1. Hiểu thế nào về môi giới ?

Môi giới là hành vi làm trung gian cho các bên tiếp xúc, đàm phán và thiết lập các quan hệ để hưởng thù lao.

Nội dung của hoạt động môi giới thường chỉ gồm việc tìm kiếm khách hàng và tiến hành một số đàm phán ban đầu với họ, tổ chức cho người được môi giới tiếp xúc với khách hàng và hỗ trợ các bên trong việc đàm phán và kí kết hợp đồng. Khác với người đại diện, người môi giới không trực tiếp giao kết hợp đồng với khách hàng.

Phạm vi của môi giới rất rộng như môi giới mua bán hàng hóa, môi giới chứng khoán, môi giới bất động sản, môi giới bảo hiểm, môi giới hàng hải, hay các hoạt động môi giới được coi là tội phạm như môi giới mại dâm, môi giới hối lộ. Các quan hệ môi giới thường được thiết lập dựa trên cơ sở hợp đồng.

Môi giới giúp cho giao dịch giữa các bên diễn ra nhanh chóng, dễ dàng và đảm bảo được lợi ích của các bên

  “Brocker” là tên tiếng anh chỉ người môi giới, là bên trung gian giữa người mua và người bán, được người bán hoặc người mua ủy thác tiến hành bán hoặc mua hàng hóa hay dịch vụ. Người môi giới không tham gia vào việc thực hiện hợp đồng trừ trường hợp được ủy quyền. Vậy, người môi giới về bản chất chỉ đóng vai trò kết nối ban đầu giúp bên cung ứng và bên sử dụng hàng hóa, dịch vụ tìm được nhau mà không tham gia trực tiếp vào việc giao kết, thực hiện hợp đồng.

Theo điều 150 luật thương mại 2005, đã định nghĩa về môi giới thương mại như sau:

Điều 150. Môi giới thương mại

Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới.Theo đó, môi giới thương mại được thực hiện bởi một thương nhân đứng ra làm vai trò trung gian để các bên mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đàm phán, giao kết hợp đồng. Bên môi giới thương mại được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới đã ký kết trước đó.
 

2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong môi giới thương mại

Luật thương mại năm 2005 đã quy định về quyền và nghĩa vụ của bên môi giới và bên được môi giới, cụ thể được ghi nhận từ điều 151 đến 153. Các bên có quyền và  nghĩa vụ sau đây:

 

2.1. Quyền và nghĩa vụ của bên môi giới

 Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên môi giới thương mại có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

+ Được hưởng thù lao môi giới theo như thỏa thuận và các chi phí phát sinh hợp lý liên quan đến việc môi giới (kể cả khi việc môi giới không mang lại kết quả cho bên được môi giới)

+ Bảo quản các mẫu hàng hoá, tài liệu được giao để thực hiện việc môi giới và phải hoàn trả cho bên được môi giới sau khi hoàn thành việc môi giới;

+ Không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của bên được môi giới;

+ Chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới, nhưng không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của họ;

+ Không được tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới, trừ trường hợp có uỷ quyền của bên được môi giới.

 

2.2. Quyền và nghĩa vụ của bên được môi giới

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên được môi giới có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

+ Có quyền yêu cầu bên môi giới thực hiện đúng, đủ các nội dung công việc môi giới

+ Cung cấp các thông tin, tài liệu, phương tiện cần thiết liên quan đến hàng hoá, dịch vụ;

+ Trả thù lao môi giới và các chi phí hợp lý khác cho bên môi giới.

Như vậy, môi giới thương mại hiện nay được xếp vào các hoạt động trung gian thương mại cùng với vai trò giúp cho bên bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ tìm được khách hàng. Đồng thời, cũng tạo điều kiện để bên mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ lựa chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng của mình. Ngoài ra, với nghĩa vụ “Chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới” sẽ đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch.

 

3. Người môi giới quy định như thế nào ?

Người môi giới là khái niệm chung chỉ những người thực hiện hoạt động môi giới, theo đó họ là người trung gian, giúp các bên tiếp xúc, gặp gỡ, thiết lập quan hệ và được hưởng thù lao theo thỏa thuận.

Người môi giới hay còn gọi là bên môi giới vẫn được quy định trong một số văn bản pháp luật về quyền và nghĩa vụ của họ.

Bên môi giới có thể là cơ quan, tổ chức, cá nhân, tùy từng lĩnh vực sẽ có những quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ

Người môi giới cũng là một thương nhân: Nhưng khác với đại lý đặc nhượng, họ không cam kết mua đứt một thứ hàng hóa nào; họ cũng không hưởng một độc quyền nào.Người môi giới chỉ làm cho các bên mua bán tiếp xúc với nhau bên muốn bán một thứ hàng hóa và bên muốn mua thứ đó.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp bán lẻ rượu vang yêu cầu một người chuyền nghề môi giới tìm kiếm những nhà trồng nho hay những hợp tác xã làm rượu nho có thể bán cho mình , một số lượng rượu nho với một chất lượng nào đó .
Khi người môi giới đã tìm được những hàng hóa có thể thỏa mãn khách hàng của mình, thì họ dẫn khách hàng đến tiếp cận với bên cung cấp. Khách hàng đứng mua và chủ hàng đứng bán sẽ trực tiếp ký vói nhau một hợp đồng mua bán, và người môi giới sẽ được thù lao về dịch vụ của mình gọi là tiền hoa hồng bằng một tỷ lệ phần trăm trên doanh số đã thực hiện.
Người môi giới bảo đảm về lai lịch hành nghề của các bên tham gia hợp đồng chứ không chịu trách nhiệm về khả năng chi trả của họ, và người môi giới phải làm cố vấn cho họ trong việc xây dựng hợp đồng.
Thù lao cho người môi giới gọi là tiền "hoá hồng ".Theo nguyên tắc, nó được tính trên tổng giá trị của mỗi lần giao hàng.
Cần chú ý rằng , có những người môi giới hàng hóa đăng ký trên một danh sách do Tòa phúc thẩm thành lập, và những người này đã tuyến thẻ trước Tòa . Họ hành nghề của họ như những người môi giới tư nhân; nhưng ngoài ra, trong mỗi lĩnh vực họ còn được giao làm hộ nhiệm vụ bán buôn các lô hàng hóa và tổ chức bán đấu giá theo lệnh của tòa án trong trưòng hợp người chủ tài sản chết hay trong những trường hợp khác. 

Khi tiến hành nghiệp vụ thì người môi giới không được đứng tên của chính mình mà đứng tên của người ủy thác, không chiếm hữu hàng hóa và không chịu trách nhiệm cá nhân trước người ủy thác về việc khách hàng không chịu thực hiện hợp đồng,

Người môi giới không tham gia vào việc thực hiện hợp đồng trừ trường hợp được ủy quyền.

Quan hệ giữa người ủy thác và người môi giới dựa trên sự ủy thác từng lần, chứ không dựa vào hợp đồng dài hạn.

Với bất động sản, họ là những người tư vấn cung cấp cho người mua, người bán những thông tin cần thiết về việc giao dịch mua, bán bất động sản. Nhờ họ mà hoạt động thị trường bất động sản được trôi chảy. Họ cũng là nguồn để khai thác thông tin về thị trường bất động sản mà nhà thẩm định giá cần quan tâm. Nhà nước khuyến khích hoạt động môi giới chuyên nghiệp.

 

4. Đặc điểm của môi giới thương mại ?

Môi giới thương mại có những đặc điểm sau:

- Chủ thể của quan hệ môi giới thương mại gồm bên môi giới và bên được môi giới, trong đó bên môi giới phải là thương nhân, có đăng ký kinh doanh để thực hiện dịch vụ môi giới thương mại và không nhất thiết phải có ngành nghề đăng ký kinh doanh trùng với ngành nghề kinh doanh của các bên được môi giới. Pháp luật hiện hành không quy định bên được môi giới có nhất thiết phải là thương nhân hay không. Trong hoạt động môi giới thương mại, không phải tất cả các bên được môi giới đều có quan hệ môi giới thương mại với bên môi giới mà chỉ bên được môi giới nào ký hợp đồng môi giới với bên môi giới thì giữa họ mới phát sinh quan hệ môi giới thương mại.

Khi sử dụng dịch vụ môi giới thương mại, bên môi giới nhân danh chính mình để quan hệ với các bên được môi giới và làm nhiệm vụ giới thiệu các bên được môi giới với nhau. Sau đó, các bên được môi giới trực tiếp giao kết hợp đồng với nhau. Nếu họ thay mặt bên được môi giới ký hợp đồng với khách hàng thì họ sẽ trở thành bên đại diện không đúng thẩm quyền của bên được môi giới. Tuy nhiên, Luật Thương mại của Việt Nam không cấm bên được môi giới ủy quyền cho bên môi giới ký hợp đồng với khách hàng. Trong trường họp này, bên môi giới hành động với tư cách của bên đại diện.

- Nội dung hoạt động môi giới rất rộng, bao gồm nhiều hoạt động như: tìm kiếm và cung cấp các thông tin cần thiết về đối tác cho bên được môi giới, tiến hành các hoạt động giới thiệu về hàng hoá, dịch vụ cần môi giới, thu xếp để các bên được môi giới tiếp xúc với nhau, giúp đỡ các bên được môi giới soạn thảo văn bản hợp đồng khi họ yêu cầu. Mục đích của hoạt động môi giới là các bên được môi giới giao kết hợp đồng với nhau.

Môi giới thương mại là một hoạt động kinh doanh thuần tuý. Mục đích của bên môi giới thương mại khi thực hiện việc môi giới là tìm kiếm lợi nhuận. Bên môi giới thông thường được hưởng thù lao khi các bên được môi giới đã giao kết hợp đồng với nhau.

- Phạm vi của môi giới thương mại được mở rộng không chỉ bao gồm những hoạt động môi giới mua, bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ thương mại liên quan đến mua bán hàng hoá. Do đó, môi giới thương mại bao gồm tất cả các hoạt động môi giới có mục đích kiếm lợi như môi giới mua bán hàng hoá, môi giới chứng khoán, môi giới bảo hiểm, môi giới tàu biển, môi giới thuê máy bay, môi giới bất động sản... Tuy nhiên, Luật Thương mại là luật chung Điều chỉnh các hoạt động thương mại nên những quy định về môi giới thương mại trong luật này chỉ mang tính nguyên tắc còn các hoạt động môi giới trong từng lĩnh vực riêng biệt lại được luật chuyên ngành quy định cụ thể.

- Quan hệ môi giới thương mại được thực hiện trên cơ sở hợp đồng môi giới.

Hợp đồng môi giới được giao kết giữa bên môi giới và bên được môi giới, bên môi giới phải là thương nhân còn bên được môi giới không nhất thiết phải là thương nhân (vì pháp luật không quy định gì về điều kiện của bên được môi giới). Đối tượng của hợp đồng môi giới chính là công việc môi giới nhằm chắp nối quan hệ giữa các bên được môi giới với nhau. Trong mục 2 về hoạt động môi giới thương mại thuộc chương V, Luật Thương mại năm 2005 quy định về hoạt động trung gian thương mại không đề cập về hình thức của hợp đồng môi giới thương mại. Tuy nhiên, hợp đồng môi giới thương mại là loại hợp đồng dịch vụ thương mại nên theo quy định tại Điều 74 Luật Thương mại năm 2005 thì hợp đồng môi giới nói riêng và hợp đồng dịch vụ nói chung được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.

Khi giao kết hợp đồng môi giới thương mại các bên nên thỏa thuận những điều, khoản về nội dung cụ thể của việc môi giới, mức thu lao mà bên môi giới sẽ được nhận, thời hạn thực hiện hợp đồng môi giới, quyền và nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm do vi phậm hợp đồng; hình thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng môi giới.

Mọi vướng mắc về các vấn đề pháp lý liên quan đến bài viết, Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài. Công Ty Luật Minh Khuê xin cảm ơn !