1. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau?

Xin chào Công ty Luật Minh Khuê, tôi có vướng mắc mong luật sư công ty Luật Minh Khuê tư vấn giúp: tôi có được công ty tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2005 đến nay. Vậy cho tôi hỏi theo quy định của pháp luật mới nhất hiện hành thì điều kiện hưởng chế độ ốm đau có thay đổi gì không?
Mong sớm nhận được tư vấn của các luật sư, tôi xin chân thành cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn luật Lao động về chế độ ốm đau, gọi: 1900.6162

 

Luật sư tư vấn:

Như thông tin bạn cung cấp, bạn được công ty tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2005 đến nay, tức là bạn đã làm việc cho doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước từ đó cho đến nay và bạn được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo đó, bạn thuộc đối tượng được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Điều kiện hưởng chế độ ốm đau căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:

"1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.

2. Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền."

Như vậy, người lao động được hưởng chế độ ốm đau nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

Một là, người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Hai là, người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Ba là, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong hai trường hợp trên.

Không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau đây:

- Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy.

- Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

 

2. Các trường hợp không được hưởng chế độ ốm đau?

Chào luật sư, tôi là quản lý nhân sự của công ty tôi muốn biết theo quy định của pháp luật hiện hành thì những trường hợp nào không được hưởng chế độ ốm đau?
Mong sớm nhận được phản hồi của luật sư, xin cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn quy định về chế độ ốm đau, gọi ngay: 1900.6162

 

Trả lời:

Căn cứ theo Điều 24 và Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau thì đối tượng áp dụng chế độ ốm đau gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Điều kiện hưởng chế độ ốm đau gồm một trong các điều kiện sau:

- Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

- Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

- Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp trên.

Không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau đây theo quy định tại Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH:

- Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất và Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất.

- Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Xem thêm: Thông tư 59/2015/T-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc

 

3. Thời gian giải quyết chế độ ốm đau?

Xin chào luật sư ? Em muốn hỏi về chế độ thai sản. Năm 2014 em có tham gia đóng bảo hiểm ở công ty A từ tháng 8-12 sau đó em chuyển sang công ty B, qua thời gian thử việc từ 12/1/2015 đến 28/02/2015. Trong thời gian thử việc công ty không đóng bảo hiểm cho nên bị gián đoạn tháng 3.
Hết thời gian thử việc nhưng trùng vào dịp tết cộng với việc người viết hợp đồng nhầm ngày từ tháng 3 sang tháng 4 nên từ tháng 1-3 em bị gián đoạn không tham gia bảo hiểm. Đến tháng 4 em bắt đầu đóng và đến tháng 10/2015. Ngày 16/9/2015 tôi sinh em bé, theo luật bảo hiểm thì tôi đóng đủ 6 tháng liền kề là được hưởng chế độ thai sản nhưng đến nay bảo hiểm vẫn chưa thanh toán tiền thai sản cho tôi như vậy là đúng hay sai ?
Xin cảm ơn!

>> Tư vấn luật lao động trực tuyến, gọi:1900.6162

 

Luật sư tư vấn:

- Căn cứ Điều 102 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định giải quyết chế độ ốm đau, thai sản như sau:

"Điều 102. Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản

1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

3. Trách nhiệm giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội:

a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.

4. Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do."

Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp, nếu thời gian bên bảo hiểm xã hội chi trả quá lâu không đúng theo thời gian giải quyết nêu trên thì bạn có quyền khiếu nại Theo Khoản 8 Điều 18 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về quyền của NLĐ như sau:

" 8. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật."

>> Tham khảo bài viết liên quan: Thời gian giải quyết và phương thức thanh toán chế độ thai sản?

 

4. Thời gian hưởng chế độ ốm đau?

Chào luật sư, Em làm việc theo ca, em được hưởng bhxh ốm đau vào 2 ngày hành chính. Nhưng 1 trong 2 ngày đó là ngày off ca của em. Bên bhxh chỉ thanh toán cho em 1 ngày, và nói ngày còn lại mặc dù là ngày hành chánh nhưng là ca off của em nên em không được hưởng. Nếu trường hợp em làm ca vào thứ 7, CN mà bị ốm thì đâu được hưởng bhxh (ca thứ 7, CN tính bình thường ). Cho em hỏi bên bhxh đúng hay sai ? Giải thích dùm em ?
Em cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn luật lao động trực tuyến, gọi:1900.6162

 

Trả lời:

Căn cứ Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 của Quốc hội:

"Điều 26. Thời gian hưởng chế độ ốm đau

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

3. Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 của Luật này căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền."

Căn cứ khoản 1 Điều 4 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc:

"Điều 4. Thời gian hưởng chế độ ốm đau

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm quy định tại khoản 1 Điều 26 của Luật bảo hiểm xã hội được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định của pháp luật về lao động. Thời gian này được tính kể từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch, không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

Ví dụ 1: Ông D là công nhân may, chế độ làm việc theo ca; ông D được bố trí ngày nghỉ hàng tuần như sau: tuần từ ngày 04/01/2016 đến ngày 10/01/2016 vào ngày thứ Tư ngày 06/01/2016, tuần từ ngày 11/01/2016 đến ngày 17/01/2016 vào ngày thứ Sáu ngày 15/01/2016. Do bị ốm đau bệnh tật, ông D phải nghỉ việc điều trị bệnh từ ngày 07/01/2016 đến ngày 17/01/2016.

Thời gian hưởng chế độ ốm đau của ông D được tính từ ngày 07/01/2016 đến ngày 17/01/2016 là 10 ngày (trừ 01 ngày nghỉ hàng tuần là ngày thứ Sáu ngày 15/01/2016)"

Như vậy theo quy định trên thì thời gian tính để nghỉ chế độ ốm đau là ngày làm việc mà thời gian làm ca cũng được tính là ngày làm việc nên trường hợp này nếu vào ngày ca của bạn nhưng ca đó không vào nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ tết thì bạn vẫn được tính là thời gian hưởng chế độ ốm đau.

 

5. Hưởng chế độ ốm đau đối với cán bộ xã?

Theo thông tin của bạn, đối tượng xin nghỉ ốm ở đây là cán bộ xã. Luật cán bộ, công chức 2008 quy định:

"Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội".

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014, cán bộ là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chính vì vậy, trong trường hợp này cán bộ xã bạn nghỉ ốm được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014. Khoản 2 Điều 168 Bộ luật lao động 2019 quy định:

"2. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác."

Như vậy, trong trường hợp này cơ quan, đơn vị của bạn sẽ không có nghĩa vụ trả lương cho người lao động đang hưởng chế độ ốm đau mà cơ quan bảo hiểm sẽ có nghĩa vụ chi trả chế độ cho người lao động, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động tại Điều 21 như sau:

"1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

3. Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

4. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.

5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

6. Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.

7. Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

8. Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật này".

Như vậy dù không có nghĩa vụ chi trả tiền lương cho cán bộ đang nghỉ chế độ ốm đau nhưng cơ quan bạn vẫn phải phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Về thời gian hưởng và mức hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hộ bắt buộc, Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định chi tiết tại mục I chương III. Theo đó, thời gian hưởng chế độ ốm đau được quy định tại Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

"1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

3. Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 của Luật này căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền."

Như vậy trong trường hợp này, tùy vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động mà luật quy định thời gian tối đa người lao động được hưởng chế độ ốm đau trong một năm. Người lao động nghỉ việc do phải điều trị những bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày thì có thể tiếp tục được hưởng chế độ ốm đau với mức thấp hơn khi đã hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau. Do vậy, trường hợp cán bộ tại cơ quan bạn nếu đáp ứng những điều kiện luật định vẫn có quyền được nghỉ quá số ngày quy định tối đa trong năm và được hưởng chế độ bảo hiểm với mức thấp hơn.

Về mức hưởng chế độ ốm đau, Luật bảo hiểm xã hội 2014 tại Điều 28 quy định như sau:

"1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.

2. Người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật này thì mức hưởng được quy định như sau:

a) Bằng 65% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên;

b) Bằng 55% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

c) Bằng 50% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.

3. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

4. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày".

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo Thông tư 59/2015/TT- BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc để nắm bắt một cách rõ ràng hơn quy định của pháp luật về vấn đề này.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.