Mục lục bài viết
Khách hàng: Xin chào luật sư tư vấn! tôi tên C ở Trà Vinh, tôi có vấn đề nhờ luật sư tư vấn giúp, cụ thể là vào tháng 9/2018 tòa án nhân dân huyện Châu Thành tỉnh Trà Vinh có mở phiên toàn xét xử án dân sự giữ anh trai tôi và ông H. Tòa tuyên ông H phải có trách nhiệm bồi thường cho anh trai tôi số tiền 5 triệu đồng. Đến tháng 11/2018 gia đình tôi nhận được quyết định thi hành án của chi cục thi hành án huyện châu thành nhưng đến nay là tháng 3/2019 gia đình tôi vẫn chưa nhận được số tiền bồi thường của ông H. Gia đình tôi nhiều đến chi cục thi hành án huyện Châu Thành để hỏi kết quả vụ việc thì cơ quan thi hành án không có hẹn ngày cụ thể mà chỉ trả lời chưa giải quyết.Xin nhờ luật sư tư vấn giúp cho gia đình tôi về vấn đề này, gia đình tôi phải đến cơ quan nào để liên hệ. Khi đã có quyết định thi hành án thì trong thời gian bao lâu phải thực hiện?Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
1. Khái niệm thi hành án dân sự
Khi căn cứ vào quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung 2014, chúng ta có thể hiểu: Về cơ bản thi hành án là sự phối hợp hoạt động của nhiều tổ chức, cá nhân để thi hành án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Quá trình này phải được thực hiện theo một quy trình và thủ tục rất chặt chẽ và chi tiết.
Thi hành án là giai đoạn tiếp theo sau giai đoạn xét xử, có mối quan hệ chặt chẽ, đan xen với các giai đoạn tố tụng trước đó (ví dụ: thi hành quyết định khẩn cấp tạm thời của Tòa án; trong quá trình thi hành án, Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền yêu cầu cơ quan thi hành án hoãn thi hành án, quyết định tạm đình chỉ thi hành án để xét xử lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm ...).
Tuy nhiên, hoạt động thi hành án có tính độc lập tương đối, thể hiện ở chỗ nó bắt đầu bằng một quyết định của Thủ trưởng cơ quan thi hành án về việc thi hành án. Các quyết định này có giá trị ràng buộc đối với tất cả các bên có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án. Cơ quan, tổ chức, công dân trong phạm vi trách nhiệm của mình có nghĩa vụ thi hành, phối hợp thực hiện để thi hành án có hiệu quả. Hoạt động thi hành án phản ánh một đặc điểm chứng tỏ đó không phải là hoạt động tố tụng thuần túy. Ngoài các chủ thể như Tòa án, Viện kiểm sát, chúng ta có thể thấy các chủ thể tham gia giai đoạn thi hành án rất nhiều và đa dạng hơn so với các quá trình tố tụng trước đây, ví dụ như UBND địa phương nơi cư trú của người phải thi hành án; Cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án làm việc...
Bên cạnh đó, cũng có khái niệm về “Hoãn thi hành án” chính là việc chuyển việc thi hành bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật sang một thời điểm muộn hơn so với thời gian dự định ban đầu. Việc hoãn thi hành án do Thủ trưởng cơ quan thi hành án quyết định bằng văn bản.
Theo quy định tại Điều 26 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự có quyền ra quyết định hoãn thi hành án trong các trường hợp đó theo quy định pháp luật.
Khi có quyết định hoãn thi hành án thì việc tạm hoãn thi hành án không được thi hành cho đến khi hết lý do hoãn thi hành án. Trường hợp hoãn thi hành án để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì thời hạn tạm đình chỉ thi hành án không quá chín mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn thi hành án. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày hết điều kiện hoãn thi hành án hoặc hết thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị mà không có kháng nghị thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra quyết định tiếp tục thi hành án.
2. Thời hiệu yêu cầu thi hành án
Căn cứ Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung 2014:
"Điều 30. Thời hiệu yêu cầu thi hành án
1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.
3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án."
Trong trường hợp của bạn, khi bản án (hoặc quyết định) của tòa án tuyên Ông H buộc phải thanh toán đầy đủ cho gia đình bạn có hiệu lực mà bên Ông H không tự nguyện hoàn trả thì theo quy định của Luật thi hành án, trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, bạn có quyền làm đơn gửi tới cơ quan thi hành án cấp quận, huyện nơi tòa án xét xử sơ thẩm để yêu cầu thi hành án.
Đơn yêu cầu thi hành án bao gồm các nội dung sau: Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu; tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu; họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án; nội dung yêu cầu thi hành án; thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Người làm đơn yêu cầu thi hành án phải ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên hoặc điểm chỉ. Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án, phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan, nếu có. Người yêu cầu thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án gồm: Phong tỏa tài khoản; tạm giữ tài sản, giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.
3. Chủ thể thi hành án dân sự
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung 2014 có quy định về người được thi hành án như sau:
“Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành”.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật THADS năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014 có quy định về người phải thi hành án như sau:
“Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành”.
4. Thời hạn tự nguyện thi hành án
“Điều 45. Thời hạn tự nguyện thi hành án
1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
2. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này.”
Theo quy định tại Điều 45 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung 2014 nêu trên, cơ quan thi hành án sẽ ra thông báo thi hành án, ấn định cho người phải thi hành án một thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Hết thời hạn tự nguyện nói trên, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.
5. Biện pháp cưỡng chế thi hành án
Cưỡng chế thi hành án dân sự là việc chủ thể có thẩm quyền sử dụng quyền lực nhà nước thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm việc thi hành án. Quyền, nghĩa vụ thực tế được xác định trong bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự. Việc thi hành án dân sự có thể được nhìn nhận dưới góc độ của một quan hệ pháp luật, một thiết chế pháp lý hoặc một hoạt động áp dụng pháp luật trong thực tế.
Việc cưỡng chế thi hành đối với tài sản là tiền sẽ được cơ quan thi hành án áp dụng một trong các biện pháp như khấu trừ tiền trong tài khoản; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án; thu tiền của người phải thi hành án đang giữ hoặc thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ hoặc phát mại tài sản của người phải thi hành án theo quy định tại Điều 71 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung 2014:
"Điều 71. Biện pháp cưỡng chế thi hành án
1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định."
Trên đây là tư vấn của Luật Minh Khuê về Thời hiệu thi hành án theo luật dân sự?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.