Bà Chu Thị Lân, 81 tuổi ở số nhà 30, Hàng Mã cùng với con cháu đã có đơn “xin cứu giúp khẩn cấp” gửi đến VietNamNet về việc sau nhiều lần đi “hầu tòa” đã đòi được nhà. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm trôi qua, bản án vẫn không được thực thi. Nay gia đình bà có thể lại phải tiếp tục "hầu tòa" từ cấp sở thẩm để đòi lại nhà.

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.6162

Thuê nhà rồi muốn “sở hữu” luôn (?)

Nguyên gốc ngôi nhà số 30 Hàng Mã (Quận Hoàn Kiếm) được xác nhận tại Công văn (CV) số 2771 của Sở TNMT & Nhà đất Hà Nội: “thuộc bằng khoán điền thổ số 1005, khu Đồng Xuân, nằm trên thửa đất số 376, bản đồ số 10 chữ A năm 1942 đứng tên ông Chu Tuấn Đức và bà Phạm Thị Ân” (bố mẹ của bà Chu Thị Lân).

Năm 1953, ông Đức cho một người thuê tầng 1 để mở hàng in, sau đó cửa hàng in này sát nhập với xưởng in Hoàn Cầu. Đến năm 1962, xưởng in Hoàn Cầu nhập lại với xưởng in Kim Sơn thành Liên xưởng in Kim Sơn (sau này là Công ty in Thống Nhất).

Thời gian đó, giữa gia đình cụ Đức, cụ Phạm Hải Kình và Liên xưởng in Kim Sơn đã có thỏa thuận bằng văn bản là xưởng in sẽ dùng nhà cụ Kình đang ở tại số 10, Ngõ Huyện (thuê của nhà nước) để mở rộng sản xuất, cụ Kình sẽ đến ở căn buồng ngoài tầng dưới ở nhà 30 – Hàng Mã. Hàng tháng, cụ Kình phải có trách nhiệm trả tiền thuê nhà cho Đức.

Tháng 6/1962, gia đình cụ Kình chính thức chuyển lên thuê 24m2 ở số nhà 30 Hàng Mã của cụ Chu Tuấn Đức để ở. Đến đầu năm 1982 thì công ty in này không trả tiền thuê nhà cho cụ Đức nữa, lý do là vì ông Kình không chịu thanh toán tiền cho công ty (trước đó giữa 3 bên đã có thỏa thuận năm 1962 về nhà ở và hoán đổi thanh toán cho nhau).

Gia đình cụ Kình và con cháu của ông sống trong nhà 30 Hàng Mã cho đến tận bây giờ.

Với lý do đòi lại nhà của cha ông để lại cùng với việc cụ Phạm Hải Kình và con cháu ông không thanh toán tiền thuê nhà trong 27 năm (từ 1982 đến 2009), thừa kế của cụ Phạm Xuân Đức (bà Chu Thị Lân cùng con cháu) đã quyết định khởi kiện để đòi lại nhà.

Hai bản án có hiệu lực không được thi hành

Tháng 10/2007, TAND quận Hoàn Kiếm đã tiến hành xét xử vụ án “đòi lại nhà cho thuê”. Nguyên đơn là những người thừa kế của ông Chu Tuấn Đức là có bà Chu Thị Lân cùng với con cháu. Bị đơn là những con cháu của ông Phạm Văn Kình hiện đang ở chung trong số nhà 30 Hàng Mã gồm có ông Phạm Văn Hùng, bà Phạm Thị Yến.

Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, các căn từ Sở TNMT & Nhà đất Hà Nội và những văn bản liên quan trong quá khứ, TAND quận Hoàn Kiếm đã có kết luận: “Số nhà 30 Hàng Mã thuộc sở hữu của 2 cụ Chu Tuấn Đức và Phạm Thị Ân; Tòa chấp nhận đơn đòi nhà của các thừa kế cụ Đức và Ân”.

Tòa cũng buộc Công ty in Thống Nhất cùng gia đình ông Hùng, bà Yên phải trả lại phần đang sử dụng tại buồng mặt đường ở 30 Hàng Mã và toàn bộ phần phụ đang sử dụng tại nhà trên cho các thừa kế cụ Đức và Ân.

Vụ án tiếp tục được xử ở cấp phúc thẩm thành phố vào 1/2008. Tòa dân sự TP Hà Nội vẫn giữ nguyên án như sơ thẩm đã tuyên. Dù vậy, do phía gia đình bị đơn là con cháu của cụ Phạm Xuân Kình liên tục viết đơn gửi các cơ quan chức năng đòi xem lại bản án nên bản án vẫn không được thực thi.

Ngày 37/3/2008, Viện KSND tối cao có yêu cầu hoãn thi hành án vụ án dân sự “đòi lại nhà cho thuê” ở 30 Hàng Mã trong vòng 90 ngày “để có thời gian xem xét hồ sơ vụ kiện theo thủ tục giám đốc thẩm".

Hết thời hạn 90 ngày, những người thừa kế của cụ Phạm Văn Kình không đưa ra được căn cứ chứng minh cho việc sở hữu ngôi nhà ở 30 Hàng Mã của họ. Ngày 3/7/2008, Thi hành án quận Hoàn Kiếm lại thực hiện việc thi hành bản án như phiên tòa phúc thẩm đã tuyên.

Trong thời gian có quyết định thi hành án lần 2, những người thừa kế của cụ Kình là ông Phạm Văn Hùng, Phạm Thị Yến lại tiếp tục làm đơn gửi đến Viện KSND tối cao, Văn phòng Chính phủ (VPCP) để khiếu nại.

Để xem xét lại vụ án một lần nữa cho khách quan, ngày 31/10/2008, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tư pháp cùng các cơ quan chức năng xem xét để gải quyết khiếu nại của con cháu cụ Kình.

Kết quả xác minh lần này của các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cũng cho kết luận: “Bản án dân sự phúc thẩm đang có hiệu lực pháp luật và có đủ điều kiện để thi hành”. Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cũng đã bác bỏ những khiếu nại của ông Hùng và bà Yến.

Phải xét xử lại từ cấp sơ thẩm (?!)

Sau 2 bản án, nhiều quyết định thi hành án, các cơ quan chức năng tư pháp các cấp đều công nhận sự đúng đắn của bản án và yêu cầu thực thi theo đúng pháp luật nhưng việc thi hành án vẫn tiếp tục không thực thi được.

Ngày 6/3/2009, khi bản án chuẩn bị được thi hành thì các cơ quan thực thi án Hà Nội nhận được CV số 1432 của VPCP “đề nghị Chánh án TAND tối cao chỉ đạo xem xét, xử lý khiếu nại tố cáo của gia đình bà Phạm Thị Yến đối với bản án phúc thẩm ngày 22/1/2008 của TAND TP Hà Nội”.

Ngay sau đó, Chánh án TAND tối cao đã có kháng nghị, yêu cầu hoãn thi hành án đối với vụ kiện đòi nhà cho thuê tại 30 Hàng Mã, yêu cầu xét xử lại, hủy 2 bản án trước đó.

Giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật” – Quyết định kháng nghị nói rõ.

Sau sự việc này, bà Lân và người nhà lại tiếp tục mang đơn và hồ sơ gửi các cơ quan chức năng và báo chí, phản ánh việc gia đình bà không đồng tình với kháng nghị của TAND tối cao.

Chị Chu Cẩm Thúy – người được ủy quyền cho bà Chu Thị Lân cho biết: “Những căn cứ mà kháng nghị của TAND tối cao đưa ra để hoãn việc thi hành án là không có căn cứ. Ngôi nhà này là của tư nhân mà cụ thể là của cụ Chu Tuấn Đức, có hồ sơ gốc, không phải là công ty hợp danh”.

Tôi không hiểu vì sao một bản án như vậy lại không được thực hiện và có thể có sự can thiệp của ai đó(?). Không biết sẽ bị can thiệp đến bao giờ và không biết đến bao giờ gia đình tôi mới lấy lại được nhà của mình” – chị Thúy buồn rầu nói.

SOURCE:VIETNAMNET - DUY TUẤN

Trích dẫn từ: http://vietnamnet.vn

 (MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)