Mục lục bài viết
- 1. Điều khoản số lượng hàng hóa trong hợp đồng mua bán ngoại thương
- 2. Đơn vị tính số lượng
- 3. Phương pháp quy định số lượng
- 4. Quy định về người được quyền lựa chọn dung sau
- 5. Quy định về giá hàng của khoản dung sai về số lượng
- 6. Xác định thời hạn giao hàng trong điều khoản giao hàng
- 7. Địa điểm giao hàng
- 8. Phương thức giao hàng
- 9.Thông báo giao hàng
- 10. Những quy định khác trong điều khoản giao hàng
1. Điều khoản số lượng hàng hóa trong hợp đồng mua bán ngoại thương
Điều khoản số lượng hàng hóa trong hợp đồng mua bán ngoại thương là điều khoản của hợp đồng mua bán ngoại thương quy định về số lượng hàng hóa. Thông thường, số lượng hàng hóa có thể được thể hiện bằng số lượng cụ thể hoặc bằng số lượng có dung sai.
Trong điều khoản này các bên sẽ xác định rõ mặt lượng của hàng hóa được giao dịch. Khi quy định điều khoản số lượng trong hợp đồng, người mua, người bán thường quan tâm đến các vấn đề: đơn vị tính số lượng (hoặc trọng lượng) của hàng hóa, phương pháp quy định số lượng và phương pháp xác định khối lượng, các giấy tờ chứng minh.
2. Đơn vị tính số lượng
Đơn vị tính số lượng được các bên quan tâm niều vì trên thị trường thế giới có hai hệ thống đo lường quốc tế: Hệ thống đo lường mét hệ, hệ thống đo lường Anh – Mỹ. Mặt khác trong cùng một hệ thống đo lường, cùng một đơn vị đo lường nhưng khi mua bán các hàng hóa khác nhau cũng được đo lường khác nhau. Đôi khi một đơn vị đo lường nhưng ở các nước khác nhau thì cũng được hiểu khác nhau. Ví dụ 1 bao bông ở Braxin có khối lượng là 180kg, ở Ai Cập là 330kg
Hệ đo lường mét hệ
Hệ đo lường này được sử dụng ở các nước lục địa Châu Âu và các nước thuộc địa của các nước này trước đây ( Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Việt Nam, Lào,…).
– Đơn vị đo chiều dài: mm, cm (100 mm), 1m (1000 mm), 1 km(1000 m),…
– Đơn vị đo diện tích: mm2, cm2 (100 mm2), m2 (1000 cm2), km2 (10.000 m2),…
– Đơn vị đo khối lượng: g, kg (1000g), tạ (100 kg), tấn (1000 kg)…
Hệ đo lường Anh – Mỹ
Hệ đo lường này được sử dụng cho các nước Anh, Mỹ, Hồng Kông, Singapore,..
– Đơn vị đo chiều dài: inch ( = 2.54cm), foot (=12 inches = 0.304m), yard (=3 feet = 0,914m), mile (=1, 609km).
– Đơn vị đo diện tích: Square inch (6,4516 cm2), Square foot (2,2903 dm2), Square yard (0.836 m2), acre (0.40468 han).
– Đơn vị đo khối lượng: Grain (0,0648g), Dram (1,772g), Ounce (28,350 trong buôn bán thông thường và 31,1035 trong buôn bán vàng bạc), Short ton (907,184kg), Long ton (1.016,047 kg), Pound (453,59 g).
– Đơn vị tính số lượng tập hợp tá: Tá (12 cái), Gross (12 tá), hội, đôi,…
Vì vậy khi quy định mua bán bằng tấn theo hệ mét thì ghi trong hợp đồng mua bán là: MT, néu tính bằng hệ Anh – Mỹ thì ghi là LT hoặc ST.
3. Phương pháp quy định số lượng
Trong thực tiễn buôn bán quốc tế, người ta có thể quy định số lượng hàng hóa giao dịch bằng hai cách:
+ Bên bán và bên mua quy định cụ thể số lượng hàng hóa giao dịch
Ví dụ: 10 MT cà phê hạt hay 100 chiếc ôtô Honda…
Các quy định này thường áp dụng cho mặt hàng đếm được bằng các đơn vị cái, chiếc, hay khi mua bán các mặt hàng có số lượng nhỏ dễ cân đo đong đếm chính xác, hoặc mua bán ở Sở giao dịch hàng hóa.
Tuy nhiên cách quy định này sẽ gặp khó khăn khi số lượng hàng hóa lớn, phải thu gom tái chế. Vì vậy để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hợp đồng các bên sẽ sử dụng cách thứ hai.
+ Bên bán và bên mua quy định phỏng chừng về số lượng hàng hóa giao dịch.
Cách quy định số lượng phỏng chừng cho phép các bên có thể giao nhận hàng trong một khoảng chênh lệch nhất định. Khoảng chênh lệch đó gọi là dung sai.
Điều khoản số lượng quy định theo cách này có thể được thể hiện trong hợp đồng bằng cách ghi chữ “khoảng chừng” (about), xấp xỉ (approximately), “hơn hoặc kém” (more or less), +/- (cộng/ trừ) hoặc “từ….tấn mét đến…tấn mét”
Phạm vi của dung sai có thể được các bên xác định trong hợp đồng. Nếu không, nó được hiểu theo tập quán hiện hành đối với mặt hàng liên quan.
4. Quy định về người được quyền lựa chọn dung sau
Hợp đồng cũng có thể quy định về người được quyền lựa chọn dung sau. Trong thương mại quốc tế có 3 cách quy định:
– Dung sai do người bán chọn, vì người bán là người chuẩn bị hàng hóa
– Dung sai do người thuê tàu chọn
– Dung sai do người mua chọn
Vì vậy, khi bán hàng theo điều kiện FOB, FCA,…khả năng tranh chấp sẽ rất lớn so với bán hàng theo điều kiện CIF, CFR,…
5. Quy định về giá hàng của khoản dung sai về số lượng
Tuy nhiên, người ta còn thỏa thuận quy định về giá hàng của khoản dung sai về số lượng sao cho một trong hai bên không thể lợi dụng sự biến động của giá cả thị trường để làm lợi cho mình. Các quy định giá cũng có 3 cách:
+ Giá dung sai tính theo giá hợp đồng
+ Giá dung sai tính theo giá thị trường
+ Chia đôi cho cả 2 bên
Ngoài việc quy định dung sai về số lượng, người mua, người bán còn quan tâm đến địa điểm xác định số lượng và khối lượng.
Trong những trường hợp cần thiết, xuất phát từ bản chất tự nhiên của hàng hóa, người mua, người bán cũng có thể quy định một tỷ lệ miễn trừ (Franchise). Miễn trừ là tỷ lệ hao hụt cho phép nếu bên bán giao hàng nằm trong tỷ lệ này sẽ được miễn trách. Những mặt hàng thường có tỷ lệ miễn trừ: xăng dầu, bóng đèn, đồ tươi sống.
6. Xác định thời hạn giao hàng trong điều khoản giao hàng
Trong điều khoản giao hàng quy định thời hạn giao hàng là khi người bán phải hoàn thành việc giao hàng.
Trong buôn bán quốc tế, người ta có ba kiểu quy định thời hạn giao hàng như sau:
– Thời hạn giao hàng có định kỳ:
+ Hoặc giao vào một ngày cố định
+ Hoặc vào một ngày được coi là ngày cuối cùng của thời hạn giao hàng
+ Hoặc bằng một khoảng thời gian như quý, tháng
+ Hoặc bằng một khoảng thời gian nhất định tùy theo sự lựa chọn của một trong hai bên.
– Thời hạn giao hàng theo các thuật ngữ:
+ Giao nhanh (quick)
+ Giao ngay lập tức (inmendately)
+ Giao càng sớm càng tốt (as soon as possible)
+ Giao gấp (prompt),…
Nếu thanh toán bằng L/C thì theo quy định tại Điều 3 của UCP 600 (ICC – Uniform Customs and Pracitise for Documentery Credits) thì các cách quy định trên sẽ không được ngân hàng chấp nhận. Còn theo cách hiểu của các hãng trong các hợp đồng mẫu theo từng loại hàng hóa cũng không giống nhau.
Ngoài ra còn có các thuật ngữ: Giao vào ngày (on or about), nửa đầu tháng (first half of a month), nửa cuối tháng (second half of a month),…Những thuật ngữ này nếu thanh toán bằng L/C chúng ta sẽ tìm thấy lời giải thích tại điều 3 UCP-600.
– Thời hạn giao hàng không định kỳ:
+ Giao hàng cho chuyến tàu đầu tiên (shipment by first available steamer)
+ Giao hàng khi nào có khoang tàu (subject to shipping space available)
+ Giao hàng sau khi nhận được L/C (subject to opening of L/C)
+ Giao hàng khi nào xin được giấy phép xuất khẩu (subject to export license).
7. Địa điểm giao hàng
Trong buôn bán quốc tế, người ta phân biệt các phương pháp sau đây về quy định địa điểm giao hàng:
(1) Quy định ga – cảng giao hàng, cảng ga đến, cảng ga thông quan
Cách quy định này chủ yếu giúp cho các bên chủ động trong kiểm tra giám sát trong quá trình giao nhận hàng, tìm hàng thất lạc,..
(2) Quy định một cảng (ga) khẳng định hay nhiều cảng (ga) lựa chọn
Nếu quy định một cảng giao nhận hàng sẽ rất dễ bị động và phát sinh tranh chấp và các loại chi phí do sự thay đổi cảng giao nhận hàng. Ví dụ, hợp đồng quy định bán FOB Hải Phòng, nhưng sau này hàng được tập trung tại cảng Hậu Giang. Khi đó người bán sẽ giải quyết theo một trong hai cách sau: cách thứ nhất là chuyển toàn bộ hàng ra Hải Phòng, làm như vậy chi phí phát sinh rất lớn; cách thứ hai là điều tàu cảu người mua vào cảng Hậu Giang, khi đó người mua sẽ đòi người bán trả tiền cho tàu do đi chệch cảng và các chi phí phát sinh khác.
Để tránh những vướng mắt, khó khăn như trên, người ta sẽ quy định hiều cảng để sau này dễ lựa chọn.
8. Phương thức giao hàng
Thực tiễn giao hàng trong mua bán hàng hóa làm nảy sinh nhiều phương thức giao hàng. Người ta có thể quy định việc giao nhận được tiến hành ở một nơi nào đó là giao nhận sơ bộ hoặc giao nhận cuối cùng. Việc giao nhận sơ bộ thường được tiến hành ở ngay địa điểm sản xuất hàng hóa hoặc nơi gửi hàng.
Việc giao nhận cuối cùng có mục đích xác nhận việc người bán hoàn thành nghĩa vụ giao hàng về các mặt số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng. Qua đó, hai bên thừa nhận các kết quả kiểm tra hàng hóa đã lấy được ở nơi giao nhận cuối cùng.
Người ta có thể quy định việc giao nhận được tiến hành ở một địa điểm nào đó là việc giao nhận về số lượng hoặc là việc giao nhận về chất lượng.
Ngoài ra trong hợp đồng các bên cũng cần quy định hàng giao trong bao kiện hay hàng giao rời. Trong thực tiễn thương mại quốc tế hàng giao rời thường dáp dụng với các loại hạt, các loại quặng, thức căn gia súc, xi măng,…
9.Thông báo giao hàng
Trước khi giao hàng, thường có những thông báo của người bán về việc hàng đã sẵn sàng để giao hoặc về ngày đe hàng ra cảng để giao hàng. Việc làm này sẽ giúp cho người mua có thông tin để đi thuê phương tiện vận chuyển, chuẩn bị mở L/C, chuẩn bị cơ sở vật chất để nhận hàng,…
Nhận được thông báo giao hàng của người bán, người mua có thể có những thông tin hướng dẫn người bán trong việc gửi hàng hoặc về chi tiết của tàu đến nhận hàng. Sau khi giao hàng, người bán phải thông báo tình hình hàng hóa đã giao và kết quả việc giao hàng để giúp người mua đi mua bảo hiểm.
Ngoài ra, nhiều khi người ta còn quy định việc thông báo trước khi tàu vào cảng dỡ hàng. Để thực hiện các nội dung trên trong bản hợp đồng, các bên phải quy định: cách thức thông báo, thời hạn thông báo, nội dung thông báo,…
10. Những quy định khác trong điều khoản giao hàng
Ngoài những vấn đề nêu trên, trong điều kiện giao dịch, căn cứ vào nhu cầu của bên mua, vào khả năng của bên bán và vào những đặc điểm của hàng hóa, người ta còn có những quy định đặc biệt như:
– Với hàng hóa có khối lượng lớn, người ta có thể quy định “cho phép giao hàng từng đợt” (partial shipment allowed) hoặc buộc phải “giao hàng một lần” (total shipment).
– Nếu trên dọc đường đi cần phải thay đổi phương tiện vận chuyển, người ta có thể quy định “cho phép chuyển tải” (trainshipment allowed).
– Nếu cảng gửi hàng ở gần cảng đến, khi hành trình của giấy tờ lại chậm hơn hành trình của hàng hóa, người ta có thể quy định “vận đơn đến chậm được chấp nhận“ (stale B/L acceptable).
Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.