1. Ủy quyền là gì?

"Ủy quyền" theo một số từ điển online như tratu.soha.vn/vtudien.com hay tại Wikipedia đều có chung một ý nghĩa rằng chỉ việc một người giao cho người khác thực hiện những quyền mà pháp luật giao cho mình.

Theo đó, trong quan hệ ủy quyền luôn có 2 chủ thể: bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền; đối tượng là công việc cụ thể như thay mặt người ủy quyền ký giấy tờ, đại diện trong đàm phán, đại diện trước cơ quan nhà nước, tham gia giao dịch dân sự.... Ủy quyền được xác lập nhằm mục đích thuận tiện hơn trong việc xác lập, thực hiện các công việc được ủy quyền.

 

2. Quy định pháp luật về ủy quyền

"Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền)" - Điều 135 Bộ luật dân sự 2015

Theo đó trên thực tế việc ủy quyền sẽ xác lập nên hình thức đại diện theo ủy quyền quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015. Do đó, về mặt pháp lý giao dịch ủy quyền này phải tuân thủ các quy định chung về đại diện theo ủy quyền quy định tại Bộ luật này.

Về chủ thể:

Theo quy định của Bộ luật dân sự thì chủ thể của quan hệ ủy quyền là cá nhân và pháp nhân và thông thường người được ủy quyền cần đáp ứng yêu cầu về năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp giao dịch được xác lập, thực hiện.

Về thời hạn đại diện theo ủy quyền:

Thời hạn đại diện theo ủy quyền do các bên xác lập trong giấy ủy quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. Trường hợp không xác định thời hạn đại diện theo ủy quyền trong giấy ủy quyền thì (i) nếu nội dung công việc ủy quyền thực hiện là một giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm giao dịch dân sự đó chấm dứt; (ii) nếu nội dung công việc ủy quyền thực hiện không phải là một giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm kể từ thời điểm quyền đại diện phát sinh theo giấy ủy quyền.

Về phạm vi ủy quyền: Do bên ủy quyền ấn định trên cơ sở phạm vi quyền của mình cũng như được pháp theo quy định pháp luật và được ghi rõ trong văn bản ủy quyền.

Chấm dứt đại diện theo ủy quyền

Đại diện theo ủy quyền sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:

- Theo thỏa thuận;

- Thời hạn ủy quyền đã hết;

- Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;

- Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;

- Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại (Công ty A giải thể);

- Người được ủy quyền không còn đáp ứng điều kiện về năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự tương ứng với công việc được ủy quyền;

- Căn cứ khác làm cho việc đại diện theo ủy quyền không thể thực hiện được.

Như vậy, theo quy định pháp luật dân sự thì việc ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền và ben ủy quyền chỉ phải trả thù lao cho bên được ủy quyền nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

>> Tham khảo: Mẫu hợp đồng lao động, mẫu giấy ủy quyền ký hợp đồng lao động bản tiếng Anh 

 

3. Mẫu giấy ủy quyền ký hợp đồng

Trên thực tế hoạt động ủy quyền được xác lập khá phổ biến nhằm mục đích thuận tiện hơn cho việc thực hiện công việc được ủy quyền. Ví dụ giám đốc đi công tác có hợp đồng quan trọng cần ký kết và không thể trì hoãn, nếu có văn bản ủy quyền hợp pháp cho phó giám đốc đại diện thực hiện việc ký hợp đồng này thì hợp đồng quan trọng đó sẽ được ký kết ngay; hay việc thực hiện giao dịch dân sự như mua bán mà bên mua và bên bán không ở cùng một địa điểm, thì một trong các bên có thể ủy quyền cho một người khác ở cùng địa điểm với bên mua hoặc bán đứng ra đại diện giao kết hợp đồng mua bán... 

Ủy quyền ký hợp đồng là hình thức ủy quyền phổ biến trong thực tế không chỉ trong dân sự mà trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Người được ủy quyền sẽ nhân danh người ủy quyền thực hiện ký hợp đồng, và làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người ủy quyền với bên còn lại trong hợp đồng đã được ủy quyền ký, do đó, nhất thiết phải có cơ sở xác định quan hệ đại diện theo ủy quyền là hợp pháp để các bên có căn cứ giải quyết tranh chấp, rủi ro sau này. Và bởi vậy, dù pháp luật không quy định về hình thức của giấy ủy quyền/hợp đồng ủy quyền thì khi xác lập quan hệ ủy quyền này các bên luôn lựa chọn xác lập dưới dạng văn bản.

Một văn bản ủy quyền ký hợp đồng cần có các nội dung chính sau:

(i) Thông tin cá nhân bên ủy quyền, bên nhận ủy quyền;

(ii) Công việc ủy quyền thực hiện (cụ thể là ký hợp đồng kinh doanh/hợp đồng lao động/hợp đồng hợp tác...);

(iii) Thời hạn ủy quyền (ghi rõ thời gian cụ thể hoặc nêu rõ sự kiện làm chấm dứt quan hệ đại diện theo ủy quyền);

(iv) Thời điểm quan hệ ủy quyền phát sinh hiệu lực; (v) Quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền và bên được ủy quyền;

(vi) Thù lao trả cho người được ủy quyền (nếu có).

Dưới đây là mẫu giấy ủy quyền ký hợp đồng lao động để bạn đọc tham khảo:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-------------- 

 

GIẤY ỦY QUYỀN

(Về việc ký kết hợp đồng lao động)

- Căn cứ Bộ luật dân sự năm 2015;

- Căn cứ Bộ luật lao động năm 2019;

- Căn cứ Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn bộ luật lao động

- Căn cứ Điều lệ công ty TNHH Dịch vụ ABC;

Hưng Yên, ngày ...... tháng ...... năm 2022 tại trụ sở Công ty TNHH Dịch vụ ABC, chúng tôi gồm có:

1. Bên ủy quyền

Ông: Trần Minh T

Sinh ngày ...... tháng ...... năm 1987

Địa chỉ nơi cư trú: Số 123/68 phố ...... huyện ....... tỉnh Hưng Yên

Chức vụ: Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ ABC được cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp số ...  ngày .... tháng .... năm ..... bởi .... 

Số chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân: ....... ngày cấp ....  nơi cấp :..... 

2. Bên nhận ủy quyền

Bà: Nguyễn Huyền P

Ngày tháng năm sinh:

Địa chỉ nơi cư trú:

Chức vụ (nếu có):

Số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân: ...... ngày cấp .....  nơi cấp .........

3. Nội dung ủy quyền:

Bằng giấy ủy quyền này Bên ủy quyền giao cho Bên nhận ủy quyền thay mặt thực hiện các công việc sau:

Điều 1. Bên nhận ủy quyền được thay mặt bên ủy quyền ký kết hợp đồng lao động với người lao động ....  theo quy định của pháp luật về lao động.

Điều 2: Thời hạn ủy quyền: 

Thời hạn ủy quyền kể từ ngày ...... tháng ...... năm ...... đến ngày ...... tháng ....... năm.......

Điều 3. Thỏa thuận khác nếu có

Điều 4. Cam kết của các bên

- Bên nhận ủy quyền cam kết thực hiện công việc theo đúng phạm vi được ủy quyền;

- Hai bên cam kết sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi thông tin ủy quyền ở trên;

- Mọi tranh chấp phát sinh giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền sẽ do hai bên tự giải quyết;

Giấy ủy quyền được lập thành 03 bản, mỗi bên giữ 01 bản, 01 bản lưu tại văn phòng công ty./.

     Bên ủy quyền  Bên nhận ủy quyền

                                                  

 

Lưu ý: Theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Bộ luật lao động 2019 thì thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động bên phía công ty là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật. Do đó, người đại diện theo pháp luật của công ty có quyền ủy quyền cho người khác thay mình ký kết hợp đồng lao động, người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về nội dung "Mẫu giấy ủy quyền ký hợp đồng" hy vọng sẽ cung cấp tới bạn đọc những thông tin hữu ích. Nếu độc giả có vướng mắc pháp lý nào về vấn đề đại diện theo ủy quyền vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline 19006162 để nhận được tư vấn hỗ trợ bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên của Luật Minh Khuê. Xem thêm: Mẫu giấy ủy quyền cá nhân, ủy quyền doanh nghiệp. Rất mong nhận được sự hợp tác!