Mục lục bài viết
Kính chào công ty Luật Minh Khuê, tôi tên là Tín Dũng, tôi có chút thắc mắc mong nhận được giải đáp từ luật sư. Tôi không biết là các tranh chấp trong thị trường mua bán điện sẽ được giải quyết theo trình tự nào? Có phải thực hiện như giải quyết tranh chấp dân sự nói chung hay không? Rất mong nhận được phản hồi từ luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người hỏi: Tín Dũng - Thanh Hóa
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Cơ sở pháp lý:
- Luật điện lực sửa đổi, bổ sung năm 2012
- Thông tư 40/2010/TT-BCT
1. Những tranh chấp trên thị trường điện nào được giải quyết theo thủ tục này?
Tại Điều 1 Thông tư 40/2010/TT-BCT đã nêu rõ, thông tư này quy định trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp trên thị trường điện lực sau đây:
(i) Tranh chấp liên quan đến Hợp đồng mua bán điện, Hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ giữa các đơn vị điện lực, trừ các hợp đồng có yếu tố nước ngoài.
(ii) Tranh chấp khác trong hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực.
Trong đó,
- Bên yêu cầu là đơn vị điện lực, tổ chức, cá nhân đề nghị giải quyết tranh chấp khi cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm.
- Bên bị yêu cầu là đơn vị điện lực bị Bên yêu cầu cho rằng đã xâm phạm quyền và lợi ích của Bên yêu cầu.
- Cơ quan giải quyết tranh chấp là Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trên thị trường điện lực
2.1. Thụ lý hồ sơ
2.1.1. Hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp
Bên yêu cầu phải gửi hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp đến Cục Điều tiết điện lực. Hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp bao gồm:
a) Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp;
b) Biên bản thương lượng hoặc hoà giải không thành hoặc tài liệu chứng minh tranh chấp không hòa giải được;
c) Bản sao công chứng của Hợp đồng đối với tranh chấp liên quan đến Hợp đồng mua bán điện hoặc Hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ. Trường hợp Hợp đồng không có thoả thuận đề nghị Cục Điều tiết điện lực giải quyết tranh chấp thì hồ sơ phải có Bản thoả thuận của các bên về việc đề nghị Cục Điều tiết điện lực giải quyết tranh chấp;
d) Bản sao hợp lệ Giấy phép hoạt động điện lực (trường hợp Bên yêu cầu là Đơn vị điện lực);
đ) Bản sao hợp lệ các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu giải quyết tranh chấp là có căn cứ và hợp pháp;
e) Cam kết về vụ việc tranh chấp chưa được gửi đến giải quyết tại Toà án hoặc Trọng tài thương mại.
Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm viết đơn;
b) Tên, địa chỉ và các thông tin có liên quan của các bên;
c) Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;
d) Các yêu cầu của Bên yêu cầu;
đ) Giá trị bồi thường yêu cầu (nếu có).
2.1.2. Thụ lý hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp
Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp, Cục Điều tiết điện lực phải tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho Bên yêu cầu về việc thụ lý hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực phải thông báo bằng văn bản cho Bên yêu cầu để bổ sung hồ sơ; thời hạn bổ sung hồ sơ không quá mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày Cục Điều tiết điện lực thông báo bổ sung hồ sơ.
Trong trường hợp Bên yêu cầu có đề nghị bằng văn bản, Cục Điều tiết điện lực có thể gia hạn bổ sung hồ sơ nhưng không quá mười (10) ngày làm việc kể từ ngày hết hạn bổ sung hồ sơ.
2.1.3. Đơn kiện lại
- Bên bị yêu cầu có quyền kiện lại Bên yêu cầu về những vấn đề có liên quan đến yêu cầu của Bên yêu cầu. Đơn kiện lại phải được gửi Cục Điều tiết điện lực, Bên yêu cầu cùng thời điểm với văn bản giải trình.
- Bên yêu cầu phải gửi văn bản trả lời Đơn kiện lại cho Cục Điều tiết điện lực và Bên bị yêu cầu trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Đơn kiện lại.
- Các yêu cầu trong Đơn kiện lại của Bên bị yêu cầu được giải quyết trong cùng phiên họp giải quyết đề nghị giải quyết tranh chấp của Bên yêu cầu.
- Trường hợp Đơn kiện lại được gửi muộn hơn thời hạn quy định hoặc nội dung kiện lại không liên quan tới yêu cầu của Bên yêu cầu thì được xem xét và giải quyết như vụ việc tranh chấp khác.
2.2. Nghiên cứu, xác minh vụ việc
Thời hạn nghiên cứu, xác minh vụ việc tranh chấp là ba (03) tháng, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Đối với vụ việc tranh chấp phức tạp thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá sáu (06) tháng, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
2.2.1. Phân công cán bộ thụ lý vụ việc tranh chấp, thông báo vụ việc cho Bên bị yêu cầu
- Trong thời hạn hai (02) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm phân công cán bộ thụ lý vụ việc tranh chấp.
- Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tranh chấp và gửi bản sao Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp, tài liệu kèm theo của Bên yêu cầu cho Bên bị yêu cầu.
2.2.2. Giải trình của các bên
- Trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp và các tài liệu kèm theo của Bên yêu cầu do Cục Điều tiết điện lực gửi đến, Bên bị yêu cầu phải gửi cho Cục Điều tiết điện lực văn bản giải trình và các tài liệu chứng minh kèm theo.
Trường hợp cần gia hạn thời gian giải trình thì Bên bị yêu cầu phải gửi văn bản đề nghị Cục Điều tiết điện lực gia hạn, trong đó nêu rõ lý do đề nghị gia hạn. Thời hạn gia hạn không quá mười (10) ngày làm việc.
- Văn bản giải trình phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Ngày, tháng, năm làm giải trình;
+ Tên và địa chỉ của Bên bị yêu cầu;
+ Giải trình và các lý lẽ, phân tích để tự bảo vệ.
- Trường hợp Bên bị yêu cầu không gửi văn bản giải trình thì coi như đã chấp nhận nội dung trong Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp của Bên yêu cầu.
2.2.3. Nghiên cứu hồ sơ, xác minh vụ việc
- Cán bộ thụ lý vụ việc tranh chấp có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ vụ việc tranh chấp trên cơ sở Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp, các tài liệu, chứng cứ kèm theo và văn bản giải trình của các bên.
- Cán bộ thụ lý vụ việc tranh chấp có quyền xem xét, kiểm tra tại hiện trường; gặp các bên để nghe các bên trình bày ý kiến; phải lập Biên bản ghi rõ thời gian, địa điểm, họ tên, địa chỉ các bên, nội dung xác minh, ý kiến trình bày của các bên; phải đọc lại Biên bản cho các bên nghe và yêu cầu các bên cùng ký vào Biên bản.
- Kết thúc quá trình nghiên cứu hồ sơ, xác minh vụ việc tranh chấp, cán bộ thụ lý vụ việc tranh chấp phải báo cáo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực bằng văn bản. Trong đó, phải tóm tắt nội dung vụ việc tranh chấp, nêu rõ các tình tiết, chứng cứ đã được xác minh và kiến nghị phương án giải quyết.
2.2.4. Trưng cầu giám định
- Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực có quyền ra quyết định trưng cầu giám định theo đề nghị của một bên hoặc các bên tranh chấp. Quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân giám định, đối tượng cần giám định, những vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận giám định.
- Bên đề nghị trưng cầu giám định phải nộp chi phí giám định. Trường hợp các bên đề nghị giám định thì phải cùng nộp chi phí giám định.
2.3. Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấpP
2.3.1. Thời hạn tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp
- Thời hạn tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp là ba mươi (30) ngày, kể từ ngày kết thúc nghiên cứu, xác minh vụ việc tranh chấp.
- Trong thời hạn này, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm tiến hành các thủ tục cần thiết để mở phiên họp giải quyết tranh chấp. Giấy mời các bên tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp phải được gửi chậm nhất mười lăm (15) ngày trước ngày tổ chức phiên họp.
2.3.2. Tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp
- Đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền của các bên phải tham dự phiên họp theo mời họp của Cục Điều tiết điện lực. Danh sách người tham dự phiên họp của mỗi bên phải gửi tới Cục Điều tiết điện lực trước ngày mở phiên họp ít nhất hai (02) ngày làm việc.
- Cục Điều tiết điện lực có quyền mời người làm chứng, chuyên gia, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan tham gia phiên họp.
2.3.3. Sự vắng mặt của các bên trong phiên họp giải quyết tranh chấp
Sự vắng mặt của Bên yêu cầu
a) Bên yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì Cục Điều tiết điện lực phải hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp;
b) Bên yêu cầu đã được mời họp đến lần thứ hai (02) mà vẫn vắng mặt hoặc bỏ phiên họp mà không được Chủ trì phiên họp đồng ý thì coi như từ bỏ đề nghị giải quyết tranh chấp và Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm ra quyết định đình chỉ việc giải quyết. Trong trường hợp này, Bên yêu cầu vẫn có quyền đề nghị giải quyết tranh chấp lại nếu thời hiệu đề nghị giải quyết tranh chấp vẫn còn.
Sự vắng mặt của Bên bị yêu cầu
a) Bên bị yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì Cục Điều tiết điện lực phải hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp;
b) Bên bị yêu cầu đã được mời họp đến lần thứ hai (02) mà vẫn vắng mặt hoặc bỏ phiên họp mà không được Chủ trì phiên họp đồng ý thì Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực căn cứ vào hồ sơ vụ việc và chứng cứ hiện có để tiến hành giải quyết tranh chấp vắng mặt Bên bị yêu cầu.
Trong trường hợp cả hai bên đề nghị giải quyết vụ tranh chấp mà không cần các bên có mặt, thì Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực căn cứ vào hồ sơ vụ việc và các chứng cứ hiện có để giải quyết.
2.3.4. Phiên họp giải quyết tranh chấp
Khai mạc phiên họp
a) Chủ trì phiên họp giải quyết tranh chấp khai mạc phiên họp và đọc Quyết định mở phiên họp giải quyết tranh chấp;
b) Thư ký phiên họp đọc danh sách những người tham dự hoặc vắng mặt, lý do vắng mặt.
Giải quyết vụ việc tranh chấp
a) Các bên trình bày yêu cầu giải quyết tranh chấp, giải trình và đưa ra các tài liệu, chứng cứ chứng minh;
b) Người làm chứng, chuyên gia, đại diện tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan tham gia phiên họp trình bày ý kiến;
c) Xem xét, kiểm tra, phân tích tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, báo cáo nghiên cứu, xác minh vụ việc tranh chấp.
Kết luận giải quyết vụ việc tranh chấp
a) Chủ trì phiên họp kết luận về việc giải quyết tranh chấp trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, xem xét, phân tích tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và báo cáo nghiên cứu, xác minh vụ việc tranh chấp;
b) Trường hợp một bên hoặc các bên chưa nhất trí với kết luận của Chủ trì phiên họp hoặc vụ việc có nhiều tình tiết mới chưa thể kết luận được thì Chủ trì phiên họp có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, xác minh bổ sung và tổ chức họp lại. Thời hạn nghiên cứu, xác minh bổ sung và tổ chức họp lại không được quá thời hạn quy định tại Điều 21 và Điều 22 Thông tư này.
2.3.5. Biên bản phiên họp giải quyết vụ tranh chấp
Biên bản phiên họp giải quyết vụ tranh chấp gồm các nội dung sau:
a) Tên vụ tranh chấp;
b) Địa điểm và ngày, tháng, năm mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp;
c) Tên của Bên yêu cầu, Bên bị yêu cầu và những người đại diện tham gia phiên họp giải quyết vụ tranh chấp;
d) Tên giám định viên, người làm chứng (nếu có) và những người khác tham gia phiên họp giải quyết vụ tranh chấp;
đ) Tóm tắt diễn biến phiên họp giải quyết vụ tranh chấp.
e) Kết luận của Chủ trì phiên họp.
Biên bản phiên họp giải quyết vụ tranh chấp phải có chữ ký của Chủ trì phiên họp, Thư ký phiên họp, Bên yêu cầu, Bên bị yêu cầu trừ trường hợp các bên vắng mặt. Trường hợp một bên hoặc các bên trong vụ việc tranh chấp không thống nhất với một hoặc nhiều nội dung của phiên họp thì vẫn phải ký vào biên bản và có quyền bảo lưu ý kiến về những điểm không thống nhất.
2.4. Quyết định giải quyết tranh chấp
Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên họp giải quyết tranh chấp, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm ra Quyết định giải quyết tranh chấp.
Quyết định giải quyết tranh chấp phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm và địa điểm ra Quyết định;
b) Tên, địa chỉ Bên yêu cầu, Bên bị yêu cầu;
c) Tóm tắt Đơn đề nghị và các vấn đề tranh chấp;
d) Các căn cứ để ra Quyết định, gồm: cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp, các chứng cứ đã được kiểm tra, xác minh trong quá trình giải quyết tranh chấp;
đ) Trách nhiệm của các bên trong tranh chấp, bao gồm cả chi phí giải quyết tranh chấp và các chi phí khác (nếu có);
e) Thời hạn thi hành Quyết định giải quyết tranh chấp.
Quyết định giải quyết tranh chấp phải được gửi cho Bên yêu cầu và Bên bị yêu cầu trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày ký.
Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực kể từ ngày ký. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực chung thẩm, trừ trường hợp tranh chấp liên quan đến Hợp đồng đã ký giữa các bên. Các bên có trách nhiệm thi hành Quyết định theo quy định của pháp luật.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty luật Minh Khuê