phù hợp của kháng cáo với các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về đối tượng, chủ thể, giới hạn, thời hạn, thủ tục và hình thức kháng cáo.
Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ thì toà án cấp sơ thẩm thông báo về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 338 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ nhưng nội dung kháng cáo chưa rõ thì toà án cấp phúc thẩm phải thông báo ngay cho người khảng cáo để làm rõ. Trường hợp nội dung đơn kháng cáo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nhưng quá thời hạn kháng cáo thì toà án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày lí do và xuất trình chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) để chứng minh lí do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng. Trường hợp người làm đơn kháng cáo không có quyền kháng cáo thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đơn, toà án trả lại đơn và thông báo bằng văn bản cho người làm đơn, viện kiểm sát cùng cấp. Văn bản thông báo phải ghi rõ lí do của việc trả lại đơn. Việc trả lại đơn có thể bị khiếu nại trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Chương XXXIII Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
4. Thông báo kháng cáo, gửi quyết định kháng nghị
Theo quy định tại điều 338 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thông báo kháng cáo, gửi quyết định kháng nghị là thủ tục để những người tham gia tố tụng biết vụ án sẽ được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm, qua đó họ chuẩn bị cho việc tham gia và bảo vệ quyền lợi của mình tại phiên toà, phiên họp phúc thẩm, cung cấp thêm những chứng cứ, tài liệu mới. Riêng đối với bị cáo, việc thông báo kháng cáo, gửi kháng nghị còn bảo đảm cho họ có điều kiện thực hiện tốt quyền bào chữa tại phiên toà phúc thẩm. Toà án cấp sơ thẩm thông báo kháng cáo bằng văn bản cho viện kiểm sát cùng cấp và những người liên quan đến kháng cáo trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo. Thông báo phải nêu rõ yêu cầu của người kháng cáo. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định kháng nghị, viện kiểm sát gửi quyết định kháng nghị kèm theo chứng có, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) cho toà án đã xét xử sơ thẩm, gửi quyết định kháng nghị cho bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị. Viện kiểm sát đã kháng nghị phải gửi quyết định kháng nghị cho viện kiểm sát khác có thẩm quyền kháng nghị. Người tham gia tố tụng nhận được thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị có quyền gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng cáo, kháng nghị cho toà án cấp phúc thẩm. Ý kiến của họ được đưa vào hồ sơ vụ án.
5. Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị
Theo điều 339 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 phạm vi kháng cáo, kháng nghị có thể là đối với một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm. Kháng cáo, kháng nghị một phần bản án, quyết định thì phần của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị chưa được đưa ra thi hành. Kháng cáo, kháng nghị toàn bộ bản án, quyết định thì toàn bộ bản án, quyết định chưa được đưa ra thi hành. Việc chưa đưa ra thi hành bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị nhằm tránh những hậu quả khó khắc phục trong trường hợp toà án cấp phúc thẩm sửa hoặc huỷ bản án, quyết định sơ thẩm. Tuy nhiên, trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà toà án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, tuyên bị cáo không có tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án, quyết định sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Khi có kháng cáo, kháng nghị, toà án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho toà án cấp phúc thẩm trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị để toà án cấp phúc thẩm giải quyết.
6. Thụ lí vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho viện kiểm sát
Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án có kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) toà án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lí. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lí vụ án, chánh án toà án cấp phúc thẩm phân công thẩm phán làm chủ toạ phiên toà, phiên họp (Điều 340, Điều 341 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Để tạo điều kiện cho viện kiểm sát kiểm sát xét xử và thực hành quyền công tố ữong giai đoạn xét xử phúc thẩm, sau khi thụ lí vụ án, toà án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 15 ngày đối với viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, 20 ngày đối với viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho toà án. Trong trường hợp vụ án thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thì thời hạn nạy có thể kéo dài nhung không quá 25 ngày đối với viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, 30 ngày đối với viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương. Trường hợp toà án cấp phúc thẩm nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung trước khi xét xử thì phải chuyển chứng cứ, tài liệu, đồ vật này cho viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung, viện kiểm sát phải trả lại cho toà án.
7. Thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị
Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị có thể được thực hiện ở thời điểm trước khi bắt đầu phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm. Trước khi mở phiên toà, việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị phải lập thành văn bản và gửi cho toà án cấp phúc thẩm. Trách nhiệm thông báo về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị thuộc về toà án cấp phúc thẩm. Chủ thể được thông báo về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị là viện kiểm sát, bị cáo và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị. Tại phiên toà, việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị được ghi vào biên bản phiên toà (Điều 342, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Chủ thể có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo là người kháng cáo. Chủ thể có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị là viện kiểm sát cùng cấp với tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định kháng nghị và viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Việc thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị (trong trường hợp đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị) không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.
Chủ thể có quyền rút kháng cáo là người kháng cáo. Chủ thể có quyền rút kháng nghị là viện kiểm sát cùng cấp với tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định kháng nghị và viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, viện trưởng viện kiểm sát cấp trên trực tiếp rút kháng nghị của viện trưởng viện kiểm sát cấp dưới thì phải có văn bản trao đổi với viện trưởng viện kiểm sát cấp dưới; nếu viện trưởng viện kiểm sát cấp dưới không nhất trí thì viện trưởng viện kiểm sát cấp trên quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Tại phiên tòa phúc thẩm, việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị do kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình (Điều 41 Quy chế thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Các chủ thể này có thể rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, kháng nghị. Tại phiên toà, người kháng cáo rút một phần kháng cáo, viện kiểm sát rút một phần kháng nghị mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc rút một phần kháng cáo, kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm.
Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến luật hình sự, luật tố tụng hình sự - Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật Minh KHuê