Mục lục bài viết
1. Một số vụ ô nhiệm môi trường
Thứ nhất, vụ gây ô nhiễm môi trường biển do công ty Formosa “lộ ra” từ hiện tượng các chết ngày 6-4-2016 trên vùng biển cảng Vũng Áng thuộc địa phận thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Hiện tượng thủy sản chết lan trên diện rộng, bắt đầu từ vùng ven biển Hà Tĩnh, lan tiếp dọc ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Sự cố này đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trưởng, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nhất là ngành thủy sản, tiếp đến là hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch và đời sống sinh hoạt của ngư dân.
Nguyên nhân gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại ven biển bốn tỉnh miền Trung được xác định do công ty Formosa gây ra trong quá trình vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy, đã có những vi phạm và để xảy ra sự cố, dẫn tới nước thải có chứa độc tố phenol, xyanua chưa được xử lý đạt chuẩn xả ra môi trường. Công ty Formosa đã nhận trách nhiệm, xin lỗi Chính phủ, nhân dân và bồi thường 500 triệu USD.
Thứ hai, vụ gây ô nhiễm môi trường trên sông Bưởi (Thanh Hóa) xảy ra từ tháng 3 và 4-2016 do nhà máy mía đường Hòa Bình (Hòa Bình) ở thượng nguồn sông Bưởi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm hạ lưu sông Bưởi, làm cá sông và cá nuôi lồng bè chết hàng loạt ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).
Nước thải của nhà máy đã làm nước sông Bưởi ô nhiễm, đổi màu đục, nổi bọt và bốc mùi hôi thối. Nguồn nước sông ô nhiễm đã đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của người dân 15 xã huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Nhà máy mía đường Hòa Bình cũng đã nhận trách nhiệm và bồi thường 1,4 tỉ đồng cho người dân khu vực chịu thiệt hại.
Thứ ba, vụ gây ô nhiễm bước sông Cẩm Đàn, Sơn Động (Bắc Giang) được xác định do nước thải trong quá trình tuyển luyện khoáng sản có chứa bùn thải và nhiều chất độc của Công ty cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường chưa được xử lý, xả trực tiếp ra sông.
Tháng 7-2016 Bộ TN-MT đã thanh tra toàn diện và yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang xử lý các vi phạm của công ty Á Cường, áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép xả nước thải, buộc công ty thực hiện đầy đủ các yêu cầu, quy định về bảo vệ môi trường.
Thứ tư, vụ cá chết diện rộng tại hồ Tây, Hà Nội xảy ra từ cuối tháng 9, đầu tháng 10-2016, trong đó kết quả điều tra, xác minh cho thấy nguyên nhân làm cá chết là do nước hồ Tây bị ô nhiễm nặng chất hữu cơ. Quá trình ô xy hoá mạnh diễn ra trong nước hồ đã dẫn tới thiếu hụt oxy, đồng thời sinh ra khí độc HN3 là những yếu tố gây ra hiện tượng chết cá.
Thứ năm, vụ ô nhiễm môi trường từ sự cố vỡ cống thoát nước thải ngầm dưới dáy hồ chứa bùn thải từ nhà máy tuyển nổi chì kẽm của Công ty TNHH CKC tại Lạng Cá, thị trấn Pác Miêu, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) vào tháng 1-2016 làm khoáng 2.000m3 bùn thải thoát ra môi trường, chảy vào khu vực canh tác và chảy ra sông Gâm qua suối Bản Khun. Sự cố gây ô nhiễm môi trường đất của người khu vực sản xuất nông nghiệp lân cận và nước sông Gâm cũng đã bị ô nhiễm nặng, không sử dụng được cho sinh hoạt và sản xuất, làm chết một số lượng lớn cá tự nhiên, cá lồng nuôi.
2. Cải thiện thể chế
Trước khi xây dựng văn bản luật phải có khảo sát đánh giá và xuất phát từ nhu cầu thực tế và mục tiêu phát triển của quốc gia, địa phương), các dự án lớn bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường.
Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Tăng cường cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác BVMT đối với các dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhằm phòng tránh hơn là để xảy ra sự cố môi tường mới thanh tra và kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về BVMT. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu; tăng cường công tác BVMT các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề. Triển khai đồng bộ hệ thống quan trắc chất thải tại nguồn tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp về cơ quan quản lý. Phát huy hiệu quả và mở rộng đến cấp huyện, cấp xã đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, tố giác của cộng đồng về ONMT. Tăng cường năng lực quản lý CTR sinh hoạt đô thị và nông thôn; triển khai triệt để công tác phân loại rác thải tại nguồn, nâng cao năng lực thu gom và phát triển công nghệ xử lý CTR phù hợp, chú trọng xây dựng cơ chế để giảm thiểu, quản lý chặt chẽ rác thải nhựa từ đất liền ra biển. Tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia liên quan đến BVMT, bảo tồn ĐDSH, bảo vệ và phát triển rừng. Xử lý rứt điểm và triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thúc đẩy thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm các nguồn nước mặt, đặc biệt trong các khu đô thị, khu dân cư, đẩy nhanh tiến độ cải tạo và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, dioxin. Tăng cường đầu tư xây dựng và thực hiện các chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường và ĐDSH; ưu tiên cho các vùng kinh tế trọng điểm, khu thập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường. Quan trắc, giám sát chặt chẽ diễn biến chất lượng môi trường nước các lưu vực sông, chất lượng không khí ở các đô thị lớn. Tăng cường quan trắc và giám sát môi trường xuyên biên giới, nhất là đối với các lưu vực sông xuyên biên giới, môi trường biển, các tác động do mở cửa thương mại kinh tế, tình trạng dịch chuyển công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu từ các nước trong khu vực và trên thế giới vào Việt Nam. Kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập khẩu các sinh vật ngoại lai và sinh vật biến đổi gen từ nước ngoài về Việt Nam.
Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các bên liên quan tham gia vào các quyết định liên quan đến môi trường của địa phương, các quy định và tranh luận về môi trường của người dân cần được lắng nghe; coi trọng truyền thông công cộng, hoạt động công khai thông tin môi trường, ...; Đẩy mạnh các hoạt động thực hiện pháp luật (tăng cường nguồn lực thực thi); Cơ cấu tổ chức quản lý môi trường, cơ chế phối hợp và cơ chế trách nhiệm cần được xem xét và cải thiện (phân định rõ ràng cả quyền hạn, trách nhiệm)
3. Xây dựng năng lực
Năng lực phát triển chính sách môi trường và thực hiện cần phải được tăng cường (thông qua hình thức như giáo dục, cơ chế chính sách đào tạo, tham gia môi trường thực tế - các dự án đang triển khai,...).
Tăng cường nguồn nhân lực và năng lực quản lý nhà nước về BVMT các cấp: Ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực đủ mạnh và tăng cường năng quản lý nhà nước về BVMT từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng và kiện toàn cơ cấu tổ chức của các cơ quan Trung ương và địa phương để đảm bảo thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về BVMT hiệu lực, hiệu quả. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường các cấp.
4. Nâng cao nhận thức các cấp (từ hoạch định chính sách đến cấp cộng đồng)
Tiếp tục thay đổi nhận thức, tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của môi trường sinh thái, trên cơ sở này xây dựng ý thức sinh thái, tức là làm cho mọi người nhận thức được một cách tự giác về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Con người cần phải nhận thức lại vị trí vai trò của mình và xã hội trong hệ thống tự nhiên. Thông qua quá trình phát triển khoa học công nghệ, nhất là trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, con người cần nắm bắt được các quy luật của tự nhiên và tìm cách vận dụng một cách hợp lý các quy luật đó vào thực tiễn của xã hội, để tạo cơ sở tự nhiên bền vững cho phát triển xã hội.
Xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo và giáo dục môi trường trong hệ thống giáo dục phổ thông các cấp phù hợp với điều kiện và chương trình giáo dục của Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thực về BVMT, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít chất thải, các bon thấp theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, các vùng miền và khu vực. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động đào tạo, truyền thông về môi trường; cung cấp thông tin kịp thời về BVMT trên các Phương tiện thông tin truyền thông đại chúng. Truyền thông mạnh mẽ để tạo phong trào rộng lớn trong toàn dân tham gia BVMT, bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH. Đẩy mạnh công tác xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, phóng sự. Phát hiện, nêu gương, tạo phong trào, nhân rộng các điển hình, mô hình tốt, cách làm hay để tạo chuyển biến tích cực trong toàn xã hội.
5. Tăng cường hợp tác quốc tế, phối kết hợp giữa các ban ngành, đoàn thể
Hợp tác quốc tế về môi trường là một trong những nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) được đề cập trong các Luật BVMT, và là giải pháp quan trọng trong các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về môi trường. Trong hơn 20 năm qua, hợp tác quốc tế về môi trường đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho thành công chung của các hoạt động BVMT ở nước ta. Mỗi giai đoạn phát triển, hợp tác quốc tế về môi trường có những phạm vi, đặc thù và hình thức khác nhau. Cụ thể là, trong những năm 90 thế kỷ trước, hợp tác quốc tế về môi trường chủ yếu được thực hiện qua các dự án hợp tác song phương với Thụy Điển, Ca-na-đa, với nội dung tập trung vào nâng cao năng lực xây dựng thể chế và hình thức là tiếp nhận viện trợ.
Đến nay, hợp tác đã được mở rộng thông qua nhiều đối tác song phương như: Đan Mạch, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc… cũng như các tổ chức quốc tế đa phương (Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Quỹ Môi trường toàn cầu, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, ASEAN). Nội dung hợp tác đã đi vào chiều sâu, bao gồm hầu hết các lĩnh vực quản lý môi trường như đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm, xử lý ô nhiễm hóa chất tồn lưu, bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu… Hình thức hợp tác được chuyển đổi từ tiếp nhận viện trợ, sang quan hệ đối tác cùng hợp tác giải quyết vấn đề…
Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về môi trường trong thời gian tới, chúng ta thay đổi tư duy về hợp tác quốc tế, chuyển từ quan niệm thụ động tiếp nhận viện trợ sang chủ động hội nhập, sẵn sàng cùng tham gia, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi. Tăng cường đầu tư tài lực và nhân lực cho hợp tác quốc tế về môi trường; bố trí kinh phí để thực hiện các sáng kiến, các sự kiện do Việt Nam chủ trì, tiến tới cử đại diện Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế về môi trường.
LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm)