Mục lục bài viết
1.Khái niệm trọng tài thương mại là gì ?
Trọng tài thương mại theo khoản 1 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010 được định nghĩa là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận. Việc tiến hành giải quyết tranh chấp phải tuân thủ theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010. Các tranh chấp ở đây là tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại hoặc tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Phương thức giải quyết bằng trọng tài đơn giản, linh hoạt theo thỏa thuận của các bên giúp cho quá trình giải quyết tranh chấp nhanh chóng. Trung tâm trọng tài thường tổ chức theo cơ cấu bao gồm ban điều hành, ban thư ký và các trọng tài viên của trung tâm. Bộ máy của trung tâm trung tài đơn giản, gọn nhẹ. Ban điều hành của trung tâm trọng tài gồm có chủ tịch, một hoặc các phó chủ tịch và có thể có tổng thư ký do chủ tịch trung tâm trọng tài cử. Chủ tịch trung tâm trọng tài là trọng tài viên. Trung tâm trọng tài có danh sách trọng tài viên. Các trọng tài viên tham gia vào việc giải quyết tranh chấp khi được chọn hoặc chỉ định.
2. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Pháp luật hiện hành có nhiều quy định về việc giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài thương mại, như Luật Dầu khí năm 1993, Luật Giao thông thủy nội địa năm 2004, Luật Thương mại năm 2005, Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005, Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, Luật Bảo vệ quyền lợi ngưòi tiêu dùng năm 2010, Luật Bưu chính năm 2010, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015, ...
Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại là một cơ chế thích hợp nhất, vì nó nhanh chóng, bí mật, linh hoạt, chính xác, ít tốn kém. Trung tâm Trọng tài thương mại chỉ là một định chế phi chính phủ, nhưng có chức năng như Toà án, thay mặt Nhà nước phân xử đúng sai tương tự như Toà án. Các Trung tâm Trọng tài thương mại không chỉ giúp các doanh nghiệp, mà còn giúp cả Nhà nước trong việc vận hành có hiệu quả nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, cho đến nay, Trọng tài thương mại mới chĩ chia sẻ được một phần rất ít ỏi “gánh nặng” với Toà án trong việc giải quyết tranh chấp thương mại. Giai đoạn từ năm 1990 đến 30/6/1994, việc giải quyêt tranh chấp kinh tế do Trọng tài kinh tế đảm nhiệm theo quy định của Pháp lệnh trọng tài kinh tế năm 1990.
Từ 01/7/1994, chức năng giải quyết tranh chấp kinh tế do Toà kinh tế, Toà án nhân dân đảm nhiệm. Đồng thời, các bên có thêm một sự lựa chọn nữa là có thể giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài kinh tế theo quy định tại Nghị định số 116/CP ngày 05/9/1994 của Chính phủ về “Tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tể” và sau đó là Trung tâm Trọng tài thương mại theo quy định tại Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Tuy Pháp lệnh quy định, phán quyết của Trọng tài có hiệu lực bắt buộc các bên phải thi hành, nhưng nếu không thi hành thì lại không có cơ chế cưỡng chế bắt buộc thi hành như đối với bản án, quyết định của Toà án. Vì vậy, trong giai đoạn này phán quyết của Trọng tài gần như không có hiệu lực trên thực tế và các bên rất hiếm khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài kinh tế hay Trọng tài thương mại.
Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã mỏ rộng và xác định rõ phạm vi thẩm quyền của Trọng tài thương mại trong nhiều loại tranh chấp liên quan đến kinh doanh (gồm tranh chấp giữa các bên phát sính từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên, trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài thương mại như tranh chấp hợp đồng vay vốn với mục đích tiêu dùng).
Đến tháng 5/2018 có 14 Trung tâm trọng tài thương mại, trong đó nổi bật là Trang tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), được thành lập theo Quyết định số 204/TTg ngày 28/4/1993 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở hợp nhất Hội đồng Trọng tài Ngoại thương (thành lập năm 1963) và Hội đồng Trọng tài Hàng hải (thành lập năm 1964).
3. Điều kiện để giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có thể được các bên thỏa thuận trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp tùy từng trường hợp. Thỏa thuận trọng tài được thể hiện ở dạng một điều khoản của hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng, nhưng bắt buộc thỏa thuận phải được lập thành văn bản. Các hình thức thỏa thuận dưới đây cũng được xem là xác lập dưới dạng văn bản:
Thỏa thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin giữa các bên.
Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên.
Trong giao dịch của các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng cứ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác.
Qua trao đổi về đơn khởi kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận của một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.
Tuy nhiên đối với các trường hợp dưới đây, thỏa thuận trọng tài sẽ bị vô hiệu:
Thỏa thuận trọng tài được xác lập để giải quyết tranh chấp không thuộc lĩnh vực quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài Thương mại 2010.
Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Người xác lập không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền.
Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.
Hình thức của thỏa thuận không phù hợp với các quy định được nêu ở trên.
Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thỏa thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu.
Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.
4. Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thỏa thuận
Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thỏa thuận Trọng tài bằng văn bản trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Một trong những vướng mắc lớn nhất là Trọng tài thương mại chỉ giải quyết tranh chấp khi có thỏa thuận của các bên; do đó nếu vụ việc tranh chấp có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người thứ ba, thì không triệu tập và ra phán quyết được về phần đó.
Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định “trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khỗi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được”. Tuy nhiên, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lại có hướng dẫn, trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Toà án thì vụ án được khởi kiện trước ỏ cơ quan nào, sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan đó.
Tóm lại, nếu các bên chỉ thỏa thuận việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại thì phải đưa tranh chấp ra Trọng tài giải quyết. Nếu các bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng cả Trọng tài và Toà án thì có thể lựa chọn một trong hai cơ quan này để giải quyết tranh chấp. Phán quyết Trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành; đồng thời được Nhà nước bảo đảm việc cưỡng chế thi hành như đối với bản án, quyết định của Toà án.
Ngoài ra, với quy định hiện hành, còn tiềm ẩn nguy cơ Toà án hủy phán quyết Trọng tài thương mại vì những lý do không xác đáng. Đặc biệt, là bản án hủy phán quyết Trọng tài là chung thẩm, không được xem xét lại theo trình tự phúc thẩm như đối với bản án, quyết định khác của Toà án. Và sau khi phán quyết Trọng tài thương mại bị hủy, lại không buộc phải giải quyết tiếp bằng tố tụng trọng tài, mà lại cho phép đương sự quay sang giải quyết tranh chấp tại Toà án.
5. Ưu điểm của giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài
Thứ nhất, tạo được sự linh hoạt, thuận lợi, chủ động cho các bên khi không phải tham gia qua nhiều cấp xét xử. Các bên được tự do lựa chọn thủ tục tố tụng và thủ tục tố tụng của trọng tài cũng đơn giản hơn so với thủ tục tố tụng tại Tòa án.
Thứ hai, phán quyết của trọng tài khách quan và có độ tin cậy cao vì các bên được toàn quyền tự lựa chọn trọng tài viên. Việc chỉ định trọng tài viên giúp các bên chọn được trọng tài viên kinh nghiệm, có uy tín, kiến thức sâu rộng về vấn đề tranh chấp.
Thứ ba, nguyên tắc giải quyết tranh chấp của trọng tài không công khai giúp các bên bảo vệ được uy tín của mình và các bí mật kinh doanh.
Thứ tư, quyết định của trọng tài có giá trị chung thẩm, bắt buộc thi hành với các bên, các bên không có quyền kháng cáo hay kháng nghị. Đây là điểm khác biệt và cũng là ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với Tòa án.
Các hình thức trọng tài thương mại
Trọng tài vụ việc
Đây là hình thức trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ việc và sẽ không còn tồn tại khi vụ việc đã được giải quyết xong. Đặc trưng cơ bản của trọng tài vụ việc bao gồm:
- Được thành lập khi các tranh chấp phát sinh và tự chấm dứt hoạt động khi giải quyết xong tranh chấp.
- Không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành, không có danh sách trọng tài viên. Trọng tài viên được các bên có tranh chấp chỉ định có thể là người có tên trong hoặc ngoài danh sách trọng tài viên của bất kỳ một trung tâm trọng tài nào.
- Quy tắc tố tụng để giải quyết tranh chấp có thể do các bên thỏa thuận xây dựng hoặc lựa chọn từ bất kỳ một quy tắc tố tụng nào của các trung tâm trọng tài khác.
Trọng tài thường trực
Đây là hình thức trọng tài được tổ chức khá chặt chẽ, có bộ máy, trụ sở làm việc thường xuyên, thường có danh sách các trọng tài viên hoạt động theo điều lệ và quy tắc tố tụng riêng. Đa số các tổ chức trọng tài lớn, có uy tín trên thế giới đều được thành lập theo mô hình này dưới những tên gọi như trung tâm trọng tài, ủy ban trọng tài, viện trọng tài,… nhưng chủ yếu và phổ biến được tổ chức dưới dạng các trung tâm trọng tài.