Trả lời: 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Khuê của chúng tôi, trường hợp của bạn được tư vấn như sau:

 

1. Giao dịch dân sự là gì ?

Theo quy định tại điều 116 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

Điều 116: Giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

 

1.1 Giao dịch dân sự là một sự kiện pháp lý

Giao dịch dân sự bao gồm hành vi pháp lý đơn phương hoặc đa phương ( hợp đồng) làm phát sinh hậu quả pháp lý. Tùy theo từng giao dịch cụ thể mà giao dịch đó làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch dân sự, trong đó thể hiện ý chí của một chủ thể nhằm phát sinh, thay đổi hoặc chám dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của mình hoặc của bên kia. Tuy nhiên, bên kia có thể tham gia hoặc không tham gia, giao dịch còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan hoặc khách quan.

 

1.2 Có thể làm thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự

Hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh hậu quả pháp lý khi những điều kiện của giao dịch do một bên đưa ra mà bên kia đáp ứng được các điều kiện đó. Ngược lại, hợp đồng dân sự là do sự thỏa thuận của các chủ thể về việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Hậu quả pháp lý của hợp đồng được phát sinh ngay sau khi các bên giao kết hợp đồng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác

Như vậy việc bạn 16 tuổi, đã có chứng minh nhân dân và bạn tiến hành đặt nhà nghỉ hoặc khách sạn: là việc bạn đang tham gia một giao dịch dân sự khi bạn 16 tuổi hay chính là việc tham gia giao kết hợp đồng dân sự.

Theo quy định của pháp luật dân sự cụ thể là Bộ luật dân sự năm 2015 khi bạn chưa thành niên ở đây là bạn 16 tuổi bạn có quyền tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trừ giao dịch liên quan đến bất động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự  khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Ở đây bạn đặt nhà nghỉ hay khách sạn là việc bạn tham gia giao dịch dân sự hay tham gia giao kết hợp đồng thuê nhà trong thời gian ngắn.

 

2. Người chưa thành niên có được giao dịch dân sự?

Vì giao dịch này có liên quan đến bất động sản nhưng không phải đăng ký cũng không cần phải sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật nên bạn được phép thực hiện giao dịch này, và người đại diện của bạn cũng không thể yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự đó vô hiệu được, cụ thể:

Điều 21. Người chưa thành niên:

1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Quy định này xác định khái niệm người chưa thành niên phụ thuộc vào độ tuổi. Theo đó người chưa thành niên là người có độ tuổi chưa đủ mười tám tuổi. Khái niệm này là cơ sở áp dụng đối với những trường hợp sử dụng thuật ngữ " người chưa thành niên" trong các quy định cụ thể của các văn bản là nguồn của luật dân sự, áp dụng điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực dân sự. Ví dụ như các quy định về người chưa thành niên tại điều 41 về Nơi cư trú của người chưa thành niên, điều 47 - Người được giám hộ, điều 586 - Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân,....

Điều 41: Nơi cư trú của người chưa thành  niên

1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Điều 47: Người được giám hộ

1. Người được giám hộ bao gồm:

a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;

b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;

c) Người mất năng lực hành vi dân sự;

d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

2. Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.

 

Điều 586: Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên được chia theo các khoản khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi. Theo đó, tất cả các giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi đều phải do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. Do đó, mọi giao dịch dân sự, kể cả việc mua các đồ dùng học tập, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, cá nhân chưa đủ sáu tuổi cũng không được tự mình thực hiện.

Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi đã bắt đầu có một phần năng lực hành vi dân sự. Những người này đã có thể bằng hành vi của mình xác lập, quyền và nghĩa vụ dân sự của mình trong một số trường hợp. Tuy nhiên, trong những trường hợp còn lại , họ chưa được quyền tự mình tham gia. Về cơ bản, hầu hết các giao dịch dân sự của những người này đều phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Những giao dịch dân sự phục vụ sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì những người này có thể tự mình xác lập, thực hiện bằng hành vi của mình.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự nói chung mà không cần sự xác lập, thực hiện hoặc đồng ý của người đại diện.

Như vậy, Bộ luật dân sự đã xác định khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của ngươi chưa thành niên trong độ tuổi từ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi là tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, đối với các giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và những giao dịch dân sự khác theo quy định của pháp luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý thì những cá nhân chưa thành niên này không tự mình xác lập và thực hiện. Ví dụ, 16 tuổi được thừa kế một căn nhà thì người này không được bán, trao đổi, tặng cho,... că nhà đó cho chủ thể khác khi chưa được sự đồng ý của người đại diện. Quy định này xuất phát từ yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính những người chưa thành niên này bởi các tài sản là động sản phải đăng ký hoặc bất động sản thường là các tài sản có giá trị lớn. Khi nhận thức và kinh nghiệm cuộc sống của những người chưa thành niên này chưa đầy đủ thì dễ dẫn tới bị lợi dụng hoặc bị xâm hại. Do đó, vai trò của những người đại diện trong các giao dịch này là hết sức cần thiết cho người chưa thành niên.

 

3. Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ 18 tuổi

- Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

- Quản lý tài sản của người được giám hộ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Theo điều 125 của Bộ luật dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017  về Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thực, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.

-  Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

- Giao dịch dân sự của người quy định tại khoản 1 Điều này không bị vô hiệu trong trường hợp sau đây:

  •  Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;
  •  Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;
  • Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi số: 1900.6162 để được giải đáp. Trân trọng./.