Mục lục bài viết
- 1. Bảo hiểm phi nhân thọ là gì?
- 2. Kỹ năng của luật sư về giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ
- 2.1. Kỹ năng của Luật sư khi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện
- 2.2. Kỹ năng tiếp xúc, trao đổi với khách hàng là nguyên đơn
- 2.3. Xác định tư cách tham gia quan hệ nghĩa vụ trong hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ của bên mua bảo hiểm
- 2.4. Kỹ năng xác định hiệu lực pháp luật của hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ
- 2.5. Kỹ năng của Luật sư đối với trường hợp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ vô hiệu
- 3. Kỹ năng giải quyết tranh chấp bảo hiểm phi nhân thọ khi một bên không thực hiện nghĩa vụ
- 3.1. Kỹ năng xác định hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ đã phát sinh hiệu lực pháp luật
- 3.2. Kỹ năng xác định thiệt hại thực tế được hưởng bảo hiểm
1. Bảo hiểm phi nhân thọ là gì?
Bảo hiểm phi nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân sự và các nghiệp vụ bảo hiểm khác không thuộc bảo hiểm nhân thọ.
Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
2. Kỹ năng của luật sư về giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ
Xuất phát từ những đặc thù riêng về quan hệ pháp luật tranh chấp, kỹ năng tham gia các giai đoạn tố tụng của Luật sư khi giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ ở Tòa án có sự khác biệt so với kỹ năng giải quyết các tranh chấp về các loại hợp đồng dân sự khác và có sự khác biệt ở từng vị trí khách hàng mà Luật sư tham gia bảo vệ.
2.1. Kỹ năng của Luật sư khi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện
Khách hàng chủ yếu của Luật sư trong giải quyết tranh chấp về bảo hiểm phi nhân thọ là bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài ra, người thứ ba bị bên mua bảo hiểm gây thiệt hại hoặc người thứ ba có lỗi gây thiệt cho bên mua bảo hiểm trong nhiều trường hợp đều có thể là khách hàng của Luật sư.
Nội dung tại mục này chỉ tập trung đi sâu vào phân tích các hợp đồng bảo hiểm phi hàng hải, dưới góc độ kỹ năng nghề nghiệp của Luật sư với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm khi tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ được khởi kiện ra Tòa án.
2.2. Kỹ năng tiếp xúc, trao đổi với khách hàng là nguyên đơn
Trong buổi gặp gỡ, trao đổi đầu tiên thì những nội dung mà Luật sư cần phải xác định được, đó là:
- Hiệu lực pháp lý của hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ;
- Chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng;
- Quá trình thực hiện hợp đồng giữa khách hàng và các bên;
- Có hay không sự vi phạm nghĩa vụ của chủ thể đối lập quyền lợi của khách hàng? Từ đó Luật sư xác định chính xác:
+ Quan hệ pháp luật tranh chấp;
+ Thẩm quyền của Tòa án;
+ Thời hiệu khởi kiện;
+ Lựa chọn luật nội dung áp dụng;
+ Kiểm tra các điều kiện khởi kiện;
- Trên cơ sở phân tích được những mặt thuận lợi và khó khăn, Luật sư tư vấn cho khách hàng có nên khởi kiện hay không;
- Trao đổi và thống nhất với khách hàng những lợi ích đạt được và những bất lợi cho khách hàng trong trường hợp khởi kiện…
Mục đích mà bên mua bảo hiểm hướng tới là số tiền bảo hiểm/số tiền bồi thường được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
2.3. Xác định tư cách tham gia quan hệ nghĩa vụ trong hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ của bên mua bảo hiểm
Bên mua bảo hiểm (BMBH - người tham gia bảo hiểm) là: tổ chức, cá nhân có quyền lợi hợp pháp khi có rủi ro/sự kiện bảo hiểm được ghi nhận. Đặc điểm của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm vừa có thể là người tham gia, là người được bảo hiểm, là người thụ hưởng hoặc chỉ là người tham gia ký kết hợp đồng bảo hiểm, còn người được bảo hiểm là người thứ ba (trong trường hợp này, người thứ ba được gọi là người thụ hưởng). Khi trao đổi, tiếp xúc với BMBH là nguyên đơn trong vụ án, trước hết Luật sư phải xác định tư cách tham gia quan hệ nghĩa vụ trong hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ của bên mua bảo hiểm. Đây là cơ sở để xác định quyền khởi kiện, nội dung yêu cầu khởi kiện, người bị kiện và định hướng khai thác thông tin, thu thập chứng cứ cụ thể trong từng quan hệ trách chấp.
2.4. Kỹ năng xác định hiệu lực pháp luật của hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ
Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự. Khi xem xét điều kiện về năng lực hành vi dân sự của người tham gia giao dịch dân sự, Luật sư cần xem xét năng lực ký kết hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ của bên mua và doanh nghiệp dựa vào:
(i) Các quy định về năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân theo quy định
(ii) Các quy định về năng lực hành vi dân sự đối với BMBH là cá nhân;
(iii) Riêng bên mua bảo hiểm là tổ chức thì không cần phải có tư cách pháp nhân, do đó, tổ hợp tác, hộ gia đình đều có thể là bên mua bảo hiểm
Điều kiện về hình thức hợp đồng: Hình thức của hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ bắt buộc phải bằng văn bản.
2.5. Kỹ năng của Luật sư đối với trường hợp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ vô hiệu
Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm vô hiệu và giải quyết hậu quả hợp đồng bảo hiểm vô hiệu xuất phát từ lỗi của doanh nghiệp bảo hiểm. Trong trường hợp này, Luật sư phải tìm hiểu cơ sở pháp lý vô hiệu của hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ và tập trung chứng minh được hợp đồng bảo hiểm vô hiệu xuất phát từ lỗi của doanh nghiệp bảo hiểm, đó có thể là:
- Doanh nghiệp bảo hiểm không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để ký kết
- Doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết
3. Kỹ năng giải quyết tranh chấp bảo hiểm phi nhân thọ khi một bên không thực hiện nghĩa vụ
Trong trường hợp nguyên đơn là bên mua bảo hiểm, loại tranh chấp giữa nguyên đơn và doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ về việc không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thì tranh chấp phổ biến nhất là tranh chấp liên quan đến việc không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm hoặc tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm hoặc bên thứ ba thụ hưởng. Để giải quyết được loại tranh chấp này, Luật sư bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm cần có những kỹ năng nhất định, phạm vi bài viết dưới đây sẽ chỉ ra những kỹ năng cần thiết đó.
3.1. Kỹ năng xác định hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ đã phát sinh hiệu lực pháp luật
Luật sư cần nghiên cứu để xác định việc bên mua bảo hiểm đã thực hiện đầy đủ hay chưa nghĩa vụ cung cấp thông tin của đối tượng bảo hiểm từ trước khi giao kết hợp đồng cũng như trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng cho đến trước thời điểm phát sinh tranh chấp. Nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm đó là:
+ Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm;
+ Thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm;
+ Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Nghĩa vụ chính là việc BMBH phải thông báo kịp thời cho doanh nghiệp bảo hiểm biết khi xảy ra sự kiện bảo hiểm về những thông tin tình hình diễn biến của rủi ro, thiệt hại thực tế giúp doanh nghiệp bảo hiểm xác định chính xác về thiệt hại làm cơ sở cho việc xét bồi thường. Luật sư phải thu thập chứng cứ về nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm vì nếu bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ thì bên doanh nghiệp bảo hiểm sẽ căn cứ vào các thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ đã giao kết, có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng; giảm hay không trả số tiền bồi thường; giảm hay không trả số tiền bảo hiểm.
Tuy nhiên, có một điều, khoản về loại trừ trách nhiệm cung cấp thông tin mà Luật sư bên mua bảo hiểm có thể sử dụng để bảo vệ quyền lợi của khách hàng đó là không phải mọi thông tin đều được bên mua bảo hiểm cung cấp, chỉ có những thông tin mà doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu cung cấp thì BMBH mới có trách nhiệm vì: “theo yêu cầu của bên bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải cung cấp cho bên bảo hiểm đầy đủ các thông tin có liên quan đến đối tượng bảo hiểm, trừ các thông tin mà bên bảo hiểm đã biết hoặc phải biết”. Ngoài ra, Luật sư cần phải xác định bên mua bảo hiểm đã áp dụng đầy đủ các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo sự xác định trong hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ hoặc theo các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, an toàn sản xuất, an toàn giao thông,… Ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bên mua bảo hiểm còn có nghĩa vụ kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết trong khả năng của mình để hạn chế thiệt hại khi xảy ra sự kiện bảo hiểm như cứu chữa, bảo vệ đối tượng bảo hiểm, ngăn chặn diễn biến thiệt hại. Để yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm/bồi thường thiệt hại, Luật sư cần hướng dẫn bên mua bảo hiểm cung cấp chứng cứ chứng minh đã gửi hồ sơ yêu cầu giải quyết khiếu nại đòi bồi thường trong thời hạn pháp luật cho phép
3.2. Kỹ năng xác định thiệt hại thực tế được hưởng bảo hiểm
Không phải thiệt hại nào cũng được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm/bồi thường và không phải lúc nào doanh nghiệp bảo hiểm cũng chi trả toàn bộ cho thiệt hại thực tế. Vì thế, việc xác định điều kiện được bồi thường của những thiệt hại phát sinh là kỹ năng quan trọng của Luật sư.
Luật sư lưu ý, ở mỗi nghiệp vụ bảo hiểm khác nhau lại có cách xác định giá trị bảo hiểm, thiệt hại, phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm/bồi thường khác nhau. Vì thế, khi xác định những điều kiện để tính thiệt hại thực tế và để tính thiệt hại được bồi thường, Luật sư phải căn cứ vào đối tượng bảo hiểm, điều khoản về giá trị bảo hiểm, phí và phạm vi bảo hiểm, sự kiện bảo hiểm được thỏa thuận trực tiếp trong hợp đồng bảo hiểm để xem xét: Trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, cách tính số tiền bảo hiểm, số tiền bồi thường dựa vào giá trị bảo hiểm (đối với tài sản có thể tính toán được giá trị).
Căn cứ bồi thường thiệt hại là giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm xảy ra tổn thất và thiệt hại thực tế của bên được bảo hiểm. Xuất phát từ căn cứ này, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng là bên mua bảo hiểm, Luật sư phải thu thập các chứng cứ chứng minh chi phí để sửa chữa, thay thế bộ phận tài sản bị hư hỏng và các khoản chi cần thiết và hợp lý khác để giảm thiểu thiệt hại hoặc để thực hiện các chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài ra, Luật sư của bên mua bảo hiểm cũng cần lưu ý về chi phí để xác định giá thị trường và thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập