Mục lục bài viết
- 1. Khái niệm và ý nghĩa của bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại
- 1.1 Khái niệm
- 1.2 Điều kiện xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại
- 1.3 Ý nghĩa của việc bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại
- 2. Đối tượng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh
- 3. Phạm vi bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh
- 4. Mức bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh
1. Khái niệm và ý nghĩa của bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại
1.1 Khái niệm
Theo khoản 7 Điều 3 Luật Đất đai năm 2024, chi phí đầu tư vào đất còn lại là chi phí hợp lý mà người sử dụng đất đã đầu tư trực tiếp vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất nhưng đến thời điểm Nhà nước thu hồi đất còn chưa thu hồi hết.
Như vậy, khi người sử dụng đất đã bỏ ra một khoản tiền để đầu tư, cải tạo đất phục vụ cho nhu cầu sử dụng đất của mình, nhưng khi chưa khai thác, sử dụng hết các chi phí đó thì Nhà nước thu hồi đất thì sẽ được bồi thường các chi phí đã đầu tư vào đất còn lại tại thời điểm Nhà nước thu hồi đất.
1.2 Điều kiện xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại
Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 88/2024/NĐ-CP, điều kiện xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại là: Có hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất. Các hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất là một trong các giấy tờ sau đây:
- Văn bản, hợp đồng thuê, khoán san lấp mặt bằng, tôn tạo đất đối với đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê, cải tạo đất, chống xói mòn, chống xâm thực, xây dựng, gia cố nền đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh;
- Văn bản, thanh lý hợp đồng; hóa đơn, chứng từ thanh toán đối với từng khoản chi phí đã đầu tư vào đất;
- Văn bản, hợp đồng khác có liên quan đến việc đầu tư vào đất được xác lập tại thời điểm đầu tư.
Như vậy, để xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại, cần có hồ sơ và chứng từ chứng minh việc đầu tư. Nếu không có các tài liệu này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại. Điều này đảm bảo tính linh hoạt trong quá trình xác định chi phí và bồi thường, đồng thời yêu cầu minh bạch trong việc chứng minh chi phí đầu tư vào đất. Những điều kiện này nhằm đảm bảo rằng các chi phí đầu tư vào đất còn lại được xác định một cách công bằng và hợp lý, tránh những rủi ro hoặc lợi dụng trong quá trình bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
1.3 Ý nghĩa của việc bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại
Trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà người sử dụng đất chưa thu hồi được các chi phí đầu tư vào đất còn lại, Nhà nước sẽ thực hiện việc bồi thường cho người sử dụng đất (kèm theo những điều kiện luật định). Điều này mang một số ý nghĩa nhất định:
- Bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất: Việc bồi thường đảm bảo rằng người sử dụng đất không bị thiệt hại về kinh tế khi đã đầu tư vào đất, đặc biệt là khi các khoản đầu tư này nhằm cải tạo hoặc nâng cấp đất nhưng chưa được thu hồi hết. Điều này thể hiện tính công bằng trong các chính sách của Nhà nước về thu hồi đất.
- Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người sử dụng đất: Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục vì mục đích quốc phòng, an ninh, việc bồi thường các chi phí đầu tư vào đất còn lại đảm bảo lợi ích của cả hai bên: Nhà nước có thể thu hồi đất để phục vụ các sự án cần thiết, còn người sử dụng đất được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng.
2. Đối tượng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh
Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Luật Đất đai năm 2024, các trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh là:
- Đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, trừ trường hợp đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được bồi thường về đất quy định tại Điều 96 Luật Đất đai năm 2024.
- Đất được Nhà nước giao cho tổ chức thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất;
- Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuế đất hằng năm; đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 99 Luật Đất đai năm 2024.
- Đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích do Ủy ban nhân dân cấp xã cho thuê;
- Đất nhận khoán để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;
- Diện tích đất nông nghiệp được giao vượt hạn mức quy định tại Điều 176 Luật Đất đai năm 2024.
3. Phạm vi bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh
Không phải mọi chi phí đầu tư vào đất còn lại đều được Nhà nước bồi thường khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Dưới đây là phạm vi các chi phí được xem xét bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 107 Luật Đất đai năm 2024, bao gồm:
- Chi phí san lấp mặt bặt;
- Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;
- Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh;
- Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã ứng trước theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà chưa khấu trừ hết vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp;
- Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất.
Như vậy, có thể hiểu, chi phí đầu tư vào đất còn lại được Nhà nước bồi thường là những khoản chi phí mà người sử dụng đất đã bỏ ra để cải tạo, nâng cấp nhằm tăng giá trị, nâng cao khả năng sử dụng của đất cho mục đích sản xuất, kinh doanh hoặc nông nghiệp.
4. Mức bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh
Mức bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh được xác định như sau (theo khoản 4 Điều 17 Nghị định số 88/2024/NĐ-CP):
Trong đó:
- P: Chi phí đầu tư vào đất còn lại;
- P1: Chi phí san lấp mặt bằng;
- P2: Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;
- P3: Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh;
- P4: Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất;
Các chi phí được xác định trên cơ sở hồ sơ do người có đất thu hồi cung cấp.
- T1: Thời hạn sử dụng đất;
- T2: Thời hạn sử dụng đất còn lại.
Đối với trường hợp thời điểm đầu tư vào đất sau thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì thời hạn sử dụng đất (T1) được tính từ thời điểm đầu tư vào đất.
Lưu ý: Cách thức xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại nêu trên không áp dụng đối với trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 17 Nghị định số 88/2024/NĐ-CP, cụ thể là trường hợp ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà chưa khấu trừ hết vào tiền sử dụng đất phải nộp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 107 Luật Đất đai năm 2024 và trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm mà đã trả trước cho nhiều năm nhưng chưa sử dụng thời gian đã trả trước tiền thuê đất thực hiện theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Xin trân trọng cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm và theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê. Mọi thắc mắc chưa rõ hay có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với Luật sư tư vấn pháp luật đất đai trực tuyến qua tổng đài: 1900.6162 để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời.