1. Ý nghĩa của kỷ luật lao động trong quan hệ lao động

Kỷ luật lao động là tập hợp các quy định về hành vi cá nhân của người lao động, dựa trên ý chí của người sử dụng lao động và pháp luật hiện hành. Người lao động phải tuân theo những quy định này; nếu vi phạm, họ chịu trách nhiệm trước người sử dụng lao động về hành vi vi phạm.

Chế độ kỷ luật lao động, là một phần của Luật lao động, bao gồm nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động đối với doanh nghiệp, tổ chức. Nó cũng quy định cách khuyến khích người lao động tuân thủ và xử lý trường hợp không tuân thủ nghĩa vụ, trách nhiệm đó.

Trong môi trường doanh nghiệp, kỷ luật lao động thể hiện qua nội quy lao động, đảm bảo trật tự, tránh sự tùy tiện của người sử dụng lao động. Pháp luật quy định rõ nét những điều này để đảm bảo sản xuất, quản lý hợp lý.

Ý nghĩa của kỷ luật lao động rất to lớn, không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị và xã hội, cụ thể như sau:

- Duy trì kỷ luật lao động giúp người sử dụng lao động tổ chức lao động một cách hợp lý, ổn định sản xuất và đời sống của người lao động, góp phần vào trật tự xã hội.

- Kỷ luật lao động cũng góp phần tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm và tiết kiệm nguyên vật liệu nếu được thiết lập và thực hiện hợp lý.

- Việc tuân thủ kỷ luật lao động giúp người lao động rèn luyện bản thân, trở thành người lao động chuyên nghiệp, sẵn sàng đối mặt với thách thức trong môi trường sản xuất.

- Trật tự và ý thức tuân thủ kỷ luật là yếu tố cơ bản để duy trì mối quan hệ lao động ổn định và hài hòa. Đây cũng là điều kiện thu hút đầu tư và lao động quốc tế, giúp người lao động thích nghi tốt hơn với môi trường làm việc đa dạng.

2. Xử lý kỷ luật lao động không đúng trình tự có bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với người sử dụng lao động như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

+ Không có nội quy lao động bằng văn bản khi sử dụng từ 10 lao động trở lên;

+ Không đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật;

+ Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trước khi ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động;

+ Sử dụng nội quy lao động chưa có hiệu lực hoặc đã hết hiệu lực;

+ Xử lý kỷ luật lao động, bồi thường thiệt hại không đúng trình tự; thủ tục; thời hiệu theo quy định của pháp luật;

+ Tạm đình chỉ công việc quá thời hạn theo quy định của pháp luật;

+ Trước khi đình chỉ công việc của người lao động, người sử dụng lao động không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc làm thành viên.

- Biện pháp khắc phục hậu quả

+ Buộc người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động tương ứng với những ngày nghỉ việc khi người sử dụng lao động áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải thuộc hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP

Như vậy, theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP nếu công ty của xử lý kỷ luật lao động không đúng theo trình tự, thủ tục quy định thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Ngoài ra, công ty sẽ phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động tương ứng với những ngày nghỉ việc trong trường hợp công ty bạn áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải không đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật.

3. Xác định căn cứ và hình thức xử lý kỷ luật lao động

Theo quy định tại khoản 3 Điều 127 Bộ luật Lao động năm 2019  quy định, doanh nghiệp chỉ có thể căn cứ vào một trong ba nguồn sau để xử lý hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động, đó là Nội quy lao động, hoặc Hợp đồng lao động, hoặc pháp luật lao động. Khi một trong ba nguồn luật không quy định hành vi vi phạm cụ thể, người lao động có thể tránh bị xử lý ngay cả khi hành động của họ không phù hợp theo quan điểm của người sử dụng lao động.

Thực tế, không phải tất cả doanh nghiệp đều có thể liệt kê chi tiết từng hành vi vi phạm trong nội quy lao động hoặc hợp đồng lao động. Khi xảy ra vi phạm, cần phải kiểm tra kỹ lưỡng các điều khoản trong nội quy, hợp đồng và pháp luật lao động, so sánh với hành vi cụ thể của người lao động để xác định vi phạm có được quy định hay không. Nếu không rõ ràng, doanh nghiệp không nên xử lý kỷ luật, vì việc này có thể bị coi là không thích hợp. Nếu vi phạm là điển hình và thường xuyên xảy ra, doanh nghiệp có thể xem xét bổ sung vào nội quy lao động.

Một điểm mới trong Bộ luật Lao động 2019 là việc cho phép tự thoả thuận và xác định hành vi vi phạm trong hợp đồng lao động. Nếu hợp đồng đã quy định về vi phạm và vi phạm diễn ra, người lao động sẽ bị xử lý theo quy định. Điều này có thể cần thiết đối với một số trường hợp đặc biệt hoặc với những người lao động có vị trí quan trọng trong doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, trong một số trường hợp đặc thù và đối với một số người lao động làm việc hay đảm nhận chức vụ đặc biệt trong doanh nghiệp, thì việc thoả thuận xác định hành vi nào là hành vi vi phạm và sẽ bị xử lý kỷ luật là cần thiết, thậm chí được xem là một trong những điều kiện tiên quyết để hợp đồng lao động được giao kết.

Theo Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có quyền xử lý kỷ luật ngay cả khi hành vi không được quy định trong nội quy lao động. Điều này có thể cần thiết, đặc biệt khi hợp đồng lao động đã đề cập đến việc này.

Về hình thức xử lý kỷ luật, theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp chỉ được áp dụng một trong các hình thức như khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, cách chức hoặc sa thải. Bất kỳ hình thức nào khác, cho dù nhẹ nhàng với người lao động, đều không được coi là phù hợp.

Hiện nay pháp luật nghiêm cấm việc người sử dụng lao động áp dụng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương người lao động thay thế cho việc xử lý kỷ luật lao động. Người sử dụng lao động xử lý kỷ luật người lao động bằng tiền hoặc cắt lương thì có thể bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo quy định tại Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Xem thêm: Những trường hợp doanh nghiệp không được xử lý kỷ luật người lao động ?

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Xử lý kỷ luật lao động không đúng trình tự có bị xử phạt không? mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!