1. Bảng giá chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư mới nhất áp dụng từ 01/8/2024

Bảng giá chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư không có bảng giá cụ thể để tính giá chuyển nhượng chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư được tính theo công thức như sau: 

Theo quy định của pháp luật tại Khoản 1 và  Khoản 2 Điều 8 Nghị định 103/2024/NĐ-CP quy định thì hộ gia đình, cá nhân khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở thì tiền sử dụng đất tính như sau:

Tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở = Tiền sử dụng đất của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất - Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các loại đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có)

Trong đó:

- Tiền sử dụng đất của loại đất sau khi chuyển tính như sau:

Tiền sử dụng đất của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất = Diện tích đất tính tiền sử dụng đất sau khi chuyển mục đích x Giá đất tính tiền sử dụng đất

- Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các loại đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất (sau đây gọi là tiền đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất) được tính như sau:

+ Đối với đất trước khi chuyển mục đích là đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc là đất nông nghiệp có nguồn gốc nhận chuyển nhượng hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân khác đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thì tiền đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất được tính bằng (=) diện tích đất nhân (x) với giá đất của loại đất nông nghiệp tương ứng trong Bảng giá đất.

+ Đối với đất trước khi chuyển mục đích là đất nông nghiệp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì tiền đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất được tính như sau:

Tiền đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất = Diện tích đất có thu tiền thuê đất nhân (x) giá đất tương ứng với thời hạn cho thuê đất của đất trước khi chuyển mục đích : Thời hạn cho thuê đất của đất trước khi chuyển mục đích x Thời hạn sử dụng đất còn lại

Trong đó:

+ Giá đất tương ứng với thời hạn cho thuê đất của đất trước khi chuyển mục đích là giá đất tại Bảng giá đất để tính tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.

+Thời hạn sử dụng đất còn lại được xác định bằng (=) thời hạn giao đất, thuê đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất trừ (-) thời gian đã sử dụng đất trước khi chuyển mục đích.

Trường hợp thời gian sử dụng đất còn lại được xác định theo công thức quy định tại điểm này không tròn năm thì tính theo tháng; thời gian không tròn tháng thì thời gian không tròn tháng từ 15 ngày trở lên được tính tròn 01 tháng, dưới 15 ngày thì không tính tiền sử dụng đất đối với số ngày này.

+ Đối với đất trước khi chuyển mục đích là đất nông nghiệp được Nhà nước cho thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất hằng năm thì tiền đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất bằng không (= 0).

Lưu ý: Trường hợp tiền sử dụng đất của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất nhỏ hơn hoặc bằng tiền đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất thì tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất bằng không (=0).

 

2. Quy định về đất nông nghiệp, đất thổ cư cập nhật mới nhất

Theo quy định của pháp luật tại Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất nông nghiệp như sau:

- Đất trồng cây hằng năm là đất trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một năm, kể cả cây hằng năm được lưu gốc. Đất trồng cây hằng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác, cụ thể như sau:

+ Đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại, trong đó đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên;

+ Đất trồng cây hằng năm khác là đất trồng các cây hằng năm không phải là trồng lúa.

- Đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được gieo trồng một lần, sinh trưởng trong nhiều năm và cho thu hoạch một hoặc nhiều lần.

- Đất lâm nghiệp là loại đất sử dụng vào mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, được phân loại cụ thể như sau:

+ Đất rừng đặc dụng là đất mà trên đó có rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng đặc dụng;

+ Đất rừng phòng hộ là đất mà trên đó có rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng phòng hộ;

+ Đất rừng sản xuất là đất mà trên đó có rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao, cho thuê, chuyển mục đích để phát triển rừng sản xuất.

- Đất nuôi trồng thủy sản là đất sử dụng chuyên vào mục đích nuôi, trồng thủy sản.

- Đất chăn nuôi tập trung là đất xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.

- Đất làm muối là đất sử dụng vào mục đích sản xuất muối từ nước biển.

- Đất nông nghiệp khác gồm:

+ Đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm, thực nghiệm;

+ Đất xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, chăn nuôi kể cả các hình thức trồng trọt, chăn nuôi không trực tiếp trên đất;

+ Đất xây dựng công trình gắn liền với khu sản xuất nông nghiệp gồm đất xây dựng nhà nghỉ, lán, trại để phục vụ cho người lao động; đất xây dựng công trình để bảo quản nông sản, chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ và các công trình phụ trợ khác.

Theo pháp luật đất đai thì không có loại đất nào có tên gọi là đất thổ cư. Tuy nhiên có thể hiểu đất thổ cư là cách gọi phổ biến của người dân dùng để chỉ đất ở.

Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ- CP quy định đất ở là đất làm nhà ở và các mục đích khác phục vụ cho đời sống trong cùng một thửa đất. Đất ở bao gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị, cụ thể như sau:

- Đất ở tại nông thôn là đất ở thuộc phạm vi địa giới đơn vị hành chính xã, trừ đất ở đã thực hiện dự án xây dựng đô thị mới theo quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn nhưng vẫn thuộc địa giới đơn vị hành chính xã;

- Đất ở tại đô thị là đất ở thuộc phạm vi địa giới đơn vị hành chính phường, thị trấn và đất ở nằm trong phạm vi địa giới đơn vị hành chính xã mà đã thực hiện dự án xây dựng đô thị mới theo quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn.

 

3. Ý nghĩa của việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư

Ý nghĩa tích cực:

- Phát triển kinh tế địa phương:

+ Tạo cơ hội phát triển các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

+ Thu hút đầu tư, tạo việc làm, góp phần giảm nghèo.

+ Tăng giá trị đất đai, nâng cao nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

- Cải thiện đời sống người dân:

+ Đáp ứng nhu cầu về nhà ở, ổn định cuộc sống.

+ Tạo điều kiện phát triển các dịch vụ, hạ tầng xã hội.

+ Mở rộng không gian sống, cải thiện môi trường sống.

- Đô thị hóa:

+ Mở rộng quy mô đô thị, tạo ra các khu dân cư mới.

+ Tích hợp đất nông nghiệp vào quy hoạch đô thị một cách hiệu quả.

+ Thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ý nghĩa tiêu cực:

- Mất đi đất nông nghiệp:

+ Giảm diện tích đất canh tác, ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

+ Làm suy giảm đa dạng sinh học, gây ra các vấn đề môi trường.

- Tăng áp lực lên hạ tầng:

+ Gây quá tải hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước.

+ Tăng nhu cầu về các dịch vụ công cộng.

- Gia tăng bất bình đẳng:

+ Tạo ra khoảng cách giàu nghèo giữa những người có đất và không có đất.

+ Gây ra các tranh chấp về đất đai.

- Đô thị hóa tự phát:

+ Gây ra các vấn đề về trật tự xây dựng, ô nhiễm môi trường.

+ Ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.

Bạn đọc có thể tham khảo bài viết sau: Mẫu đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai
Bạn đọc có thắc mắc về vấn đề pháp lý có thể liên hệ qua số tổng đài 19006162 hoặc thông qua địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ.