Mục lục bài viết
- 1. Mối quan hệ giữa môi trường với quyền con người
- Thứ nhất, môi trường là vấn đề của quyền con người
- Thứ hai, bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa quyền con người
- Thứ ba, bảo vệ và thực hiện tốt quyền con người là điều kiện thiết yếu để có chính sách tốt về môi trường
- 2. Nội dung nguyên tắc và các quyền con người về môi trường
- 2.1. Về các nguyên tắc quyền con người về môi trường
- 2.2. Nội dung các quyền con người đối với môi trường
- 2.3. Trách nhiệm và nghĩa vụ
- 2.4. Về những lưu ý đặc biệt
- 3. Vận dụng cách tiếp cận quyền trong bảo vệ môi trường: Kinh nghiệm quốc tế và ý nghĩa đối với Việt Nam
- 3.1. Kinh nghiệm quốc tế
- 3.2. Ý nghĩa đối với Việt Nam
Tuy nhiên, ở nước ta, hướng tiếp cận này còn khá mới mẻ, vì vậy, việc tìm hiểu mối quan hệ giữa môi trường với quyền con người và kinh nghiệm quốc tế trong vận dụng cách tiếp cận quyền trong bảo vệ môi trường rất có ý nghĩa đối với Việt Nam hiện nay.
1. Mối quan hệ giữa môi trường với quyền con người
Từ phương diện lý luận và thực tiễn bảo vệ môi trường và quyền con người, các học giả, các nhà hoạt động thực tiễn trên lĩnh vực môi trường và quyền con người ở nhiều nước trên thế giới đã chỉ ra sự tương tác qua lại giữa môi trường với sức khỏe và quyền con người. Có thể khái quát mối quan hệ này, trên ba khía cạnh chính sau:
Thứ nhất, môi trường là vấn đề của quyền con người
Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) năm 1945 thiết lập những nguyên tắc cơ bản về tôn trọng nhân phẩm, giá trị vốn có, bảo vệ quyền và các tự do cơ bản của con người; tiếp sau đó, Đại hội đồng LHQ đã ban hành một loạt các tuyên bố và công ước quốc tế về quyền con người, chính thức đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển ngành luật quốc tế về quyền con người. Tuyên bố Stockholm năm 19721 được xác định là cột mốc đầu tiên cho sự gắn kết hai vấn đề tưởng chừng là hai lĩnh vực riêng biệt trong hoạch định chính sách công, nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Trong Tuyên bố Stockholm, Nguyên tắc 1 đã thiết lập nền tảng mối quan hệ giữa quyền con người với bảo vệ môi trường, rằng: “con người có các quyền cơ bản về tự do, bình đẳng và điều kiện sống tối thiểu trong môi trường trong lành, bình đẳng cho phép con người có cuộc sống trong nhân phẩm và hạnh phúc”. Tiếp đó, Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Môi trường và phát triển bền vững năm 19922, đã đưa ra công thức liên kết giữa quyền con người và bảo vệ môi trường trong một số thuật ngữ có tính thủ tục. Nguyên tắc 10 tuyên bố: “Vấn đề môi trường phải được giải quyết một cách tốt nhất với sự tham gia của tất cả các cá nhân liên quan, ở cấp độ thích hợp. Cấp độ quốc gia, mỗi cá nhân sẽ được tiếp cận thông tin thích hợp liên quan đến môi trường, do các cơ quan công quyền lưu giữ, bao gồm cả thông tin về các chất và hoạt động nguy hiểm trong cộng đồng của họ, và có cơ hội được tham gia trong quá trình ban hành các quyết định…3”.
>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi: 1900.6162
Sự gắn kết giữa môi trường và quyền con người được thể hiện khá rõ đối với việc bảo đảm thực hiện các quyền như: quyền được sống; sự toàn vẹn thân thể của mỗi cá nhân, của đời sống mỗi gia đình; quyền đối với sức khỏe, thịnh vượng và phát triển của mỗi cá nhân, cũng như nhóm và cộng đồng xã hội… Tất cả các quyền này đều phụ thuộc vào môi trường sống, môi trường tự nhiên xung quanh con người. Và đây được xác định là cơ sở quan trọng cho cuộc sống của tất cả mọi cá nhân, mọi cộng đồng xã hội.
Hiện nay, sức khỏe của con người đang bị ảnh hưởng ngày càng lớn và hệ quả ngày càng trầm trọng do sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường và hệ sinh thái. Và chính sự ô nhiễm môi trường, sự hủy hoại môi trường tự nhiên đều trực tiếp tác động đến việc hưởng thụ quyền con người của tất cả mọi người. Vì thế, nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của con người là phải nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành, bảo đảm sức khỏe môi trường. Do vậy, cộng đồng thế giới thừa nhận môi trường chính là vấn đề của quyền con người.
Thứ hai, bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa quyền con người
Một sự thật hiển nhiên là, các quyền con người không thể thực hiện được nếu môi trường không được bảo đảm, vì môi trường có liên quan và tác động trực tiếp tới hưởng thụ nhân quyền của mỗi cá nhân và cộng đồng. Vì vậy, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường của con người là nhu cầu thiết yếu để bảo vệ cuộc sống con người, điều kiện tiên quyết bảo đảm nhân phẩm và giá trị của con người, phát triển và hoàn thiện nhân cách con người và tạo ra đặc tính thúc đẩy phúc lợi cho mỗi cá nhân, tập thể và cả cộng đồng xã hội.
Các hoạt động của con người đã làm cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu và chính sự ô nhiễm này đã gây hại cho sức khỏe con người. Do vậy quyền sống của con người đang bị ảnh hưởng trực tiếp hàng ngày do sự ô nhiễm về không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm nguồn đất…
Theo pháp luật về môi trường và luật nhân quyền quốc tế, trách nhiệm bảo vệ môi trường và quyền con người trước hết thuộc về Nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các quyền con người về môi trường.
Thứ ba, bảo vệ và thực hiện tốt quyền con người là điều kiện thiết yếu để có chính sách tốt về môi trường
Để có chính sách tốt về bảo vệ môi trường, đòi hỏi các quyền con người phải được bảo đảm thực hiện. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực môi trường cho rằng, để có được chính sách tốt về môi trường chỉ có thể thông qua việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin, sự tham gia của dân chúng trong việc ban hành các quyết định về môi trường và tiếp cận tư pháp liên quan tới môi trường. Các quyền này được gọi là các quyền có tính chất thủ tục (Procedural rights).
Thực tiễn cho thấy, quyền tiếp cận thông tin, sự tham của công chúng và tiếp cận tư pháp có tác động rất lớn đền việc hiện thực hóa các quyền về môi trường. Các quyền này nhằm giúp cho công dân đóng vai trò tích cực, chủ động hơn đối với các quyết định, chính sách của Nhà nước có liên quan tới môi trường; thực hiện dân chủ hóa đối với các quyết định, chính sách về môi trường, thông qua việc đưa cá nhân, các nhóm tư nhân và những người thường xuyên hứng chịu sự tác động và ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm môi trường tham gia vào hoạch định chính sách có liên quan tới môi trường. Chính sự tham gia này, sẽ hạn chế quyền lực “quan liêu” của những người ban hành chính sách, bảo đảm sự cân bằng giữa lợi ích bảo vệ môi trường - phát triển bền vững với nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Và vì vậy, việc thực hiện các quyền có tính chất thủ tục này là rất quan trọng để có được chính sách tốt về môi trường và qua đó sẽ tạo ra một môi trường bảo đảm cho sức khỏe, bảo vệ lợi ích số đông, lợi ích cộng đồng, bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong xã hội, như trẻ em, phụ nữ, người nghèo, dân tộc thiểu số…
2. Nội dung nguyên tắc và các quyền con người về môi trường
Do tính chất và tầm quan trọng bảo vệ quyền con người về môi trường, một bản dự thảo Tuyên ngôn về nguyên tắc và các quyền con người đã chính thức được một nhóm các chuyên gia về nhân quyền và luật môi trường quốc tế trình lên các cơ quan của LHQ để lấy ý kiến. Trong bản dự thảo Tuyên ngôn, đã tuyên bố một cách toàn diện về các thành phần thiết yếu của quyền con người đối với môi trường. Và nếu Tuyên ngôn được thông qua, sẽ là văn kiện pháp lý quan trọng nhất thiết lập các chuẩn mực quốc tế về quyền con người với môi trường và phản ánh sự phát triển hướng tới sự công nhận và bảo đảm quốc tế đối với các quyền về môi trường.
Dự thảo Tuyên ngôn gồm 27 điểm, 5 phần. Lời nói đầu nhấn mạnh quyền tự quyết và quyền phát triển, và sự gắn kết giữa môi trường và quyền con người. Đó là “sự vi phạm quyền con người dẫn tới sự xuống cấp của môi trường và sự xuống cấp của môi trường dẫn tới sự vi phạm quyền con người”.
2.1. Về các nguyên tắc quyền con người về môi trường
Phần I của Dự thảo Tuyên ngôn, đưa ra những khái niệm chung về các nguyên tắc.
- Nguyên tắc 1: Khẳng định các quyền con người, môi trường sinh thái, phát triển bền vững và hòa bình là phụ thuộc lẫn nhau và không thể chia cắt.
- Nguyên tắc 2: Khẳng định mọi người có quyền đối với môi trường an toàn, sức khỏe và môi trường sinh thái.
- Nguyên tắc 3: Khẳng định quyền không phân biệt đối xử liên quan tới các hành động và quyết định có tác động tới môi trường.
- Nguyên tắc 4: Thiết lập nguyên tắc về tính công bằng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện nay và mai sau.
2.2. Nội dung các quyền con người đối với môi trường
a) Các quyền thiết yếu5 (substantive rights)
- Quyền của mọi người được sống trong môi trường không bị ô nhiễm, coi là một phần thiết yếu của quyền sống, sức khỏe, kế sinh nhai, sự thịnh vượng, hay phát triển bền vững dọc biên giới hoặc ngoài biên giới quốc gia
- Quyền được bảo vệ và bảo tồn không khí, đất trồng, nước, biển, thực vật, động vật và sở hữu; bảo vệ những khu vực cần thiết để duy trì sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái
- Quyền có tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe môi trường
- Quyền thực phẩm, nước sạch vệ sinh, an toàn và sức khỏe từ môi trường
- Quyền có môi trường lao động bảo đảm sức khỏe và an toàn
- Quyền nhà ở tối thiểu, đất đai, điều kiện sống an toàn, sức khỏe và môi trường sinh thái tốt
- Quyền không bị trục xuất khỏi nhà ở, đất đai vì mục đích hay là kết quả của những quyết định hay hành động ảnh hưởng tới môi trường, ngoại trừ trong trường hợp khẩn cấp hoặc vì lợi ích của toàn xã hội
- Quyền được tham gia một cách hiệu quả trong việc ban hành các quyết định liên quan tới việc trục xuất, di dời hay tái định cư; có đủ thời gian bảo đảm việc khôi phục, đền bù một cách hiệu quả hay thích hợp và có đủ chỗ ở hay đất đai
- Quyền được trợ giúp liên quan tới thảm họa tự nhiên hay thảm họa do con người gây ra
- Quyền được hưởng lợi một cách công bằng từ việc bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên
- Quyền của các dân tộc bản địa được kiểm soát đất đai, lãnh thổ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên và duy trì bản sắc lối sống của họ. Gồm cả quyền an ninh trong việc hưởng thụ các phương tiện sinh tồn.
b) Các quyền thủ tục6 (Procedural rights)
- Quyền tiếp cận thông tin liên quan tới môi trường
- Quyền giữ, bày tỏ quan điểm và tuyên truyền những ý tưởng và thông tin liên quan tới môi trường
- Quyền được giáo dục nhân quyền và môi trường
- Quyền được tham gia một cách tích cực, tự do và có ý nghĩa trong lập kế hoạch, ban hành quyết định, có tác động đến môi trường và phát triển. Quyền này bao gồm quyền đánh giá tác động trước về môi trường, phát triển và hậu quả tác động của quyền con người đối với các đề xuất hành động
- Quyền tham gia hội họp một cách tự do và hòa bình với người khác với mục đích bảo vệ môi trường
- Quyền được bồi thường và đền bù thiệt hại một cách hiệu quả liên quan tới môi trường.
2.3. Trách nhiệm và nghĩa vụ
- Tất cả mọi người, cá nhân và tập thể có nghĩa vụ bảo vệ và bảo tồn môi trường.
- Nhà nước có trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ quyền sống trong môi trường an toàn, sức khỏe và bảo đảm phương kế sinh nhai.
- Những biện pháp này nhằm mục đích ngăn ngừa tác hại của môi trường, bảo đảm đền bù tối thiểu, sử dụng bền vững tài nguyên tự nhiên và sẽ:
+ Thu thập và phổ biến thông tin liên quan tới môi trường;
+ Đánh giá trước, kiểm soát, cấp giấy phép, ban hành quy định hay ngăn cấm các hoạt động và những nguồn gây hại tới môi trường;
+ Sự tham gia của công chúng vào việc ban hành các quyết định có liên quan;
+ Khôi phục và đền bù thiệt hại theo thủ tục tư pháp và hành chính đối với những thiệt hại do môi trường gây ra và những đe dọa;
+ Giám sát, quản lý và chia sẻ một cách công bằng nguồn tài nguyên thiên nhiên;
+ Có biện pháp kiểm soát chất thải gây hại;
+ Trong khi thực hiện nghĩa vụ về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và tôn trọng nhân quyền, có biện pháp bảo đảm hợp tác xuyên quốc gia;
+ Bảo đảm các tổ chức quốc gia và các cơ quan giám sát các quyền và nghĩa vụ trong Tuyên ngôn này.
2.4. Về những lưu ý đặc biệt
- Lưu ý quan tâm tới những người và những nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người bản địa, người nhập cư và người nghèo
- Các quyền nêu trong Tuyên ngôn này, chỉ có thể bị hạn chế theo luật và là cần thiết để bảo vệ trật tự công cộng, sức khỏe và các quyền, tự do cơ bản của những người khác.
3. Vận dụng cách tiếp cận quyền trong bảo vệ môi trường: Kinh nghiệm quốc tế và ý nghĩa đối với Việt Nam
3.1. Kinh nghiệm quốc tế
Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau bàn về cách tiếp cận quyền trong việc bảo vệ môi trường. Tiếp cận quyền trong bảo vệ môi trường cho phép nâng cao chất lượng sống của tất cả mọi người và con người trở thành trung tâm trong việc ban hành các chính sách, pháp luật. Michael Anderson, tác giả nổi tiếng cuốn sách “Tiếp cận quyền con người trong bảo vệ môi trường9” đã gợi ý ba cách tiếp cận: Thứ nhất, huy động và sử dụng các quyền đang tồn tại để đạt được mục đích môi trường; thứ hai, giải thích lại các quyền hiện có, tính đến cả các mối quan tâm về môi trường và thứ ba là tạo ra các quyền mới bao hàm đủ các đặc tính của môi trường.
- Thứ nhất, huy động và sử dụng các quyền đang tồn tại. Đó là các quyền về dân sự, chính trị; quyền kinh tế xã hội và văn hóa; quyền tự quyết. Các quyền này đã được quy định trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 196610.
Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị cung cấp khuôn khổ pháp lý và đạo đức bảo đảm quyền sống, quyền bình đẳng, quyền tham gia vào công việc nhà nước, xã hội; quyền tự do hiệp hội, hội họp và lập hội; quyền tự do và an ninh cá nhân; quyền bồi thường và đền bù thiệt hại… Sự bảo đảm này là điều kiện tiên quyết để huy động sự tham gia của mọi người trong bảo vệ môi trường. Quy định và xác lập trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các quyền và tự do cơ bản của cá nhân.
Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cung cấp khuôn khổ pháp lý và đạo đức bảo vệ môi trường thông qua việc thiết lập chuẩn mực cho sự thịnh vượng chung của cá nhân và tập thể, bao gồm bảo đảm pháp lý đối với các quyền về sức khỏe, quyền của tất cả mọi người được quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; quyền có điều kiện sống tối thiểu của cá nhân và gia đình, quyền về thực phẩm, quyền chăm sóc sức khỏe, quyền giáo dục…
Quyền tập thể, như quyền tự quyết được quy định tại Điều 1 chung của hai công ước năm 1966, cũng đóng góp vào việc bảo vệ môi trường. Điều 1 của hai Công ước quy định: “Vì lợi ích của mình, các dân tộc có quyền tự do định đoạt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và của cải của mình miễn là không làm phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ hợp tác kinh tế, quốc tế, mà dựa trên nguyên tắc các bên cùng có lợi và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được phép tước đi những phương tiện sinh tồn của một dân tộc”.
- Thứ hai: Giải thích lại các quyền hiện có. Nhiều nhà hoạt động môi trường và quyền con người hiện nay cho rằng, huy động và sử dụng các quyền hiện có là chưa đủ để bảo vệ môi trường, do vậy các quyền hiện có nhất định phải được giải thích lại trong bối cảnh có sự liên quan của các vấn đề môi trường.
Trên thế giới, nhiều nước đã giải thích lại các quyền hiện có. Ví dụ: Tòa án ở Ấn Độ, đã có một tiến bộ đáng kể trong việc giải thích lại các quyền hiện có trong Hiến pháp, mở rộng nội hàm khái niệm quyền sống, bao hàm cả các quy tắc liên quan đến bảo vệ môi trường. Tòa án Ấn Độ đã giải thích rằng, quyền sống của con người không chỉ là sự tồn tại, mà bao hàm cả quyền được sống trong môi trường sức khỏe không bị ô nhiễm, một môi trường có sự cân bằng về hệ sinh thái và được Nhà nước bảo vệ.
Hiện nay ở châu Phi, châu Âu và châu Mỹ, các công ước nhân quyền khu vực đều cung cấp các bảo đảm cụ thể để bảo vệ quyền sức khỏe môi trường; công nhận tầm quan trọng của sự tham gia của cộng đồng liên quan tới các quyết định về môi trường. Có khoảng 60 nước trên thế giới đã công nhận trong Hiến pháp về quyền sức khỏe môi trường. Ví dụ Hiến pháp Nam Phi quy định, mọi người có quyền: có môi trường không gây hại tới sức khỏe và sự thịnh vượng của con người; quyền có môi trường được bảo vệ vì lợi ích của các thế hệ hiện nay và mai sau11.
Nhiều nước khác công nhận quyền tiếp cận thông tin và tìm kiếm các bồi thường thiệt hại do môi trường gây ra. Ví dụ, Hiến pháp Liên bang Nga thừa nhận, quyền môi trường tối thiểu bao gồm tiếp cận thông tin chính xác và đền bù do gây hại tới sức khỏe con người hay tài sản do vi phạm môi trường12.
Bảo vệ bằng Hiến pháp đối với các quyền môi trường là cơ hội để mọi người dân tác động/hay gây sức ép lên Chính phủ đối với việc ban hành các quyết định có thể gây tác động xấu đến cuộc sống cộng đồng dân cư và môi trường tự nhiên xung quanh.
Hiến chương châu Phi năm 1981 đã công nhận quyền của tất cả mọi người có môi trường tối thiểu, nhằm thỏa mãn đối với sự phát triển và thịnh vượng chung của cộng đồng, xã hội. Tổ chức Kinh tế và Phát triển châu Âu (OECD) đã quy định “môi trường tối thiểu” nên được thừa nhận là quyền con người cơ bản. Ủy ban Kinh tế của LHQ về châu Âu (UNEEC) đã dự thảo Hiến chương về các quyền và nghĩa vụ về môi trường, nhằm khẳng định các nguyên tắc cơ bản mọi người có quyền môi trường tối thiểu cho sức khỏe và thịnh vượng.
- Thứ ba, tạo ra các quyền mới: Tiếp cận này liên quan tới việc công nhận và thực hiện quyền môi trường trong bối cảnh phát triển bền vững đã chỉ ra mối quan hệ rõ ràng giữa bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền với việc bảo tồn, bảo vệ và khôi phục môi trường.
Việc tạo ra các quyền mới đòi hỏi cộng đồng quốc tế cùng nhau hợp tác và xây dựng các chuẩn mực quốc tế chung để ứng phó với thách thức ngày càng gia tăng đối với môi trường và phát triển. Các quyền mới chứa đựng các quy tắc và tiêu chuẩn chung về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đồng thời ngày càng được bổ sung các nội dung mới, dựa trên sự phát triển và tác động của môi trường.
3.2. Ý nghĩa đối với Việt Nam
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết và không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan tới bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Một loạt các văn bản pháp luật, như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học… và nhiều văn bản dưới luật đã được ban hành, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc bảo vệ môi trường, hệ sinh thái ở nước ta. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm quốc tế và thực trạng thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta trong thời gian qua, cho thấy môi trường, hệ sinh thái ở nước ta không những chưa thực sự được cải thiện mà vẫn đang bị suy thoái và xuống cấp nghiêm trọng.
Nghiên cứu hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành cho thấy, hầu hết các quy phạm pháp luật mới chỉ dừng lại nguyên tắc chung, có tính định khung; chưa chú trọng việc lồng ghép cách tiếp cận quyền con người trong bảo vệ môi trường. Các quy định của pháp luật, chưa làm rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan tới bảo vệ môi trường; chưa làm rõ việc bảo vệ môi trường không chỉ thuộc trách nhiệm của Nhà nước mà còn là quyền và trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi cá nhân và công dân, cộng đồng dân cư. Pháp luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng cả về quy trình, thủ tục để mọi cá nhân, công dân có thể tham gia vào việc giám sát bảo vệ môi trường; tham gia vào việc ban hành các quyết định và tiếp cận tư pháp trong lĩnh vực môi trường. Vì thế, hệ thống pháp luật có liên quan tới bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay chưa thực sự thu hút, lôi kéo được quần chúng nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia giám sát bảo vệ môi trường.
Trước thực trạng đó, dựa trên cách tiếp cận quyền con người trong bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay, cần rà soát, đánh giá lại hiện trạng pháp luật hiện hành, bổ sung, hoàn thiện theo hướng lồng ghép cách tiếp cận quyền con người vào việc hoạch định chính sách và pháp luật có liên quan tới bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc hoàn thiện hơn các quy định về xử lý hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, cần nghiên cứu bổ sung quy định trong Hiến pháp về công dân có quyền được sống và bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn; quyền và trách nhiệm của cá nhân, công dân được tham gia giám sát bảo vệ môi trường. Nghiên cứu bổ sung và quy định chi tiết trong các văn bản luật và dưới luật về quyền của công dân, các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng như mật trận, thanh niên, phụ nữ, nông dân… được tham gia vào việc ban hành các quyết định, chính sách có liên quan tới môi trường và giám sát bảo vệ môi trường; quy định cụ thể hơn cả về trình tự, thủ tục liên quan tới quyền của cá nhân, công dân được tiếp cận thông tin về môi trường và trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp cung cấp và công khai thông tin, tác hại ảnh hướng đến môi trường; quy định cụ thể về trình tự, thủ tục khởi kiện, trình tự khiếu nại đối với các quyết định, chính sách có tác động đến môi trường; quyền được đền bù thiệt hại, đánh giá tác động, thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường, tác động/ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe, quyền lợi về vật chất, tinh thần của cá nhân, công dân và của cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, để tăng cường thực thi pháp luật về môi trường, Nhà nước sớm nghiên cứu đào tạo chuyên sâu và phát triển đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật, trước hết là cán bộ điều tra, luật sư, công tố viên và thẩm phán về môi trường; có chính sách hỗ trợ các văn phòng luật sư, văn phòng tư vấn pháp luật nhằm tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý cho người dân, cộng đồng dân cư, và giúp người dân giám sát việc thi hành pháp luật, khởi kiện đối với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, công dân và cộng đồng, dân cư.
TS.Tường Duy Kiên - Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. (theo: nclp.org.vn)
------------------------------------------------------
DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN:
1. Tư vấn xin cấp phép đầu tư;
2. Tư vấn cấp giấy chứng nhận đầu tư;
3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp liên doanh;
4. Các dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư trong nước;