Mục lục bài viết
Theo Luật Quản lý thuế năm 2019 số 38/2019/QH14 ngày 13 tháng 06 năm 2019 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
Quy định cụ thể như sau:
Theo Điều 108 Luật Quản lý thuế, kết quả kiểm tra thuế, thanh tra thuế được xử lý như sau:
1. Căn cứ vào kết quả kiểm tra thuế, thanh tra thuế, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế ra quyết định xử lý về thuế, thu hồi số tiền thuế đã hoàn không đúng quy định của pháp luật về thuế, xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẳm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế. Trường hợp xác định rõ hành vi vi phạm hành chính tại biên bản thanh tra thuế, kiểm tra thuế thì biên bản thanh tra thuế, kiểm tra thuế được xác định là biên bản vi phạm hành chính.
2. Trường hợp kiểm tra thuế, thanh tra thuế mà phát hiện hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan quản lý thuế chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để điều tra theo quy định của pháp luật; cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.
Luật Minh Khuê phân tích chi tiết quy định pháp lý về vấn đề xử lý kết quả kiểm tra thuế, thanh tra thuế như sau:
1. Thanh tra thuế, kiểm tra thuế là gì?
Thanh tra thuế chính là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền quản lý thuế nhằm xem xét, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật của người nộp thuế, xác minh và thu nhập chứng cứ để xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế dựa trên cơ sở phân tích thông tin, dự liệu có liên quan đến người nộp thuế. Thanh tra thuế được thực hiện theo định kỳ với các đối tượng nộp thuế, với ngành nghề kinh doanh đa dạng hoặc trong trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế và thanh tra thuế giải quyết các vấn đề khiếu nại, tố cáo liên quan đến thuế hoặc có thể thanh tra theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp hoặc Bộ trưởng Bộ Tài Chính.
Kiểm tra thuế là hoạt động thường xuyên mang tính nghiệp vụ của cơ quan quản lý thuế nhằm đánh giá các thông tin, chứng từ trong hồ sơ thuế hoặc xem xét, đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế. Việc kiểm tra thuế được thực hiện tại trụ sở kinh doanh của người nộp thuế và chỉ thực hiện khi người nộp thuế không tự giác sửa đổi, bổ sung những nội dung sai sót mà cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện và yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Kiểm tra trên cơ sở nội dung đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu có trong hồ sơ thuế nhằm đánh giá sự tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế trong việc kê khai thuế.
Nói chung, việc thanh tra thuế, kiểm tra thuế là hoạt động giám sát của cơ quan thuế đối với các hoạt động, các giao dịch có liên quan đến phát sinh nghĩa vụ thuế và chấp hành nghĩa vụ nộp thuế nhằm đảm bảo pháp luật thuế được thực hiện nghiêm chỉnh trong đời sống kinh tế - xã hội. Giữa thanh tra thuế và kiểm tra thuế có những sự khác biệt tương đối. Khi tiến hành một cuộc thanh tra thuế thường sẽ phải tiến hành nhiều thao tác nghiệp vụ đó thực chất đó chính là kiểm tra thuế. Nhưng đối khi tiến hành kiểm tra thuế để làm rõ vụ việc, sự việc lại lựa chọn được nội dung thanh tra thuế. Kiểm tra thuế và thanh tra thuế là hai khái niệm khác nhau nhưng lại có mối liên hệ qua lại và gắn bó với nhau.
2. Nguyên tắc thanh tra thuế, kiểm tra thuế
Nguyên tắc kiểm tra, thanh tra thuế được quy định rất cụ thể tại Điều 107 của Luật quản lý thuế năm 2019 như sau:
- Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm tra thuế, thanh tra thuế;
- Tuân thủ quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và mẫu biểu thanh tra, kiểm tra, trình tự, thủ tục, hồ sơ kiểm tra thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
- Không cản trở hoạt động bình thường của người nộp thuế;
- Khi kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế phải ban hành quyết định kiểm tra, thanh tra;
- Việc kiểm tra thuế, thanh tra thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác, trung thực nội dung các chứng từ, thông tin, hồ sơ mà người nộp thuế đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan của người nộp thuế để xử lý về thuế theo quy định của pháp luật.
3. Kết quả kiểm tra thuế, thanh tra thuế được xử lý như thế nào?
Căn cứ vào Điều 108 của Luật quản lý thuế năm 2019 quy định về xử lý kết quả kiểm tra thuế, thanh tra thuế như sau:
- Thứ nhất, căn cứ vào kết quả kiểm tra thuế, thanh tra thuế mà thủ trưởng cơ quan quản lý thuế sẽ ra quyết định xử lý về thuế, thu hồi số tiền thuế đã hoàn không đúng quy định của pháp luật về thuế, xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thẩm quyền hoặc theo đề nghị người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế. Trường hợp xác định rõ hành vi vi phạm hành chính tại biên bản thanh tra thuế, kiểm tra thuế thì biên bản thanh tra thuế, kiểm tra thuế được xác định là biên bản vi phạm hành chính.
- Thứ hai là trong trường hợp kiểm tra thuế, thanh tra thuế mà phát hiện hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan quản lý thuế chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để điều tra theo quy định của pháp luật, cơ quan quản lý thuế sẽ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, truy tố, xét xử trong quy định của pháp luật.
4. Ai có thẩm quyền thanh tra thuế, kiểm tra thuế
4.1. Ai có thẩm quyền thanh tra thuế
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 114 Luật quản lý thuế năm 2019 quy định về quyết định thanh tra thuế: Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp sẽ có thẩm quyền ra quyết định thanh tra thuế. Và quyết định thanh tra thuế phải có các nội dung chính sau đây:
- Căn cứ pháp lý để thanh tra thuế;
- Đối tượng, nội dung, phạm vi và các nhiệm vụ thanh tra thuế;
- Thời hạn tiến hành thanh tra thế;
- Trưởng đoàn thanh tra thuế và các thành viên của đoàn thanh tra thuế.
Thời hạn chậm nhất sẽ là 03 ngày làm việc kể từ ngày ký, quyết định thanh tra thuế phải được gửi cho đối tượng tham gia. Và quyết định thanh tra thuế phải được công bố chấm nhất là 15 ngày kể từ ngày ra quyết định thanh tra thuế.
Người ra quyết định thanh tra thuế sẽ có các nhiệm vụ và quyền hạn được quy định chi tiết tại Khoản 1 của Điều 116 Luật này. Theo đó thì người ra quyết định thanh tra thuế sẽ có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
- Một là sẽ chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đoàn thanh tra thuế thực hiện đúng nội dung, quyết định thanh tra thuế;
- Hai là yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra thuế cung cấp thông tin, tài liệu đó;
- Ba là trưng cầu giám định về những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thuế;
- Bốn là tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân;
- Năm là quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý kết quả thanh tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định xử lý về thanh tra thuế;
- Sáu là giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra thuế, các thành viên khác của đoàn thanh tra thuế;
- Có thẩm quyền đình chỉ, thay đổi trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra khi không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hoặc khi phát hiện trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra có liên quan đến đối tượng thanh tra hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ thanh tra;
- Đưa ra kết luận về nội dung thanh tra;
- Chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết;
Ngoài ra áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật. Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi mà đối tượng thanh tra có tài khoản đó để phục vụ việc thanh tra khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản của Thủ trưởng cơ quan Thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước.
Khi thực hiện nhiệm vụ và các quyền hạn trên thì người ra quyết định thanh tra thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Đối tượng bị thanh tra thuế sẽ là những người nộp thuế thuộc các trường hợp sau: Doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh đa dạng, phạm vi kinh doanh rộng; người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật; Theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ tài chính; Thanh tra thuế để giải quyết khiếu nại, tố cáo.
4.2. Ai có thẩm quyền kiểm tra thuế
Chủ thể có thẩm quyền kiểm tra thuế là cơ quan quản lý thuế bao gồm: cơ quan thuế và cơ quan hải quan. Đối tượng bị kiểm tra chính là những người nộp thuế. Kiểm tra thuế sẽ thường được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức và phương pháp kiểm tra khác nhau thích hợp với yêu cầu, đặc điểm của từng loại khách thể điều tra. Và hoạt động kiểm tra thuế được tiến hành trong thời gian tối đa là 05 ngày làm việc.
Trên đây là nội dung mà công ty Luật Minh Khuê muốn gửi tới quý khách hàng có nội dung liên quan đến: "Kết quả kiểm tra thuế, thanh tra thuế được xử lý như thế nào?". Nếu quý khách có bất kỳ vướng mắc hay câu hỏi liên quan đến vấn đề pháp lý khác thì vui lòng liên hệ đến công ty Luật Minh Khuê qua Tổng đài tư vấn pháp luật thuế qua số hotline: 1900.6162 để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng!