Nói một cách dễ hiểu thì Bản điều lệ là bản thỏa thuận giữa những người sáng lập công ty với các cổ đông và giữa các cổ đông với nhau cùng được soạn căn cứ trên những khuôn mẫu chung của luật pháp (luật doanh nghiệp, luật thuế, luật lao động, luật tài chính, kế toán...) để ấn định cách tạo lập, hoạt động và giải thể của một doanh nghiệp.
Trên ý nghĩa đó cho thấy, bản điều lệ giống như một bản hợp đồng có “tính chất quy định”. Tuy nhiên, vì công ty là “tổ chức do luật pháp đặt ra” nên khác với các bản hợp đồng thông thường, bản điều lệ có thể trưng ra được cho những người thứ ba và buộc họ phải chấp nhận “tính chất đối kháng” khi giao dịch với công ty. Ví dụ, các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng…
Do “tính chất đối kháng” của bản điều lệ nên các ngân hàng và những người muốn mua, đầu tư công ty xem bản điều lệ rất kỹ; thậm chí cả các văn bản mà đại hội đồng cổ đông và hội đồng quản trị ban hành theo các quy định của bản điều lệ để biết công ty được làm gì nhằm ràng buộc nó vào hành vi mà nó muốn thực hiện với họ (vay tiền, hay bán Công ty, kêu gọi đầu tư…).
>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số: 1900.6162
Tư vấn luật doanh nghiệp - Ảnh minh họa
Như đã nêu, bản điều lệ được soạn dựa theo các khuôn khổ của các quy định pháp luật khác nhau nhằm điều chỉnh sự hình thành, phát triển, kể cả sự phá sản của “tổ chức” mà những người sáng lập muốn dựng xây bằng tiền của mình và của người khác. Luật điều chỉnh nhiều nhất trong phạm vi này là Luật doanh nghiệp [3]. Thành ra khi soạn thảo bản điều lệ những người sáng lập công ty sắp xếp ý muốn của họ đi theo các khuôn khổ luật định mà đã được cắt đẽo, thêm bớt theo nguyên tắc “không trái pháp luật” để thực hiện việc đầu tư của mình. Những người ấy thực sự không muốn chia xẻ quyền quản lý và điều hành công ty của mình với ai; nhưng vì cần tiền của người khác nên họ phải làm trái đi một cách bất đắc dĩ. Vậy vấn đề là chia xẻ thế nào, nhượng bớt những gì để mình không mất nhiều mà những người mình muốn họ hợp tác chấp nhận và nằm trong khuôn khổ của luật pháp đã được vận dụng. Ngoài ra còn phải tính đến chủ trương của luật quy định; Luật hiên hành khi được xây dựng nghiêng về đối tượng nào trong số các đối tượng được điều chỉnh. Chẳng hạn, Luật doanh nghiệp năm 2005 chủ trương bảo vệ cổ đông ít vốn, và làm mạnh hơn luật năm 2000 nhiều. Khả năng xoay trở trong khuôn khổ “không trái pháp luật” mà những người sáng lập có thể làm được nằm ở cách thức và thời gian góp vốn, cơ cấu tổ chức của công ty, thủ tục họp hành, thể thức quyết định... để làm sao đạt được mục đích của mình.
Vì lẽ trên, bản điều lệ phải du nhập vào nó những điều khoản của Luật doanh nghiệp đã “được xử lý lại” để những người sáng lập vận hành được “tổ chức”. Nó là sự cụ thể hóa Luật doanh nghiệp vào hoàn cảnh cụ thể của một doanh nghiệp. Công việc ấy đòi hỏi người sáng lập phải thực tế, hiểu biết “lòng người” để đừng dại dột trói tay mình chặt hơn luật quy định. Ví dụ, luật quy định muốn ngưng buổi họp đại hội giữa chừng thì phải có 51% cổ phần của những người hiện diện chấp thuận thì bản Điều lệ đừng lý tưởng hóa lòng tốt của con người để nâng lên thành “của toàn thể cổ đông hiện diện”; hoặc luật quy định cổ phần của người từ trần sẽ được chuyển sang cho người thừa kế thì các cổ đông sáng lập có thể suy nghĩ “không trái luật” rằng: “chơi với cổ đông hiện tại thì biết chứ chơi với con hay cháu nó thì biết thế nào”; vậy họ sẽ bàn bạc để ghi trong bản điều lệ rằng “cổ phần của người từ trần sẽ được bán lại cho công ty”. Vậy bản điều lệ lặp lại Luật doanh nghiệp, nhưng trong một số vấn đề mà những người sáng lập quan tâm, nó đi sâu hơn, chi tiết hơn Luật doanh nghiệp. Cũng chính vì việc “đi sâu hơn” này mà các cổ đông sáng lập còn ký kết với nhau hợp đồng góp vốn trước khi ký bản điều lệ , bởi vì có những điều họ muốn nhưng không thể ghi vào bản điều lệ . Ví dụ, ông Nguyễn Văn A, ông Trần Minh B, bà Nguyễn Thị C góp vốn, họ đồng ý là ông Nguyễn Văn A sẽ luôn luôn là chủ tịch. Trong bản điều lệ, theo Luật doanh nghiệp, họ chỉ có thể ghi “hội đồng thành viên bầu một thành viên làm chủ tịch” chứ không thể ghi một cách cụ thể là ông Nguyễn Văn A được. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề nữa mà các cổ đông sáng lập phải làm nhưng không thể ghi vào bản điều lệ. Ví dụ một số việc phải làm trước khi công ty thành hình nhưng sau này công ty không thành lập được. Vì những rắc rối của thực tế cuộc sống mà Luật doanh nghiệp không thể tiên liệu được cho nên một bản điều lệ muốn đạt mục đích “quy định” và “đối kháng” của nó thường phải mở rộng luật bằng cách vận dụng luật. Do vậy, một bản điều lệ làm theo mẫu do cơ quan đăng ký kinh doanh đề nghị thì không bao giờ đủ, chưa kể đến việc trong đó có những điều khoản phục vụ lợi ích của cơ quan quản lý nhiều hơn là cho lợi ích của những người bỏ tiền. Một môi trường đầu tư thuận lợi hơn nằm nhiều ở chỗ tôn trọng quyền lợi của người đầu tư khi luật pháp được áp dụng chứ không phải ở chỗ luật thông thoáng. Luật thông thoáng nhưng đến tay các công chức nhà nước có trách nhiệm mà họ bịt lại thì mãi mãi môi trường đầu tư sẽ chỉ tốt đẹp trên... lời nói.
A. Vai trò của Bản Điều lệ khi có tranh chấp trong nội bộ công ty
Bản điều lệ là sự cụ thể hóa Luật Doanh nghiệp vào từng doanh nghiệp nhất định. Tính chất này cũng giống như khi hai thương gia ký hợp đồng mua bán cho một vụ giao dịch dựa trên luật thương mại hay dân sự. Trong mua bán, khi có tranh chấp thì nguyên đơn sẽ thưa rằng bị đơn vi phạm một điều nào đó trong bản hợp đồng (luật cụ thể) chứ không phải theo điều số mấy của Bộ luật dân sự, Luật Thương mại, Luật Đầu tư…. Khi xét xử, chỉ khi nào luật chuyên ngành thiếu hay không rõ tòa mới chiếu vào quy định của luật chung, và nếu luật ấy thiếu tòa sẽ chiếu vào tập tục. Trong tương quan giữa bản điều lệ và Luật Doanh nghiệp thì nó cũng giống hệt như hợp đồng mua bán đối với Luật Thương mại. Vậy khi các cổ đông cãi nhau thì họ tranh chấp về một điều khoản nhất định nằm trong bản Điều lệ chứ không phải trong Luật Doanh nghiệp. Đối với Luật Doanh nghiệp, họ bị buộc phải tuân thủ. Họ tranh cãi với nhau về một điều khoản trong bản Điều lệ mà họ đã đồng ý với nhau là sẽ tuân giữ và đã ký tên vào đó. Họ không ký để nói rằng chúng ta cùng tuân thủ Luật Doanh nghiệp. Bởi thế cho nên, khi các cổ đông của một công ty tranh chấp thì phải căn cứ vào bản Điều lệ trước hết để xem xét ai đúng ai sai, nếu bản Điều lệ thiếu thì mới xem đến Luật Doanh nghiệp.
Tất nhiên, ở Việt Nam việc ban hành và áp dụng Luật Doanh nghiệp chỉ mới có hơn 16 năm. Chúng ta chưa quen và chưa nhuần nhuyễn trong việc áp dụng quy định pháp luật doanh nghiệp; vì thế, căn cứ pháp lý muốn sử dụng cho đúng có khi cũng không làm được. Ngoài ra, mọi việc làm còn đòi hỏi sự đồng bộ. Bản điều lệ không du nhập Luật Doanh nghiệp vào thì làm sao mà có thể chỉ căn cứ vào nó. Mục đích của chuyên đề này là nêu lên một vấn đề về nhận thức, vai trò của Bản Điều lệ và ccs nguyên tắc khi viết bản Điều lệ của công ty.
So với Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã có nét đột phá khi đi theo hướng chỉ quy định những vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc về nhiều nội dung trong quản trị nội bộ doanh nghiệp, cho phép Điều lệ công ty quy định thêm những vấn đề cụ thể để đáp ứng yêu cầu điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có quyền quy định trong Điều lệ của mình các quan hệ ứng xử nội bộ và cách thức quản lý, điều hành cụ thể trong hoạt động nội bộ của doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 với các yêu cầu của quản trị doanh nghiệp ghi trong Điều lệ công ty được thể hiện trong nhiều điều khoản của Luật này. Cách quy định này của Luật Doanh nghiệp năm 2005 nhằm hình thành khung quản trị nội bộ tiên tiến của doanh nghiệp.
B. Các nguyên tắc cơ bản khi viết Bản Điều lệ công ty
Trên cơ sởnội dung, vai trò của Bản Điều lệ như đã phân tích ở trên, khi viết điều lệ công ty chúng ta phải tuân theo các nguyên tắc cơ bản như sau:
Thứ nhất, Điều lệ không được trái với quy định của pháp luật (quy định của Bộ luật dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, pháp luật về thuế, kế toán…).
Thứ hai, khi viết Điều lệ Công ty phải theo nguyên tắc Diều lệ là một hợp đồng nhiều bên dựa trên nguyên tắc tự nguyện, thoả thuận để quy định các quyền và nghĩa vụ của các bên, tổ chức, quản lý, hoạt động của Công ty.
Thứ ba, Điều lệ Công ty phải có đủ nội dung chủ yếu theo quy định tại điều 22 Luật doanh nghiệp 2005, cụ thể như sau:
1. Tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện.
a. Về vấn đề đặt tên doanh nghiệp
So với Luật doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp năm 2005 (Điều 31, 32, 33, 34) quy định chi tiết hơn việc đặt tên doanh nghiệp. Khi viết Bản Điều lệ liên quan đến việc đặt tên doanh nghiệp, chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau:
- Tên doanh nghiệp ít nhất phải có 2 thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Tên riêng phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phát âm được. Doanh nghiệp cũng có thể sử dụng ngành, nghề kinh doanh hay phụ trợ khác để đặt tên doanh nghiệp. Ví dụ: Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Đức, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Bách Việt...
- Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp:
+ Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó. Ví dụ, Công ty Luật TNHH một thành viên Bộ Tư pháp; Công ty Cổ phần viễn thông Quân đội nhân dân Việt Nam…
+ Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho doanh nghiệp.
Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài tương ứng. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch tương ứng toàn bộ sang tiếng nước ngoài.
+ Tên doanh nghiệp cũng không được trùng và gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký. Cụ thể:
Tên trùng là trường hợp tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
Các trường hợp sau đây được coi là gây nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp khác:
* Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký;
* Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu "&";
* Tên viết tắt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên viết
tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
* Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
* Tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bởi số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái tiếng Việt (A, B, C,...) ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó, trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp con của doanh nghiệp đã đăng ký.
* Tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bởi từ "tân" ngay trước, hoặc "mới" ngay sau tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
* Tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên của doanh nghiệp đã đăng ký bởi các từ "Bắc", "miền Bắc", "Nam", "miền Nam", "Trung", "miền Trung", "Tây", "miền Tây", "Đông", "miền Đông", trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp con của doanh nghiệp đã đăng ký.
* Các trường hợp tên gây nhầm lẫn khác theo quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
b. Trụ sở chính của doanh nghiệp
Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp. Trụ sở chính có thể thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của doanh nghiệp. Việc thay đổi trụ sở là quyền của Doanh nghiệp và phải thực hiện việc thay đổi đăng ký kinh doanh trước khi tiến hành hoạt động tại trụ sở mới.
Doanh nghiệp có thể chuyển địa chỉ trụ sở chính đến nơi khác trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc chuyển địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp sang tỉnh, thành phố khác.
c. Chi nhánh, văn phòng đại diện
Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo uỷ quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Tổ chức và hoạt động của văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật.
Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Địa điểm kinh doanh là nơi hoạt động kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp được tổ chức thực hiện. Địa điểm kinh doanh có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh phải mang tên của doanh nghiệp, kèm theo phần bổ sung tương ứng xác định chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh đó. Doanh nghiệp có quyền lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều văn phòng đại diện, chi nhánh tại một địa phương theo địa giới hành chính. Trình tự và thủ tục lập chi nhánh, văn phòng đại diện do Chính phủ quy định.
2. Ngành, nghề kinh doanh.
Ngành nghề kinh doanh do Doanh nghiệp lựa chọn phù hợp với các quy định của pháp luật. Hiện nay, ngành nghề kinh doanh gồm: Ngành nghề kinh doanh thông thường và ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
- Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật trước khi đi đăng ký hoạt động. Ví dụ, về điều kiện đối với ngành nghề kinh doanh bất động sản, ngành nghề tư vấn pháp luật, ngành nghề kinh doanh tài chính, tín dụng…
- Đối với ngành nghề kinh doanh thông thường, doanh nghiệp cần lựa chọn và sắp xếp hệ thống ngành nghề hợp lý, đặc biệt là các ngành nghề có liên quan mật thiết với nhau.
Đăng ký ngành nghề đúng mã ngành cấp 4 hoặc cấp 5 trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
Lĩnh vực hoạt động của ngành nghề kinh doanh được quy định cụ thể tại Quyết định số 337/2007/QĐ-BKH ngày 10/4/2007 của Bộ kế hoạch và Đầu tư.
Cách dò ngành để viết Bản Điều lệ như sau: tham khảo Quyết định 337/2007/QĐ-BKH trước, sau khi xác định được lĩnh vực theo yêu cầu thì tra ngược trở lại Quyết định 10/2007/QĐ-TTg để ghi đúng tên ngành và mã ngành. Chúng ta không tự ý thay đổi tên ngành trong Quyết định 10/2007/QĐ-TTg.
- Đối với ngành nghề không được quy định tại Danh mục ngành nghề kinh tế Việt Nam, nhưng được quy định tại văn bản pháp luật chuyên ngành thì đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành và không ghi mã ngành trong Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh .
- Đối với ngành nghề pháp luật chuyên ngành yêu cầu có chứng chỉ hành nghề thì đăng ký ngành nghề theo lĩnh vực được phép hoạt động ghi trên chứng chỉ hành nghề và không ghi mã ngành trong Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh.
- Đối với ngành nghề không có trong danh mục ngành nghề kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại văn bản pháp luật chuyên ngành thì đăng ký theo yêu cầu và không ghi mã ngành trong Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh.
3. Vốn điều lệ, cách thức tăng và giảm vốn điều lệ.
a. Vốn điều lệ là số vốn do tất cả thành viên góp và được ghi vào Điều lệ công ty (khoản 6, Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2005). Vốn góp có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty. Vốn điều lệ là do các thành viên tự thoả thuận và cam kết góp vốn. Trên cơ sở đó doanh nghiệp kê khai và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.
b. Khi viết Bản Điều lệ, chúng ta cần lưu ý quy định về việc mọi tổ chức, cá nhân được quyền góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, trừ những trường hợp sau đây:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản của Nhà nước và công quỹ góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
- Các đối tượng không được quyền góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
c. Chúng ta có thể quy định trong Điều lệ theo quy định của pháp luật về việc sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, người cam kết góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:
- Đối với tài sản có đăng ký hoặc giá trị quyền sử dụng đất, thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ.
- Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.
Biên bản giao nhận phải có các nội dung chủ yếu: tên và địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên và địa chỉ người góp vốn; loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị các tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty; ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty;
- Cổ phần hoặc phần vốn góp bằng các tài sản không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.
Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.
Vốn điều lệ là sự cam kết mức trách nhiệm vật chất của các thành viên với khách hàng, đối tác; là vốn đầu tư cho hoạt động của doanh nghiệp và là cơ sở để phân chia lợi nhuận cũng như rủi ro trong kinh doanh đối với các thành viên góp vốn.
4. Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.
Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần được lập theo mẫu thống nhất do cơ quan đăng ký kinh doanh quy định và phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch, địa chỉ thường trú và các đặc điểm cơ bản khác của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.
- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của thành viên, cổ đông sáng lập hoặc của đại diện theo uỷ quyền của họ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.
5. Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần của cổ đông sáng lập, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại đối với công ty cổ phần.
Trong khi viết Điều lệ cần quy định rõ trong Bản Điều lệ phần vốn góp, giá trị vốn góp, loại tài sản, số lượng, giá trị của từng loại tài sản góp vốn, thời hạn góp vốn của từng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; số lượng cổ phần, loại cổ phần, loại tài sản, số lượng tài sản, giá trị của từng loại tài sản góp vốn cổ phần của từng cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.
6. Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần.
6.1. Quyền của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn:
a. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có các quyền sau đây:
- Tham dự họp Hội đồng thành viên, thảo luận, kiến nghị, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;
- Có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp;
- Kiểm tra, xem xét, tra cứu, sao chép hoặc trích lục sổ đăng ký thành viên, sổ ghi chép và theo dõi các giao dịch, sổ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm, sổ biên bản họp Hội đồng thành viên, các giấy tờ và tài liệu khác của công ty;
- Được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
- Được chia giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với phần vốn góp khi công ty giải thể hoặc phá sản;
- Được ưu tiên góp thêm vốn vào công ty khi công ty tăng vốn điều lệ; được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005;
- Khiếu nại hoặc khởi kiện Giám đốc hoặc Tổng giám đốc khi không thực hiện đúng nghĩa vụ, gây thiệt hại đến lợi ích của thành viên hoặc công ty theo quy định của pháp luật;
- Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách chuyển nhượng, để thừa kế, tặng cho và cách khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;
- Các quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty.
Thành viên hoặc nhóm thành viên sở hữu trên 25% vốn điều lệ hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định, trừ trường hợp quy định dưới đây, có quyền yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền.
Trường hợp công ty có một thành viên sở hữu trên 75% vốn điều lệ và Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định nêu trên thì các thành viên thiểu số hợp nhau lại đương nhiên có quyền như quy định nêu trên.
b. Nghĩa vụ của thành viên
- Góp đủ, đúng hạn số vốn đã cam kết và chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty; không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp quy định tại các điều 43, 44, 45 và 60 của Luật Doanh nghiệp năm 2005.
- Tuân thủ Điều lệ công ty.
- Chấp hành quyết định của Hội đồng thành viên.
- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005.
- Chịu trách nhiệm cá nhân khi nhân danh công ty để thực hiện các hành vi sau đây: Vi phạm pháp luật; Tiến hành kinh doanh hoặc giao dịch khác không nhằm phục vụ lợi ích của công ty và gây thiệt hại cho người khác; Thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn trước nguy cơ tài chính có thể xảy ra đối với công ty.
6.2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
a. Quyền của chủ sở hữu công ty
Chủ sở hữu công ty là tổ chức có các quyền sau đây: Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty; Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý công ty; Quyết định các dự án đầu tư có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ; Thông qua hợp đồng vay, cho vay và các hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; Quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; Quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; Quyết định thành lập công ty con, góp vốn vào công ty khác; Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty; Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty; Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty; Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản; Các quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty.
Chủ sở hữu công ty là cá nhân có các quyền sau đây: Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; Quyết định đầu tư, kinh doanh và quản trị nội bộ doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác; Chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty; Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty; Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản; Các quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty.
b. Nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty: Góp vốn đầy đủ và đúng hạn như đã cam kết; trường hợp không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty; Tuân thủ Điều lệ công ty; Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty và tài sản của công ty; Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt các chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với các chi tiêu trên cương vị là Chủ tịch công ty và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; Tuân thủ quy định của pháp luật về hợp đồng và pháp luật có liên quan trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê và các giao dịch khác giữa công ty và chủ sở hữu công ty; Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty.
6.2. Quyền của các cổ đông Công ty cổ phần
a. Quyền của cổ đông phổ thông: cổ đông phổ thông có các quyền sau đây, tham dự và phát biểu trong các Đại hội cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được uỷ quyền; mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết; Được nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông; Được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty; Được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông khác và cho người không phải là cổ đông, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 84 của Luật Doanh nghiệp năm 2005; Xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác; Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, sổ biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông; Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với số cổ phần góp vốn vào công ty; Các quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty.
Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông: Thanh toán đủ số cổ phần cam kết mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì thành viên Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút. Tuân thủ Điều lệ và Quy chế quản lý nội bộ công ty. Chấp hành quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty. Cổ đông phổ thông phải chịu trách nhiệm cá nhân khi nhân danh công ty dưới mọi hình thức để thực hiện một trong các hành vi sau đây: Vi phạm pháp luật; Tiến hành kinh doanh và các giao dịch khác để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
Thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn trước nguy cơ tài chính có thể xảy ra đối với công ty.
b. Quyền của cổ đông ưu đãi biểu quyết: Biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Doanh nghiệp năm 2005; Các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp quy định cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.
c. Quyền của Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi: Nhận cổ tức với mức theo quy định tại khoản 1 Điều 82 Luật Doanh nghiệp năm 2005; Được nhận lại một phần tài sản còn lại tương ứng với số cổ phần góp vốn vào công ty, sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ, cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản; Các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
d. Quyền của cổ đông ưu đãi hoàn lại: Cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp bất cứ khi nào theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
7. Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.
Bản §iÒu lÖ cã thÓ ®îc söa ®æi, bæ sung theo nghÞ quyÕt cña Héi ®ång thµnh viªn Công ty trách nhiệm hữu hạn, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần theo đúng trình tự, quy định của Luật Doanh nghiệp.
8. Các nội dung khác do thành viên khi viết thêm vào trong Bản Điều lệ, các thành viên góp vốn, các cổ đông thoả thuận nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
[1] P. Trưởng phòng (Phụ trách pháp chế doanh nghiệp), Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Bộ Tư pháp kiêm P. Chánh Văn phòng CLB Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp.
[2] Điều 22 Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định nội dung Điều lệ công ty bao gồm: (1). Tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện; (2). Ngành, nghề kinh doanh; (3). Vốn điều lệ; cách thức tăng và giảm vốn điều lệ; (4). Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần; (5). Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần của cổ đông sáng lập, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại đối với công ty cổ phần; (6). Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần; (7). Cơ cấu tổ chức quản lý; (8). Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; (9). Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ; (10). Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên; (11). Những trường hợp thành viên có thể yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần; (12). Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh; (13). Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty; (14) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; (15). Họ, tên, chữ ký của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của người đại diện theo pháp luật, của chủ sở hữu công ty, của các thành viên hoặc người đại diện theo uỷ quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của người đại diện theo pháp luật, của các cổ đông sáng lập, người đại diện theo uỷ quyền của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần; (16). Các nội dung khác do thành viên, cổ đông thoả thuận nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
[3] Trước đây là Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân ngày 21 tháng 12 năm 1990 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công ty, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật doanh nghiệp tư nhân ngày 22 tháng 6 năm 1994; Luật Doanh nghiệp năm 1999; và nay hiện hành là Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Luật gia. Trần Minh Sơn
(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
(CÔNG TY LUẬT MINH KHUÊ sư tầm trên internet)
THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN: