Mục lục bài viết
- 1. Cơ sở pháp lý:
- 2. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là gì?
- 3. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là gì?
- 4. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
- 4.1. Nguyên nhân chủ quan
- 4.2. Nguyên nhân khách quan
- 5. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường gặp
- 5.1. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế liên quan đến chủ thể ký kết hợp đồng
- 5.2. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế liên quan đến ngôn ngữ hợp đồng
- 5.3. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế do giao hàng không đúng đối tượng ghi nhận trong hợp đồng
- 5.4. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế do bên bán chậm giao hàng
- 5.5. Tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế về giá cả, phương thức thanh toán
- 5.6. Tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế liên quan đến bồi thường thiệt hại, phạt hợp đồng do vi phạm hợp đồng
- 5.7. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế về nghĩa vụ bảo hành hàng hóa
Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162
1. Cơ sở pháp lý:
- Công ước Viên 1980;
- Luật thương mại năm 2005.
2. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là gì?
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là sự thoả thuận giữa các bên mua bán ở các nước khác nhau nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ mua bán. Để đảm bảo an toàn về kinh tế mỗi giao dịch thường được các ban soạn thảo và ký kết các điều khoản hợp đồng mua bán, các bên quy định cụ thể nội dung cũng như dự trù được những rủi ro có thể xảy ra.
Theo luật thương mại hiện hành: mua bán hàng hóa quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm xuất, tái xuất, tạm nhập, tái nhập và chuyển khẩu.
3. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là gì?
Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là những mâu thuẫn, bất đồng, xung đột giữa các thương nhân tại các quốc gia khác nhau về việc thực hiện không đúng hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã ghi nhận trong hợp đồng.
Tranh chấp có thể về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia trong hợp đồng mà chủ yếu là liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện quyền và nghĩa vụ tự nguyện thỏa thuận. Hoặc cũng có thể xảy ra tranh chấp phát sinh từ nội dung của hợp đồng, giải thích từ ngữ hợp đồng, thực hiện hợp đồng, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng.
4. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
4.1. Nguyên nhân chủ quan
+ Do sự chủ quan của các bên trong việc thiết lập hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Chủ thể tham gia hợp đồng thiếu hiểu biết về pháp luật khi điều chỉnh quan hệ hợp đồng đặc biệt là pháp luật thương mại quốc tế. Các chủ thể hợp đồng không chú trọng tới các vấn đề pháp lý mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận;
+ Do các bên chỉ quan tâm đến lợi nhuận, lợi ích của mình mà bất chấp việc vi phạm và phá vỡ các thỏa thuận, thiếu đạo đức kinh doanh;
+ Năng lực của doanh nghiệp trong quan hệ thương mại quốc tế còn nhiều hạn chế, đặc biệt là thiếu hiểu biết về pháp luật và tập quán thương mại quốc tế.
4.2. Nguyên nhân khách quan
+ Sự biến động của những yếu tố như: giá cả, tỷ giá, cung cầu của mỗi quốc gia là khác nhau ở mỗi giai đoạn ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của các bên và có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra tranh chấp;
+ Các sự kiện bất khả kháng xảy ra ngẫu nhiên trong thực tế như thiên tai, bão lũ, hạn hán, dịch bệnh sau khi hai bên đã ký kết hợp đồng mà không thuộc trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng;
+ Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng liên quan đến ít nhất hai hệ thống pháp luật của hai quốc gia, ngoài ra còn có thể liên quan đến tập quán quốc tế điều chỉnh các quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên ký kết lại không tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi ký kết kết hợp đồng dẫn đến việc ký kết hợp đồng không đúng, không đầy đủ, dẫn đến cách hiểu không thống nhất làm phát sinh tranh chấp giữa các bên;
+ Sự thay đổi chính sách và pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại quốc tế;
5. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường gặp
5.1. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế liên quan đến chủ thể ký kết hợp đồng
+ Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế liên quan tới chủ thể ký kết hợp đồng
Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thông thường là các bên, người bán và người mua có trụ sở thương mại đặt ở các nước khác nhau có trụ sở ở các quốc gia khác nhau. Nhưng điều này là không bắt buộc và vẫn có thể nằm trên cùng lãnh thổ của quốc gia, vùng lãnh thổ.
Chủ thể ký kết một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể là một cá nhân hoặc một pháp nhân. Tuy nhiên, tư cách chủ thể của các đối tượng này sẽ không tuân theo luật điều chỉnh hợp đồng, mà tuân theo luật của nước mà pháp nhân mang quốc tịch. Điều này dựa trên nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Một chủ thể mang quốc tịch một quốc gia, trước hết phải tuân thủ pháp luật nước mình về tư cách chủ thể. Pháp luật một quốc gia không thể điều chỉnh tư cách chủ thể của cá nhân hoặc pháp nhân mang quốc tịch nước khác. Theo quy định của bộ luật dân sự 2015 thì cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật dân sự còn pháp nhân phải có năng lực pháp luật dân sự.
Vì vậy, khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, cần thiết phải làm rõ tư cách chủ thể của các bên. Nếu một bên không có tư cách chủ thể, có khả năng hợp đồng sẽ bị vô hiệu.
+ Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế liên quan tới thẩm quyền ký kết hợp đồng
Một cá nhân có thể tự mình ủy quyền hợp pháp cho cá nhân các giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Song đối với pháp nhân thì không thể tự mình, mà phải thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó thực hiện hành vi ký kết. Do đó, vấn đề quan trọng cần lưu ý để hợp đồng không bị vô hiệu là xác định cá nhân đại diện ký kết đó có thẩm quyền ký kết hợp đồng hay không?
Theo pháp luật Việt Nam, người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền ký kết hợp đồng theo ủy quyền cho người khác thực hiện hành vi này thông qua giấy ủy quyền hoặc điều lệ công ty. Nhưng pháp luật mỗi quốc gia lại khác nhau, cần tìm hiểu rõ (hỏi rõ đối tác) để xác định chính xác về thẩm quyền ký kết hợp đồng đúng pháp luật trong trường hợp thương nhân là pháp nhân.
Thực tế đã có những tranh chấp xảy ra do người ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của các bên không có thẩm quyền ký như không phải là người đại diện theo pháp luật, không được ủy quyền hoặc là người đại diện theo pháp luật nhưng không có thẩm quyền ký kết.
Do đó, để phòng ngừa tranh chấp phát sinh trong trường hợp này, các bên khi ký kết hợp đồng mua bán cần lưu ý những nội dung sau:
+ Khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, cần thiết phải làm rõ tư cách chủ thể của các bên;
+ Trước khi giao kết hợp đồng cần phải kiểm tra trong giấy đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương để xem ai là người đại diện theo pháp luật, có thẩm quyền ký kết hợp đồng không;
+ Yêu cầu cung cấp văn bản ủy quyền cho nhân viên khi giao dịch hoặc người ký không phải người đại diện theo pháp luật và kiểm tra trong giấy ủy quyền về phạm vi ủy quyền.
5.2. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế liên quan đến ngôn ngữ hợp đồng
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường được ký kết giữa các bên tới từ các quốc gia khác nhau với ngôn ngữ khác nhau. Mỗi ngôn ngữ trong nhiều trường hợp cùng một từ ngữ nhưng ngữa nghĩa lại có cách hiểu khác nhau. Do đó, khuyến khích các bên lựa chọn 1 ngôn ngữ thống nhất trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Nếu không muốn sử dụng chung một ngôn ngữ, hai bên cần ghi nhận thêm điều khoản số lượng các bản hợp đồng và giá trị pháp lý. Ví dụ: Hợp đồng được lập thành 02 bản 01 bản tiếng Việt và 01 bản tiếng Anh. 02 bản này có giá trị pháp lý tương đương. Khi có tranh chấp thì sử dụng bản tiếng Anh để giải quyết.
Tên thực tế cũng đã xảy ra tranh chấp phát sinh trong việc giải thích hợp đồng khi cùng một điều khoản mà các bên có thể có những cách hiểu khác nhau.
5.3. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế do giao hàng không đúng đối tượng ghi nhận trong hợp đồng
Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là các hàng hóa được phép lưu thông theo quy định của mỗi nước. Thông thường đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hàng hóa chuyển qua biên giới của quốc gia, tuy nhiên, nhiều trường hợp hàng hóa không cần qua biên giới quốc gia vẫn được xem là hoạt động mua bán quốc tế như hàng hóa đưa ra, đưa vào khu phi thuế quan, kho báo thuế, kho ngoại quan…
Bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng.
Các bên tham gia thường tranh chấp về hàng hóa không đúng đối tượng, số lượng hàng hóa đã thỏa thuận, về chất lượng hàng hóa không đúng, không đáp ứng được theo tiêu chuẩn, tranh chấp đơn vị tính, điều này có thể do quy định trong hợp đồng không cụ thể và chi tiết dẫn đến hiểu lầm hoặc do một bên lợi dụng sơ hở để không thực hiện nghĩa vụ.
Để hạn chế tranh chấp này, ngay từ khi tham gia ký kết hợp đồng, các chủ thể cần phải đọc kỹ từng điều khoản của hợp đồng quy định một cách cụ thể, chi tiết về đối tượng của hợp đồng. Chất lượng hàng hóa, số lượng, trọng lượng, chỉ tiêu kĩ thuật, tiêu chuẩn áp dụng, đơn vị tính và thống nhất về cách hiểu các điều khoản của hợp đồng để tránh trường hợp mỗi bên hiểu một ý khác nhau. Đồng thời phải quy định rõ mức phạt hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên bán khi vi phạm quy định về đối tượng hợp đồng.
5.4. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế do bên bán chậm giao hàng
Theo hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm và thời điểm giao hàng đã thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua.
Trên thực tế, ngoài những trường hợp vi phạm nghĩa vụ giao hàng có ý chí chủ quan của bên bán thì có những trường hợp vi phạm nhưng được miễn trách nhiệm. Đó là khi giao hàng chậm do sự kiện bất khả kháng.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Công ước Viên 1980 quy định về bất khả kháng tại Điều 79 với tiêu đề “miễn trách” theo đó:
“Một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào đó của họ nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện đó là một do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và người ta không thể chờ đợi một cách hợp lý rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc ký kết hợp đồng hoặc là tránh được hay khắc phục được hậu quả của nó.”
Chỉ những trở ngại nào thực sự đến mức khiến cho việc thực hiện các nghĩa vụ là không thể được xem xét, còn những trường hợp tuy có gây hoặc đe dọa gây khó khăn trở ngại đến việc thực hiện nghĩa vụ hoặc chỉ dừng ở mức không khả thi thường có thể sẽ không được xem xét.
Về hậu quả pháp lý theo Công ước Viên 1980 bên vi phạm chỉ được miễn trách nhiệm phải thực hiện các biện pháp đền bù thiệt hại gây ra bởi sự kiện bất khả kháng, bên bị vi phạm có quyền tiến hành tất cả các biện pháp bảo hộ pháp lý hay chế tài còn lại theo quy định của công ước bao gồm quyền được yêu cầu giảm giá hàng hóa tại Điều 50, buộc thực hiện hợp đồng Điều 46, Điều 62, tuyên bố hủy hợp đồng Điều 49, Điều 64 và thanh toán tiền lãi trên các khoản thanh toán chậm Điều 78.
Về thời hạn, Công ước Viên 1980 quy định sự miễn trách chỉ có hiệu lực trong thời kỳ tồn tại sự kiện khó khăn, trở ngại khoản 3 Điều 79. Về nghĩa vụ thông báo, theo Công ước Viên 1980 bên nào không thực hiện nghĩa vụ của mình thì phải thông báo cho bên kia biết về trở ngại và ảnh hưởng của nó đối với khả năng thực hiện nghĩa vụ. Nếu thông báo không tới tay bên kia trong một thời hạn hợp lý từ khi bên không thực hiện nghĩa vụ đã biết hay đáng lẽ phải biết về trở ngại đó thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do việc bên kia không nhận được thông báo.
Khi nhận dạng tranh chấp về trường hợp bất khả kháng theo Công ước Viên 1980 tranh luận của các bên thường xoay quanh các tiêu chí để công nhận một trường hợp là bất khả kháng. Đơn cử như sự kiện trở ngại có phải là nguyên nhân dẫn đến việc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; thế nào là nằm ngoài sự kiểm soát của một bên; thế nào là khắc phục được hay tránh được sự trở ngại; hay sự không tiên liệu trước về những sự kiện như vậy phải được hiểu thế nào?
Như vậy, do đặc điểm phức tạp của hoạt động thương mại quốc tế như sự mở rộng về không gian, sự kéo dài về thời gian, sự khác nhau về địa lý, tập quán, quy định của mỗi quốc gia mà khả năng xảy ra những trường hợp bất khả kháng là rất lớn.
Bên cạnh đó, do hậu quả pháp lý là được miễn trách và trong nhiều trường hợp có thể thay đổi hoàn toàn vị thế của các bên nên không tránh được khả năng các bên tìm cách lợi dụng trường hợp bất khả kháng để cố gắng giải thoát trách nhiệm khi có những hoàn cảnh bất lợi xảy đến hoặc để trục lợi khi giá cả thị trường thay đổi theo hướng có lợi cho bên mình.
Một số hợp đồng được soạn thảo với điều khoản bất khả kháng rất cụ thể chi tiết có thể hạn chế được tranh chấp xảy ra nhưng có rất nhiều hợp đồng thiếu vắng điều khoản quan trọng này.
5.5. Tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế về giá cả, phương thức thanh toán
Trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, giá cả hàng hóa có thể được tính bằng tiền của nước người bán, nước người mua hoặc có thể là đồng tiền của nước thứ ba.
Việc lựa chọn đồng tiền tính giá còn phụ thuộc vào tập quán ngành hàng, tương quan giữa người mua và người bán trên thị trường và chính sách kinh tế đối ngoại. Ví dụ trong buôn bán cao su, kim loại màu, than… đồng tiền tính giá thường được quy bằng đồng bảng Anh; trong buôn bán về sản phẩm dầu mỏ, da lông thú, đồng tiền tính giá thường là đồng đô la Mỹ.
Các bên cần cân nhắc sử dụng đồng tiền nào để phù hợp nhất với điều kiện của hai bên và khả năng thanh toán, khả năng thanh khoản cũng như quy định của pháp luật mỗi nước. Thông thường, đồng đô la Mỹ sẽ được sử dụng bởi tính phổ dụng và khả năng thanh khoản, ổn định của nó.
Khi thỏa thuận về thời hạn thanh toán, các bên có thể thống nhất thời hạn thanh toán: trả tiền trước, trả tiền sau, trả tiền ngay khi giao hàng hoặc thanh toán theo phương thức hỗn hợp.
Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng và tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Việc bên mua chậm nghĩa vụ thanh toán do chủ quan của bên mua sẽ dẫn đến tranh chấp, xung đột với bên bán. Hậu quả của vi phạm này có thể dẫn đến việc bên bán có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng, lấy lại hàng hóa đã giao hoặc trách nhiệm chịu phạt hợp đồng phải chịu lãi chậm trả của bên mua.
Bên cạnh đó, trên thực tế vẫn xảy ra một số rủi ro khác như giá khi thị trường biến động, đồng tiền là phương thức thanh toán, tranh chấp, chi phí bốc dỡ, vận chuyển lưu kho bãi, cách thức giao nhận tiền, phương thức bảo đảm hợp đồng bằng phương thức bảo lãnh.
Bởi vậy, các bên cần đưa ra các điều khoản chi tiết, cụ thể, linh hoạt phù hợp với từng giao dịch.
5.6. Tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế liên quan đến bồi thường thiệt hại, phạt hợp đồng do vi phạm hợp đồng
Điều khoản phạt và bồi thường thiệt hại quy định những biện pháp chế tài khi hợp đồng không được thực hiện toàn bộ hay một phần. Đây là điều khoản quy định trách nhiệm pháp lý phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế. Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại: khác với vấn đề phạt vi phạm, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng phát sinh ngay cả trong trường hợp các bên không có thoả thuận nào về vấn đề này.
Điều 74 Công ước Viên 1980 đưa ra khung cơ bản cho việc đền bù thiệt hại:
Thiệt hại do vi phạm hợp đồng của một bên là tổng số các tổn thất kể cả lợi tức bị mất, mà bên kia phải chịu do hậu quả của việc vi phạm hợp đồng. Những thiệt hại như vậy không thể vượt quá tổn thất mà bên vi phạm hợp đồng đã dự đoán được hoặc buộc phải dự đoán được trong thời điểm ký kết hợp đồng như là hậu quả có thể xảy ra của vi phạm hợp đồng đó, trên cơ sở các thông tin và tình tiết mà bên vi phạm hợp đồng đã biết hoặc phải biết vào thời điểm đó.
Bởi vậy, trước khi giao kết hợp đồng, các bên cần phải xem xét các rủi ro có thể xảy ra để tránh những thiệt hại trong mua bán hàng hóa quốc tế và đưa ra các căn cứ định mức bồi thường trong một số trường hợp cụ thể, trên cơ sở nghiên cứu pháp luật và án lệ quốc tế. Với vấn đề phạt hợp đồng cần quy định rõ ràng, phù hợp với các điều ước mà Việt Nam ký kết như công ước Viên 1980.
5.7. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế về nghĩa vụ bảo hành hàng hóa
Trường hợp hàng hóa mua bán có bảo hành thì bên bán phải chịu trách nhiệm bảo hành hàng hóa đó theo nội dung và thời hạn đã thỏa thuận. Các tranh chấp về vấn đề bảo hành hàng hóa thường phát sinh do các bên không thỏa thuận cụ thể về thời hạn bảo hành cũng như phạm vi bảo hành, các trường hợp từ chối bảo hành do lỗi của bên mua.
Như vậy, qua việc liệt kê những tranh chấp phổ biến về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể thấy vấn đề cần quan tâm hàng đầu chính là việc xác lập hợp đồng mua bán hàng hóa. Hợp đồng càng chi tiết, chặt chẽ và rõ ràng thì sẽ hạn chế được tối đa rủi ro. Bởi đó, quý khách hàng có thể lựa chọn đơn vị tư vấn luật với những luật sư hỗ trợ về kinh doanh thương mại để được hỗ trợ về soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa sao hạn chế được rủi ro ở mức thấp nhất.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập