Mục lục bài viết
- 1. Thủ tục mở văn phòng dịch vụ ký gửi nhà đất, môi giới bất động sản?
- 2. Công chức có được cấp chứng chỉ môi giới bất động sản?
- 3. Điều kiện mở cơ sở đào tạo môi giới, định giá và quản lý sàn giao dịch bất động sản?
- 4. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản?
- 5. Mức phạt hành chính đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản ?
1. Thủ tục mở văn phòng dịch vụ ký gửi nhà đất, môi giới bất động sản?
Luật sư trả lời:
Theo Luật kinh doanh bất động sản 2014 quy định thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản theo thủ tục thành lập doanh nghiệp thông thường, cụ thể:
– Lựa chọn loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản;
– Chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp: Phụ thuộc vào loại hình mà bạn lựa chọn thì hồ sơ thành lập sẽ khác nhau. (Công ty Cổ phần, Công ty TNHH,…)
– Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét hồ sơ đăng ký kinh doanh và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ; nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
– Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các quy định dưới đây thì mới có thể tiến hành hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.
*Trước khi bắt tay vào thực hiện thủ tục thành lập văn phòng môi giới nhà đất, bạn cần chuẩn bị các vấn đề sau:
+ Vốn kinh doanh: Vốn kinh doanh là yếu tố cơ bản của mọi lĩnh vực kinh doanh. Vốn chuẩn bị để thành lập văn phòng môi giới nhà đất sẽ dùng vào việc xây dựng trụ sở, thuê mua văn phòng, chi phí quảng bá, thuê nhân sự …
+ Thành viên sang lập, nhân sự làm việc trong văn phòng.
+ Chứng chỉ hành nghề: Thành viên góp vốn, người được thuê quản lý văn phòng cần phải có Chứng chỉ môi giới bất động sản do Sở xây dựng cấp
+ Thành viên thành lập văn phòng môi giới nhà đất có kiến thức về lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quản lý công ty môi giới bất động sản.
+ Chuẩn bị văn phòng, thiết bị máy móc, dụng cụ…
Đầu tiên, điều kiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản được quy định tại Điều 62 Luật kinh doanh bất động sản 2014như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập nhưng phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản.”
Như vậy theo quy định của Điều luật trên thì tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản hoặc là cá nhân có quyền kinh doanh môi giới bất động sản độc lập nhưng phải có chứng chỉ hành nghề và đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật. Theo đó kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản sẽ không bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp mà cá nhân có chứng chỉ hành nghề cũng có thể hoạt động môi giới độc lập.
Thứ hai, bên cạnh quy định trên, pháp luật cũng có quy định về điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản tại khoản 1 Điều 68 Luật kinh doanh bất động sản 2014 như sau:
“1. Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên;
c) Đã qua sát hạch về kiến thức môi giới bất động sản.”
Theo quy định của điều luật trên thì cá nhân sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản khi có đầy đủ các điều kiện đó là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có trình độ tố nghiệp trung học phổ thông trở lên và đã qua sát hạch về kiến thức môi giới bất động sản. Bên cạnh đó cũng theo quy định của điều luật này thì chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản sẽ có thời hạn sử dụng là 05 năm.
*Thủ tục thành lập văn phòng môi giới nhà đất như sau:
+ Nộp hồ sơ thành lập văn phòng môi giới nhà đất tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư của tỉnh/ thành phố nơi văn phòng đặt trụ sở chính.
+ Sau 07 ngày làm việc, bạn sẽ nhận được bộ hồ sơ gồm giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
+ Văn phòng của bạn có thể đi vào hoạt động kinh doanh ngay sau khi đã hoàn tất thủ tục thành lập văn phòng môi giới nhà đất.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính về việc cấp phép thành lập văn phòng môi giới nhà đất bao gồm:
+ Sở kế hoạch và Đầu tư nơi văn phòng đặt trụ sở chính;
+ Công an tỉnh, thành phố nơi công ty đặt trụ sở;
+ Chi cục thuế quản lý thuế;
+ Tổng cục thuế cấp mã số thuế;
+ Ngân hàng mở tài khoản của văn phòng;
+ Các cơ quan khác nếu có phát sinh;
Để thành lập văn phòng môi giới nhà đất, cần đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật: Tổ chức, cá nhân thành lập công ty môi giới nhà đất phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề, có kiến thức chuyên môn để thực hiện điều hành và thực hiện các hoạt động của mình. Phải là người có kiến thức chuyên môn tốt mới có khả năng thực hiện điều hành và làm việc.
Thường thì khi thành lập công ty môi giới bất động sản, chủ doanh nghiệp thường chọn tư cách pháp nhân là công ty TNHH. Thủ tục thành lập văn phòng môi giới bất động sản cũng không quá phức tạp. Thời gian xử lý nhanh (7 ngày). Ngoài chứng chỉ môi giới bất động sản là giấy tờ cần thiết mà doanh nghiệp cần chuẩn bị trước, còn đối với những giấy tờ còn lại cũng rất đơn giản và ban hoàn toàn có thể không cần nhờ đến Luật sư làm việc này.
2. Công chức có được cấp chứng chỉ môi giới bất động sản?
Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số: 1900.6162
Trả lời:
Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014quy định về điều kiện và hồ sơ cấp chứng chỉ môi giới bất động sản như sau:
Điều 68. Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản
1. Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên;
c) Đã qua sát hạch về kiến thức môi giới bất động sản....
Người xin cấp chứng chỉ môi giới bất động sản nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ tại cơ quan có thẩm quyền do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và cấp chứng chỉ trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp hồ sơ thiếu hoặc không hợp lệ thì phải trả lời bằng văn bản cho người xin cấp chứng chỉ biết rõ lý do trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Lệ phí cấp chứng chỉ là 200.000 đồng. Chứng chỉ được cấp có giá trị sử dụng trong phạm vi cả nước.
3. Điều kiện mở cơ sở đào tạo môi giới, định giá và quản lý sàn giao dịch bất động sản?
Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số: 1900.6162
Trả lời:
Căn cứ tại Điều 4 Nghị định số 79/2016/NĐ-CP cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới, định giá bất động sản và quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản phải có đủ các điều kiện sau đây:
Điều 4. Điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản
Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Là tổ chức được thành lập và hoạt động tại Việt Nam; có chức năng giáo dục nghề nghiệp hoặc đào tạo cao đẳng, đại học hoặc đào tạo sau đại học theo quy định của pháp luật.
2. Có cơ sở vật chất, phòng học bảo đảm đủ chỗ ngồi cho học viên và có địa điểm để học viên thực hành về kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản.
3. Có giáo trình hoặc tài liệu giảng dạy phù hợp với chương trình khung đào tạo bồi dưỡng do Bộ Xây dựng ban hành.
4. Có tối thiểu 30% số giảng viên trong biên chế hoặc có hợp đồng không xác định thời hạn (có đóng bảo hiểm) trên tổng số giảng viên đăng ký tham gia giảng dạy phù hợp với chương trình khung đào tạo bồi dưỡng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
>> Tham khảo dịch vụ: Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
4. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản?
Kính chào công ty Luật Minh Khuê, công ty cho em hỏi điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản?
Luật sư tư vấn luật Đất đai điện thoại gọi số: 1900.6162
Trả lời:
Về vấn đề của này, Bộ xây dựng đã có Công văn 228/BXD-QLN (23/09) có ý kiến như sau:
Điều 4 Nghị định số 79/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư, kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 của Chính phủ đã quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản như sau: “Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản phải có giáo trình hoặc tài liệu giảng dạy phù hợp với chương trình khung đào tạo bồi dưỡng do Bộ Xây dựng ban hành”.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 28/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016 của Bộ Xây dựng quy định về việc công khai thông tin về cơ sở đào tạo và Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 10/2018/TT-BXD ngày 26/12/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Thông tư, trong đó có Thông tư số 28/2016/TT-BXD thì: “Khi đáp ứng đủ điều kiện được tổ chức đào tạo theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP, cơ sở đào tạo cung cấp thông tin theo quy định tại Khoản 2 Điều này cho Sở Xây dựng nơi đặt trụ sở chính, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản. Sở Xây dựng nơi cơ sở đào tạo đặt trụ sở chính và Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản có trách nhiệm đăng tải công khai các thông tin của cơ sở đào tạo trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị mình để phục vụ công tác quản lý”.
Như vậy, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản không có quy định về thủ tục công nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản; do đó các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản không phải thực hiện thủ tục này. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản khi hoạt động ngoài việc phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định nêu trên, còn phải tuân thủ các quy định về việc công khai thông tin về cơ sở đào tạo theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 28/2016/TT-BXD nêu trên của Bộ Xây dựng.
>> Tham khảo dịch vụ: Luật sư tư vấn tách thửa đất đai
5. Mức phạt hành chính đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản ?
Môi giới bất động sản được hiểu là hoạt động của bên thứ 3 (cá nhân hoặc tổ chức) với mục đích giới thiệu, giải quyết những vấn đề liên quan giữa các bên: bên bán, cho thuê với bên mua, bên thuê trong giao dịch như mua, bán, cho thuê, cho thuê lại bất động sản… với khoản phí theo hợp đồng môi giới.
Như vậy, bản thân bên môi giới phải là người chủ động trong các giao dịch liên quan đến bất động sản: họ làm nhiệm vụ kết nối giữa bên bán, cho thuê với bên mua, cần thuê từ việc gặp gỡ, trao đổi, thương thảo cho đến khi kết thúc giao dịch.
Trước khi hoạt động môi giới diễn ra thì bên môi giới phải tiếp xúc với khách hàng của mình để nắm được nhu cầu của khách hàng và khả năng tài chính thực sự của họ. Đây là khâu cần thiết trong bất kỳ hoạt động môi giới nào. Bằng kinh nghiệm, khả năng phân tích, phán đoán hoặc sự nhạy cảm nghề nghiệp bên môi giới có thể xác định được độ khả thi của kết quả môi giới đến đâu giúp cả 3 bên (bên môi giới, bên bán, cho thuê và bên mua, thuê) tiết kiệm được thời gian, cũng như các khoản chi phí không cần thiết khác…
Để trở thành nhà môi giới thành công, có thương hiệu, uy tín lớn, ngoài sự am hiểu về kiến thức pháp luật liên quan đến bất động sản như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, các dự án quy hoạch, kiến thức phong thủy… thì họ cần phải chứng tỏ cho khách hàng biết khả năng nhạy bén thị trường của mình cũng như sự hiểu biết kiến thức thông qua việc tư vấn cho khách hàng (bên mua, bên thuê) các khoản vay tín dụng có hỗ trợ lãi suất từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng… Đây là điều mà bất kỳ khách hàng nào khi tham gia giao dịch cũng mong muốn có được từ các nhà môi giới và tạo ra điểm khác biệt giữa môi giới bất động sản chuyên nghiệp và các loại hình môi giới khác. Chính nhà môi giới là người cung cấp thông tin về pháp luật, chính sách của Nhà nước một cách đầy đủ và trung thực cho khách hàng từ việc dự án quy hoạch xây dựng như thế nào cho đến những những chính sách pháp luật mới thay đổi ảnh hưởng đến thị trường bất động sản ra sao? Sự linh hoạt nhạy bén cùng với sự trung thực của nhà môi giới sẽ tạo nên uy tín, thương hiệu cũng như sự tin cậy từ phía khách hàng. Tực tế thời gian qua một số nhà môi giới đã làm rất tốt, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh bất động sản ở nước ta sôi động hơn. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số yếu kém cần phải thay đổi.
Tình trạng nhà đầu tư hiểu biết về kiến thức pháp luật liên quan đến bất động sản và khả năng ứng biến đối với thị trường chưa cao, khiến thị trường bất động sản nước ta có lúc phát triển quá “nóng”, sốt ảo cục bộ có lúc lại đóng băng ảm đạm. Đây là điều kiện để những người môi giới thiếu chuyên nghiệp trục lợi, làm xáo trộn thị trường. Tình trạng nhà nhà làm môi giới, người người làm môi giới diễn ra trong thời gian vừa qua đã làm thị trường có lúc chệch hướng, không phản ánh đúng thực trạng. Các văn phòng nhà đất, trung tâm dịch vụ bất động sản mọc lên như nấm… Những khách hàng kém nắm bắt thông tin không ít lần rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười với những chiêu bài moi tiền của “cò” nhà đất như: dẫn đi xem đất, xem nhà bất luận kết quả ra sao đều bị mất phí. Và điều đó tồn tại như một luật bất thành văn, người chịu thiệt thòi bao giờ cũng thuộc về khách hàng.
Trong khi Nhà nước chưa có các chế tài đủ mạnh, các “cò” đất tranh thủ “ tung hoành” đã làm cho thị trường nhà đất có lúc “méo mó”. Thực trạng này nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Điều đó tạo tâm lý không tốt cho khách hàng cũng như dư luận xã hội, có sự nhìn nhận một cách thiếu công bằng ngay cả đối với những nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp.
Để hạn chế tình trạng này, Chính phủ đã có biện pháp kịp thời nhằm điều chỉnh những bất ổn của thị trường theo đó người hành nghề môi giới phải có chứng chỉ hành nghề, điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề Môi giới bất động sản được quy định rất cụ thể tại khoản 1 Điều 68 Luật kinh doanh bất động sản 2014:
“1. Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên;
c) Đã qua sát hạch về kiến thức môi giới bất động sản.”
Ngoài việc quy định điều kiện hành nghề môi giới bất động sản, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27.11.2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản… Theo đó, các chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm nguyên tắc hoạt động môi giới được quy định cụ thể như sau:
Điều 58. Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ bất động sản
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định;
b) Tẩy xóa, sửa chữa, cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định, không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định;
b) Không lập hợp đồng hoặc hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản không đầy đủ các nội dung chính theo quy định;
c) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định;
d) Sàn giao dịch bất động sản không có quy chế hoạt động, tên, địa chỉ theo quy định hoặc hoạt động sai quy chế được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;
đ) Thu các loại phí kinh doanh dịch vụ bất động sản mà pháp luật không quy định.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đưa lên sàn giao dịch bất động sản bất động sản không đảm bảo đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định;
b) Không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không chính xác hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới.
4. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.
Với quy định, chế tài nêu trên đã tạo hành lang pháp lý cho nghề môi giới bất động sản nước ta phát triển một cách chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, so với những khoản lợi mà bên môi giới cố tình “vượt rào” thu được thì với mức xử phạt như trên là quá nhẹ, tính răn đe chưa đủ mạnh.
Để môi giới bất động sản được công nhận như một nghề mang tính chuyên nghiệp, bản thân mỗi cá nhân, tổ chức khi tham gia hoạt động môi giới ở lĩnh vực này phải xác định cho mình một nguyên tắc hoạt động rõ ràng, tự học hỏi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp. Mặt khác, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, khách hàng trong khi thực hiện giao dịch cần phải ký kết hợp đồng môi giới với nội dung cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi có tranh chấp xảy ra. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với cá nhân, tổ chức hoạt động môi giới bất động sản, Nhà nước cần phải xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện hơn, với những quy phạm pháp luật có chế tài đủ mạnh đối với hành vi vi phạm nguyên tắc môi giới bất động sản như: tăng mức xử phạt đối với từng mức độ của hành vi vi phạm, trường hợp gây thiệt hại lớn đối với cá nhân, tổ chức được môi giới thì nên áp dụng biện pháp mạnh đó là truy cứu trách nhiệm hình sự… Chế tài đó mới có tính răn đe, hạn chế được vi phạm phát sinh. Việc tách bạch hóa hoạt động kinh doanh và môi giới bất động sản là điều cần thiết, tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi của những tổ chức, sàn kinh doanh bất động sản thời gian qua… Điều chỉnh kịp thời những sai phạm, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của bên môi giới, cũng như các bên tham gia giao dịch.
Đã đến lúc cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, có biện pháp điều chỉnh kịp thời những quan hệ phát sinh từ thị trường nhiều biến động này, để cung – cầu phản ánh đúng thực trạng góp phần xây dựng thị trường bất động sản nước ta phát triển lành mạnh.
(MINH KHUE LAW FIRM: Biên tập.)