1. Khái niệm chính sách pháp luật
Thứ nhất, chính sách là những cách thức tác động của Nhà nước vào các lĩnh vực của đời sống xã hội để đạt được mục tiêu định hướng. Chính sách điều chỉnh những quan hệ ít mang tính ổn định, mềm dẻo, linh động.
Chính sách có tác động nhanh và kịp thời, mạnh mẽ, toàn diện đến cả nhận thức, thái độ và hành vi của các chủ thể bị tác động. Đặc biệt, chính sách điều chỉnh động cơ, tạo động lực cho hành vi, hoạt động của các cá nhân và từng nhóm đối tượng cụ thể. Chính sách có vai trò định hướng cho các hoạt động kinh tế – xã hội; khuyến khích các hoạt động kinh tế – xã hội theo định hướng; phát huy những mặt tốt của nền kinh tế thị trường và hạn chế những tiêu cực của nó; tạo lập sự cân đối trong phát triển; kiểm soát và phân phối nguồn lực cho quá trình phát triển; tạo lập môi trường thích hợp cho các hoạt động kinh tế – xã hội, giúp cho các thực thể vận động phát triển theo đúng quy luật; phối hợp hoạt động giữa các cấp độ, các bộ phận để tạo nên tính hệ thống chặt chẽ trong quá trình vận động của thực thể.
Thứ hai, pháp luật là những quy tắc xử sự chung thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, do Nhà nước ban hành theo trình tự, thủ tục luật định nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh của Nhà nước. Pháp luật một mặt hướng dẫn, điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia quan hệ xã hội phù hợp với nhu cầu của xã hội, mặt khác, hướng đến ý thức tình cảm làm cho mô hình hành vi đọng lại trong ý thức của con người.
Theo đó, quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung được nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, đồng thời thể hiện ý chí và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị để điều chỉnh các quan hệ xã hội Cấu trúc của quy phạm pháp luật là cơ cấu bên trong, là những bộ phận hợp thành quy phạm pháp luật. Cấu trúc của quy phạm pháp luật đòi hỏi cần được trình bày chặt chẽ, ngắn gọn, có sự khái quát giúp người đọc dễ hiểu và dễ nhớ. Chính vì vậy, quy phạm pháp luật thường được trình bày dựa theo một cơ cấu nhất định, gồm 3 bộ phận cấu thành là giả định, quy định, chế tài.
Pháp luật mang tính bắt buộc chung cho tất cả mọi người, mọi cơ quan, tổ chức nhằm mục đích ngăn ngừa, răn đe, trừng phạt những hành vi sai trái, giáo dục, cảm hoá những người có hành vi này, bồi dưỡng cho mọi người tinh thần, ý thức làm chủ xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật bảo đảm cho xã hội phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững… Pháp luật điều chỉnh những mối quan hệ xã hội chủ yếu, cơ bản mang tính ổn định và được lặp đi lặp lại.
Như vậy, trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng. Nó là công cụ không thể thiếu, có thể bảo đảm cho sự tồn tại, vận hành bình thường của xã hội nói chung và của nền đạo đức nói riêng. Pháp luật chính là phương tiện thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi công dân.
Pháp luật được thể hiện theo 4 yếu tố cơ bản sau:
- Pháp luật là hệ thống những quy tắc mang tính xử sự chung.
- Do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận (nhà nước là người ban hành, nhà nước là người đảm bảo quyền lực của mình).
- Thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích, giai cấp của mình.
- Đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước
Về đối tượng nghiên cứu của khoa học chính sách pháp luật không những bao gồm các quan hệ pháp lý - nhà nước hiện thực, các quá trình, hiện tượng và phạm trù mà còn cả các quan niệm của con người về những vấn đề đó.
Đối tượng nghiên cứu của khoa học chính sách pháp luật bao gồm phần ý thức xã hội liên quan đến chính sách pháp luật, được trung chuyển bằng chính sách pháp luật. Chính sách pháp luật nói chung, các thành tố cấu thành nó tồn tại và được hình thành tương ứng trong các quan niệm nhất định của con người, có mối liên hệ với ý thức, tư tưởng, tâm lý của họ. Khoa học chính sách pháp luật không chỉ quan tâm đến ý thức pháp luật của xã hội nói chung mà còn cả ý thức pháp luật nhóm, ý thức pháp luật cá nhân và đặc biệt là ý thức pháp luật nghề nghiệp của những người có chức vụ, quyền hạn, của những người đại diện cho quyền lực, của các nhà khoa học - luật học, của các nhà luật học - thực tiễn.
Trong quá trình phát triển, trong lòng của khoa học chính sách pháp luật đã và đang hình thành nên các hướng nghiên cứu mới, đã và đang hình thành nên các chuyên ngành khoa học mới. Sự phân hóa như vậy trong đối tượng nghiên cứu của chính sách pháp luật là hoàn toàn tất yếu và hợp quy luật, nó làm cho nhận thức của chúng ta về chính sách pháp luật trở nên sâu sắc hơn, và là tiền đề cho việc tổng hợp, hệ thống hóa nhận thức về chính sách pháp luật ở trình độ lý luận cao hơn.
Trên cơ sở của những điều trình bày ở các mục trên, ta có thể định nghĩa đối tượng nghiên cứu của khoa học chính sách pháp luật như sau:
Đối tượng nghiên cứu của khoa học chính sách pháp luật là hiện thực chính sách pháp luật, các quy luật khách quan chung và đặc thù của sự phát triển hiện thực đó, những vấn đê mang tính nên tảng có ý nghĩa phương pháp luận đôĩ với các ngành khoa học chính sách pháp luật chuyên ngành được hình thành và phát triển trên cơ sở nhận thức và sử dụng các quy luật, những vấn đê nền tảng đó.
2. Chính sách pháp luật và khoa học chính sách pháp luật
Như các ngành khoa học khác, khoa học chính sách pháp luật không xuất hiện, hay nói đúng hơn, không thể xuất hiện ở dạng đã hoàn thiện nhiều hơn hoặc ít hơn, mà được hình thành và phát triển trong sự "sản xuất", "tái sản xuất" những hiểu biết, trong sự chuyên hóa, biến đổi các hình thức hiểu biết khác nhau về chính sách pháp luật trong tiến trình gia tăng tính uyên thâm (advancement of learning) của chúng.
3. Hệ thống trí tuệ về chính sách pháp luật
Trong quá trình hình thành tổng thể, hệ thống hiểu biết rộng lớn về chính sách pháp luật có ít nhất bạ hệ thống trí tuệ tinh thông về chính sách pháp luật "được xây chồng lên nhau”, kế tiếp lẫn nhau.
- Thứ nhất, hiểu biết thông thường về chính sách pháp luật với tư cách là sự tổng kết, khái quát hóa kinh nghiệm trực tiếp về chính sách pháp luật. Thông thường, sự tổng kết, khái quát hóa kiến thức kinh nghiệm đó được phản ánh trong các công trình đã được công bố, trong các bài phát biểu của các nhà nghiên cứu chính sách pháp luật, của những người làm công tác trong lĩnh vực xây dựng và thực thi chính sách pháp luật, trong các bình luận về chính sách pháp luật...
- Thứ hai, trình độ tri thức kế tiếp về chính sách pháp luật là các học thuyêĩ (lý luận) đa dạng về chính sách pháp luật. Các học thuyết (lý luận) đa dạng đó do các nhà chính sách học, các nhà luật học, các nhà chính trị học xây dựng nên. Những nỗ lực nghiên cứu của họ đã cho phép thực hiện được việc chuyển đổi những hiểu biết thông thường, đơn giản về chính sách pháp luật thành những hiểu biết giáo điều được hệ thống hóa, nhưng đó là sự hiêù biết mô tả không phê phán về chính sách pháp luật. Như vậy, mức độ hiểu biết có lập luận về chính sách pháp luật đã được hình thành ở trình độ cao hơn đáng kể.
- Thứ ba, trình độ hiểu biết phê phán về chính sách pháp luật là hệ thống hiểu biết tinh thông về chính sách pháp luật. Sự chuyển đổi hệ thống hiểu biết mang tính thực chứng, giáo điều về chính sách pháp luật đến trình độ hiểu biết phê phán về chính sách pháp luật đánh dấu một bước phát triển lớn trong quá trình phát triển của khoa học chính sách pháp luật. Những người theo chủ nghĩa nhân đạo thời đại Phục hưng (Khai sáng), tiêu biểu là nhà ngoại giao, nhà triết học Makiavalli, đóng vai trò quan trọng trong quá trình đó. Họ đã đối lập kinh nghiệm thực tiễn với giáo điều. Như vậy, trên thực tế, các tiền đề của khoa học chính sách pháp luật đã được hình thành. Đối tượng nghiên cứu của chính sách pháp luật, như nói ở trên, là chính sách pháp luật với các biểu hiện đa dạng của nó.
4. Bàn luận về chính sách pháp luật
Đồng thời, không nên cho rằng, hiểu biết khoa học về chính sách pháp luật "tốt hơn" hiểu biết giáo điều, hiểu biết thông thường về chính sách pháp luật. Mỗi trình độ hiểu biết về chính sách pháp luật trong các trình độ hiểu biết đó đều cần phải có trong các lĩnh vực hoạt động sống và đối với những người mà trình độ hiểu biết đó phù hợp, cần thiết.
Khoa học chính sách pháp luật khó mà tạo ra được những thay đổi, chuyển đổi về chất nếu thiếu việc sử dụng các kết quả và kinh nghiệm nhận thức về chính sách pháp luật dưới mọi hình thức. Do đó, người nghiên cứu chính sách pháp luật không chỉ phải có hiểu biết khoa học nghiêm túc (hiểu biết hàn lâm) mà còn phải hiểu biết sâu sắc các học thuyết về chính sách pháp luật khác nhau, những hiểu biết sự kiện về chính sách pháp luật, những hiểu biết thông thường về chính sách pháp luật.
5. Kết thúc vấn đề
Để làm sáng tỏ được những đặc điểm mang tính bản chất của khoa học chính sách pháp luật cần xác định được một số đặc trưng, tiêu chuẩn của nó và khái niệm trình độ chuyên nghiệp trong lĩnh vực nhận thức đó. Ở góc độ này, trong suốt thế kỷ XX đã diễn ra cuộc tranh luận thường xuyên giữa các nhà khoa học, luật học gắn liền với việc đánh giá sự hiểu biết xã hội nói chung và sự hiểu biết về chính sách pháp luật nói riêng. Một số nhà khoa học cho rằng, việc phân tích chính sách công nói chung, chính sách pháp luật nói riêng là "nghệ thuật" hoặc "nghề nghiệp" nhiều hơn là khoa học.
Một số nhà khoa học khác cho rằng, nghiên cứu chính sách công nói chung, chính sách pháp luật nói riêng là "năng khiêu", "nghề nghiệp", tức là một loại công việc của con người có tổng thể các hiểu biết lý luận chuyên biệt, các kỹ năng thực tiễn và của người có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực chính sách. Hiện nay, cách tiếp cận phổ biến nhất đến các nghiên cứu chính sách pháp luật là cách tiếp cận đến chính sách pháp luật với tư cách một nghê đặc biệt.
Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê (Sưu tầm và Biên soạn).