1. Các bước công khai thông tin của người phải thi hành án dân sự chưa có điều kiện thi hành án

Căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2023/TT-BTP quy định về trình tự, thủ tục công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án như sau:

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự lập danh sách gửi Cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự lập danh sách của Cục Thi hành án dân sự và tổng hợp danh sách của các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc để thực hiện đăng tải công khai theo quy định. Danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thực hiện theo mẫu tại Phụ lục VII Thông tư 04/2023/TT-BTP

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên việc công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án được thực hiện theo các bước sau:

- Chi cục Thi hành án dân sự lập danh sách gửi Cục Thi hành án dân sự trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án;

- Cục Thi hành án dân sự lập danh sách của Cục Thi hành án dân sự và tổng hợp danh sách của các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc.

- Thực hiện đăng tải công khai trên Trang/Cổng thông tin điện tử thi hành án dân sự. Thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án gồm:

- Tên, địa chỉ của người phải thi hành án;

- Bản án, quyết định phải thi hành;

- Quyết định thi hành án;

- Nghĩa vụ chưa có điều kiện thi hành án, lý do chưa có điều kiện thi hành án.

 

2. Một số bất cập khi xác minh điều kiện thi hành án dân sự

Xác minh điều kiện thi hành án dân sự là việc chấp hành viên xác minh thông tin, đối tượng phải thi hành (tài sản, thu nhập của người phải thi hành án, vật, giấy tờ, tài sản phải hoàn trả…) và các thông tin khác về nhân thân, hoàn cảnh gia đình của người phải thi hành án, thự trạng tài sản…để phục vụ cho quá trình tổ chức thi hành án. Kết quả xác minh là cơ sở để Chấp hành viên định hướng giải quyết hồ sơ thi hành án, thuyết phục đương sự tự nguyện, thỏa thuận thi hành án; đồng thời là căn cứ để ban hành các quyết định ủy thác, hoãn, chưa có điều kiện thi hành án hoặc tiến hành các biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án... Tuy nhiên, thực tiễn công tác cho thấy một số bất cập trong việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự. Cụ thể như sau:

- Về việc kê khai, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 44 Luật Thi hành án Dân sự 2008 quy định người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình. Tuy nhiên, trường hợp người phải thi hành án không kê khai đầy đủ, trung thực thì Chấp hành viên cũng khó có thể tiến hành xác minh. Bởi vì, thông tin về tài sản chính quyền địa phương cung cấp hầu hết là liên quan đến bất động sản là nhà ở và đất đai, còn đối với các tài sản khác thì địa phương không thể xác định được. Trong khi đó, thực tế khi thực hiện các giao dịch, thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt nên khó xác định về thu nhập của người phải thi hành án là bao nhiêu. Địa phương là cơ quan duy nhất có thể cung cấp thông tin thì cũng rất khó khăn để nắm được thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án. 

- Việc chỉ tiến hành xác minh tại địa phương là chưa được thực hiện đầy đủ:

Khi Chấp hành viên tiến hành xác minh hầu hết chỉ xác minh được tài sản liên quan đến bất động sản là nhà ở và đất đai, còn đối với các tài sản khác thì hầu như không xác minh được. Chẳng hạn như đối với có đăng ký sở hữu như xe ô tô, máy kéo, mô tô… thì cơ quan quản lý là Phòng cảnh sát giao thông. Đối với tàu biển thì cơ quan quản lý là Cục Hàng hải Việt Nam hoặc các Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải. Đối với tài khoản của người phải thi hành án thì thuộc quyền quản lý của Ngân hàng nơi có tài khoản của người phải thi hành án.

Thực tế, người phải thi hành án có thể sở hữu, sử dụng tài sản nhưng nếu họ không kê khai thì khi Chấp hành viên chỉ tiến hành xác minh tại địa phương sẽ không thể xác định được những tài sản này. Mặt khác, những tài sản không có đăng ký sở hữu như các đồ dùng điện tử (ti vi, máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt…), trang sức có giá trị đang được người phải thi hành án sử dụng…nhưng không thể xác định được đây là những tài sản thuộc sở hữu của người phải thi hành án để tiến hành kê biên theo quy định. Người phải thi hành án có thể sở hữu, sử dụng tài sản ở địa phương ngoài địa bàn cư trú và có thể mở tài khoản ở bất kỳ ngân hàng nào. Trong khi đó, Chấp hành viên chỉ có nghĩa vụ và trách nhiệm xác minh điều kiện THADS tại địa bàn cấp huyện nơi người phải thi hành án cư trú. Đây là một kẽ hở để người phải thi hành án tận dụng nhằm che dấu điều kiện thi hành án của mình.

- Vướng mắc trong công tác thi hành án đối với trường hợp đối tượng phải thi hành án là phương tiện hoặc con người:

Trường hợp tài sản để thi hành án là các phương tiện hoặc trong việc giao con chưa thành niên cho người khác nuôi dưỡng: Đối với tài sản là phương tiện hoặc con người thì khi xác minh điều kiện thi hành án gặp khó khăn do tài sản này là động sản thường xuyên di chuyển không có tại địa phương, địa phương không quản lý được, không biết phương tiện đó hiện đang ở đâu nên rất khó để thi hành án được. Hoặc khi thi hành bản án, quyết định của Toà án về buộc giao con chưa thành niên cho người khác nuôi dưỡng. Khi họ không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh và ra quyết định cưỡng chế.

Tuy nhiên, khi tổ chức tiến hành cưỡng chế thì người chưa thành niên lại không có mặt để tiến hành thực hiện việc cưỡng chế giao cho người được thi hành án nhưng cũng không thể xác định do người phải thi hành án cố tình không chấp hành. Bởi vì, con người không phải tài sản, họ có thể tự di chuyển đặc biệt đối với các cháu lớn tuổi có thể tự mình đi chơi, đi học... Vì vậy, việc thi hành án tồn đọng, kéo dài và không có hướng giải quyết.

 

3. Hướng dẫn công khai thông tin người chưa có điều kiện thi hành án

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 04/2023/TT-BTP, thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án sẽ được công khai bằng hình thức đăng tải trên Trang/Cổng thông tin điện tử thi hành án dân sự.

Hiện nay: Quy định hình thức công khai là đăng tải và tích hợp tại mục “Danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành” trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự và Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự lập danh sách gửi Cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự lập danh sách của Cục Thi hành án dân sự và tổng hợp danh sách của các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc để thực hiện đăng tải công khai.

Ngoài ra Cục Thi hành án dân sự còn phải gửi danh sách cho Tổng cục Thi hành án dân sự để tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự.

Để tham khảo thêm thông tin về vấn đề này, quý khách hàng có thể tìm hiểu tại bài viết của Luật Minh Khuê: 

Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật dân sự miễn phí trực tuyến 24/241900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!