Mục lục bài viết
1. Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân được hiểu như thế nào?
Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước (Điều 28 Hiến pháp năm 2013). Hoạt động quản lý Nhà nước là một hoạt động mang nghĩa rộng và bao quát, khác với quản lý của khu vực, quản lý Nhà nước là hoạt động quản lý đặc biệt được thực hiện bằng quyền lực nhà nước. Quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội là quyền cơ bản của công dân về lĩnh vực chính trị được ghi nhận trong đạo luật cơ bản của Nhà nước. Theo đó, nhà nước bảo đảm cho công dân có quyền tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào việc quản lý nhà nước và xã hội. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
Công dân Việt Nam có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội theo một trong hai hình thức. Cụ thể:
- Hình thức gián tiếp
+ Công dân thực hiện quyền tham gia quản lý Nhà nước bằng việc thực hiện các quyền bầu cử đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân. Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân phải chịu sự giám sát, chất vấn của nhân dân về quản lý Nhà nước.
+ Nhà nước cho phép công dân thông qua tổ chức mà mình là thành viên tham gia vào hoạt động quản lý Nhà nước thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp
- Hình thức trực tiếp
+ Công dân thực hiện quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội bằng cách tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội hoặc ứng cử vào Hội đồng nhân dân các cấp. Nếu có đủ tiêu chuẩn theo quy định, công dân có thể tham gia ứng cử vào các vị trí quạn trọng của Nhà nước để thực hiện việc quản lý nhà nước.
+ Công dân có thể tham gia hoạt động trong các cơ quan Nhà nước thông qua việc tuyển dụng theo năng lực, trình độ chuyên môn mà công dân có thể được tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước hoặc được bổ nhiệm vào những vị trí cụ thể trong bộ máy Nhà nước. Việc này nhằm để đảm bảo việc quản lý nhà nước của công dân hiện nay
+ Công dân có thể tham gia thảo luận và đưa ra ý kiến trực tiếp đối với các vấn đề ở tầm quốc gia khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý. Khi ấy, nhân dân có thể đưa ra ý kiến đóng góp của mình vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội
+ Công dân có quyền tham gia đóng góp ý kiến với hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phát biểu ý kiến về các vấn đề quản lý Nhà nước, về nội dung của các quyết định quản lý, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với những vấn đề xã hội phát sinh. Bởi công dân là người nắm rõ nhất, nên sẽ đưa ra được ý kiến tốt nhất vừa bảo vệ quyền lợi bản thân, vừa tham gia quản lý xã hội.
+ Công dân có quyền tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động cả bộ máy Nhà nước về các thủ tục, nội dung thực hiện các công việc hành chính trên thực tế, đấu tranh với các tệ nạn quan liêu, hách dịch, cửa quyền, lãng phí hay tham nhũng và những hiện tượng tiêu cực trong hoạt động của bộ máy nhà nước như tham ô, tham nhũng, ...
+ Về việc xây dựng pháp luật, công dân có quyền tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bởi pháp luật được ban hành có liên quan trực tiếp tới người dân, công dân nên việc công dân đóng góp ý kiến là điều cần thiết. Việc tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản, tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản sẽ được thực hiện bằng cách lấy ý kiến trực tiếp hoặc lấy ý kiến qua các dự thảo pháp luật
+ Công dân được quyền tham gia bàn bạc và quyết định trực tiếp những vấn đề liên quan đến đời sống, góp ý với cơ quan chức năng về những vấn đề bất cập, gây tác động xấu cho sự ổn định và phát triển và từ đó tìm ra cách để khắc phục, giải quyết vấn đề.
+ Khiếu nại, tố cáo những việc làm trái pháp luật của các cơ quan và công chức Nhà nước, tìm kiếm sự giải quyết để đảm bảo sự ổn định và lao động lực phát triển. Nhà nước ban hành Luật Khiếu nại hay Luật Tố cáo tạo cơ sở cho công dân thực hiện khiếu nại, tố cáo và được cơ quan quản lý Nhà nước tiếp nhận, lắng nghe và giải quyết.
2. Ví dụ về quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân
- Người dân tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến xây dựng nội quy ở xã, phường về nếp sống, bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội và các quy định khác.
- Công dân tham gia góp ý xây dựng về các dự thảo luật sửa đổi như dự thảo sửa đổi Luật Đất đai
- Tố cáo những hành vi, những việc làm sai trái của cơ quan nhà nước, có thể là ủy ban phường, các cơ quan hành chính về các hành vi vi phạm như nhận hối lộ, quan liêu, ...
- Công dân tham gia bàn bạc, quyết định một số chủ trương xây dựng các công trình công cộng
- Tham gia giám sát các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trong các thủ tục hành chính công, ...
- Công dân có quyền khiếu nại các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước nếu nhận thấy có sự sai sót, có sự sai phạm trong các quyết định hành chính. Việc này chính là một trong những biểu hiện rõ nét nhất trong việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội của công dân.
3. Công dân cần có điều kiện gì để tham gia quản lý nhà nước và xã hội?
Hiến pháp 2013 quy định rằng công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân . Pháp luật quy định công dân có quyền tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tính đén ngày bầu cử được công bố
Ngoài ra, Luật Trưng cầu ý dân cũng quy định rằng công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp không được ghi tên, bị xóa tên trong danh sách cử tri. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả mọi quyền lực của nhà nước đều thuộc về nhân dân. Nhân dân ta đã lập ra nhà nước, bầu ra những đại biếu ưu tú, thay mặt mình tham gia vào bộ máy và các cơ quan nhà nước để quản lí đất nước, quản lí xã hội. Tất cả những quyền tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội của công dân đều được quy định trong Hiến pháp 2013
Trên đây là toàn bộ nội dung thông tin tư vấn về chủ đề ví dụ về quyền tham gia quản lý nhà nước và quản lý xã hội của công dân mà Luật Minh Khuê cung cấp tới quý khách hàng. Ngoài ra, quý khách hàng có thể tham khảo thêm bài viết về chủ đề Nội dung quản lý nhà nước về lao động là gì? Thẩm quyền quản lý nhà nước về lao động? của Luật Minh Khuê. Còn bất kỳ điều gì vướng mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7. Gọi số 1900.6162 hoặc gửi email đến địa chỉ: Tư vấn pháp luật qua Email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được sự tư vấn, hôc trợ tốt nhất từ Luật Minh Khuê. Chúng tôi rất hân hạnh nhận được sự hợp tác từ quý khách hàng. Trân trọng./.