Mục lục bài viết
- 1. Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ
- 2. Những hoạt động của Tòa án nhằm xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ
- 3. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án
- 4. Hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án đối với thủ tục tái thẩm
- 5. Hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án đối với thủ tục giám đốc thẩm
1. Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ
Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án (Khoản 1 Điều 88 BLTTHS 2015).
So với Bộ luật tố tụng hình sự 2003, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 bổ sung 01 điều luật quy định cách thức Tòa án tự mình xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động cụ thể:
Điều 252. Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ
Tòa án tiến hành việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động:
1. Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp;
2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án;
3. Xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa;
4. Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án;
5. Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều 215 của Bộ luật này; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản;
6. Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án.
Đây là những quy định mới tiến bộ bảo đảm quyền độc lập của Tòa án nói chung và Hội đồng xét xử nói riêng, Tòa án hoàn toàn có thẩm quyền xác minh, thu thập hoặc bổ sung chứng cứ nếu thấy cần thiết không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát. Nếu như quy định trước đây thì Tòa án chỉ được yêu cầu mà không có quyền quyết định, nên không phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực, không bảo đảm cho Tòa án thực hiện đầy đủ quyền tư pháp.
2. Những hoạt động của Tòa án nhằm xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ
Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bao gồm các hoạt động sau:
+ Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp.
Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải tiếp nhận và có thể hỏi người đã cung cấp về những vấn đề có liên quan đến chứng cứ, tài liệu, đồ vật đó. Việc tiếp nhận được lập biên bản.
Ngay sau khi nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thì Tòa án phải chuyển cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật, Viện kiểm sát phải xem xét và chuyển lại cho Tòa án để đưa vào hồ sơ vụ án.
+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án.
Có 02 trường hợp xảy ra:
– Trường hợp Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp.
– Trường hợp người tham gia tố tụng theo quy định có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án.
Khi nhận được yêu cầu của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc cung cấp, nếu không cung cấp thì phải nêu rõ lý do.
+ Xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa.
Hoạt động này được áp dụng đối với những vật chứng không thể đưa đến phiên tòa và việc xem xét này có đầy đủ các thành phần như Kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa và được lập biên bản.
+ Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án.
Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể cùng với Kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa đến xem xét nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án. Kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa có quyền trình bày nhận xét của mình về nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án. Hội đồng xét xử có thể hỏi thêm người tham gia phiên tòa về những vấn đề có liên quan đến nơi đó.
+ Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều 215 của BLTTHS; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản.
+ Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án.
Để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án cần tuân thủ các quy định của BLTTHS năm 2015.
3. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án
Theo quy định tại khoản 2 Điều 252 BLTTHS thì Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng hoạt động “Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án”.
Điều 382, 383 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng mới chỉ dừng lại ở việc xử lý đối với hành vi từ chối cung cấp tài liệu, cung cấp tài liệu sai sự thật của người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa; còn các cá nhân, tổ chức, cơ quan khác thì chưa có chế tài xử lý trong trường hợp không cung cấp hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật. Ví dụ trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, bị cáo đã gây ra tai nạn cho bị hại, làm hư hỏng xe ô tô và gây tỷ lệ tổn thương cơ thể cho bị hại. Tuy nhiên bị hại không cung cấp tài liệu, giấy tờ liên quan đến thiệt hại mặc dù đã được các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu cung cấp. Vấn đề này gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng mà không có chế tài ràng buộc trách nhiệm của người bị thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra nên không có cơ sở, chứng cứ để giải quyết vụ án.
Thậm chí ở giai đoạn Điều tra vụ án hình sự, mặc dù tại Điều 168 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự; trường hợp không chấp hành mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao gặp không ít khó khăn khi yêu cầu các cơ quan, tổ chức khác cung cấp tài liệu, chứng cứ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Xuất phát từ đối tượng điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án thường có mối quan hệ công tác… vậy nên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân e ngại trong việc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện hành vi vi phạm của các cán bộ công chức nói trên, có tâm lý sợ ảnh hưởng đến công việc bình thường của cơ quan, tổ chức mình…
Như vậy việc các tổ chức, cơ quan, cá nhân không hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc cung cấp tài liệu liên quan đến vụ vụ gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và Tòa án nói riêng trong việc thu thập, xác minh chứng cứ.
4. Hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án đối với thủ tục tái thẩm
Tái thẩm là một thủ tục tố tụng đặc biệt có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị do phát hiện có tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó nhằm bảo đảm việc xử lý vụ án được chính xác.
Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm gồm: “1. Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật; 2. Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án; 3. Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật; 4. Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án”.
Những tình tiết trên chỉ được coi là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có đủ hai điều kiện: Một là, tình tiết mới được phát hiện mà Tòa án không biết khi ra bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật; ví dụ như theo Giấy khai sinh do bố mẹ bị cáo cung cấp thì bị cáo chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và vụ án được đình chỉ, nhưng sau đó xác định được Giấy khai sinh này là giả mạo và các chứng cứ khác cho thấy bị cáo đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đã gây ra. Hai là, tình tiết này có thể làm thay đổi cơ bản nội dung bản án hoặc quyết định đã có hiệu pháp luật của Tòa án như có tội hoặc không có tội, về tội danh, điều khoản áp dụng… Do tính chất của thủ tục tái thẩm nên hoạt động xác minh, thu thập và bổ sung chứng cứ theo thủ tục này của Tòa án bị hạn chế hơn, có thể là nhận được thông báo của người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc tự Tòa án phát hiện ra tình tiết mới của vụ án thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản kèm theo các tài liệu liên quan cho Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm. Việc xác minh tình tiết mới của vụ án thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.
Tại phiên tòa tái thẩm, trường hợp xét thấy cần thiết, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa tái thẩm. Quy định này là cụ thể hóa một trong những hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án tại phiên tòa tái thẩm để làm rõ tình tiết mà Viện kiểm sát dùng làm căn cứ kháng nghị tái thẩm có phải là tình tiết mới được phát hiện hay không và nó có làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hay không.
5. Hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án đối với thủ tục giám đốc thẩm
Tính chất của Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Thủ tục giám đốc thẩm chỉ có thể được tiến hành khi có kháng nghị của người có thẩm quyền (Chánh án TANDTC, TAQSTW, Chánh án TANDCC hoặc Viện trưởng VKSNDTC, VKSQSTW, Viện trưởng VKSQSTW). Đối tượng xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm có thể là bất kỳ bản án, quyết định nào của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (bản án, quyết định sơ thẩm; bản án, quyết định phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm) bị kháng nghị.
Điều 371 BLTTHS 2015 quy định về các căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo đó, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật chỉ bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ sau: “1. Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”.
Đó là những vi phạm trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử vụ án mà chúng có thể tước bỏ hoặc hạn chế quyền của những người tham gia tố tụng làm cho Tòa án xét xử không khách quan, không đúng pháp luật hoặc thiếu căn cứ; có thể là không áp dụng điều luật của BLHS năm 2015 cần áp dụng, giải thích không đúng nội dung quy định của điều luật dẫn đến việc xét xử không đúng, mức hình phạt áp dụng không phù hợp với tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội… Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với các chứng cứ, tài liệu được điều tra, xác minh tại phiên tòa. Ví dụ, các chứng cứ được xác minh tại phiên tòa cho thấy bị cáo thực hiện một hành vi phạm tội khác với hành vi phạm tội theo quyết định của bản án. Tại phiên tòa, Tòa án không xem xét những tình tiết có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án để kết luận về vụ án. Trong hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ xác định bị cáo có tiền án, tại bản án của Tòa án lại quyết định về tiền án để làm căn cứ định khung hình phạt đối với bị cáo. Trường hợp này, Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ bằng việc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu có liên quan đến việc xác minh tiền án của bị cáo. Có sự mâu thuẫn giữa các chứng cứ quan trọng đối với vụ án nhưng trong bản án, quyết định của Tòa án không nêu lý do của việc chấp nhận hoặc bác bỏ chứng cứ này. Kết luận trong bản án, quyết định có mâu thuẫn ảnh hưởng đến việc xác định bị cáo có tội hay không có tội, điều luật được áp dụng hoặc quyết định hình phạt đối với bị cáo.
Quá trình xác định kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, Tòa án có thể tiếp nhận những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; xem xét vật chứng; xem xét nơi xảy ra tội phạm; trưng cầu giám định; yêu cầu định giá tài sản. Khoản 2 Điều 383 BLTTHS năm 2015 quy định, tại phiên tòa giám đốc thẩm, trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Quy định này là cụ thể hóa một trong những hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án tại phiên tòa giám đốc thẩm để làm rõ tình tiết quan trọng về vụ án hình sự.
LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)