1.  Khái niệm về lập pháp

Lập pháp, hành pháp, tư pháp là ba chức năng chính của nhà nước. Luật pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của nhà nước và được thực hiện bởi những cơ quan nhà nước chuyên trách, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện nghiên cứu và soạn Thảo những văn bản pháp luật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với những chủ trương, chính sách hoạt động của nhà nước.

Trong mối tương quan khác nhau, lập pháp cũng mang ý nghĩa khác nhau, có thể hiểu lập pháp mang ý nghĩa như sau:

– Lập pháp là việc những cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc nghiên cứu, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật như hiến pháp, luật, bộ luật, sửa đổi hiến pháp, sửa đổi văn bản pháp luật, ban hành văn bản pháp luật…

Quá trình soạn Thảo, ban hành Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật và những văn bản pháp luật cơ quan nhà nước cần phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục vô cùng nghiêm ngặt và chặt chẽ để đảm bảo những quy định trong hiến pháp và các luật, bộ luật có khả năng thực hiện, thi hành trong thực tế.

Hiến Pháp là đạo luật gốc, là căn cứ để những bộ luật và luật khác ra đời, có giá trị pháp lý cao nhất và là khuôn mẫu để quy định những vấn đề cơ bản của đất nước như chế độ văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế…

Các văn bản được ban hành dựa trên cơ sở của hiến pháp sẽ quy định về những lĩnh vực, ngành cụ thể mà không được trái với tinh thần và quy định của hiến pháp.

– Theo một ý nghĩa khác, lập pháp có thể được hiểu theo nghĩa là quá trình những cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện soạn Thảo, nghiên cứu và ban hành văn bản pháp luật, hoặc thực hiện việc sửa đổi luật.

Từ góc độ này, lập pháp mang phạm vi hẹp hơn, không bao gồm quá trình soạn Thảo và ban hành ra hiến pháp là cơ quan lập pháp chỉ thực hiện việc soạn Thảo và ban hành những văn bản pháp luật dưới hiến pháp, cũng như ban hành và soạn thảo bộ luật dân sự, bộ luật tố tụng dân sự…

Tùy thuộc vào thể chế chính trị mà mỗi quốc gia lại có một hệ thống pháp luật riêng. Quan điểm lập pháp của mỗi quốc gia lại có những điểm khác nhau: Dưới đây là một số triết lý lập pháp ở Việt Nam

2. Việt Nam là một quốc gia có hệ thống pháp luật theo truyền thống pháp luật XHCN

Việt Nam là một quốc gia có hệ thống pháp luật theo truyền thống pháp luật XHCN với những đặc tính nổi bật về nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, vai trò lãnh đạo chính trị của Đảng Cộng sản, lý tưởng nhân đạo xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa, tính giai cấp của pháp luật... Với lối tư duy truyền thống, khép kín trước đây, pháp luật được quan niệm là một hiện tượng lịch sử, chỉ phát sinh, tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp, pháp luật xã hội chủ nghĩa là một sản phẩm của hành động có ý thức của con người, là biểu hiện tập trung của chính trị và là ý chí của giai cấp thống trị trong một xã hội. Pháp luật luôn có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời với nhà nước và là một loại hoạt động của nhà nước. Pháp luật sẽ vô nghĩa nếu không có bộ máy có đủ sức mạnh thực hiện việc cưỡng chế tuân thủ pháp luật. Lối tư duy này dẫn chúng ta đến hai nhận định cơ bản về pháp luật: Thứ nhất: Nhận thức, quan niệm về pháp luật với lối tư duy khá hẹp: Pháp luật thường được thuần tuý hiểu là tập hợp một cách có hệ thống những khuôn thước hành xử hiện hữu do cơ quan công quyền công bố và đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế. Thứ hai: Đánh đồng pháp luật với hoạt động làm luật, từ đó nhấn mạnh yếu tố quyền lực và coi pháp luật chỉ là phương tiện đặc hữu của nhà nước; hoạt động sáng tạo pháp luật là lĩnh vực độc quyền nhà nước; khi nói đến pháp luật, người ta nhấn mạnh đến tính cưỡng chế, yêu cầu tuân phục hơn là huy động sự đồng thuận, thuyết phục, giáo dục và khơi dậy ý thức tự giác trong xã hội.

3. Nhà nước quản lý toàn bộ đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật

Chỉ một vài năm sau khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới (1986), tiến trình dân chủ hóa đã được triển khai cả về bề rộng và chiều sâu, tính công khai, dân chủ, ý thức về pháp quyền, công lý, công bằng xã hội đã được xây dựng và phát triển mạnh mẽ trong toàn xã hội. Với tư tưởng chủ đạo “lấy dân làm gốc”, làm cho người dân thực sự làm chủ đất nước, làm chủ xí nghiệp, hợp tác xã của mình và yêu cầu nhà nước phải quản lý toàn bộ đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật, một số quan điểm về nhà nước và pháp luật truyền thống đã được áp dụng trong nhiều thập kỷ của thời kỳ kế hoạch hoá, tập trung quan liêu bao cấp đã không còn thực sự phù hợp, từ đó đã tạo ra một “chiếc áo pháp lý” chật hẹp, gò bó, thiếu tính linh hoạt và không còn đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn đổi mới. Có thể nói, đổi mới tư duy kinh tế đã đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải khẩn trương, tích cực, quyết liệt và kiên trì đổi mới tư duy pháp lý nhằm góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Trọng tâm của đổi mới tư duy pháp lý trong thời kỳ đầu của giai đoạn đổi mới chính là yêu cầu nâng cao vai trò điều chỉnh xã hội của pháp luật, pháp luật phải là một “phương tiện hùng mạnh” để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, là công cụ đấu tranh chống tiêu cực và bảo vệ nền dân chủ XHCN. Pháp luật cần phải được quan niệm lại, theo đó, nó không chỉ thuần tuý tồn tại với ý nghĩa là một sức mạnh cưỡng chế mà còn phải là một công cụ giáo dục tích cực nhằm khắc phục những tàn dư tư tưởng, những thành kiến coi thường pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác trong cán bộ và nhân dân.

4. Phát triển hệ thống lý luận về Nhà nước pháp quyền

Trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm xây dựng nhà nước, xây dựng pháp luật và quản lý xã hội đã có, thực hiện đổi mới tư duy pháp lý, Đảng ta đã mạnh dạn, sáng suốt lựa chọn và phát triển hệ thống lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là một mô hình nhà nước được đánh giá là phương thức tổ chức quyền lực hợp lý, có điều kiện phát huy đầy đủ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng, có khả năng tạo môi trường và điều kiện cần thiết để người dân thực sự làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Quan điểm này đã được đồng chí Đỗ Mười sớm đưa ra từ năm 1989 và gợi ý các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và  phát triển. Đến năm 1994, khái niệm Nhà nước pháp quyền XHCN lần đầu tiên được Đảng ta chính thức sử dụng tại Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII. Đến năm 2001, Điều 2 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã chính thức định danh “Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.   

5. Tinh thần tượng tôn pháp luật

Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, một số quan điểm nghiên cứu đã cho rằng pháp luật không chỉ đơn thuần là sản phẩm “độc quyền” của nhà nước mà trước hết phải là sự kết tinh thiêng liêng những giá trị cao quý trong xã hội, dựa trên nền tảng dân chủ, nhân bản, lương tri và đạo lý mà không một ai bác bỏ được để trở thành lẽ phải đương nhiên như tự do, bình đẳng, công lý, công minh. Nhà nước phải thừa nhận và phục tùng lẽ phải và công lý, lấy đó làm thước đo để hướng tới sự phù hợp và hoàn thiện để củng cố lòng tin của nhân dân vào sự công minh của mình. Gần đây, trên website của Tạp chí Xây dựng Đảng, khi đánh giá văn bản số 1594/MTTW-BBT ngày 12 tháng 8 năm 2011 của Ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Toỏ quốc Việt Nam gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Toà án nhân dân tối cao kiến nghị đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bà Trần Ngọc Sương - nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu về tội danh “lập quỹ trái phép” và xử lý sai sót của bà trong lĩnh vực tài chính bằng các biện pháp hành chính và dân sự, bài viết trên Tạp chí đã nhận định: Lương tri không thay được pháp luật lại càng khổng thể đứng trên pháp luật. Nhưng nó là cái duy nhất mách bảo giải pháp đúng trong tình huống phức tạp. Cao hơn, lương tri làm cho mọi hành vi xã hội được thừa nhận và có tình người.

6. Luật pháp tồn tại vì con người

Theo cách tiếp cận của chủ nghĩa Mác - Lê nin về mối quan hệ giữa con người và pháp luật trong chế độ dân chủ, con người luôn được coi là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Trong chế độ dân chủ, “không phải con người tồn tại vì luật pháp, mà luật pháp tồn tại vì con người... Dấu hiệu đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ là như vậy”. Pháp luật là yếu tố thuộc thượng tầng kiến trúc, do đó nó không thể cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hoá của xã hội, pháp luật là sự biểu hiện của lợi ích và nhu cầu chung của xã hội do phương thức sản xuất nhất định sinh ra. Về phương pháp luận chỉ đạo các nguyên tắc hoạt động sáng tạo pháp luật trong hệ thống pháp luật XHCN, C.Mác đã khẳng định tầm quan trọng của “những quy luật nội tại của những mối quan hệ tinh thần” như những quy luật khách quan mà luật thực định phải phản ánh và cụ thể hoá trong các đạo luật: “Nhà lập pháp phải coi mình như là nhà khoa học tự nhiên. Ông ta không làm ra luật, ông ta không phát minh ra chúng mà chỉ nêu chúng lên; ông ta biểu hiện những quy luật nội tại của những mối quan hệ tinh thần thành những đạo luật thành văn có ý thức. Chúng ta sẽ phải chê trách nhà làm luật là vô cùng tuỳ tiện, nếu như ông ta thay thế bản chất của sự vật bằng nhiều điều bịa đặt của mình”.

7. Vấn đề quy luật nội tại

Nắm vững, vận dụng và phản ánh đầy đủ, kịp thời những “quy luật nội tại” thành những đạo luật thành văn chính là yêu cầu cốt tuỷ đối với mỗi cán bộ làm công tác pháp luật. Không hiểu; vận dụng không đúng đắn, thậm chí chủ quan, duy ý chí sẽ dẫn đến những tác hại vô cùng to lớn cho xã hội. Khi đánh giá lại “Khoán Kim Ngọc” ở Vĩnh Phúc, tác giả Đặng Phong đã đánh giá về những chủ trương, chính sách, những quy định không thực sự phản ánh khách quan được những “quy luật nội tại” đã gây ra những trì trệ kinh tế, mất ổn định xã hội trong cả một giai đoạn của đất nước:

“Nếu sự quay của quả đất là một quy luật của vũ trụ, thì việc chuyển mô hình hợp tác xã cũ sang khoán hộ, mà thực chất là kinh tế tiểu nông tự chủ, là một quy luật của kinh tế.

Khác với quy luật tự nhiên, quy luật kinh tế vận động qua con người, nên có lúc nhanh, lúc chậm. Xét về một phương diện nào đó thì sự vùi dập sáng kiến đối với Vĩnh Phúc đã làm chậm quá trình phát triển của nông nghiệp Việt Nam hàng thập kỷ: Nếu tính từ khoán Vĩnh Phúc năm 1966 tới khoán của Đoàn Xá (Hải Phòng) năm 1976, đã có 10 trôi qua. Nếu tính từ Thông tri 224-TT/TW của Ban Bí thư năm 1968 tới Chỉ thị số 100-CT/TW cũng của Ban Bí thư năm 1981, đã có 13 năm trôi qua và đến Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị thì mất đi 20 năm.

Nhưng cuối cùng thì nền nông nghiệp Việt Nam cũng đã thoát khỏi cái “vòng kim cô” của những giáo điều cũ kỹ để đi vào quỹ đạo của những quy luật kinh tế, đi vào con đường tăng trưởng, phồn vinh và hội nhập với thị trường thế giới”.

Nắm vững, vận dụng và phản ánh khách quan, đầy đủ, kịp thời những “quy luật nội tại” thành những đạo luật thành văn chính là yêu cầu cốt tuỷ đối với mỗi cán bộ làm công tác pháp luật. Luật pháp không phải là làm ra mà là tìm ra ngay từ bản chất của sự vật, hiện tượng. Sẽ là tuỳ tiện, là bịa đặt nếu các đạo luật thành văn không phải là sự biểu hiện khách quan, trung thực, đầy đủ, kịp thời những “quy luật nội tại” của các sự vật, hiện tượng. Một nhà tư tưởng thời Hy Lạp cổ đại theo trường phái pháp luật tự nhiên đã khẳng định: Luật pháp đã nằm ngay trong bản chất của mọi sự vật, hiện tượng. Luật pháp sẽ là một thứ chuyên chế nếu chúng buộc con người hành động trái với bản tính của mình.