1. Khái niệm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Trong khoa học kinh tế lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được xem xét chủ yếu dưới góc độ của việc tổ chức quá trình lao động với việc đặt trong mối quan hệ hữu cơ với năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động. Theo đó, thời giờ làm việc chính là khoảng thời gian cần và đủ để người lao động hoàn thành định mức lao động hoặc khối lượng công việc đã được giao. Còn thời giờ nghỉ ngơi là khoảng thời gian cần thiết để người lao động tái sản xuất sức lao động đã hao phí nhằm đảm bảo quá trình lao động được diễn ra liên tục.

Trong khoa học luật lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được xem xét như là một chế định của luật lao động, thể hiện nguyên tắc bảo vệ người lao động. Thời giờ làm việc được hiểu là khoảng thời gian do pháp luật quy định, theo đó, người lao động phải có mặt tại địa điểm làm việc và thực hiện những nhiệm vụ được giao phù hợp với nội quy lao động của đơn vị, điều lệ doanh nghiệp và hợp đồng lao động. Thời giờ nghỉ ngơi là thời gian người lao động không phải thực hiện nghĩa vụ lao động và có quyền sử dụng thời gian này theo ý mình.

Thời giờ làm việc:

– Một là, thời gian làm việc bình thường:

+ Thông thường thời gian làm việc bình thường của người lao động được quy định tại trong một ngày cao nhất là 8 giờ và trong một tuần lễ cao nhất là 48 giờ.

Tuy nhiên đối với các công việc có tính chất đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì thời giờ làm việc không được quá 06 giờ/ một ngày;

+ Đối với thời giờ làm việc thì người sử dụng lao động có quyền quy định công việc của người lao động làm theo giờ, theo ngày hoặc theo tuần;

Đối với trường hợp làm việc theo tuần thì người lao động làm việc bình thường không được quá 10 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong một tuần;

Mặc dù được người sử dụng được quyền lựa chọn thời giờ làm việc cao nhất là 48 giờ trong tuần nhưng Nhà nước ta khuyến khích thực hiện tuần làm việc 40 giờ để đảm bảo về mặt sức khỏe cũng như quyền, lợi ích của người lao động.

– Hai là, thời gian làm việc ban đêm:

Giờ làm việc ban đêm trong ngày được tính từ 22 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Nghỉ trong giờ làm việc (hay nghỉ giải lao, nghỉ giữa ca):

Theo quy định của pháp luật lao động, thì thời giờ nghỉ giữa ca được tính như sau:

- Người lao động làm việc 8 giờ liên tục trong điều kiện bình thường hoặc làm việc 7 giờ, 6 giờ liên tục trong trường hợp được rút ngắn thời giờ làm việc thì được nghỉ ít nhất nửa giờ (30 phút), tính vào giờ làm việc; Ngoài ra, người lao động làm việc trong ngày từ 10 giờ trở lên kể cả số giờ làm thêm thì được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc.

- Người làm ca đêm ( từ 22 giờ đến 6 giờ hoặc từ 21 giờ đến 5 giờ) được nghỉ giữa ca ít nhất 45 phút, tính vào giờ làm việc;

* Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác.

2. Chế độ làm việc theo ca của người lao động

Câu hỏi: Thưa luật sư, chúng tôi đang làm theo 2 ca, mỗi ca làm việc liên tục 12h, làm bảo trì vận hành thiết bị cho công ty sản xuất hoạt động 24/24. Ca ngày: 7:30 sáng đến 19:30 tối , Ca đêm: 19:30 tối đến 7:30 sáng. Làm việc liên tục 4 ngày ca ngày, nghỉ 2 ngày, sau đó chuyển sang 4 ngày ca đêm.( trung bình 1 tháng khoảng 20 ngày). 1/ Lương chúng tôi được phụ cấp: - 30% làm ca đêm( chỉ tính sau 22h pm) - 1 ngày 12h làm việc, bị trừ 2h ăn uống, và 9,6 giờ tính theo giờ hành chính, cho nên chỉ còn 0.4 giờ được tính tăng ca =O.4 X 1.5% - Thứ 7, chủ nhật vẫn tính lương như bình thường, không được tính 200%, như vậy có đúng không?

Bởi vì làm 4 ngày , nghỉ 2 ngày , vì vậy sẽ có 1 số ngày trùng vào thứ 7, CN).  2/ 1 ngày làm 12h, nhưng bị trừ mất 2h ăn uống và nghỉ ngơi. Nhưng thực tế tính chất công việc của chúng tôi phải đảm bảo 24/24 , ăn uống hay nghỉ ngơi chúng tôi vẫn thay nhau trực, đảm bảo thiết bị hoạt động 24/24... vì vậy thời gian bị trừ 2h đó, nếu sự cố chúng tôi vẫn phải giải quyết. Công ty mới đưa ra quy định sẽ áp dụng vào 3/2016 chúng tôi có nên làm theo không. Vậy theo trên thì công ty chúng tôi có làm đúng luật lao động không. Xin cảm ơn.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục Tư vấn luật lao động của Công ty luật Minh Khuê.

Luật sư tư vấn luật lao động gọi:1900.6162

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc đến Công ty Luật Minh Khuê, căn cứ vào những thông tin bạn cung cấp xin được tư vấn cho bạn như sau:

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Lao động 2019

Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành 

Nội dung

Thứ nhất, theo quy định của Bộ luật lao động 2019 tại khoản 2 Điều 98 thì NLĐ làm việc đêm được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường, giờ làm việc ban đêm tính từ 22h đến 6 sáng hôm sau.

Khoản 1 Điều 7 Thông tư 23/2015/TT-BTC quy định về tiền lương làm việc vào ban đêm như sau:

1. Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, tiền lương làm việc vào ban đêm được tính như sau:

Tiền lương làm việc vào ban đêm

=

Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường

+

Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường

x

Mức ít nhất 30%

x

Số giờ làm việc vào ban đêm

 Như vậy, nếu công ty bạn chỉ tính tiền lương làm việc vào ban đêm là tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường x 30% x số giờ làm việc vào ban đêm là công ty tính sai. Còn nếu công ty tính theo công thức tiền lương làm việc vào ban đêm = tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường + tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường x 30% x số giờ làm việc vào ban đêm thì công ty tính đúng theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, về lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ. Tại Điều 97 BLLĐ quy định như sau

"1.Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày."

Điều 111 BLLĐ quy định: "Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động"

Vì công ty đã sắp xếp ngày nghỉ cho bạn là vào 2 ngày sau khi giao ca, nên ngày thứ 7 chủ nhật vẫn là ngày làm việc bình thường của bạn nên bạn chỉ được tính lương như ngày làm việc bình thường.

Thứ ba, thời gian bạn nghỉ 2h ăn uống nghỉ ngơi mà công ty trừ là đúng. Nếu có sự cố xảy ra trong khoảng thời gian nghỉ mà bạn vẫn phải làm thì sẽ tính làm thêm giờ.

Thứ tư, việc công ty tính bạn 9,6 giờ tính theo giờ hành chính là sai. Bởi khoản 1 Điều 105 BLLĐ quy định:

"1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ."

Như vậy, trừ 2h ăn uống nghỉ ngơi của bạn, là còn 10h trong đó 8h bạn làm việc bình thường, 2h còn lại được tính là tăng ca.

Về tiền lương làm thêm giờ thì sẽ phụ thuộc vào thời gian bạn làm thêm giờ là ban ngày hay ban đêm, ngày thường hay ngày lễ để tính tiền lương theo quy định tại thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

3. Quy định về thời giờ làm việc bình thường

Quy định của luật lao động cũ năm 2019 trước đây quy định tại điều 104 về thời giờ làm việc bình thường:

" Điều 104. Thời giờ làm việc bình thường

1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành."

Hiện nay, theo quy định mới nhất của luật lao động năm 2019 về thời giờ làm việc bình thường được quy định tại điều 105

Điều 105. Thời giờ làm việc bình thường

1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

Theo đó người sử dụng lao động có thể quy định thời gian làm việc theo giờ, ngày hoặc thời gian làm việc theo tuần.

Nếu quy định thời gian làm việc theo ngày thì thời gian làm việc tối đa trong một ngày là 8 giờ; nếu quy định thời gian làm việc theo tuần thì thời gian làm việc tối đa trong một ngày là 10 giờ nhưng đều phải đảm bảo không quá 48 giờ trong 1 tuần.

4. Quy định về thời giờ làm thêm

Người sử dụng lao động chỉ có thể yêu cầu người lao động làm thêm giờ nếu được sự đồng ý của người lao động. Thời gian làm thêm giờ phải đảm theo quy định như sau:

Điều 107. Làm thêm giờ

1. Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
a) Phải được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây:
a) Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;
b) Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
c) Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;
d) Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;
đ) Trường hợp khác do Chính phủ quy định.
4. Khi tổ chức làm thêm giờ theo quy định tại khoản 3 Điều này, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Như vậy người sử dụng lao động phải đảm bảo số giờ làm thêm của người lao đông không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm

Nếu công ty quy định làm theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày

Một số công việc mà người sử dụng lao động được yêu cầu người lao động làm thêm trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm trong những trường hợp sau:

- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản;

- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;

- Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.

Khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quản lý nhà nước về lao động tại địa phương.

5. Quy định về thời giờ nghỉ ngơi

Về thời gian nghỉ trong giờ làm việc được quy định trong Bộ luật lao động 2019 như sau:

"Điều 109. Nghỉ trong giờ làm việc

1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động."

Theo đó ít nhất một ngày làm việc 8h người lao động phải được nghỉ 30 phút. Mỗi tuần người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục, người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hàng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.

 

Thưa luật sư, xin hỏi:em là công nhân của công ty điện tử. từ trước tới giờ HDLD của em là 48h/tuần...tức là em phải làm việc 8h mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 7.số giờ làm việc thêm ( ngoài 8h làm việc trong HDLD thì sẽ được tính tăng ca hệ số x 1.5 đối với ngày làm việc bình thường ( từ thứ 2 đến thứ 7 ) và hệ số x 2.0 đối với ngày nghĩ là ngày chủ nhật hàng tuần ).Nhưng giờ công ty ra luật mới là chúng em phải làm việc mỗi ngày 12h và làm 4 ngày nghĩ 2 ngày.Như vậy là chúng em phải làm luôn ngày chủ nhật mà không được tính tăng ca.và mỗi tháng công ty của em sẽ cộng thêm cho chúng em là 48h tăng ca x hệ số 1.5 là đúng hay sai?

Công ty bạn có thể yêu cầu thời gian làm việc tối đa trong một ngày bao gồm cả thời giờ làm việc bình thường và thời giờ làm thêm là 12h được. Tuy nhiên vẫn phải phân biệt thời giờ làm việc bình thường là bao nhiêu giờ và thời giờ làm thêm là bao nhiêu giờ, như vậy mới có thể xác định được thời gian làm việc mà công ty quy định là đúng hay sai.

 

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật lao động.