1. Quy định chung về chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. Theo Điều 141 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022 có quy định chung về chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Theo đó việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình. Việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp).

Việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có các hạn chế sau đây:

- Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao.

- Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.

- Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.

- Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa về việc hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.

- Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền có nghĩa vụ sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế theo quy định tại khoản 1 Điều 136 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Các dạng hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 143 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm: 

+ Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp độc quyền: là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó nếu được phép của bên được chuyển quyền;

+ Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không độc quyền: là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không độc quyền với người khác. 

Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó theo một hợp đồng khác. 

 

2. Mẫu tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

Mẫu tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định tại Phụ lục Nghị định số 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 23 tháng 8 năm 2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ là Mẫu số 02 Phụ lục IV Nghị định 65/2023/NĐ-CP.

>>> MẪU SỐ 02 PHỤ LỤC IV - TẢI VỀ TẠI ĐÂY

Mẫu tờ khai chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệpMẫu tờ khai chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

Hướng dẫn điền mẫu tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp:

Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cần điền cụ thể, rõ ràng các thông tin chính xác vào các ô thích hợp trong Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.

- Tại mục 1, người nộp đơn ghi rõ tên đầy đủ và địa chỉ của người nộp đơn. Nếu người nộp đơn là cá nhân thì có thể ghi số căn cước công dân. Ghi rõ thông tin số điện thoại và email liên hệ (nếu có) để nhận thông tin, thông báo từ Cục Sở hữu trí tuệ có liên quan đến đơn. Tích chọn vào ô tương ứng để thể hiện rõ người nộp hồ sơ là bên chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp hay bên nhận chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.

Lưu ý: Thông tin về tên, địa chỉ của người nộp đơn cần trùng khớp với thông tin trên văn bằng bảo hộ là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

- Tại mục 2, người nộp đơn nếu ủy quyền thông qua tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp thì tích chọn và điền các thông tin tương ứng.

- Tại mục 3, người nộp đơn tích chọn đối tượng của hợp đồng và ghi rõ số văn bằng bảo hộ.

- Tại mục 4, người nộp đơn điền thông tin của bên thứ hai trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp gồm tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp và thông tin liên lạc.

- Tại mục 5, người nộp đơn ghi rõ phạm vi chuyển giao gồm: lãnh thổ và thời hạn chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.

- Tại mục 6 người nộp đơn tích chọn và ghi rõ các khoản phí, lệ phí cần thiết cho thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định. Ghi rõ tổng số tiền. Trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện và chuyển khoản phí thì người nộp đơn cần ghi rõ số chứng từ để kiểm tra đối soát hồ sơ.

- Tại mục 7, người nộp đơn cần tích chọn các ô tương ứng về các tài liệu kèm theo đơn.

- Tại mục 8, người nộp đơn đọc hiểu và xác nhận thông tin đã khai, ký ghi rõ họ tên, đóng dấu và ghi rõ chức danh (nếu có).

 

3. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải gồm các tài liệu sau đây:

- Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, làm theo Mẫu số 02 tại Phụ lục IV nêu trên;

- 02 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định).

Nội dung hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ phải có các nội dung chủ yếu sau đây: tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền; nêu rõ Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng; thể hiện rõ dạng hợp đồng: độc quyền hay không độc quyền hay chuyển giao thứ cấp; phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ; nêu rõ thời hạn hợp đồng; giá chuyển giao quyền sử dụng; quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền. Nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; nếu hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;

- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung;

- Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);

- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

Lưu ý: Mỗi hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp chỉ được ghi nhận cho một bước chuyển giao. Trường hợp đối tượng sở hữu công nghiệp được chuyển giao nhiều bước thì mỗi bước chuyển giao phải nộp một hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp riêng. 

Để sử dụng dịch vụ đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của Luật Minh Khuê, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau đây:

- Điện thoại yêu cầu dịch vụ sở hữu trí tuệ: 0986.386.648 (gặp Luật sư: Tô Thị Phương Dung)

- Gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienhe@luatminhkhue.vn hoặc gọi ngay tổng đài tư vấn chuyên môn số: 19006162