Mục lục bài viết
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp sau:
1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại
Đây là loại tranh chấp phổ biến nhất thuộc thẩm quyền của trọng tài. Cụ thể, các bên tranh chấp là các thương nhân khi ký kết các hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng cung ứng dịch vụ để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng... có thể vi phạm quyền, nghĩa vụ và phát sinh tranh chấp. Tranh chấp này được các bên lựa chọn toà án hoặc trọng tài; và nếu lựa chọn họng tài, giữa họ phải có thỏa thuận đưa ra trọng tài giải quyết. Việc các bên lựa chọn trọng tài chính là trao thẩm quyền xét xử tranh chấp của mình cho trọng tài; và chỉ cần được các bên lựa chọn thông qua thỏa thuận họng tài, thỏa thuận trọng tài không vô hiệu (Điều 18 Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định các trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu) và có thể thực hiện được trên thực tế, trọng tài sẽ có thẩm quyền giải quyết. Như vậy, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài chỉ phụ thuộc vào loại tranh chấp và sự lựa chọn của các bên tranh chấp; không phụ thuộc vào lãnh thổ nơi bị đơn có trụ sở hoặc cư trú, không phụ thuộc vào cấp xét xử, cũng không phụ thuộc vào sự lựa chọn của một bên. Đây là điểm làm cho thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài khác với thẩm quyền giải quyết tranh chấp của toà án (Điều 30,31,35,36, 37, 38, 39,40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015), là ưu điểm của giải quyết tranh chấp thương mại tại trọng tài so với giải quyết tranh chấp thương mại tại Toà.
2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại
Ngoài thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các thương nhân với nhau phát sinh từ hoạt động thương mại, trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại. Đây là điểm mới của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 so với Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 và Nghị định số 25/2004/NĐ-CP ngày 15/01/2004 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Trọng tài thương mại; vì theo các văn bản này, trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên là cá nhân kinh doanh, tổ chức kinh doanh (Khoản 3 Điều 2 Pháp lệnh TTTM năm 2003, Điều 2 Nghị định số 25/2004/NĐ-CP). Theo quy định này, nhiều tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại nhưng chỉ có một bên là thương nhân hay tranh chấp phát sinh từ quan hệ đầu tư góp vốn của các tổ chức, cá nhân không có đăng ký kinh doanh sẽ không thuộc phạm vi thẳm quyền của Trọng tài thương mại; và như vậy sẽ hạn chế thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài. Do đó, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho trọng tài, để trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp giữa ít nhất một bên là thương nhân, có hoạt động thương mại là hợp lý, và sẽ giúp trọng tài thu hút được nhiều khách hàng hơn.
3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài
Trọng tài theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010 còn có thẳm quyền giải quyết các tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài. Quy định này đã làm thống nhất hệ thống pháp luật Việt Nam, giúp các quy định pháp luật đi vào thực tiễn. Cụ thể, trước Luật Trọng tài thương mại năm 2010, các văn bản pháp luật khác đã quy định về hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như: Luật Thương mại năm 2005 (khoản 3 Điều 317) quy định trọng tài là một trong bốn hình thức giải quyết tranh chấp thương mại mà các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp; Luật Đầu tư năm 2005 (Điều 12) cũng quy định trọng tài là một trong bốn hình thức giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam; Luật Doanh nghiệp năm 2005 (Điều 107) quy định trọng tài là một trong hai cơ quan có thẩm quyền xem xét, hủy bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp Luật định... Tuy nhiên, Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 không quy định trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp khác mà các Luật chuyên ngành có quy định. Do vậy, đây là điểm mới đáng ghi nhận của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 so với các văn bản pháp luật trước đây khi trọng tài có thẩm quyền giải quyết nhiều loại tranh chấp hơn, khiến hệ thống pháp luật đầy đủ và đồng bộ hơn.
Ngoài ra, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định thẩm quyền nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Cụ thể, Điều 17 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: Đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài, người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn trọng tài hoặc toà án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận. Quy định này dựa trên một thực tế là thông thường người tiêu dùng bị đặt ở vị thế có nhiều nguy cơ bị lạm dụng bởi các điều kiện và điều khoản trong hợp đồng in sẵn của người bán hàng hoặc người cung cấp dịch vụ, do vậy cần có quy định bảo vệ họ trong các tình huống cần thiết.
Tuy nhiên, theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010, trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp được quy định trên nếu các bên tranh chấp có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài có hiệu lực và có thể thực hiện được trên thực tế. Cụ thể, để trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, các bên tranh chấp phải có thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng hoặc một thỏa thuận riêng gắn liền với hiệu lực của hợp đồng về việc chọn trọng tài nào sẽ giải quyết tranh chấp cho mình. Thỏa thuận này có thể đạt được trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp, nhưng phải trước khi các bên đưa tranh chấp đến trọng tài. Thỏa thuận trọng tài phải không rơi vào một trong các trường hợp vô hiệu theo quy định của Điều 18 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, tức là không thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của trọng tài; (ii) Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; (iii) Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của bộ luật dân sự; (iv) Hình thức của thỏa thuận trọng tài không phù hợp với quy định của pháp luật; (v) Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thỏa thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu; (vi) Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật. Bên cạnh đó, thỏa thuận trọng tài phải thực hiện được trên thực tế, tức là khi phát sinh tranh chấp giữa các bên, cá nhân hoặc tổ chức trọng tài đã được lựa chọn phải có đủ điều kiện để giải quyết tranh chấp. Cá nhân Trọng tài viên không bị chết hay bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức trọng tài không bị giải thể, bị phá sản... được coi là có đù điều kiện để giải quyết tranh chấp giữa các bên.
Khi trọng tài có thẩm quyền giải quyết, nếu các bên tranh chấp đưa vụ tranh chấp đến toà án, toà án phải từ chối thụ lý và hướng dẫn các bên đến trọng tài. Quy định này thể hiện việc toà án tôn trọng quyền lựa chọn trọng tài trước đó của các bên, tôn trọng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài, tránh việc chồng chéo về thẩm quyền giữa toà án và trọng tài về giải quyết cùng một vụ tranh chấp phát sinh.
Tóm lại, thẩm quyền giải quyết ừanh chấp thương mại của trọng tài theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010 được mở rộng, trọng tài có thẩm quyền giải quyết nhiều loại tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại giữa các thương nhân với nhau, giữa ít nhất một bên là thương nhân hay các tranh chấp liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp, hoạt động đầu tư... mà các bên tranh chấp lựa chọn trọng tài. Thẩm quyền này không bị phụ thuộc về cấp xét xử, về trụ sở hay nơi cư trú của các bên, chỉ phụ thuộc vào loại tranh chấp, vào việc các bên lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp.