1. Quyền con người, quyền tự do, bình đẳng giữa các dân tộc là gì?

Quyền con người là những đảm bảo pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cả nhân và các nhóm chổng lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và sự tự do cơ bản của con người.

Bình đẳng dân tộc là quyền của mọi dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số trình độ văn hóa cao hay thấp, không phân biệt chủng tộc màu da. quyền bình đẳng giữa các dân tộc bao gồm tất cả các lĩnh vực trong kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội. ...

Vấn đề quyền con người, quyền tự do, bình đẳng giữa các dân tộc chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời, Người  “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Với khát vọng cháy bỏng đó, Nguyễn Ái Quốc đã bôn ba khắp bốn biển, năm châu để tìm ra con đường cứu nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Người đã sáng lập và cùng Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo nhân dân làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 

2. Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là gì?

Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể đồng bào cả nước và toàn thể thế giới: “… Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Trong suốt 24 năm với cương vị người đứng đầu nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên định cùng toàn Đảng lãnh đạo nhân dân ta từng bước đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền con người, quyền tự do, bình đẳng giữa các dân tộc. Trước lúc đi xa, điều mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

Tuyên ngôn độc lập là văn bản đầu tiên khẳng định cả mặt lý luận và thực tế quyền con người, quyền tự do, bình đẳng dân tộc của nhân dân Việt Nam phù hợp với đạo lý, pháp lý quốc tế. Tư tưởng quyền con người, quyền tự do, bình đẳng dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong bản Tuyên ngôn vừa mang tính pháp lý vừa có giá trị lịch sử và hiện thực. Viện dẫn giá trị nhân quyền trong hai bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của nước Pháp: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một chân lý mới có ý nghĩa thời đại, bằng cách “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Và đương nhiên, “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập”. Bởi thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Lập luận đanh thép ấy đã khẳng định tính hợp lý, hợp pháp theo pháp luật quốc tế của quyền con người, quyền tự do, bình đẳng của dân tộc Việt Nam, mà những ai có trí tuệ, có lương tri, nhân phẩm không thể không công nhận chân lý hiển nhiên ấy. 

3. Quyền con người, quyền tự do, bình đẳng giữa các dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập

Bằng tư duy sáng tạo, vượt thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa quyền con người với quyền tự do, bình đẳng dân tộc. Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một luận điểm mới về quyền con người: quyền con người không chỉ là quyền của cá nhân mà còn là quyền tự quyết của mỗi dân tộc, thể hiện rõ tính thống nhất biện chứng không thể tách rời giữa quyền con người, quyền công dân và quyền dân tộc thiêng liêng. Mỗi con người luôn sống trong một cộng đồng dân tộc, quốc gia dân tộc cụ thể, nên dân tộc có được độc lập, thì con người mới được tự do. Như vậy, Người đã mở rộng quyền của con người thành quyền của dân tộc. Đây là nét độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, quyền tự do, bình đẳng giữa các dân tộc.

Việc nâng quyền con người thành quyền tự do, bình đẳng giữa các dân tộc là một sáng tạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tâm huyết lớn của Người dành cho dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên thế giới. Nhà nghiên cứu Nhật Bản Shingo Shibata đã nhận xét: “Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình”(3). Đó là đóng góp lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam trong việc phát triển sáng tạo quyền con người của nhân loại ở thế kỷ XX.

Sự phát triển tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền con người, quyền dân tộc bắt nguồn sâu xa từ truyền thống nhân đạo và tinh thần yêu nước của dân tộc; kế thừa, phát triển tinh hoa tư tưởng nhân loại mà trực tiếp là quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, xem quyền con người là sự thống nhất biện chứng giữa “quyền tự nhiên” và “quyền xã hội”, luôn gắn với cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, gắn với trình độ phát triển và tiến bộ xã hội trong từng thời kỳ lịch sử của nhân loại.

Trong khi đó, phải từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX trở đi, các văn kiện cơ bản về quyền con người của Liên hợp quốc mới thừa nhận quyền dân tộc tự quyết là một quyền con người. Điều 1, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 ghi nhận: “Tất cả các dân tộc đều có quyền dân tộc tự quyết”(4). Tại Hội nghị nhân quyền thế giới ở Viên (Áo) năm 1993, cộng đồng quốc tế một lần nữa khẳng định: Tất cả các dân tộc đều có quyền dân tộc tự quyết… Việc khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm nhân quyền. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhận thức rất sớm về mối quan hệ giữa quyền con người với quyền độc lập, tự do, bình đẳng dân tộc.

Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần tội ác của thực dân Pháp chà đạp lên quyền sống, quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam; khẳng định quyền con người, quyền tự do, bình đẳng dân tộc là kết quả đấu tranh kiên cường đầy khó khăn, gian khổ hơn 80 năm của toàn thể dân tộc Việt Nam mới có được. Từ năm 1925, trong “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc kết tội thực dân Pháp đã xâm phạm quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân con người và dân tộc, không chỉ ở Việt Nam, Đông Dương mà còn ở cả châu Phi, châu Mỹ La tinh. Người kết luận, những khái niệm “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” mà những kẻ thực dân rêu rao ở các thuộc địa chỉ là những lời sáo rỗng, “bịp bợm”. Trong Tuyên ngôn, Người luận tội chúng: “… hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man… Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân… Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều” …

Từ đó, Người khẳng định, nhờ “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!

Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Thực tế, quyền con người, quyền tự do, bình đẳng dân tộc là thành quả của cuộc đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ của hàng triệu triệu người Việt Nam. “Độc lập và tự do” đã trở thành giá trị sống thiêng liêng, là mục tiêu xuyên suốt chiều dài cách mạng Việt Nam. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền, thắng lợi đó không chỉ giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, đưa dân tộc Việt Nam từ kiếp nô lệ thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình mà còn mở đầu cho phong trào giải phóng thuộc địa, mang lại quyền con người, quyền tự do, bình đẳng dân tộc cho các dân tộc bị áp bức, nô dịch trên toàn thế giới. Thắng lợi của các cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam là thắng lợi của tư tưởng nhân quyền cao cả, là thắng lợi của ý chí hòa bình, độc lập và phẩm giá con người.

Hiện nay, các thế lực thù địch ra sức vu khống, xuyên tạc Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, đưa Việt Nam vào danh sách “các nước đặc biệt quan  tâm về tôn giáo”… nhằm kích động tư tưởng đòi “tự trị”, “ly khai”, “chia nhỏ”, “xé lẻ” Việt Nam, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhưng thực tiễn hơn 70 năm lãnh đạo nhà nước cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định việc bảo đảm quyền con người là một mục tiêu, động lực của cách mạng, là trách nhiệm lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Được cổ vũ bởi quyền con người, quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam trong Tuyên ngôn, toàn thể dân tộc Việt Nam đã anh dũng chiến đấu thu được những thắng lợi vẻ vang. Với tâm niệm “một dân tộc nô lệ không thể có con người tự do”, trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh:  “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đây chính là cội nguồn sức mạnh để quân và dân ta lập nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm 1954, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, làm cho quyền sống của dân tộc và quyền sống của con người càng gắn bó hữu cơ hơn, vững bền hơn. Với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do” dân tộc ta đã 20 năm kiên cường chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, khẳng định quyền con người thiêng liêng, cơ bản nhất - quyền được sống trong độc lập, tự do, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội.

4. Quyền con người, quyền tự do, bình đẳng dân tộc ở nước ta đã đạt được những thành tựu gì?

Hơn bảy mươi năm qua, quyền con người, quyền tự do, bình đẳng dân tộc ở nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Quyền dân tộc tự quyết được thực hiện trong thực tiễn, Việt Nam hiện là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực (WTO, APEC, ASEAN), người dân tự quyết định xu hướng chính trị của mình và tham gia vào các quyết sách của đất nước theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; các quyền bầu cử, ứng cử, quyền tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật được bảo đảm; các dân tộc bình đẳng, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển… Quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể, danh dự, uy tín, chỗ ở, bí mật về đời tư của người dân được tôn trọng. Về kinh tế, xã hội, văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; GDP bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam vượt 2.000 USD; Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam so với thế giới và khu vực ngày càng được cải thiện; phấn đấu đến hết năm 2015 tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học của nước ta cơ bản hoàn thành…

Năm 2013, Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc; Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua bản Hiến pháp mới, trong đó khẳng định “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội, thực hiện tốt các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs). Theo Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đã hoàn thành khoảng 90% các chỉ tiêu MDGs. Báo cáo đầu năm 2013 của Ngân hàng thế giới đánh giá tỷ lệ nghèo ở Việt Nam giảm từ gần 60% xuống 20,7% trong 20 năm qua (1990-2010) với khoảng 30 triệu người. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đạt được những thành tựu ấn tượng về giáo dục và y tế. Tỷ lệ nhập học ở bậc tiểu học của người nghèo hơn 90% và ở bậc trung học cơ sở là 70%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ mức 58,1% năm 1990 xuống 14,2% năm 2010; 11,76% năm 2011; 9,6% năm 2012; 7,8% trong năm 2013. Tiến sĩ người Mỹ Thomas Jandl nhiều lần đến Việt Nam đã nhận xét: Việt Nam đã rất thành công và đạt nhiều tiến bộ trong giải quyết vấn đề liên quan đến quyền con người như: Chương trình xóa đói giảm nghèo và hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ. Nhìn tổng thể, có thể nói Việt Nam đã bảo đảm tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa cho người dân… và do đó được thế giới biết đến như một tấm gương về tiến độ thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.

5. Phương hướng phát huy quyền con người, quyền tự do, bình đẳng dân tộc ở nước ta

Thực hiện quyền con người, quyền tự do, bình đẳng dân tộc phụ thuộc vào nhiều yếu tố: trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tình hình chính trị - xã hội khu vực, quốc tế, sự đúng đắn của quan điểm chính sách của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Cho nên, thực hiện quyền con người, quyền tự do, bình đẳng dân tộc là sự nghiệp lâu dài, khó khăn và không kém phần phức tạp.

Bởi thế, trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định quyền con người, quyền tự do, bình đẳng dân tộc là giá trị cao nhất của con người, là bản chất, mục tiêu của chế độ xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, quyền con người, quyền tự do, bình đẳng dân tộc trở thành vấn đề toàn cầu, có vai trò quan trọng nổi bật trong quan hệ quốc tế, được đề cập tại tất cả các cơ chế đa phương và song phương trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam và luôn là vấn đề mà các thế lực thù địch lợi dụng can thiệp, chống phá Việt Nam.

Vì vậy, tiếp tục quán triệt và thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh phòng, chống âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên, của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân Việt Nam trong phát huy giá trị quyền con người, quyền tự do, bình đẳng dân tộc nhằm xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.