Mục lục bài viết
- 1. Khái quát chung
- 2. Bảo đảm pháp lý
- 2.1 Thủ tục ngăn chặn hành chính
- 2.2 Thẩm quyền ngăn chặn hành chính
- 2.3 Bảo đảm về tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp
- 2.4 Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật về NCHC
- 2.5 Cơ chế giám sát, kiểm tra thực hiện ngăn chặn hành chính
- 2.6 Trách nhiệm pháp lý và cơ chế xử lý vi phạm trong thực hiện ngăn chặn hành chính
- 3. Các bảo đảm khác
- 3.1 Bảo đảm về nhận thức
- 3.2 Bảo đảm về kinh tế, cơ sở vật chất
1. Khái quát chung
Theo từ điển tiếng Việt, “bảo đảm” được hiểu là “làm cho chắc chắn thực hiện được, giữ gìn được hoặc có đầy đủ những gì cần thiết”. Pháp luật là yếu tố quan trọng để tạo ra các điều kiện cho việc thực hiện các BPNC hành chính. Chính vì vậy, việc thực hiện các quy định về ngăn chặn hành chính càng cần phải được bảo đảm để các quy định đó phát huy hiệu quả trên thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Do đó, nghiên cứu các bảo đảm pháp lý thực hiện ngăn chặn hành chính là cần thiết, nhưng bên cạnh đó còn phải xét đến các yếu tố khác cũng tác động, bảo đảm cho các BPNC hành chính có thể được thực hiện hiệu quả như: bảo đảm về mặt nhận thức, bảo đảm cơ sở vật chất.
2. Bảo đảm pháp lý
Bảo đảm pháp lý thực hiện ngăn chặn hành chính có thể hiểu là tổng thể các phương tiện được pháp luật quy định để BPNC hành chính được thực hiện hợp pháp và có hiệu quả trên thực tế. Đây có thể xem bảo đảm quan trọng nhất cho việc thực hiện các BPNC hành chính. Bằng hệ thống pháp luật, nhà nước quy định các BPNC hành chính áp dụng với các cá nhân, tổ chức trong những trường hợp cụ thể.
Hệ thống bảo đảm pháp lý thực hiện ngăn chặn hành chính gồm nhiều yếu tố, tuy nhiên luận án tập trung đi vào những yếu tố cơ bản nhất trong hệ thống bảo đảm pháp lý cho việc thực hiện ngăn chặn hành chính, đó là: (1) Thủ tục ngăn chặn hành chính; (2) Thẩm quyền ngăn chặn hành chính; (3) Tổ chức bộ máy và cơ chế phối hợp thực hiện ngăn chặn hành chính giữa các cơ quan; (4) Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, của người có thẩm quyền trong xây dựng và thực thi pháp luật về ngăn chặn hành chính; (5) Cơ chế giám sát, kiểm tra; (6) Trách nhiệm pháp lý và cơ chế xử lý vi phạm trong thực hiện ngăn chặn hành chính.
2.1 Thủ tục ngăn chặn hành chính
Các quy định pháp luật về BPNC hành chính chỉ có thể thực hiện được thông qua các quy phạm thủ tục. Đó là một loạt các hành động nối tiếp nhau theo một trình tự nhất định do pháp luật quy định. Các biện pháp ngăn chặn hành chính khi được áp dụng sẽ làm hạn chế một số quyền, tự do của người bị áp dụng. Cho nên, pháp luật càng phải quy định chặt chẽ ai có thẩm quyền áp dụng, căn cứ áp dụng, cách thức áp dụng, giới hạn áp dụng. Việc tiến hành áp dụng BPNC hành chính không thông qua các quy phạm thủ tục đều là sự vi phạm pháp luật. Các BPNC hành chính được thực hiện như thế nào phụ thuộc vào những quy định trong thủ tục áp dụng. Việc đặt ra những thủ tục không hợp lý, hoặc không đầy đủ làm hạn chế hiệu quả áp dụng các biện pháp này, thậm chí trong một số trường hợp nó còn làm nguy cơ xâm hại tới các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Trong thực tế, nhà nước với hệ thống quản lý yếu kém thường hành xử theo hướng có lợi cho công tác quản lý của mình hơn là quan tâm đến việc bảo vệ các quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức.
Ở một khía cạnh khác, thủ tục ngăn chặn hành chính là bảo đảm để thực thi các quyền của công dân, tổ chức trong quá trình thực hiện ngăn chặn hành chính. Điều này thể hiện rõ qua giai đoạn khiếu nại, giải quyết khiếu nại trong thủ tục hành chính nói chung hay thủ tục ngăn chặn hành chính nói riêng.
2.2 Thẩm quyền ngăn chặn hành chính
Bên cạnh thủ tục ngăn chặn hành chính, thẩm quyền thực hiện ngăn chặn hành chính cũng là một trong những bảo đảm pháp lý quan trọng cho việc thực hiện ngăn chặn hành chính. Thông qua cơ chế áp dụng ngăn chặn hành chính: hành vi bị ngăn chặn- biện pháp ngăn chặn- thẩm quyền ngăn chặn- thủ tục ngăn chặn, có thể thấy thẩm quyền ngăn chặn hành chính có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra cơ chế thích hợp để áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính trong từng vụ việc xảy ra trên thực tế.
Thông qua các quy định pháp luật, thẩm quyền ngăn chặn hành chính được xác định cho các chức danh cụ thể trong các cơ quan nhà nước. Các quy định pháp luật về thẩm quyền ngăn chặn hành chính giới hạn những chủ thể được quyền áp dụng, giới hạn phạm vi thực hiện quyền ngăn chặn hành chính của các chủ thể này. Vì vậy, thẩm quyền ngăn chặn hành chính không chỉ có ý nghĩa đối với chủ thể có thẩm quyền ngăn chặn mà hơn hết còn có ý nghĩa quan trọng với các đối tượng quản lý. Bởi thông qua việc quy định về thẩm quyền, một mặt nhà nước trao quyền ngăn chặn cho chủ thể nhất định, mặt khác đây cũng đồng thời là giới hạn phạm vi quyền lực của các chủ thể đó. Giới hạn này chính là một trong những phương tiện để công dân, tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Lúc này, thẩm quyền ngăn chặn hành chính là một bảo đảm cho việc áp dụng đúng đắn các BPNC hành chính.
2.3 Bảo đảm về tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp
Các BPNC hành chính thực hiện có hiệu quả hay không hiệu quả còn phụ thuộc vào tổ chức bộ máy, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân với vai trò là chủ thể áp dụng BPNC hành chính. Một bộ máy được tổ chức hợp lí, cũng như việc sắp xếp, bố trí nhân lực, trình độ chuyên môn của cán bộ công chức khoa học, có sự phân công đồng bộ, thống nhất sẽ tạo điều kiện sự việc thực hiện, áp dụng các BPNC hành chính được rõ ràng, nhanh chóng, hiệu quả.
Để áp dụng, thi hành các quyết định ngăn chặn hành chính, trong nhiều trường hợp cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân như sự phối hợp về hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thi hành quyết định ngăn chặn hành chính, theo đó, sự phân công trách nhiệm cụ thể trong cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phối hợp thi hành cần trên cơ sở vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi chủ thể được pháp luật quy định nhằm tránh đùn đẩy trách nhiệm trong việc thực hiện hoặc xem xét đề xuất giải quyết những vấn đề cụ thể phát sinh trong quá trình áp dụng BPNC hành chính.
2.4 Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật về NCHC
Cơ sở quan trọng của hoạt động ngăn chặn hành chính đó chính là các quy định của pháp luật về vấn đề này. Có thể khẳng định các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến vấn đề này là khá đầy đủ, tuy nhiên trong nhiều trường hợp do trình độ, năng lực lập pháp của chúng ta chưa thực sự tốt nên một số quy định đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngăn chặn hành chính các lực lượng chức năng. Việc hoàn thiện các quy định có liên quan đến vấn đề này là một yêu cầu cấp bách, mà muốn hoàn thiện được pháp luật thì điều đương nhiên là phải nâng cao năng lực lập pháp, lập quy của các chủ thể có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, sự hạn chế về năng lực chuyên môn nghiệp vụ và chế độ trách nhiệm lỏng lẻo có thể dẫn đến tình trạng áp dụng ngăn chặn hành chính không đúng quy định do thiếu hiểu biết hoặc do tiêu cực. Tình trạng cán bộ được giao thẩm quyền ngăn chặn hành chính yếu về chuyên môn, nghiệp vụ; kiến thức pháp luật về áp dụng ngăn chặn hành chính chưa đầy đủ sẽ dấn đến sự lúng túng khi áp dụng pháp luật vào xử lý những tình huống cụ thể. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến công tác ngăn chặn hành chính nói riêng và xử lý vi phạm hành chính nói chung.
2.5 Cơ chế giám sát, kiểm tra thực hiện ngăn chặn hành chính
Áp dụng BPNC hành chính là một trong các cách thức làm cho pháp luật đi vào đời sống. Tuy nhiên, pháp luật về BPNC hành chính có được thực thi đúng bản chất hay không thì chỉ có thể đánh giá thông qua hoạt động giám sát, kiểm tra. Giám sát trong thực thi BPNC hành chính là một điều kiện tối quan trọng nhằm đảm bảo rằng chúng đã được áp dụng đúng với bản chất pháp lý của mình, qua đó bảo đảm được hiệu quả của cưỡng chế trong ngăn chặn hành chính. Mục đích của hoạt động giám sát, kiểm tra là để phát hiện và xử lý các hành vi vượt quyền, những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp để khắc phục. Hay nói cách khác, giám sát, kiểm tra là các công cụ đảm bảo cho hoạt động áp dụng BPNC hành chính được đúng đắn, khách quan và hiệu quả. Chính vì vậy, khi có một cơ chế giám sát chặt chẽ sẽ ngăn chặn được những sai phạm trong hoạt động áp dụng ngăn chặn hành chính cũng như cơ chế chịu trách nhiệm khi vi phạm của đội ngũ cán bộ, công chức, qua đó bảo đảm cho các quy định của pháp luật về ngăn chặn hành chính được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động ngăn chặn hành chính.
Mọi hoạt động đều cần có sự kiểm tra, giám sát của nhiều chủ thể với những phương thức khác nhau như: kiểm tra việc thực hiện quyết định ngăn chặn hành chính của Thủ trưởng cơ quan, của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới- Đây là hoạt động có tính chất nội bộ của bộ máy hành chính nhà nước thông qua các hình thức kiểm tra định kỳ, đột xuất, qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước, của xã hội đối với việc thi hành quyết định ngăn chặn hành chính của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm; giám sát của Tòa án nhân dân trong việc thực thi các BPNC hành chính thông qua xét xử các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong áp dụng ngăn chặn hành chính; sự giám sát, kiểm tra của các cá nhân, tổ chức thông qua việc khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm của cơ quan, người có thẩm quyền trong áp dụng ngăn chặn hành chính …. Nếu không có sự kiểm tra, giám sát thì quyết định ngăn chặn hành chính đã có hiệu lực pháp luật có thể không được thi hành triệt để, không đi đến tận cùng của quá trình áp dụng biện pháp cưỡng chế này, từ đó làm giảm tính kịp thời trong hoạt động phát hiện, xử lý VPHC và giảm hiệu quả trong đảm bảo trật tự quản lý hành chính nhà nước.
2.6 Trách nhiệm pháp lý và cơ chế xử lý vi phạm trong thực hiện ngăn chặn hành chính
Quy định về trách nhiệm pháp lý là phương tiện quan trọng trong việc đảm bảo áp dụng BPNC hành chính đầy đủ, chính xác. Khi quy định quyền hạn, nghĩa vụ cho những chủ thể có thẩm quyền về ngăn chặn hành chính thì việc quy định một cách chung chung về trách nhiệm pháp lý khi có vi phạm trong thực thi công vụ sẽ khiến cho các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của người thực thi công vụ trở thành hình thức bởi nếu họ có vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ thì cũng không phải chịu bất kỳ hậu quả pháp lý nào bất lợi hoặc hậu quả đó không đáng kể. Quy định trách nhiệm pháp lý một cách đầy đủ, nghiêm minh trong quá trình thực thi BPNC hành chính sẽ khiến cho người có thẩm quyền về cưỡng chế hành chính thực hiện công vụ một cách có trách nhiệm hơn, có ý thức tôn trọng pháp luật hơn và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Song song với quy định về trách nhiệm pháp lý thì việc đặt ra hệ thống chế tài, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm trong áp dụng BPNC hành chính của cán bộ công chức trên thực tế sẽ là một bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện BPNC hành chính chính xác. Việc xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến cán bộ - công chức, những người có trách nhiệm bảo vệ và thi hành pháp luật có tác động rất lớn đến thực thi pháp luật. Bởi nếu các vụ việc vi phạm được xử lý đến nơi, đến chốn, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, thì tính thượng tôn của pháp luật sẽ được bảo vệ.
3. Các bảo đảm khác
3.1 Bảo đảm về nhận thức
Nhận thức của lãnh đạo cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng ngăn chặn hành chính; nhận thức của cán bộ, công chức và các cá nhân khác như người vi phạm, người có quyền, lợi ích liên quan... có tác động rất lớn đến việc áp dụng, thi hành quyết định ngăn chặn hành chính. Các BPNC hành chính cần phải được thực hiện nghiêm túc, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật góp phần đảm bảo trật tự quản lý hành chính nhà nước, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Về bản chất, mối quan hệ giữa người có thẩm quyền áp dụng ngăn chặn hành chính và người bị áp dụng BPNC hành chính mang tính chất mệnh lệnh- phục tùng. Các chủ thể trong quan hệ pháp luật này cần phải tôn trọng và thực hiện kịp thời quyết định ngăn chặn hành chính nhằm góp phần bảo đảm kỷ cương pháp luật và củng cố niềm tin trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Trong nhiều trường hợp, người áp dụng BPNC hành chính là người tổ chức thi hành quyết định ngăn chặn hành chính và việc tổ chức thi hành các quyết định ngăn chặn hành chính có hiệu lực pháp luật thực tế còn nặng về tâm lý “xin - cho”. Nhận thức này của một số lãnh đạo, cán bộ, công chức và các cá nhân khác có thẩm quyền làm cho các quyết định ngăn chặn hành chính có hiệu lực pháp luật trong nhiều trường hợp không được thi hành nghiêm túc, kịp thời để đảm bảo xử lý VPHC.
Ý thức pháp luật đòi hỏi cán bộ, công chức thực thi BPNC phải hành xử theo quy định của pháp luật- tức là chỉ làm những gì pháp luật cho phép; đánh giá đúng và tôn trọng các quyền con người, quyền công dân. Mặt khác ngăn chặn hành chính là hoạt động liên quan trực tiếp đến cưỡng chế làm hạn chế quyền, tự do hoặc tài sản của công dân, tổ chức cho nên cán bộ công chức thực thi cưỡng chế để ngăn chặn hành chính rất dễ vấp phải ranh giới lạm quyền khi áp dụng. Nếu ý thức pháp luật cao thì sự lạm quyền, tham nhũng của cán bộ, công chức nhà nước giảm bởi sự lạm quyền, tham nhũng đó còn do yếu tố đạo đức, ý thức của con người. Chính vì vậy, xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức với ý thức pháp luật và năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao trong một bộ máy được tổ chức hợp lí, khoa học là một trong những đảm bảo quan trọng trong thực thi BPNC hành chính hành chính.
3.2 Bảo đảm về kinh tế, cơ sở vật chất
Nền kinh tế xã hội phát triển năng động, bền vững sẽ là điều kiện thuận lợi cho hoạt động thực hiện pháp luật, tác động tích cực tới việc nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật của các tầng lớp xã hội. Yếu tố kinh tế là nền tảng của sự nhận thức hiểu biết pháp luật và thực hiện pháp luật nên có tác động mạnh mẽ đến hoạt động thực hiện pháp luật của các chủ thể pháp luật. C.Mác đã viết: “Trong thời đại nào cũng thế, chính là vua chúa phải phục tùng những điều kiện kinh tế, chứ không bao giờ vua chúa ra lệnh cho những điều kiện kinh tế được. Chẳng qua chế độ pháp luật về chính trị, cũng như về dân sự chỉ là cái việc nói lên, chi ghép lại quyền lực của những quan hệ kinh tế".
Thực tiễn cho thấy, khi chúng ta có nguồn lực kinh tế đủ mạnh thì chúng ta mới có điều kiện để đầu tư cho các hoạt động hoàn thiện pháp luật, trong đó có pháp luật về ngăn chặn hành chính. Kinh tế đủ sẽ đảm bảo cơ sở vật chất được đồng bộ, hiện đại, điều này tạo điều kiện cho việc thực hiện ngăn chặn hành chính được dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, khi kinh tế phát triển, đời sống vật chất của các tầng lớp dân cư được cải thiện, lợi ích kinh tế được đảm bảo thì nhân dân sẽ phấn khởi, tin tưởng vào đường lối kinh tế, chính sách pháp luật, sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động điều hành, quản lý của Nhà nước. Khi đó, niềm tin của các chủ thể đối với pháp luật được củng cố, hoạt động thực hiện pháp luật sẽ mang tính tích cực, thuận chiều, phù hợp với các giá trị, chuẩn mực pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, khi kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, các cán bộ, công chức, các tầng lớp nhân dân có điều kiện mua sắm các phương tiện nghe, nhìn, có điều kiện thỏa mãn các nhu cầu thông tin pháp luật đa dạng và cập nhật. Các chương trình phổ biến giáo dục pháp luật sẽ dễ dàng đến được với nhân dân; nhu cầu tìm hiểu, trang bị thông tin, kiến thức pháp luật trở thành nhu cầu tự giác, thường trực trong suy nghĩ và hành động của người dân. Điều này giúp cho hoạt động thực hiện pháp luật, trong đó có hoạt động tuân thủ, áp dụng pháp luật về ngăn chặn hành chính mang tính tự giác, tích cực, đúng pháp luật.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật hành chính - Công ty Luật Minh Khuê